Rất nhiều chị em, nhất là các bạn nữ trẻ, rất ngại ngần hoặc thậm chí xấu hổ khi nghĩ đến việc khám phụ khoa. Bạn vẫn còn ngại vì không biết quy trình đó diễn ra thế nào? Đó có thể là vì bạn chưa hiểu rõ chức năng của việc khám phụ khoa và việc thăm khám này diễn ra. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.
Khám phụ khoa là gì?
Kiểm tra phụ khoa (khám phụ khoa) là khám sức khỏe tập trung ở hệ sinh sản. Tương tự như khám mắt hoặc khám răng, kiểm tra phụ khoa diễn ra định kỳ hàng năm, hoặc thậm chí 6 tháng một lần sẽ giúp bạn phát hiện cũng như kịp thời chữa trị những căn bệnh tiềm ẩn.
Các bác sĩ thường gọi kiểm tra phụ khoa là “hẹn hò với hội chị em” nhằm giúp phụ nữ khỏe mạnh và phát hiện ra những vấn đề nhỏ về sức khỏe để giải quyết kịp thời trước khi căn bệnh trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ cũng có thể gọi đợt kiểm tra định kỳ này là “kiểm tra hệ sinh sản”, nhưng thực ra thì việc kiểm tra rất ít. Bác sĩ hoặc y tá có thể quan sát nhanh ngực bạn và cả “vùng dưới” để đảm bảo là mọi thứ vẫn ổn. Hầu hết trong các ca khám, bác sĩ chủ yếu dành thời gian để trò chuyện, trao đổi với bạn là chính.
Một số vấn đề sẽ được bác sĩ trao đổi là nguyệt san (việc hành kinh của bạn có bình thường không), kiểm soát việc mang thai, bệnh lây nhiễm sang đường tình dục (STD), giới tính, quan hệ. Đừng ngại đưa ra tất tần tật các câu hỏi cho bác sĩ, như là ngực của bạn trông thế nào, bạn có nên tẩy lông hay không, hoặc một số các bệnh liên quan đến tình dục.
Khi nào các Eva nên đi khám phụ khoa?
Các bác sĩ thường khuyên các bé gái bắt đầu đi khám phụ khoa khoảng từ 13 đến 15 tuổi hoặc nếu như bạn bắt đầu hành kinh trước tuổi 13. Lý do bạn nên đi khám sớm là vì khoảng thời gian dậy thì khá phù hợp để kiểm tra xem mọi thứ có đang phát triển tốt không.
Sau lần kiểm tra đầu tiên, bạn nên đi khám mỗi năm một lần, hoặc kỹ hơn là 6 tháng/lần, ngay cả khi bạn thấy mình vẫn bình thường. Vì hầu như mọi thứ đang phát triển thế nào trong cơ thể bạn cũng rất khó nhận biết. Trao đổi về những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn sẽ giúp bác sĩ và y tá phát hiện được những vấn đề bất thường.
Hầu hết các bé gái không cần kiểm tra ngực hoặc khung xương chậu cho đến khi 20 tuổi. Nhưng nếu bác sĩ hoặc y tá thấy điều gì bất thường (hay nếu bạn tự phát hiện các vấn đề như ra máu nhiều, nguyệt san không đều, ngứa hoặc đau âm đạo, hay triệu chứng nào khác) bạn có thể được đề nghị khám xương chậu. Các bác sĩ có thể vẫn thực hiện khám ngực hoặc xương chậu nếu tiền sử bệnh án gia đình bạn có vấn đề này.
Nếu ngại khám với bác sĩ nam, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu đổi sang khám bác sĩ nữ.
Kiểm tra phụ khoa gồm những gì?
Khi bạn đến cuộc hẹn với bác sĩ, nhân viên phòng khám sẽ hỏi bạn thông tin về bảo hiểm y tế và đưa bạn một tờ đơn để điền vào. Đơn đó bao gồm những câu hỏi về:
- Chu kỳ nguyệt san gần đây nhất (hãy kiểm tra lại lịch ra kinh và hết kinh của bạn để khai với bác sĩ chính xác);
- Tình trạng sức khỏe hiện tại (ví dụ như bạn có bị hen suyễn hay tiểu đường);
- Các loại thuốc đang dùng;
- Dị ứng;
- Cách sinh hoạt và thói quen về sức khỏe (như tập thể dục hay hút thuốc);
- Bệnh án gia đình (như ba mẹ có vấn đề gì về sức khỏe hay không);
- Đã từng mang thai hay chưa;
- Có đang dùng liệu pháp ngừa thai nào không và đó là gì.
Bác sĩ sẽ cho tiến hành những gì ở phòng khám phụ khoa?
Thông thường, y tá hoặc một trợ lý y tế sẽ đưa bạn vào phòng khám để cân và đo huyết áp. Sau đó, nếu bác sĩ tiến hành kiểm tra bằng cách quan sát nhanh thì bạn sẽ được cách ly để cởi trang phục. Người trợ lý sẽ đưa bạn một cái áo thụng để mặc và một tấm vải để che.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ thăm hỏi, quan sát và nắn ngực để xem vòng một của bạn đã phát triển đến đâu và có bình thường không. Bác sĩ có thể cho tiến hành chụp x-quang ngực để có kết quả chính xác nhất về các mô trong ngực.
Để kiểm tra bộ phận sinh dục bên ngoài, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm lên bàn khám đúng tư thế và vị trí. Bạn cần báo cho bác sĩ là đã quan hệ tình dục lần nào chưa. Nếu chưa, bác sĩ sẽ chỉ quan sát bên ngoài dưới ánh đèn, dùng bao cao su xỏ vào ngón tay của bác để khám hậu môn hoặc sử dụng que bông để phết lấy một chút dịch âm đạo nếu có bất thường cần xét nghiệm. Nếu bạn đã từng quan hệ, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ mỏ vịt để khám kỹ lưỡng hơn. Mỏ vịt đã được tiệt trùng hoặc là loại dùng một lần, đã được bôi trơn bằng dung dịch chuyên dụng nên bạn hầu như sẽ không cảm thấy đau rát. Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám thêm bằng ngón tay được đeo bao cao su (chỉ áp dụng với người đã quan hệ tình dục).
Nếu bạn chưa bao giờ tiêm vắc xin HPV (chống bệnh nổi mẩn ở vùng kín), bác sĩ hoặc y tá sẽ khuyên bạn nên tiêm. Họ cũng có thể khuyên bạn tiêm một số loại khác để phòng bệnh lây qua đường tình dục, ví dụ như vắc xin chống viêm gan siêu vi B.
Người thân có thể ở cùng bạn trong phòng khám nếu muốn. Nhưng nếu bạn ở một mình, hãy để bác sĩ hay y tá biết. Bác sĩ hiểu tầm quan trọng của việc giữ thông tin riêng tư và bí mật. Nếu bạn có điều gì không muốn tiết lộ với người khác, hãy nói với bác sĩ những lo lắng của mình.
Kiểm tra bệnh lây lan qua đường tình dục (Sexually transmitted diseases – STD)
Nếu bạn đã từng quan hệ tình dục, bác sĩ hoặc y tá có thể sẽ tiến hành kiểm tra STD, nghĩa là kiểm tra mẫu nước tiểu hoặc miếng gạc âm đạo để gửi đến phòng xét nghiệm.
Bác sĩ hoặc y tá sẽ nhanh chóng đưa bạn một miếng gạc cotton, lau qua âm đạo để lấy mẫu dịch nhầy. Một số phòng khám khác có thể đưa bạn một dụng cụ để bạn đem về nhà và tự lấy mẫu thử.
Hầu hết các bài kiểm tra STD chỉ yêu cầu mẫu thử nước tiểu và gạc âm đạo, nhưng cũng có khi cần thử máu.
Các bác sĩ luôn nỗ lực hết sức đễ giữ kết quả kiểm tra tuyệt mật. Hãy nói chuyện với bác sĩ hay y tá về việc bạn muốn biết kết quả kiểm tra STD của mình như thế nào.
Đặt câu hỏi
Có rất nhiều tin đồn lan truyền xung quanh vấn đề về giới tính và tình dục. Kiểm tra phụ khoa là dịp để bạn có được giải đáp chính xác.
Viết ra bất kỳ câu hỏi nào mà bạn nghĩ ra trước khi đến phòng khám. Viết thành danh sách để chắc rằng bạn không bỏ sót câu hỏi nào. Nếu thấy ngại hoặc xấu hổ khi đặt câu hỏi, hãy đưa giấy ghi sẵn câu hỏi cho y tá hoặc bác sĩ.
Ban đầu, bạn có thể thấy ngại khi nói về chủ đề kiểu này, đặc biệt trong trường hợp bạn chưa bao giờ quan hệ và không hề có ý định đó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hiểu biết và phòng tránh vẫn luôn là lựa chọn tối ưu.
Bác sĩ có thể hướng dẫn những phụ nữ trẻ cách nói chuyện với bố mẹ về bao cao su, STD, và những chủ đề về sức khỏe giới tính.
Ai sẽ kiểm tra phụ khoa cho bạn?
Hầu hết tiến trình kiểm tra phụ khoa được thực hiện bởi bác sĩ phụ khoa. Bác sĩ gia đình, chuyên gia sức khỏe thanh thiếu niên, y tá, hoặc bác sĩ khoa nhi cũng có thể thực hiện khám phụ khoa. Bạn cũng có thể đến những trung tâm sức khỏe (như Trung tâm sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình).
Cả bác sĩ nam và nữ đều có thể thực hiện kiểm tra phụ khoa. Điều quan trọng nhất là bạn cần thấy thoải mái với người khám cho mình. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ nữ khám cho mình nếu muốn.
Đặt lịch hẹn với bác sĩ
Nếu bạn từ 13 tuổi trở lên hoặc bắt đầu có kinh sớm hơn tuổi này, hãy nói với bố mẹ biết rằng bạn muốn đi khám để kiểm tra sức khỏe và nếu muốn cảm thấy yên tâm, bạn có thể yêu cầu mẹ hoặc chị gái đi cùng. Trước khi đến gặp bác sĩ, hãy viết ra những vấn đề cần hỏi. Viết một tờ giấy chú thích ngày gần nhất có kinh nguyệt và hãy nhớ đem theo bảo hiểm y tế để tiết kiệm chi phí.
Sau khi kiểm tra phụ khoa
Phòng mạch hay trung tâm y tế sẽ thông báo nếu bác sĩ hay y tá cần gặp bạn sau khi khám. Nếu không, bạn không cần phải trở lại khám cho tới năm sau hoặc nửa năm sau, trừ khi bạn thấy mình có vấn đề về sức khỏe.
Kiểm tra phụ khoa giúp phát hiện những vấn đề sức khỏe sớm và điều trị kịp thời nên bạn cần đi khám mỗi năm một lần hoặc kỹ hơn là 6 tháng một lần.