Hội chứng rung lắc ở trẻ em là một dạng bạo hành nghiêm trọng trên trẻ em. Nó thường xảy ra khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ rung lắc trẻ để giải tỏa sự cáu gắt hoặc thất vọng, thường bởi trẻ không ngừng khóc.
Nhóm cơ cổ trẻ còn rất yếu và không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn hơn. Rung lắc mạnh làm đầu trẻ di chuyển thô bạo từ trước ra sau, gây tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Lực này sẽ tăng lên nếu sự rung lắc bị gián đoạn đột ngột khi đầu trẻ bị va vào bề mặt cứng.
Việc rung lắc, dù có hoặc không có sự giảm tốc đột ngột của đầu do va vào bề mặt cứng, có thể gây ra những hậu quả sau:
- Tụ máu dưới màng cứng: Là sự tích tụ máu giữa bề mặt não và màng cứng (lớp màng xơ bao quanh bề mặt não). Nó xảy ra khi những tĩnh mạch cầu nối giữa não và màng cứng bị kéo căng vượt quá khả năng đàn hồi, vỡ ra và chảy máu.
- Tụ máu dưới nhện: Là sự tích tụ máu giữa màng nhện (lớp màng giống như màng lưới bao quanh bề mặt não chứa đầy dịch não tủy) và não.
- Chấn thương trực tiếp trên bề mặt não khi não đập vào mặt trong của bản sọ.
- Sự xé rách hoặc đứt gãy các nhánh tế bào thần kinh (sợi trục) ở vỏ và các cấu trúc sâu của não gây bởi sự va đập thô bạo đối với não.
- Những tổn thương không hồi phục khác ở não do sự thiếu hụt oxy nếu trẻ ngừng thở trong khi bị lắc.
- Những tổn thương cho tế bào não khi những sợi thần kinh bị tổn thương giải phóng chất hóa học gắn kết với oxy lấy đi từ não.
Những tổn thương khác bao gồm:
- Xuất huyết võng mạc ở nhiều mức độ từ vài điểm xuất huyết rải rác cho đến xuất huyết lan tỏa nhiều lớp của võng mạc.
- Vỡ xương sọ: Hậu quả từ sự va chạm đầu trẻ với những bề mặt cứng hoặc mềm.
- Gãy xương: Bao gồm xương sườn, xương đòn và tứ chi, bầm tím mặt, đầu và toàn cơ thể.
Tỉ lệ và tỉ suất mắc bệnh
Hội chứng này chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, với đa số các ca xảy ra trước khi trẻ 1 tuổi. Độ tuổi trung bình trong khoảng từ 3 đến 8 tháng. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể là nạn nhân của việc bạo hành này cho đến khi 4 tuổi. Người gây ra có thể là cha, bạn trai của mẹ, người giữ trẻ hoặc mẹ.
Những phụ huynh phải trải qua nhiều căng thẳng do môi trường xung quanh, xã hội, sinh học, hoặc tình trạng tài chính có thể thúc đẩy hành vi bạo lực. Những ai đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc bị ngược đãi sẽ dễ có hành vi tương tự như vậy với người khác.
Trung tâm quốc gia về hội chứng rung lắc trẻ em ước tính có khoảng từ 600 đến 1400 ca bệnh hàng năm ở Mỹ. Hiện tại chưa có phương pháp đáng tin cậy nào để thống kê các con số này nên tỉ suất mắc thật sự vẫn chưa biết. Hội chứng này là nguyên nhân phổ biến gây ra tử vong và tàn tật lâu dài ở trẻ nhỏ
Triệu chứng
Triệu chứng cơ năng
Thường không thể tìm thấy rõ rệt bằng chứng bên ngoài hoặc biểu hiện thực thể của bạo lực, hậu quả hội chứng này khó được chẩn đoán. Những người chăm sóc hoặc ngay cả nhân viên y tế nếu không nhận thấy những điều đã xảy đến với trẻ sẽ không thể phát hiện những tổn thương chủ yếu xuất phát từ bên trong, nên gán cho những khó chịu của trẻ cho những nguyên nhân khác như nhiễm vi rút.
Triệu chứng rất thay đổi và gây ra do sự phù não lan tỏa thứ phát sau chấn thương. Chúng có thể xuất hiện ngay lập tức sau khi bị rung lắc, và đạt đỉnh điểm sau 4-6 giờ. Những triệu chứng cơ năng và thực thể sau có thể giúp nhận ra trẻ có hội chứng rung lắc:
- Rối loạn tri giác ở nhiều mức độ
- Lừ đừ kèm theo vật vã, kích thích
- Hôn mê
- Co giật
- Đồng tử giãn và không đáp ứng với ánh sáng
- Chán ăn
- Nôn
- Nằm ở tư thế đầu ngửa ra sau và lưng cong hình vòng cung
- Thở bất thường và không đều
- Nhịp thở chậm và nông bất thường
- Ngưng tim
- Tử vong
Triệu chứng thực thể
- Xuất huyết võng mạc
- Xuất huyết não kín (dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới nhện, dưới lớp Galea)
- Vết rách da
- Đụng dập
- Chấn thương
- Bầm tím mặt, da đầu, cánh tay, bụng hoặc lưng.
- Phù nề phần mềm chỉ điểm cho vỡ xương sọ hoặc xương khác.
- Tổn thương bụng
- Tổn thương ngực
- Huyết áp thấp bất thường
- Thóp phồng
Các yếu tố giúp chẩn đoán
- Bệnh sử
- Soi đáy mắt tìm xuất huyết võng mạc
- Chụp cắt lớp điện toán vi tính (CT hoặc CAT scanner) đầu và bụng
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) trong một số trường hợp
- Chọc dịch não tủy (cần cẩn thận)
- Khảo sát hệ xương
- Xạ hình
- Tầm soát ngộ độc thuốc
- Xét nghiệm máu thường quy
Tiên lượng
Tiên lượng trẻ bị hội chứng rung lắc rất thay đổi tùy thuộc mức độ tổn thương, nhưng nhìn chung là xấu. Rất nhiều trường hợp tử vong hoặc dẫn đến tổn thương thần kinh nặng nề. Tử vong thường là hậu quả của tăng áp lực nội sọ không kiểm soát được thứ phát sau phù não, xuất huyết não, hoặc xé rách mô não. Tuy nhiên, ngay cả tổn thương nhẹ cũng có thể gây cho trẻ chậm phát triển. Thông thường, khảo sát ở trẻ mắc hội chứng này có thể dẫn đến những khiếm khuyết sau:
- Bại não
- Liệt
- Mù hoặc giảm thị lực
- Chậm phát triển tâm thần
- Động kinh
- Co giật
Phòng ngừa
Hội chứng rung lắc ở trẻ em hoàn toàn có thể đề phòng được. Chăm sóc trẻ có thể là thử thách, đặc biệt là với những người lần đầu làm cha mẹ. Tuy nhiên, điều quan trọng phải ghi nhớ rằng không bao giờ được chấp nhận việc rung lắc, ném hoặc đánh trẻ. Những mẹo sau có thể giúp ích trong việc ngăn ngừa hành vi ngược đãi:
- Hít thở sâu và đếm đến 10
- Dành thời gian đi ra ngoài và để trẻ khóc một mình
- Gọi sự trợ giúp tâm lý từ người thân
- Gọi cho bác sĩ nhi – có thể có nguyên nhân bệnh lý nào đó làm trẻ khóc
- Không bao giờ để trẻ ở chung với người chăm trẻ, bạn bè, hoặc thành viên gia đình mà bạn không hoàn toàn tin tưởng
- Luôn kiểm tra kĩ lưỡng sự an toàn trước khi giao con bạn cho người khác chăm sóc hoặc nhà trẻ
Tài liệu tham khảo
http://www.aans.org/en/Patient%20Information/Conditions%20and%20Treatments/Shaken%20Baby%20Syndrome.aspx