Bạn có biết căng thẳng và bệnh tiểu đường cũng có mối liên hệ với nhau không? Tình trạng căng thẳng cho dù là tinh thần hay thể chất đều có thể tác động đến lượng đường trong máu, nhất là khi bạn đang mắc bệnh tiểu đường.
Căng thẳng vừa có thể tác động vừa là hậu quả của bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên kết giữa tình trạng căng thẳng cao kéo dài với nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Đồng thời, khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và phải lên kế hoạch kiểm soát đường huyết hàng ngày cũng khiến người bệnh căng thẳng hơn.
Mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh tiểu đường
Kiểm soát và quản lý bệnh tiểu đường là một quá trình lâu dài, kéo dài đến hết đời. Việc này có thể tạo thêm áp lực, căng thẳng (stress) cho cuộc sống hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng cũng là rào cản lớn trong việc kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Hormone được cơ thể tiết ra khi căng thẳng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ glucose trong máu. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc bị đe dọa, cơ thể sẽ có phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”. Phản ứng này làm tăng nồng độ các hormone và khiến các tế bào thần kinh hoạt động mạnh.
Cơ thể bạn sẽ giải phóng adrenalin và cortisol vào máu, làm cho nhịp thở tăng nhanh hơn. Máu được tập trung dồn về các cơ và từ chi, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình huống sắp xảy ra. Lúc này, cơ thể không có khả năng chuyển đổi glucose (do các tế bào thần kinh hoạt động mạnh sản sinh ra) trong máu thành năng lượng nếu bạn bị bệnh tiểu đường. Do đó, mức đường huyết sẽ tăng lên đáng kể.
Căng thẳng liên tục do các vấn đề liên quan đến đường huyết kéo dài cũng làm cho tinh thần lẫn thể chất suy sụp. Kết quả là việc quản lý bệnh tiểu đường gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường và cơ thể như thế nào?
Căng thẳng có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi người.
Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trải qua căng thẳng tinh thần, mức đường huyết thường gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường tuýp 1 lại có phản ứng với căng thẳng đa dạng hơn. Tức là, mức đường huyết của họ có thể tăng cao hoặc giảm thấp.
Khi cơ thể gặp vấn đề gây ra những căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như bị ốm hoặc chấn thương, lượng đường trong máu có thể tăng lên. Điều này xảy ra ở cả người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.
Ngoài ra, căng thẳng kéo dài cũng tạo nên tác động tiêu cực lên các hệ thống khác trong cơ thể:
- Hệ miễn dịch
- Hệ tiêu hóa
- Hệ bài tiết (thận)
- Hệ sinh sản
Hơn nữa, khả năng suy nghĩ thấu đáo và đưa ra quyết định đúng đắn cũng giảm xuống khi trong đầu bạn toàn chất chứa cảm giác lo lắng, sầu muộn và sợ hãi. Tình trạng căng thẳng về tinh thần kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Làm thế nào để biết tình trạng căng thẳng đang tác động đến mức đường huyết?
Đầu tiên, bạn cần xác định khoảng thời gian mà bạn cảm thấy căng thẳng về mặt tinh thần. Hãy ghi chép lại các cảm xúc và những việc bạn làm theo từng khoảng thời gian trong ngày.
Ví dụ, bạn thường có nhiều áp lực vào sáng thứ hai, hãy đánh giá mức độ căng thẳng theo thang điểm từ 1 đến 10. Mức 10 đại diện cho tình trạng căng thẳng cao nhất. Viết con số này lại.
Tiếp theo, bạn hãy đo đường huyết và ghi nhận lại nồng độ đường trong máu tại thời điểm cảm thấy căng thẳng. Lặp lại việc này nhiều lần sau đó. Nếu nhận thấy nồng độ đường huyết thường xuyên cao hơn bình thường vào những lúc bạn cảm thấy căng thẳng, chứng tỏ tình trạng này đang có ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng thường gặp khi căng thẳng
Đôi khi các dấu hiệu báo hiệu căng thẳng rất khó để nhận ra nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và cả sức khỏe thể chất. Nhận biết được các triệu chứng sẽ giúp bạn có cách quản lý căng thẳng tốt hơn.
Khi bị căng thẳng, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Đau đầu
- Đau cơ hoặc căng cơ
- Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ
- Có cảm giác như đang bị bệnh
- Mệt mỏi
Bên cạnh đó, bạn còn dễ cảm thấy:
- Mất động lực
- Hay cáu gắt
- Suy sụp, buồn phiền
- Bồn chồn
- Lo lắng
Tình trạng căng thẳng có khi gây tác động đến hành vi khác với tính cách thường ngày của bạn, như:
- Không tham gia các hoạt động cùng bạn bè, gia đình
- Ăn nhiều hơn bình thường hoặc chán ăn
- Hành động khi tức giận
- Uống nhiều rượu, bia
- Hút thuốc
Hãy quan tâm đến cuộc sống xung quanh mình
Phần lớn mọi người đều gặp phải những triệu chứng này vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Thật may là có rất nhiều cách để giảm thiểu căng thẳng mà bạn có thể thử. Đa số những phương pháp để phá tan căng thẳng là thường bắt đầu bằng việc khuyên bạn sống thoải mái về tinh thần.
Có nghĩa là nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong bản thân và thế giới xung quanh bạn. Là nhận thức được bạn đang làm gì và tại sao lại làm việc đó, là nhận thức được cái gì tốt với bạn còn cái gì không.
Luôn nhận thức được mọi khả năng sẽ xảy ra, những sự lựa chọn bạn có trong mọi tình huống.
Chịu đựng được căng thẳng là điều cần thiết để khiến cho quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường có hiệu quả. Và thành công trong việc kiểm soát sự căng thẳng rất quan trọng đối với các thành viên trong gia đình có bệnh tiểu đường.
Tinh thần thoải mái giúp ngăn ngừa những căng thẳng, điều trị bệnh tiểu đường và giữ nó ở mức ổn định.