Húng quế là một loại thảo dược thuộc họ bạc hà có vị cay, tính nóng được dùng làm gia vị cho các món ăn và cũng mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Một số người còn dùng nước cây húng quế để súc miệng.
Tìm hiểu chung
Tác dụng của húng quế
Cây húng quế có thể giảm triệu chứng một số bệnh như co thắt dạ dày, biếng ăn, đầy hơi, các bệnh về thận, chứng phù nề, cảm lạnh, mụn cóc, nhiễm giun, vết rắn cắn và côn trùng cắn.
Loài cây này còn có khả năng trị viêm khớp, bảo vệ gan, kháng lại vi khuẩn.
Ngoài ra, tinh dầu húng quế có chứa chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa lão hóa và bệnh ung thư. Một thành phần hóa học được gọi là axit cafferic có hiệu quả chống lại ung thư cổ tử cung.
Tinh dầu này cũng được sử dụng để dưỡng da, điều trị mụn trứng cá và vẩy nến.
Lá cây thì có công dụng chống căng thẳng. Một nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ cho thấy húng quế giúp duy trì mức độ bình thường của cortisol – hormone gây stress cho cơ thể. Bên cạnh đó, lá của thảo dược này còn làm dịu thần kinh, điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu và đánh bại các gốc tự do vốn là tác nhân dẫn đến stress.
Cây húng quế còn có tác dụng làm mát cổ họng tương tự như bạc hà nên sẽ giúp kiểm soát cảm giác thèm hút thuốc.
Húng quế có thể được dùng sau khi sinh để tăng lưu lượng máu và kích thích ra sữa. Tuy nhiên, vị thuốc này không thể dùng làm thuốc bổ khi mang thai vì húng quế có chất gây đột biến ở thai nhi.
Thành phần dinh dưỡng của húng quế
Thành phần dinh dưỡng trong 100g húng quế như sau:
Năng lượng | 22 kilocalo |
Chất xơ | 1,6 gram |
Protein | 3,15 gram |
Vitamin A | 264 microgram |
Riboflavin | 0,076 miligram |
Vitamin B6 | 0,155 microgram |
Choline | 11,4 miligram |
Vitamin E | 0,8 miligram |
Canxi | 177 miligram |
Mg | 64 miligram |
Photpho | 56 miligram |
Natri | 4 miligram |
Carbohydrate | 2,65 gram |
Chất béo | 0,64 gram |
Nước | 92,06 gram |
Vitamin B1 | 0,034 microgram |
Vitamin C | 18 miligram |
Vitamin K | 414,8 microgam |
Sắt | 3,17 gram |
Mangan | 1,148 miligram |
Kali | 295 miligram |
Kẽm | 0,81 miligram |
Nguồn: USDA Nutrient Database
Cơ chế hoạt động của húng quế
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đã có vài nghiên cứu cho thấy loài cây này là nguồn cung cấp vitamin C, canxi, magiê, kali và chất sắt. Các thành phần hóa học trong cây có khả năng làm giảm đau và giảm viêm. Một số chất khác có thể giảm lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu cho thấy chúng có khả năng tăng hệ miễn dịch ở người và có thể dùng làm thuốc kích thích hệ miễn dịch.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của húng quế
Liều dùng thông thường để hạ đường huyết là 2,5g bột lá húng quế pha với 200 ml nước mỗi ngày, uống thuốc trong vòng hai tháng.
Liều dùng có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng được tính dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Vị thuốc này có thể gây ra vài tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Dạng bào chế của cây húng quế
Cây thuốc, vị thuốc này có thể có những dạng bào chế như:
- Lá phơi khô và xay nhuyễn
- Trà
- Chiết xuất
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của húng quế
Cây húng quế có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Gây ngộ độc: Việc ăn quá nhiều dẫn đến quá liều Eugenol – thành phần chính trong húng quế có thể gây ngộ đôc, ho, thở gấp và có lẫn máu trong nước tiểu.
- Hạ đường huyết: Bệnh nhân bị đái tháo đường hay có tiền sử bị hạ đường huyết ăn nhiều loài cây này sẽ dẫn đến lượng đường trong máu hạ quá thấp.
- Gây ảnh hưởng đến mẹ bầu: Phụ nữ mang thai nếu ăn quá nhiều húng quế có thể dẫn đến các cơn co thắt ở tử cung, gây biến chứng trong khi sinh hoặc ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Làm loãng máu
- Ung thư niêm mạc gan
- Làm chậm quá trình đông máu và tăng xuất huyết
Không phải ai cũng mắc phải các tác dụng phụ trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Điều cần thận trọng
Trước khi dùng cây húng quế, bạn nên biết những gì?
Theo lý thuyết, vị thuốc này có thể làm chậm quá trình đông máu và làm cho máu chảy nhiều hơn trong các cuộc phẫu thuật. Do đó, bạn nên ngưng dùng chúng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Bạn nên hỏi bác sĩ hoặc thầy thuốc cách dùng chính xác của dược liệu này.
Bạn cũng không nên dùng trong thời gian dài vì húng quế có chứa chất gây đột biến.
Những quy định cho các dược liệu nói chung thường ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Bạn nên cân nhắc lợi ích của việc sử dụng với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của cây húng quế như thế nào?
Nếu dùng với liều lượng ít, rau húng quế mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, bạn không nên dùng chúng cho trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Trong cây có chất estragole có thể gây đột biến ở trẻ khi dùng với liều lượng cao.
Bạn nên cẩn thận khi dùng dược liệu này chung với các thuốc chữa bệnh tiểu đường hoặc insulin vì chúng có thể hạ đường huyết của bạn xuống mức quá thấp.
Cây húng quế có thể tương tác với những gì?
Thuốc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Cây húng quế có thể tương tác với các thuốc điều trị đái tháo đường và insulin, làm cho đường huyết hạ xuống quá thấp. Chúng cũng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra đường huyết của bạn.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.