Khớp hàm được nối với sọ thông qua khớp bản lề nằm trước mỗi bên tai. Nếu xương lệch khỏi khớp này, nghĩa là bạn đã bị trật khớp hàm. Đây là tình trạng thường xảy ra ở những người đã từng có tiền sử mắc chứng này trong quá khứ, hoặc những người bị lỏng dây chằng và cơ xương hàm do mắc các rối loạn khớp thái dương hàm. Trật khớp hàm thường bị gây ra bởi các chấn thương, hoặc đơn giản là do miệng bị mở rộng quá mức như ngáp, nôn hoặc mở miệng khi khám nha khoa trong thời gian dài.
Vậy đâu là dấu hiệu của trật khớp hàm và bạn nên làm gì để điều trị và ngăn ngừa tình trạng này xảy ra?
Dấu hiệu và triệu chứng của trật khớp hàm là gì?
Các triệu chứng của trật khớp hàm bao gồm:
- Cảm giác hàm không khớp khi cắn răng lại;
- Gặp khó khăn khi nói;
- Chảy nước dãi do không thể đóng miệng;
- Không thể đóng (ngậm) miệng;
- Hàm nhô ra phía trước;
- Đau ở mặt hoặc hàm, đau ở trước tai hoặc vùng bị ảnh hưởng và ngày càng đau hơn nếu phải cử động;
- Răng không đều và không khớp với nhau.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.
Bạn nên làm gì khi bị trật khớp hàm?
Bạn có thể áp dụng các phương pháp tại nhà để giảm khó chịu do trật khớp hàm gây ra:
- Để giảm đau và giảm sưng, hãy chườm một túi đá (đá viên đặt trong túi nhựa, dùng khăn quấn lại) lên vị trí bị trật trong 20 phút, mỗi 1 – 2 tiếng trong ngày đầu để giảm đau. Tiếp tục lặp lại 3 – 4 lần một ngày cho đến khi hết đau và sưng;
- Bạn có thể dùng acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen (Motrin, Advil) để giảm đau, trừ khi bác sĩ đã kê thuốc khác cho bạn;
- Trong những tuần đầu, chỉ ăn thức ăn mềm;
- Trong 6 tuần, không được mở miệng quá rộng. Hãy cẩn thận khi ngáp, cắn thức ăn lớn, la, hát hoặc nói quá to;
- Nếu bạn phải ngáp, hay đặt nắm đấm tay bên dưới cằm để ngăn ngừa mở miệng quá rộng.
Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?
Nếu bị trật khớp hàm, bạn cần được chăm sóc y tế đúng cách. Hãy đến bác sĩ và nha sĩ để được điều trị kịp thời. Gọi cấp cứu nếu bạn khó thở và chảy máu.
Báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ nếu cơn đau vẫn không thuyên giảm dù bạn đã uống thuốc giảm đau, hay khi trật khớp hàm tái phát.
Làm thế nào để phòng ngừa trật khớp hàm?
Để phòng ngừa trật khớp hàm, bạn nên:
- Tuân thủ các biện pháp an toàn trong khi làm việc, lao động, chơi thể thao và giải trí như đội nón bảo hiểm, dùng miếng bảo vệ miệng;
- Không mở miệng quá rộng như ngáp hoặc ăn thức ăn kích thước lớn;
- Hạn chế các cử động quá sức ở khớp hàm;
- Luôn đặt tay dưới cằm khi ngáp để ngăn ngừa tình trạng há miệng quá rộng;
- Nếu trật khớp hàm tái phát nhiều lần, bạn có thể cần phải phẫu thuật.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị phát sinh nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.