Xét nghiệm nước tiểu là một phần không thể thiếu trong các lần khám thai định kỳ để bác sĩ kiểm tra nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Trong số các kết quả xét nghiệm nước tiểu thì chỉ số protein niệu khi mang thai là điều mà bạn cần quan tâm để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Protein niệu được định nghĩa là sự hiện diện của protein trong nước tiểu. Trong thời gian mang thai, xét nghiệm sàng lọc protein niệu là vô cùng cần thiết bởi nó giúp phát hiện những thay đổi nghiêm trọng đang diễn ra liên quan đến sức khỏe của người mẹ và em bé để có thể điều trị kịp thời.
Khi mang thai, protein hiện diện trong nước tiểu với một lượng nhỏ là một điều bình thường. Tuy nhiên, đôi khi chỉ số này có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng thận, căng thẳng, nhiễm trùng và một số bệnh lý khác.
Protein niệu khi mang thai
Protein niệu khi mang thai thường được xác định thông qua việc phân tích nước tiểu. Trong thai kỳ bình thường, protein niệu tăng đáng kể, do đó sự bài tiết protein được coi là bất thường ở phụ nữ mang thai khi nó vượt quá 300mg/24 giờ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy các bệnh lý về thận. Protein niệu có hai loại: protein niệu mãn tính và protein niệu khởi phát.
- Protein niệu mãn tính là tình trạng nước tiểu của bạn đã có protein trước khi mang thai. Nếu tình trạng này xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ thì đây là một dấu hiệu của bệnh thận trước đó.
- Protein niệu khởi phát là tình trạng protein xuất hiện trong nước tiểu khi mang thai và có nhiều khả năng là do tiền sản giật.
Nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai
Thận có chức năng lọc chất thải từ máu và giữ lại các thành phần mà cơ thể cần, bao gồm cả protein, nhưng do các vấn đề về sức khỏe, thận để “lọt” những protein này vào nước tiểu:
1. Tiền sản giật
Tiền sản giật là một rối loạn thai nghén đặc trưng bởi có huyết áp cao và thường có lượng protein lớn trong nước tiểu. Tình trạng này không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng nếu nghiêm trọng, bạn có thể bị đau đầu, sưng tay, mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, ít đi tiểu và mắt mờ. Tiền sản giật nặng có thể làm ảnh hưởng chức năng của thận, gan, não, mắt, tim và phổi.
2. Sản giật
Sản giật là tình trạng co giật xảy ra đồng thời với tiền sản giật. Các cơn co giật này thường xảy ra trước, trong hoặc sau khi chuyển dạ. Đây là một trường hợp nguy hiểm cần phải can thiệp ngay lập tức.
3. Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP, biến thể tiền sản giật, có thể đe dọa đến tính mạng của bạn và bé. Hội chứng này có đặc trưng là thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Triệu chứng của tình trạng này cũng giống như tiền sản giật: buồn nôn, nôn, đau bụng trên, đau đầu, mệt mỏi, mắt mờ. Hội chứng HELLP có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương gan, thận, phù phổi, bong nhau thai và hội chứng đông máu rải rác nội mạch.
Trong thời gian mang thai, hội chứng tiền sản giật làm tăng nguy cơ sản giật và HELLP. Các tình trạng này có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi như thai nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu, thai tăng trưởng chậm trong tử cung…
4. Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng thận
Sự hiện diện của protein trong nước tiểu khi mang thai có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Bạn nên xem xét:
- Mình có thường xuyên đi tiểu không?
- Có cảm thấy khó chịu khi đi tiểu không?
Nhiễm trùng đường tiết niệu phải được điều trị kịp thời để tránh các tình trạng như nhiễm trùng thận, thường xuất hiện dưới dạng đau lưng, nôn, buồn nôn và ớn lạnh. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến bé gây sinh non hoặc sinh nhẹ cân. Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê cho bạn một loại kháng sinh an toàn đối với thai phụ.
5. Các yếu tố khác gây ra protein niệu khi mang thai
Dưới đây là một số lý do khác dẫn đến tình trạng nước tiểu có protein trong thai kỳ:
- Căng thẳng quá mức
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao
- Sốt
- Mất nước
- Tập thể dục quá nặng
- Bệnh bạch cầu, lupus ban đỏ, bệnh thận mãn tính, viêm khớp và đái tháo đường.
Triệu chứng của protein niệu khi mang thai
Bạn có thể nhận biết protein niệu thông qua các triệu chứng sau:
- Bàn tay và bàn chân bị sưng
- Khuôn mặt bị sưng
- Nước tiểu có bọt.
Từ giữa thai kỳ, bạn nên để ý đến các dấu hiệu tiền sản giật như:
- Mắt mờ
- Sưng tay, chân và mặt
- Đau đầu liên tục
- Ợ nóng dai dẳng
- Đau dữ dội bên dưới vùng xương sườn.
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng trên. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ tuần thứ 27 của thai kỳ hoặc trong những tuần đầu sau sinh.
Xét nghiệm và chẩn đoán protein niệu khi mang thai
Có nhiều phương pháp để phát hiện protein niệu như:
1. Phân tích nước tiểu bằng que thăm dò
Với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nước tiểu của bạn và thử với que thăm dò nước tiểu có dải thuốc thử hóa học. Lúc này, các phản ứng hóa học sẽ xảy ra và cho ra những màu sắc khác nhau. Que thử này cũng có thể cho thấy sự hiện diện của glucose. Do đó, nó cũng có thể được sử dụng để sàng lọc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Albumin là loại đạm chủ yếu trong nước tiểu làm que thăm dò chuyển màu xanh lá cây. Màu xanh càng đậm, càng nhiều đạm niệu.
2. Xét nghiệm protein nước tiểu trong 24 giờ
Xét nghiệm này có thể được thực hiện tại nhà hoặc trong bệnh viện. Bạn sẽ được lấy mẫu nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ và đem đi phân tích. Nếu protein trong nước tiểu là hơn 300mg trong 24 giờ, đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Nồng độ protein trong nước tiểu được xem là bình thường khi:
- Không mang thai: Ít hơn 140mg (0,14g)/24 giờ
- Mang thai 3 tháng giữa: 0 đến 255mg (0,26g)/24 giờ
- Mang thai 3 tháng cuối: 0 đến 254mg (0,25g)/24 giờ
Protein trong nước tiểu với một lượng nhỏ là một điều phổ biến trong thai kỳ. Tình trạng này có thể là do nhiều nguyên nhân và thậm chí cũng có thể là do thận đang hoạt động tốt hơn hoặc do cơ thể đang chống lại một nhiễm trùng nào đó.
Xét nghiệm protein nước tiểu sẽ được thực hiện trong các lần khám thai định kỳ. Nếu chỉ số protein trong nước tiểu và huyết áp đều cao thì bác sĩ sẽ đề nghị bạn xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng tế bào, tình trạng đông máu, chức năng gan và thận.
Điều trị protein niệu khi mang thai
Protein niệu không phải là bệnh, do việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, nếu protein niệu là do đái tháo đường, bạn cần phải kiểm soát nó bằng cách tập thể dục, ăn uống điều độ và dùng thuốc. Nếu protein niệu là do tăng huyết áp, bạn có thể cần phải kiểm soát nó.
Ngoài việc kiểm soát các rối loạn cơ bản, bạn cũng nên ăn ít muối trong các bữa ăn. Bạn có thể hỏi bác sĩ về chế độ ăn phù hợp cho bản thân. Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước hơn.