Nếu được chọn một hình ảnh để làm biểu tượng chung cho con người, có lẽ đó phải là hình ảnh của một vòng tròn không khép kín – thể hiện sự không hoàn hảo. Chính vì lẽ đó mà cuộc sống cần lắm sự khoan dung để người ta có thể bỏ qua cho nhau những sai lầm nhỏ nhặt, chấp nhận điểm yếu của người khác để giúp bạn trân trọng hơn khả năng và tính cách tốt của người đó. Nhưng lời nói luôn dễ hơn việc làm, bạn không thể dõng dạc “Tôi sẽ rộng lượng hơn.” thì ngay lập tức sẽ có thể mở rộng lòng mình cùng tuyên bố ấy. Tuy nhiên, tin vui là bạn có thể thay đổi dần dần theo thời gian. Khoan dung chẳng khó chút nào khi có những “bài tập” giúp bạn hình thành thói quen mở lòng với mọi người.
Luôn trân trọng những điều tốt đẹp
Con người là một tác phẩm chưa hoàn chỉnh của tinh hoa trời đất nên luôn cần được hoàn thiện không ngừng. Bạn có thể rất ghét tên bạn cùng lớp hay cáu kỉnh, thô lỗ, cũng có thể chướng mắt đứa em lười biếng, không thân thiện. Bạn lại luôn bực dọc đồng nghiệp làm việc gì cũng không hiệu quả, hoặc người yêu đãng trí, luôn trễ hẹn hay tệ hơn là quên cả sinh nhật bạn.
Bạn biết phải tiếp xúc họ mỗi ngày nhưng bạn không thể chấp nhận được. Bạn bắt đầu gọi những người khiến bạn không chịu nổi bằng các danh xưng chẳng mấy dễ nghe như thằng Cáu Kỉnh, đứa Lười Biếng, tên Vô Tâm… để ghét bỏ và giải tỏa bức xúc của mình. Tuy nhiên, bạn nên biết, nếu bạn đặt biệt danh cho một người bằng nhược điểm của họ, có khi chính người đó cũng đang gọi thầm bạn bằng một trong những cái tên không hay này. Đây xem ra không phải cách giải quyết lâu dài.
Một khi đã có ác cảm, bạn sẽ quên hết mọi thứ tốt đẹp ở một người mà chỉ chăm chăm nghĩ về những sai lầm hay khuyết điểm của họ. Khi gọi nửa kia là kẻ Vô Tâm, bạn có nhớ về những lúc người ấy đã kiên nhẫn chịu đựng sự đỏng đảnh ở bạn? Hay lúc người ta đội mưa chạy sang nhà bạn lúc 11 giờ khuya chỉ để mang cho bạn hộp cháo nóng hổi vừa nấu xong sau khi nghe tin bạn bị cảm? Việc trân trọng những gì tốt đẹp sẽ giúp bạn không chấp nhặt những điều vặt vãnh. Nếu một ngày bạn cảm thấy người thân yêu làm bạn trở nên khó chịu, hãy dành một vài phút để viết tất cả những điều tốt đẹp về anh ấy hoặc cô ấy mà bạn luôn trân trọng và đọc lại bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho họ hơn.
Đi tìm căn nguyên
Suy nghĩ về các cái gai xù xì trong tính cách của một người thân yêu khiến bạn khó chịu, hãy tự hỏi rằng liệu bạn có thể nhìn thấu được nguyên nhân dẫn đến cách hành xử kia? Chẳng hạn như chị gái bạn là một người hay quát nạt, hãy nghĩ xem vì đâu chị lại gắt gỏng như vậy? Do áp lực công việc hay do có chuyện buồn riêng tư? Khi bạn tìm thấy được nguồn cơn của sự việc, bạn sẽ dễ dàng thông cảm cho qua và yêu thương chị mình hơn. Nếu bạn không thể tìm được lời giải đáp vào ngày hôm nay, hãy tin rằng thời điểm vẫn chưa tới, và rằng bạn sẽ tìm ra được câu trả lời vào ngày mai.
Không phải mọi việc đều có một lời giải thích cụ thể. Như khi bị bệnh, bạn sẽ trở nên dễ nổi cáu hơi với mọi sự vật, sự việc xung quanh. Khi đó, chớ quên tin rằng nỗi đau của bạn sẽ làm giảm nỗi đau của người khác. Hãy biết ơn rằng sự đau đớn là do bạn chịu đựng chứ không phải là những người mà bạn yêu thương. Ví dụ như khi chịu đựng cơn đau họng hoặc đau lưng, bạn nên cảm thấy rằng thật may mắn khi những người thân yêu của bạn không phải chịu những cơn đau này; và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Bạn chỉ có thể tưởng tượng, nhưng niềm tin này sẽ giúp bạn không ngừng tự đấu tranh với bản thân mình. Và đôi khi bạn sẽ phục hồi sớm hơn nếu bạn trân trọng niềm tin của mình thay vì đấu trí với căn bệnh mà bạn đang mắc phải.
Đừng để cảm tính lấn át lí trí
Ai cũng có một ngưỡng giới hạn và hầu hết mọi người đều cố gắng làm mọi việc bằng hết sức của mình trong phạm vi đó. Nên nếu những nỗ lực hết sức của họ không đáng kể với bạn, hãy xem xét tới các khả năng khác. Có lẽ họ có những việc cần ưu tiên làm hoặc những mối lo âu khác khiến họ phải bận tâm, họ cần được hướng dẫn nhiều hơn, họ biết những điều mà bạn không biết, hoặc không biết những gì mà bạn làm. Mỗi một chiếc chìa khóa luôn chỉ phù hợp với một ổ khóa; chẳng qua chỉ là chìa khóa họ nắm có thể không vừa với ổ khóa của bạn. Những người khác không hoàn hảo, cũng giống như bạn. Hãy tập trung sức lực vào việc giúp mọi người vượt qua những trở ngại của họ, chứ không phải là đánh giá lỗi lầm của họ.
Khi bạn ngừng phán xét người khác, bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân, và bạn cũng nhẹ nhõm hơn khi biết được mình ít bị đánh giá bởi họ.
Tự hỏi bản thân: đúng hay sai?
Bạn còn nhớ bài hát “Friday” của cô bé Rebecca Black trình diễn ngày trước chứ? Có rất nhiều người bảo đó là thảm họa của âm nhạc, họ ra sức tẩy chay cô bé và bài hát. Nhưng Katy Perry lại thấy hứng thú với Rebecca. Thậm chí Katy còn mời cô bạn nhỏ xuất hiện trong MV ca nhạc của mình. Một giai điệu tồi trong bài hát bạn nghe chưa chắc đã thật sự dở mà có lẽ do bạn không chơi nó được tốt hoặc nó không phù hợp với gu âm nhạc của bạn. Con người không phải được sản xuất hàng loạt trong một dây chuyền lắp ráp, mỗi chúng ta đều có một vẻ ngoài khác biệt và một thế giới nội tâm khác biệt. Điều này giúp thế giới trở nên muôn màu muôn sắc hơn. Vậy thì chẳng có lý do gì để bạn không thể bao dung cho những khiếm khuyết của người khác.
Ai cũng sẽ có một vài đặc điểm gây khó chịu cho người khác. Nên thay vì để tâm đến phần thô, hãy nhìn vào cốt lõi tâm hồn họ và học cách chấp nhận khuyết điểm chứ không phải chỉ khoan dung cho những khác biệt ấy. Bởi lòng khoan dung nếu đứng riêng rẽ, sẽ dễ biến tướng thành tự phụ với suy nghĩ “bạn luôn đúng, người khác luôn sai”. Chính sự chấp nhận là chất xúc tác để bạn công nhận sự khác biệt của bạn và người.
Khi Albert Einstein còn trẻ, ông được coi là không thể dạy dỗ được và ông không đạt được số điểm cần có để tham dự kỳ thi tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich. Luận án Tiến sĩ đầu tiên của Einstein năm 1901 đã bị từ chối bởi vì nó được cho là quá mơ hồ. Ấy vậy mà giờ đây, người ta lại nhắc về Einstein như một thiên tài xuất chúng.
Trước khi nghĩ rằng một người nào đó không đủ năng lực hoặc cẩu thả, hãy xem xét rằng liệu sự tập trung và ưu tiên của họ hướng tới vấn đề khác, một điều gì đó bạn ít ngờ tới hơn không. Xem xét vấn đề trên nhiều khía cạnh, đừng chỉ nhìn một phía trực quan.
Nếu bạn chỉ đánh giá cao một người nào đó sau khi người này trở nên hoàn hảo theo tiêu chuẩn của bạn, bạn sẽ phải chờ đợi một thời gian dài, thậm chí cả đời để nhận được kết quả kỳ diệu trên. Một nhà giáo dục ở thế kỷ 19 đã nói: “Khu rừng sẽ rất im lặng nếu như chỉ có tiếng những chú chim hót hay nhất mà không có tiếng hót của những chú chim khác.”
Hãy chấp nhận
Cuối cùng, nếu bạn chắc chắn rằng mình đang phải đối mặt với một số hành vi và tình huống mà bạn không thể tìm thấy ý nghĩa hay lý lẽ nào, ví dụ như ai đó cắt ngang bạn khi chạy xe trên đường, bạn tình cờ nghe được một lời nhận xét tiêu cực về bản thân, một người bạn thân không mời bạn đến dự buổi tiệc của cô ấy hoặc một người thân yêu quên ngày sinh nhật của bạn. Bạn sẽ có hai hướng lựa chọn cách giải quyết: Ôm khư khư lấy những tổn thương và sự tức giận hoặc chấp nhận chúng bởi bạn biết rằng việc chấp nhận sẽ mang lại sự bình an trong tâm hồn. Mở rộng thế giới quan của bạn và hãy chấp chứa những thứ không hoàn hảo. Việc mà bạn cần làm là thay đổi những suy nghĩ của bản thân chứ không phải để cải thiện mọi sự không hoàn hảo quanh bạn.
Tâm trí bạn là chốn linh thiêng, nơi mà chỉ những suy nghĩ lành mạnh nhất mới có quyền tồn tại. Giống như việc bạn sẽ không ăn thực phẩm ôi thiu, đừng giữ những suy nghĩ không lành mạnh hoặc tiêu cực trong tâm trí cho tinh thần luôn được ngân khúc hoan ca.
Ngoài ra, bạn có thể tìm cách trao dồi những đức tính tốt như:
- Lòng trắc ẩn là gì?
- Biết ơn – Chìa khóa của hạnh phúc
- Muốn hạnh phúc, hãy tập thói quen biết ơn