Tên thường gọi: Hồi, đại hồi
Tên gọi khác: Bát giác hồi hương, hồi sao, đại hồi hương, mác chác
Tên khoa học: Illicium verum Hook.f.
Họ: Hồi (Illiciaceae)
Tên nước ngoài: Star anise, chinese anise
Tổng quan về dược liệu đại hồi
Tìm hiểu chung về đại hồi
Đại hồi là loài cây nhỏ, thường xanh, cao từ 6–8m, có thể cao hơn 10m. Cành thẳng, nhẵn, lúc non có màu lục nhạt, sau này chuyển sang nâu xám. Lá mọc so le nhưng lá tụ tập ở những mấu non như mọc vòng, lá hình mác hoặc hình trứng thuôn dài, cuống ngắn. Hoa mọc riêng lẻ hoặc 2–3 cái ở kẽ lá, cánh hoa màu trắng ở phía ngoài, hồng thắm ở mặt trong. Quả hồi (nhiều người vẫn nhầm là hoa hồi) gồm có 6–8 cánh (đại) , có khi tới 12–13 cánh nhưng rất hiếm, xếp thành hình ngôi sao. Quả tươi có màu xanh, khi chín khô cứng thì có màu nâu hồng. Trên mỗi đại sẽ nứt làm hai, để lộ hạt màu nâu nhạt, nhẵn bóng. Trong lá, cuống, hoa và quả hồi đều có chứa tinh dầu nên có mùi thơm đặc trưng. Mùa hoa vào tháng 3–5, màu quả vào tháng 6–9.
Hồi có nguồn gốc ở vùng Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Hiện nay, hai khu vực này vẫn là nơi cung cấp tinh dầu hồi chủ yếu. Ở Việt Nam, đại hồi có nhiều ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và mới phát triển ra Quảng Ninh, Bắc Cạn, Lai Châu và Hà Giang. Cây thích nghi với vùng đồi núi thấp, nhiệt độ trung bình từ 21–23ºC.
Bộ phận dùng của đại hồi
Bộ phận dùng chủ yếu của đại hồi là qua được thu hái khi chín vào 2 vụ tháng 7–9 và tháng 11–12. Có thể nhúng quả vào nước sôi một lúc để quả chuyển màu từ xanh sáng sang vàng rồi đem phơi.
Trên thị trường có thể phân chia đại hồi thành 3 loại:
- Loại 1: quả có 8 cánh to, đều nhau, màu đỏ sẫm (hồi đại hồng).
- Loại 2: quả có cánh lép màu nâu đen.
- Loại 3: quả có 3 cánh trở lên bị lép màu nâu đen.
Ngoài ra, người ta còn thường dùng tinh dầu từ quả đại hồi. Quả hái về đem phơi nắng nhẹ cho khô hẳn rồi đem cất tinh dầu. Cũng có thể cất tinh dầu từ quả tươi hay cành, lá tươi và quả đã chín.
Thành phần hóa học có trong đại hồi
Quả hồi có chứa catechin, protocatechin, tinh dầu, chất béo, các chất vô cơ. Tinh dầu lấy từ phương pháp cất kéo hơi nước từ quả hồi tươi cho hàm lượng từ 3–3,5%. Tinh dầu chứa 6 thành phần chính là linalol, estragol, terpincol, cis-anethol, trans-anethol, amsaldehyd.
Theo quy định trong Dược điển Việt Nam, tinh dầu hồi phải có điểm đông đặc trên 15ºC (tương đương với hàm lượng anethol từ 85–95%).
Quả hồi thuộc nhóm 13 cánh có hàm lượng tinh dầu trong quả và hàm lượng anethol trong tinh dầu cao nhất, sau đó đến quả hồi thuộc nhóm trung gian, cuối cùng là quả hồi 8 cánh.
Tinh dầu trong lá hồi cũng được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Tinh dầu lá hồi Lạng Sơn chứa 82,5% enethol, chủ yếu là trans-anethol. Tinh dầu cuống lá chứa 87,5% anethol.
Hạt đã loại vỏ chứa 55% dầu, trong đó có axit myristic, axit stearic, axit oleic.
Tác dụng, công dụng của đại hồi
Đại hồi có thể mang đến công dụng gì?
Quả hồi có những tác dụng dược lý đã được nghiên cứu như sau:
- Đối kháng với histamin và acetylcholin, làm giảm co thắt cơ trơn (thử nghiện trên chuột lang);
- Chống lại nọc độc rắn hổ mang;
- Kích thích tăng cường nhu động ruột, chữa đau bụng và tăng tiết dịch đường hô hấp, dùng làm thuốc tiêu đờm.
- Ức chế sự phát triển trực khuẩn lao và trực khuẩn subtilis.
- Cao chiết từ hồi có tác dụng ức chế sự phát triển các bào tử của nhiều loài nấm gây bệnh.
Về tính vị, công năng thì hồi có vị cay, mùi thơm, tính ấm, quy vào 4 kinh can, thận, tỳ và vị. Hồi có tác dụng trừ hàn, khai vị, kiện tỳ, tiêu thực, chống nôn, chỉ thống, trừ phong, sát trùng.
Do đó, đại hồi được dùng làm thuốc gây trung tiện, giúp tiêu hóa, lợi sữa, giảm đau, giảm co bóp trong đau dạ dày, đau ruột; dùng trong trường hợp dạ dày và ruột co bóp quá mạnh, nôn mửa, tiêu chảy, ăn không tiêu, bụng đầy trướng, tiểu nhiều, đái dầm, ngộ độc thịt cá, rắn cắn.
Ngoài ra, đại hồi còn được dùng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng và gia vị trong nhiều món ăn.
Ở Ấn Độ, quả hồi được nhai để làm thơm hơi thở và giúp tiêu hóa tốt hơn. Hồi có ích trong chứng bệnh đầy hơi, co thắt ống tiêu hóa, lỵ. Nó còn là thành phần phụ trong các thuốc ho hỗn hợp. Tinh dầu hồi cũng có tác dụng kích thích, làm dễ tiêu, trung tiện, long đờm và lợi tiểu nhẹ; là thành phần của thuốc ngậm chữa ho và thuốc xoa bóp chữa thấp khớp, thuốc chữa đau tai, sát khuẩn, trị bệnh nấm da.
Ở Trung Quốc, hồi được dùng chữa đau bụng lạnh, nôn mửa (phối hợp với gừng và đinh hương), chữa thoát vị (với hạnh nhân và hành trắng).
Liều dùng của đại hồi
Liều dùng của đại hồi có thể khác nhau tùy theo đối tượng sử dụng. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Liều dùng thông thường của đại hồi là bao nhiêu?
Ngày dùng 4–8g ở dạng thuốc hãm, rượu thuốc hoặc dùng 1–4g dạng thuốc bột.
Một số bài thuốc dân gian có đại hồi
Đại hồi có mặt trong những bài thuốc nào?
1. Chữa trúng phong, bại liệt một bên cơ thể:
Đại hồi 12g; quế chi 20g; đinh hương, rau sam, dây bìm bìm, cây nghệ, lá cây dâu gió, cây xương bồ, huyết giác, mỗi vị 12g. Tán nhỏ trộn với một bát rượu và một chén nước tiểu, dùng để xoa bóp.
2. Chữa phong thấp:
Đại hồi, hồ tiêu, phèn chua lấy lượng bằng nhau. Giã nhỏ, xoa bóp vào chỗ đau.
3. Chữa thủy thũng:
Đại hồi 4g, hoàng nàn 40g (ngâm với nước đậu đen một ngày để bớt độc hoặc nấu với đậu đen). Tán nhỏ, vo thành viên to bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 3 viên, ngày uống 3 lần.
4. Chữa các loại đau tức, toát mồ hôi lạnh, suyễn:
Đại hồi, ô dược, thanh bì, riềng, các vị lấy lượng bằng nhau. Đem sao (trừ hồi và ô dược), tán nhỏ rồi uống với rượu đun nóng và đồng tiện.
5. Chữa đau lưng:
Đại hồi (bỏ hạt) tầm nước muối đem sao, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6–10g với rượu. Bên ngoài dùng lá ngải cứu chường nóng vào lưng.
6. Chữa đại tiểu tiện không lợi:
Đại hồi 40g (tán nhỏ), hạt bìm bìm đen 160g (sao, tán nhỏ). Mỗi lần uống 4g với nước gừng.
7. Chữa sai khớp, bong gân, chấn thương:
Sử dụng cao dán có những thành phần chính như tinh dầu hồi, quế, menthol, camphor, ngải cứu, cúc tần.
8. Chữa viêm cầu thận mạn tính:
Đại hồi 8g; ý dĩ 30g; củ mài, biển đậu, mã đề, đậu đỏ mỗi vị 20g; gừng khô 8g; đăng tâm, nhục quế mỗi vị 4g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.
9. Chữa đau lưng cấp khi vác nặng hay bị lệch tư thế:
Cồn xoa bóp ngâm hồi, ô đầu sống, quế. Lưu ý nhìn nhãn thuốc để tránh uống phải dẫn đến ngộ độc.
Lưu ý, thận trọng khi dùng đại hồi
Khi sử dụng đại hồi, bạn nên lưu ý những gì?
Nếu dùng đại hồi nhiều và với liều quá cao sẽ bị ngộ độc với hiện tượng như say, run tay chân, sung huyết não và phổi, có khi co giật như động kinh. Những người âm hư hỏa vượng không nên dùng dược liệu này.
Bạn cũng cần phân biệt kỹ trước khi dùng vì nếu dùng nhầm quả hồi núi sẽ bị ngộ độc, có triệu chứng nôn mửa, rát họng, đau bụng, chân tay lạnh, chảy nước bọt.
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng đại hồi với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng, bạn cần tạm ngưng ngay và thông báo cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của dược liệu đại hồi
Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng đại hồi trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với đại hồi
Sử dụng đại hồi có thể gây tương tác với một số thuốc hay thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi muốn sử dụng dược liệu này.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.