Tên thường gọi: Hoài sơn, củ mài
Tên gọi khác: Khoai mài, sơn dược, chính hoài
Tên nước ngoài: Chinese Yam
Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burk.
Họ: Củ nâu (Dioscoreaceae)
Tổng quan về dược liệu hoài sơn
Tìm hiểu chung về hoài sơn
Hoài sơn là một dây leo có 1–2 rễ củ mập, hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài chừng 30–50cm (có thể đến 1m), ăn sâu xuống đất.
Thân cây nhẵn, hơi có cạnh, đôi khi có màu đỏ, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là thiên hoài. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim dài, đầu nhọn. Cuống lá dài khoảng 1,5–3cm.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng. Hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả nang có 3 cánh. Khi quả khô, cây không còn lá, hạt có cánh mỏng màu nâu xỉn.
Mùa hoa vào tháng 5–7 và mùa quả khoảng tháng 8–10.
Nguồn hoài sơn tự nhiên ở Việt nam tương đối phong phú. Cây có thể trồng ở miền núi, trung du và đồng bằng.
Bộ phận dùng của hoài sơn
Người ta thường sử dụng thân rễ củ mài để làm thuốc và gọi với tên là hoài sơn. Bộ phận này được thu hoạch vào mùa đông và đầu xuân khi cây tàn lụi.
Sau khi đem củ về rửa sạch, gọt vỏ thì chế biến bằng cách ngâm với nước phèn để loại bỏ chất nhớt (10g phèn chua trong 1 lít nước). Sấy diêm sinh liên tục trong 3 ngày đêm đến khi củ mềm nhũn, lấy ra nhúng nước, rửa sạch rồi phơi cho se lại. Tiếp tục sấy lưu huỳnh 1 ngày đêm cho đến khi củ mềm, phơi đến gần khô lại sấy lưu huỳnh 1 ngày đêm nữa.
Chọn củ to trắng, rửa sạch rồi đồ hoặc ủ cho mềm, thái lát hoặc bào mỏng, sấy khô để dùng (dùng sống). Nếu dùng chín, đem sao nhỏ lửa cho đến khi dược liệu có màu vàng đều.
Hoài sơn tốt phải có màu trắng bóng, không vàng, chất củ rắn chắc, không xốp, không có vết lỗ chỗ, không bị sâu nhọt. Bảo quản trong hộp kín, để nơi khô ráo, tránh ẩm ướt.
Thành phần hóa học trong hoài sơn
Trong hoài sơn chứa chủ yếu là tinh bột. Ngoài ra, còn có mucin (một loại protein nhớt), allantoin, các axit amin như arginin, cholin và enzyme maltase.
Về giá trị dinh dưỡng, trong củ mài có 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất đạm. Đây là một nguồn dinh dưỡng cao, đứng sau gạo và ngô.
Theo tài liệu Trung Quốc, hoài sơn có chất bột, chất nhầy (axit phytic), cholin, 16 axit amin, các men oxy hóa, vitamin C.
Ngoài ra, trong củ còn có nhiều loại nguyên tố vi lượng, tùy theo vùng đất trồng.
Tác dụng, công dụng của hoài sơn
Dược liệu hoài sơn có những công dụng gì?
Theo tài liệu nước ngoài, loài hoài sơn (Dioscorea batatas) có tác dụng làm tăng hiệu lực của androgen. Enzyme trong loài này khi ở nhiệt độ thích hợp (45–55ºC) có khả năng thủy phân đường rất lớn.
Nước sắc hoài sơn có thể ức chế co thắt ruột do adrenalin gây nên, hồi phục nhu động đều đặn của ruột (thí nghiệm trên thỏ). Uống nước sắc có tác dụng làm lành bệnh viêm loét miệng ở gia súc.
Trong Đông y, hoài sơn có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế, tỳ vị và thận. Dược liệu này có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chỉ khát.
Trong y học cổ truyền, hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày, phế hư gây ho hen, bệnh đái tháo đường, di tinh, di niệu, bạch đới.
Liều dùng của hoài sơn
Liều dùng thông thường của hoài sơn là bao nhiêu?
Mỗi ngày thường uống 10–20g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột.
Vị thuốc này hay được dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Hoài sơn với quả giun, hạt keo, ý dĩ có tác dụng chữa cam sài, gầy yếu, bụng ỏng đít beo (bụng có giun), kém ăn nôn trớ ở trẻ em.
Một số bài thuốc có hoài sơn
Hoài sơn được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa tỳ vị hư nhược, ăn ít, tiểu nhiều, tiêu chảy lâu ngày không khỏi
Hoài sơn, đảng sâm, bạch truật (sao) mỗi vị 10g. Tất cả đem sắc nước uống.
Bạn cũng có thể dùng hoài sơn nấu cháo với gạo ăn vào mỗi buổi sáng.
2. Chữa đau đầu, chóng mặt, chân tay lạnh, đau mình mẩy, ăn uống kém
Hoài sơn 60g, ngũ vị tử 180g, nhục thung dung 12g, đỗ trọng (sao) 90g, thỏ ty tử 90g, thần phục 30g, ba kích, thục địa, ngưu tất, trạch tả, xích thạch chỉ mỗi vị 30g. Tất cả đem nghiền thành bột, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen. Mỗi lần uống 20–30 viên.
3. Thuốc kiện tỳ tiêu thực, dùng cho trẻ em gầy yếu
Hoài sơn (sao) 60g, phục linh 45g, bạch biển đậu (sao) 45g, sơn tra 45g, mạch nha 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật (sao) 30g, trần bì 30g, sử quân tử 30g, hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Tất cả tán bột, rây mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống khoảng 3g, ngày uống 2–3 lần.
4. Chữa di mộng tinh
Hoài sơn, quả chốc xôi (sao vàng), sắc uống.
5. Chữa đái tháo đường
Hoài sơn 180g, liên tử 90g, phục linh 400g, ngũ vị tử 350g, thỏ ty tử 300g. Tất cả nghiền thành bột, rây mịn, thêm rượu trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.
6. Chữa suy dinh dưỡng trẻ em kèm theo tiêu chảy
Hoài sơn 100g, phòng đảng sâm 50g (hoặc bố chính sâm 50g), ý dĩ 100g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, hạt cau 25g, vỏ quýt 25g. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày ăn 16–20g bột.
Lưu ý, thận trọng khi dùng hoài sơn
Khi dùng hoài sơn, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng hoài sơn một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của hoài sơn
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng hoài sơn trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với hoài sơn
Hoài sơn có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.