Tên thường gọi: Cốt toái bổ
Tên gọi khác: Co tặng tó, hộc quyết, cây thu mùn, tổ rồng
Tên khoa học: Drynaria fortunei (Kze) J.Sm.
Họ: Ráng (Polypodiaceae)
Tổng quan về dược liệu cốt toái bổ
Tìm hiểu chung về cốt toái bổ
Cốt toái bổ là một cây cao 20–40cm, sống lâu năm, sống riêng trên các hốc đá, mọc trên những đám rêu hoặc sống trên các thân cây lớn như cây đa, cây si. Thân rễ mọc bò, nạc, dày và dẹt, phủ đầy lông dạng vảy màu nâu, vảy có hình ngọn giáo hẹp. Lá có hai loại: lá không sinh sản che kín thân rễ có tác dụng hứng mùn, hình tim khum, không cuống, màu nâu, mặt dưới có lông, gân lá lồi; lá sinh sản có cuống dài 4–7cm, phiến lá dài màu lục sẫm. Túi bào tử hình tròn, xếp thành hàng đều đặn giữa các gân bên, không có áo túi. Bào tử hình trái xoan, màu vàng nhạt. Mùa sinh sản của cây vào tháng 5–8.
Ở Việt Nam, cốt toái bổ phân bố ở một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Cây sinh trưởng và phát tán giống bằng bào tử. Thân rễ có khả năng phân nhánh và mọc nhiều chồi nên rất khó phân biệt từng cá thể. Do trữ lượng tự nhiên hạn chế, lại thường xuyên bị khai thác nên cốt toái bổ trở nên hiếm dần và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, cần lưu ý bảo tồn.
Bộ phận dùng của cốt toái bổ
Người ta thường dùng thân rễ phơi hay sấy khô của cây cốt toái bổ để làm thuốc. Chọn thân rễ già, cắt bỏ rễ con và phần lá còn sót lại, rửa sạch đất cát rồi chọn loại to cắt thành từng đoạn, đem phơi hay sấy khô. Ngoài ra, mọi người có thể đồ chín trước rồi mới phơi, sấy khô để dễ bảo quản.
Nếu muốn bỏ hết lông bao phủ bên ngoài thân rễ, người ta đốt nhẹ cho cháy hết lông nhỏ phủ trên rễ. Dược liệu có mặt ngoài màu nâu đỏ hay nâu đen, nhiều nếp nhăn dọc, nhiều khi thấy sần sùi có mấu và mặt cắt ngang có màu nâu hoặc nâu hồng nhạt.
Thành phần hóa học có trong cốt toái bổ
Thân rễ cốt toái bổ có chứa tinh bột (25–34,98%), glucose, hesperidin. Ngoài ra, còn có khoảng 1,42% flavonoid toàn phần và 1% naringin.
Tác dụng, công dụng của cốt toái bổ
Dược liệu cốt toái bổ có những công dụng gì?
Thử nghiệm đánh giá các tác dụng dược lý của cốt toái bổ trên mô hình động vật cho thấy:
- Tăng cường chức năng nội tiết sinh dục, bổ thận;
- Chống viêm;
- Ổn định màng tế bào hồng cầu.
Trong y học cổ truyền, thân rễ cốt toái bổ có vị đắng, tính ấm, có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, hành huyết, phá huyết ứ, chỉ huyết, khu phong thấp, sát trùng và giảm đau.
Từ xưa đến nay, thân rễ cốt toái bổ được dùng để chữa thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), tiêu chảy kéo dài, đau lưng mỏi gối, các khớp sưng đau tê liệt, đau xương, ù tai, ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, chảy máu chân răng.
Liều dùng của cốt toái bổ
Liều dùng của cốt toái bổ có thể khác nhau đối với từng người bệnh. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Liều dùng thông thường của cốt toái bổ là bao nhiêu?
Thông thường, bạn có thể dùng 6–12g thân rễ cốt toái bổ khô dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.
Hơn nữa, bạn có thể dùng ngoài bằng cách dùng thân rễ tươi giã nát, đắp lên vết thương hoặc sao cháy dược liệu, tán thành bột rồi rắc lên vết thương.
Một số bài thuốc có cốt toái bổ
Cốt toái bổ có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa ù tai, đau lưng, thận hư, răng đau:
Cốt toái bổ tán nhỏ 4–6g cho vào bầu dục lợn (cật heo) rồi nướng chín ăn.
2. Chữa thấp khớp mạn tính (thể nhiệt):
Cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, đan sâm, sinh địa, rau má, uy linh tiên, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh, mỗi vị 12g; bạch chỉ 8g, cam thảo 4g. Tất cả lấy sắc nước uống.
3. Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư, yếu:
Cốt toái bổ 16g, cẩu tích 20g, rễ gối hạc 12g, củ mài 20g, rễ cỏ xước 12g, dây đau xương 12g; thỏ ty tử 12g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g. Sắc nước uống.
4. Chữa phong thấp đau nhức thuộc huyết:
- Phương thuốc ngâm rượu: Rễ gắm 120g, vỏ chân chim 100g, rễ rung rúc 80g, rễ bươm bướm 60g, rễ chiên chiến 60g, xích đồng nam 40g, bạch đồng nữ 40g, quy bầu (quy nam hay tiền hồ) 40g, ô dược 40g, cỏ xước 40g, rễ bưởi bung 40g, cốt toái bổ 40g. Tất cả thái nhỏ cho vào một túi vải rồi bỏ vào trong hũ đã có rượu, lấy đất trát kín miệng, nấu lên trong một khoảng thời gian cháy hết một nén hương. Sau đó, đem chôn xuống đất 3 ngày đêm, uống dần từng ít một vào lúc đói.
- Phương thuốc viên (dùng phối hợp với phương thuốc ngâm rượu ở trên): Cốt toái bổ 160g (cạo hết lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), cẩu tích 240g (tẩm rượu nấu với nước muối, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), quán chúng 100g (phơi chỗ râm, bỏ lông và vỏ), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), lá ké đầu ngựa 40g (phơi trong râm), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa với rượu), vỏ chân chim 160g (sao), rễ gắm 160g (sao). Các vị đem tán thành bột, luyện với mật làm thành viên, uống mỗi lần 8–12g với nước gừng hay rượu.
5. Thuốc đắp chữa bong gân, tụ máu:
Cốt toái bổ tươi, bóc vỏ, bỏ hết lông tơ và lá khô, rửa sạch, giã nhỏ, vẩy nước rồi gói vào lá chuối nướng cho mềm, đắp lên các chỗ đau, bó lại. Thay thuốc bó nhiều lần trong ngày. Thường sau 3–7 ngày sẽ khỏi.
6. Chữa thận khí suy kém, nặng đầu, mỏi lưng, khô miệng, nóng nhiều, toàn thân mỏi mệt, chân tay bủn rủn:
Cốt toái bổ 6g; hà thủ ô đỏ 12g; củ mài, bó chính sâm, gạc nai nướng, tang ký sinh, mỗi vị 6g; mẫu đơn 4g; nhụy sen 4g. Sắc nước uống.
7. Bổ khí huyết, bổ gân xương dùng cho người bị suy nhược cơ thể, người già, gãy xương:
Cốt toái bổ 12g; đảng sâm, hoài sơn, ba kích, mỗi vị 16g; hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, cẩu tích, tục đoạn, mẫu lệ mỗi vị 12g; thiên niên kiện 10g. Sắc lấy nước uống hay nấu thành cao lỏng uống.
8. Thuốc bổ gân xương:
Bột cốt toái bổ, bột sừng hươu nai, bột mẫu lệ, mỗi vị 2g. Làm thành viên uống hay uống dạng bột trong một ngày, uống liên tục 3–4 tuần.
Lưu ý, thận trọng khi dùng cốt toái bổ
Khi dùng cốt toái bổ, bạn nên lưu ý những gì?
Không nên sử dụng cốt toái bổ cho những người âm hư, huyết hư. Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng cốt toái bổ với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của cốt toái bổ
Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng cốt toái bổ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với cốt toái bổ
Cốt toái bổ có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay các dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi sử dụng dược liệu này.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.