Sốt tinh hồng nhiệt (ban đỏ) là một căn bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh có khả năng lây truyền cao. Vì vậy, bố mẹ cần chăm sóc cẩn thận khi con mắc bệnh này.
Con của chị Ngọc Trân (Q. Tân Bình, TP. HCM) được 13 tháng tuổi. Trong suốt 13 tháng qua, bé luôn khỏe mạnh. Thế nhưng, một ngày, khi thay quần áo cho bé, chị bỗng phát hiện trên ngực bé xuất hiện những vết đỏ. Chị rất lo lắng vì không biết đó là gì và đã đưa con đi khám. Sau khi trao đổi với bác sĩ, chị mới biết con mình bị sốt tinh hồng nhiệt. Thật ra, không chỉ riêng chị Ngọc Trân, còn nhiều người cũng không biết về căn bệnh này. Vậy hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu nhé.
1. Sốt tinh hồng nhiệt có thường gặp ở trẻ nhỏ?
Sốt tinh hồng nhiệt ít gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi vì bé vẫn còn được bảo vệ bởi kháng thể kháng độc từ mẹ nếu còn bú mẹ. Tuy nhiên, bệnh này thường xảy ra ở trẻ em từ 2 – 10 tuổi. Đây không phải là một căn bệnh nguy hiểm bởi hiện nay đã có thuốc kháng sinh điều trị bệnh này.
2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh do vi khuẩn thuộc chủng liên cầu A phát triển trong một số người bị viêm họng. Loại vi khuẩn này tiết ra một chất độc và tạo ra những phản ứng trong cơ thể gây ban đỏ.
Bệnh này thường gây nổi mẩn đỏ ở khắp cơ thể. Người mang vi khuẩn phải có cơ địa nhạy cảm với độc tố của liên cầu. Vì vậy, đôi khi trong gia đình có hai bé cùng mang vi khuẩn nhưng có thể chỉ một bé bị sốt tinh hồng nhiệt.
Đôi khi những bệnh liên quan đến da như bệnh chốc cũng là nguyên nhân gây sốt tinh hồng nhiệt. Nếu là do nguyên nhân này, bé sẽ không bị viêm họng.
3. Sốt tinh hồng nhiệt có lây không?
Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh truyền nhiễm. Liên cầu có thể lây từ người này sang người khác qua các giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp do ho, hắt hơi…
Ngoài ra, bệnh này cũng có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với thương tổn da, dùng chung quần áo, vật dụng nhiễm khuẩn. Nếu trong gia đình có bé bị bệnh này, bạn hãy chăm sóc bé cẩn thận, tốt nhất là cách ly (không ăn hoặc chơi chung) để tránh lây lan sang bé khác.
4. Triệu chứng của sốt tinh hồng nhiệt như thế nào?
Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng như đau họng dữ dội, sốt (cao hơn 38 độ C). Nốt ban thường xuất hiện sau khi bé bị đau họng từ 2 – 3 ngày.
- Ban đầu, lưỡi có màu trắng và có lốm đốm đỏ, sau đó lưỡi chuyển sang sưng đỏ.
- Ban đỏ xuất hiện sau khi có dấu hiệu sốt, đầu tiên là ở vùng dưới tai, cổ, ngực, nách, háng, sau đó lan dần ra các bộ phận khác của cơ thể.
- Ban đỏ nổi lên khắp cơ thể trừ mặt. Mặt bé sẽ đỏ bừng và da sẽ chuyển sang màu trắng khi ấn vào những vùng bị ban.
- Gây ngứa ngáy.
- Ở các nếp gấp của cơ thể, đặc biệt là ở nách và khuỷu tay. Các mạch máu mỏng manh có thể vỡ, tạo thành các đường đỏ.
- Các triệu chứng khác: ăn không ngon, nôn, buồn nôn, ớn lạnh, đau nhức và sốt.
Ban đỏ thường xuất hiện vào ngày thứ hai khi trẻ lên cơn sốt. Sau 5 ngày, các ban đỏ bắt đầu mờ, bong da, giống như bỏng nắng. Tình trạng sốt sẽ hết sau 3 – 5 ngày, nhưng đau họng thì vẫn còn.
5. Cách nào để chẩn đoán bệnh sốt tinh hồng nhiệt?
Nếu bé bị đau họng kèm theo sốt cao (trên 38 độ C hoặc hơn), sưng đau các tuyến ở cổ và phát ban đỏ, bạn hãy đưa bé đến bác sĩ ngay. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cổ họng và da của bé, sau đó, yêu cầu cho bé làm xét nghiệm máu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu chẩn đoán đúng bé bị sốt tinh hồng nhiệt, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị.
6. Phương pháp điều trị bệnh là gì?
Khi xác định nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm tụ cầu khuẩn, bé cần sử dụng kháng sinh đủ liều và đủ thời gian. Thời gian điều trị là 10 ngày. Tình trạng sốt sẽ cải thiện sau 12 – 24 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện da có thể kéo dài trong vài tuần.
Các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn không nên dừng thuốc mà vẫn cho bé tiếp tục uống đủ liều lượng kháng sinh để tránh các biến chứng. Sau 48 giờ dùng kháng sinh nếu bé vẫn không hạ sốt, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện khám để được can thiệp hay thay liệu trình điều trị mới. Bạn có thể tham khảo 8 cách hạ sốt an toàn và nhanh chóng
7. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nào?
Sốt tinh hồng nhiệt có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm tai, viêm phổi, viêm não… Ngoài ra, bé cũng có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng hơn sau vài tuần như viêm cầu thận, viêm tủy xương…
8. Làm gì để chăm sóc bé bị bệnh?
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, không quá nóng cũng không quá lạnh.
- Đừng cho bé mặc quá nhiều quần áo khi bé đang bị sốt.
- Duy trì độ ẩm của cơ thể bằng cách cho bé uống nhiều nước.
- Tránh để quạt quay quá mạnh hoặc thổi trực tiếp vào bé. Thay vào đó, hãy chỉnh quạt quay nhẹ.
- Ngoài ra, tránh chườm đá cho bé. Nếu nước quá lạnh, các mạch máu dưới da sẽ co lại. Điều này sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể không hạ được. Đôi khi, chườm đá cũng khiến bé khó chịu.
- Cho bé ăn những món ăn mềm và lỏng như cháo thịt bằm với hành vì đau họng sẽ khiến bé khó chịu khi ăn cơm.
9. Có biện pháp phòng ngừa không?
Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh dễ lây nhiễm. Do đó, bạn nên chú ý đến những điều sau để tránh lây lan cho các thành viên khác trong gia đình.
- Dùng ly tách và đồ dùng ăn uống riêng, phải rửa với nước sôi và xà phòng trước và sau khi sử dụng.
- Cho bé nghỉ học.
- Dạy bé cách dùng khăn giấy che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho để tránh sự lây lan. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Cắt móng tay cho bé để ngăn bé gãi khi vết ban gây ngứa.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa sốt tinh hồng nhiệt. Vì vậy, bạn nên chăm sóc bé cẩn thận để tránh lây nhiễm.
Sốt tinh hồng nhiệt không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm. Nếu bố mẹ nhận thấy bé có những triệu chứng của bệnh này thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ tư vấn và có những lời khuyên hữu ích.