Bố mẹ nên dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với bé yêu ngay từ những ngày còn nhỏ cũng như thắt chặt tình cảm gia đình hơn nữa.
Giao tiếp là một phần quan trọng trong mối quan hệ của bạn và thiên thần nhỏ. Bố mẹ và con có thể học cách giao tiếp với tín hiệu tay trước khi bé bập bẹ tiếng nói đầu tiên. Vậy tại sao nên dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu và có những mẹo nào để giúp con học? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Ngôn ngữ ký hiệu của trẻ nhỏ là gì?
Ngôn ngữ ký hiệu của bé là một dạng ngôn ngữ giao tiếp trước khi con biết nói. Trẻ nhỏ có thể hiểu được các tín hiệu hình ảnh ngay cả lúc bé chưa biết nói. Sau khi hơn 7 tháng tuổi, con sẽ bắt đầu cho bố mẹ biết cảm giác, suy nghĩ và điều mình muốn.
Ký hiệu là một phương thức để con thể hiện mong muốn của mình trước khi khả năng nói tốt hơn. Các chuyên gia hàng đầu đã chứng thực những lợi ích về việc ngôn ngữ ký hiệu giúp kích thích sự phát triển của não và tăng cường việc xây dựng dây thần kinh trong não của trẻ.
Khi nào có thể bắt đầu dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu?
Thời điểm tốt nhất mà bạn có thể dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu là khi bạn quan sát bé yêu bắt đầu biểu hiện mong muốn giao tiếp. Con sẽ học cách ra dấu trước khi tập nói, nên quá trình này bắt đầu càng sớm càng tốt.
Một số bé bắt đầu học các dấu hiệu đơn giản khi 6 tháng tuổi nhưng con lại có thể không kiểm soát được bàn tay để ra hiệu rõ ràng cho đến khi 8 – 9 tháng. Bạn có thể bắt đầu dạy các dấu hiệu cho con khi nghĩ rằng trẻ đã sẵn sàng học.
Việc giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng hơn khi con yêu có khả năng thể hiện các nhu cầu của mình. Bạn cũng nên nói chuyện trong khi làm dấu để bé biết liên hệ những từ đó với các dấu hiệu.
Tác dụng của ngôn ngữ ký hiệu đối với trẻ nhỏ
Việc sử dụng các cử chỉ là một phần của giao tiếp khi trò chuyện. Trẻ sơ sinh đủ thông minh để chọn lựa những động tác đó nhằm kết nối với mọi người. Nếu bạn thấy bé vẫy tay chào hoặc nâng 2 tay lên đòi mẹ bế thì cũng là minh chứng cho việc bé đã học cách ra dấu hiệu.
Khả năng hiểu ngôn ngữ và các cử chỉ phát triển tốt hơn khả năng nói của bé. Vì vậy, con sẽ sử dụng các dấu hiệu để giúp bố mẹ hiểu mình muốn gì.
Lợi ích của việc dạy con học nói bằng ngôn ngữ ký hiệu
1. Giúp bé giao tiếp sớm
Sẽ rất phiền phức nếu bạn không thể hiểu được con mình đang đòi gì. Ngôn ngữ ký hiệu có thể gíup bố mẹ trong những tình huống như thế này vì con có khả năng tiếp thu chúng ngay từ khi còn nhỏ. Các ký hiệu sẽ phát triển trong 9 tháng đầu tiên trong khi tiếng nói bắt đầu đến với bé khoảng 12 tháng tuổi.
2. Mở rộng vốn từ vựng cho con
Khi bắt đầu tập nói, bé đã sỡ hữu khá phong phú ngôn ngữ ký hiệu. Ví dụ, một bé được nuôi dạy theo phương pháp điển hình sẽ chỉ nói được khoảng 10 từ khi đã 18 tháng tuổi. Còn đối với trẻ được dạy ngôn ngữ ký hiệu từ nhỏ, con có thể nói được 20 từ cũng như ra dấu khoảng 60 ký hiệu.
3. Giúp trẻ tăng sự tự tin
Ngôn ngữ ký hiệu có thể truyền cảm giác tự tin vào con yêu vì bố mẹ có thể thấy được sự tự hào của bé khi có được thứ mình muốn. Ví dụ, nếu trẻ ra dấu rằng muốn được ăn bánh quy và người lớn đáp ứng lại nguyện vọng đó, con sẽ rất vui mừng cũng như hào hứng lặp lại hoặc thực hành các ký hiệu khác.
4. Nuôi dưỡng đam mê đọc sách trong con
Khi bố mẹ đọc sách ảnh bằng cách làm các ký hiệu, con yêu tương tác nhiều hơn so với việc chỉ đọc qua lời nói thông thường. Phương pháp này làm tăng sự quan tâm của bé đối với sách và cuối cùng mở đường cho việc tập đọc sớm.
5. Giúp con thông minh hơn
Theo nghiên cứu, trẻ em nghe hiểu khi được dạy ngôn ngữ ký hiệu có kỹ năng đọc và viết tốt hơn cũng như sở hữu chỉ số IQ cao hơn 12 điểm so với những bé sử dụng các dấu hiệu.
6. Gắn kết tình cảm gia đình
Dạy con học ngôn ngữ ký hiệu có thể cải thiện sự gắn bó giữa bố mẹ và con. Bạn sẽ chẳng khác nào một người bạn khi dạy các dấu hiệu qua việc tương tác, nói chuyện, liên lạc bằng mắt cũng như mô tả hành động với con. Tất cả những điều này sẽ giúp mối quan hệ mẹ con thêm gần gũi.
Tuy nhiên những lợi ích khi bé dùng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay hầu như chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn. Những bé dùng phương pháp này nhiều khi còn nhỏ rõ ràng có khả năng giao tiếp hơn dễ dàng, nhưng hầu hết các nghiên cứu lại chỉ ra rằng khả năng này không kéo dài tới thời điểm bé đi học. Khi bé có thể nói và được thấu hiểu, những lợi ích của việc dùng ngôn ngữ ký hiệu sẽ giảm dần và cuối cùng sẽ biến mất. Do đó, ngôn ngữ này chỉ dùng với mục đích chính là giúp bạn có thể giao tiếp với bé tốt hơn khi bé vẫn chưa biết nói.
Lưu ý khi trước khi dạy con học ngôn ngữ ký hiệu
1. Bắt đầu dùng ngôn ngữ ký hiệu từ rất sớm
Bạn hãy bắt đầu dùng ngôn ngữ ký hiệu từ khi bé tỏ ra thích thú với việc giao tiếp với bạn – chậm nhất là từ khi bé được 8 – 9 tháng tuổi vì việc tập giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu không có hại gì cho thói quen giao tiếp sau này cả. Hầu hết các bé sẽ phản ứng lại trong khoảng thời gian nhất định, thường là từ 10 – 14 tháng tuổi.
2. Ra dấu một cách tự nhiên
Bạn hãy giúp con phát triển ngôn ngữ ký hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả. Bất cứ cử chỉ đơn giản nào thích hợp với lời nói hoặc câu đều có hiệu quả (ví dụ như việc vẫy cánh tay để tả “con chim” hoặc gãi dưới cánh tay để tả “con khỉ”; xếp hai tay lại rồi nghiêng đầu có nghĩa là “đi ngủ”, xoa bụng khi “đói”, cuộn tròn bàn tay lại đưa lên miệng nghĩa là “uống đi”, ngón tay chạm vào mũi nghĩa là “ngửi”).
3. Chọn lựa các dấu hiệu để học đầu tiên
Trước khi bắt đầu dạy con làm quen với ngôn ngữ ký hiệu, bạn hãy liệt kê những từ muốn bé học sau đó rút ngắn danh sách này và chỉ để lại các từ hoặc ý tưởng có thể đem lại nhiều lợi ích nhất khi giao tiếp với nhau chẳng hạn như “ăn”, “bế”. Những ký hiệu quan trọng nhất mà bé cần phát triển và học theo sẽ là nhu cầu hàng ngày mà bé cần bày tỏ như đói, khát và mệt mỏi.
4. Ra hiệu một cách nhất quán
Bằng việc nhìn thấy những ký hiệu giống nhau từ ngày này qua ngày khác, bé sẽ dần hiểu ra và bắt chước theo đúng các ký hiệu đó một cách nhanh chóng.
5. Nói và ra dấu cùng lúc
Để chắc chắn bé học cả ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói, bạn hãy sử dụng cả hai loại ngôn ngữ này cùng lúc khi trò chuyện cùng bé.
6. Khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng ra dấu
Bé sẽ thấy thích thú khi nhiều người giao tiếp với bé bằng ngôn ngữ ký hiệu. Từ anh chị em, ông bà cho đến cô trông trẻ, bất cứ ai dành thời gian bên bé nhiều nên ít nhất hiểu được những ký hiệu quan trọng nhất của bé.
7. Làm theo ký hiệu của bé
Nhiều bé tự sáng chế ra ký hiệu của chính bé. Nếu con bạn cũng thích tự sáng chế ra ký hiệu, bạn hãy dùng ký hiệu của bé vì ký hiệu của bé thường có ý nghĩa với bé hơn.
8. Kiên nhẫn đợi bé đáp lại dấu hiệu
Có thể mất vài tháng, bé mới đáp lại dấu hiệu của bố mẹ. Tuy nhiên, con chưa biết làm dấu hiệu không đồng nghĩa với việc con không hiểu được ý nghĩa của các dấu hiệu và lời nói. Trẻ chỉ đơn giản chưa thể làm ra được các ký hiệu và sẽ phải cố gắng rất nhiều trước khi có khả năng ra dấu thành thạo.
Một khi con bắt đầu ra dấu, bé sẽ sử dụng một loạt các ký hiệu khác nhau nếu bố mẹ liên tục dạy con những đồ vật hoặc hiện tượng mới.
Ngôn ngữ ký hiệu của bé truyền cảm hứng cho bố mẹ trong việc nói rõ ràng cùng những biểu cảm đa dạng. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự biến đổi của âm giọng sẽ giúp các con học cách nói nhanh hơn. Do đó, bạn hãy tập cho trẻ biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ngay từ lúc nhỏ.
9. Đừng thúc ép con phải học ngôn ngữ ký hiệu
Việc ra hiệu, giống như tất cả các loại hình giao tiếp khác, nên được phát triển một cách tự nhiên và phù hợp với nhịp độ phát triển của bé. Bé sẽ học hiệu quả nhất thông qua những kinh nghiệm chứ không phải thông qua những hướng dẫn rườm rà. Nếu con bạn cảm thấy nản lòng với những ký hiệu, tỏ vẻ không muốn dùng chúng hoặc cảm thấy quá tải, đừng ép bé phải học.
3 động tác trong ngôn ngữ ký hiệu mà bạn nên dạy cho con
Những dấu hiệu đề cập tới những người quan trọng trong cuộc sống của bé đều được yêu thích hơn cả. Không chỉ có trẻ con thích sử dụng các dấu hiệu đó mà ngay cả người lớn cũng hứng thú với chúng. Bạn có thể bắt đầu với những gợi ý sau:
1. Sữa
Dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu liên quan đến thực phẩm cũng rất quan trọng để bé có thể báo hiệu cho người lớn biết rằng mình đang đói. Điều này giúp trẻ lựa chọn và yêu cầu đồ ăn từ bố mẹ theo hướng xây dựng giao tiếp hơn là tạo ra sự phiền phức.
Sữa là thức ăn đầu tiên của em bé. Bạn có thể đang cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức hay thậm chí cả hai.
- Nếu muốn dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu với từ “sữa mẹ”, bạn chỉ vào gần ngực và nói “sữa”.
- Còn nếu muốn nhắc đến sữa công thức, bạn có thể khum các ngón tay lại để trông giống như đang cầm bình sữa, sau đó nói to và rõ ràng cho con nghe thấy từ “sữa”.
2. Ăn
Ăn cũng là một từ cơ bản trong giao tiếp thông thường.
- Bạn hãy chụm ngón tay của một bàn tay lại và hướng vào miệng
- Sau đó, chạm khẽ vào môi hoặc chỉ tay vào miệng và nói “ăn”.
3. Nữa/nhiều hơn
Từ “nữa/nhiều hơn” được sử dụng trong nhiều trường hợp bởi tính đa dạng của nó. Để thực hiện ký hiệu này, bạn chỉ cần khum các ngón của 2 bàn tay lại và chạm nhẹ vào nhau.
3 điều cần nhớ khi dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu
Mặc dù ngôn ngữ ký hiệu chứa đựng rất nhiều sự thú vị nhưng đôi khi bố mẹ lại cảm thấy lo lắng về cách bé đáp trả lại hoặc tự suy nghĩ rằng phải dạy con học thật nhanh. Dưới đây là một vài điều cần nhớ khi dạy bé tập nói bằng ngôn ngữ ký hiệu:
- Luôn vui vẻ: Học ngôn ngữ ký hiệu cũng là một phần của niềm vui, bố mẹ sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ khi tương tác với con yêu đấy.
- Động viên: Bố mẹ nên thưởng cho con những món quà nhỏ sau khi bé thành thạo 1 dấu hiệu nào đó, không nhất thiết phần thưởng là vật chất mà có thể là tinh thần ví dụ như đọc cho bé một câu chuyện thật hay trước khi ngủ hoặc nấu những món mà con thích.
- Mở rộng vốn từ: Hãy cứ nói chuyện với bé trong khi thực hiện các dấu hiệu, con có thể tiếp thu rất nhiều kiến thức ở năm đầu đời mà đến chính người lớn cũng không biết.
Mặc dù ngôn ngữ ký hiệu có thể khiến mọi chuyện dễ dàng hơn khi bé chưa biết nói, nhưng ngôn ngữ ký hiệu lại không đóng vai trò quá quan trọng giúp phụ huynh và bé giao tiếp tốt, khi cha mẹ và bé đã có mối quan hệ tốt và có thể hiểu nhau rõ ràng qua lời nói. Vì vậy nếu một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu chính thức nào đó không giúp bạn cảm thấy dễ chịu hoặc không hiệu quả với bé, bạn đừng tự bắt mình hay bé phải dùng. Các bậc phụ huynh vẫn có thể đoán được những điều bé muốn mà không cần dùng ngôn ngữ ký hiệu bởi vì các bậc cha mẹ đã quen với việc hiểu bé thông qua cử chỉ và tiếng động của con.
Bạn hãy tham khảo thêm bài viết “15 trò chơi vận động rèn luyện kỹ năng làm bé thích mê” để rèn luyện thêm kỹ năng cho con nhé.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.