Người dịch: Hoàng Thu Hà
Hiệu đính: Ths.Bs. Lê Công Định – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Bài viết giải thích về u xơ tuyến vú, chẩn đoán và điều gì sẽ xảy ra nếu u xơ cần được theo dõi và điều trị.
U xơ tuyến vú là gì?
U xơ tuyến vú (bướu sợi tuyến vú) là một dạng tổn thương lành tính ở vú (không phải ung thư) rất phổ biến ở nữ.
U xơ tuyến vú có thể xảy ra ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường phát triển trong tuổi dậy thì nên được thấy nhiều nhất ở phụ nữ trẻ. Nam giới cũng có thể có u xơ tuyến vú nhưng rất hiếm.
Các triệu chứng của u xơ tuyến vú
U xơ tuyến vú thường được sờ thấy như là một khối u ở vú, bề mặt nhẵn và di động dễ dàng dưới da.
U xơ tuyến vú thường không gây đau, nhưng đôi khi có thể cảm thấy đau hơn vị trí khác khi sờ nắn, nhất là trước khi hành kinh.
Các loại u xơ tuyến vú
U xơ tuyến vú đơn giản
Hầu hết u xơ tuyến vú có kích thước 1-3 cm và được gọi là u xơ tuyến vú đơn giản. Khi quan sát dưới kính hiển vi, u xơ tuyến vú đơn giản sẽ nhìn giống nhau.
U xơ tuyến vú đơn giản không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai.
U xơ tuyến vú phức tạp
Một số u xơ tuyến vú được gọi là u xơ tuyến vú phức tạp, khi các u xơ này được quan sát dưới kính hiển vi, một số các tế bào có các đặc điểm khác với phần còn lại.
Bị u xơ tuyến vú phức tạp có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai.
U xơ tuyến vú khổng lồ hay là u xơ tuyến vú tuổi vị thành niên
Một số trường hợp u xơ tuyến vú có thể phát triển tới kích thước trên 5 cm và được gọi là u xơ tuyến vú khổng lồ. Các u xơ này xuất hiện ở bé gái thiếu niên có thể được gọi là u xơ tuyến vú tuổi vị thành niên.
Nguyên nhân gây u xơ tuyến vú
Nguyên nhân gây nên u xơ tuyến vú vẫn chưa được biết rõ. Người ta cho rằng nó rất có thể xảy ra do tăng độ nhạy của mô với nội tiết tố estrogen.
Vú gồm các tiểu thùy (các tuyến sản sinh sữa) và các ống dẫn sữa (các ống mang sữa tới núm vú). Các tuyến này được bao quanh bởi các mô tuyến, mô xơ và mô mỡ. Các mô này tạo nên hình dạng và kích thước cho vú.
U xơ tuyến vú phát triển từ một tiểu thùy. Mô tuyến và các ống dẫn sữa phát triển ra ngoài tiểu thùy và hình thành nên u đặc.
Chẩn đoán
Nếu bạn thấy một u vú, hãy đến khám bác sĩ đa khoa. Bác sĩ đa khoa có thể sẽ giới thiệu bạn tới phòng khám chuyên khoa vú và tại đó bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa khám.
Tại phòng khám bạn sẽ được làm một loạt xét nghiệm, có thể gồm:
- Chụp nhũ ảnh (chụp X quang vú)
- Siêu âm (sử dụng sóng âm để tạo nên hình ảnh)
- Sinh thiết lõi (sử dụng kim rỗng để lấy một mẫu mô vú, mẫu này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi – một vài mẫu mô có thể được lấy đồng thời trong mỗi lần sinh thiết).
- Chọc hút kim nhỏ (FNA) (sử dụng một kim nhỏ và xi-lanh để lấy một mẫu các tế bào, mẫu này sẽ được quan sát dưới kính hiến vi).
Ở những phụ nữ trẻ thì chẩn đoán u xơ tuyến vú khá dễ dàng. Nếu bạn ở đầu tuổi 20 hoặc trẻ hơn thì u xơ có thể được chẩn đoán chỉ bằng khám vú và siêu âm. Tuy nhiên nếu không chắc chắn về chẩn đoán thì có thể sẽ cần thực hiện sinh thiết lõi hoặc FNA.
Nếu bạn dưới 40 thì nhiều khả năng bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm hơn là chụp nhũ ảnh. Mô vú của phụ nữ trẻ hơn thường đặc hơn, làm cho hình ảnh X quang kém rõ ràng nên những thay đổi bình thường hoặc các tổn thương vú lành tính có thể khó nhận biết hơn. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ dưới 40 thì có thể cần chụp nhũ ảnh để đánh giá nếu cần thiết.
Điều trị và theo dõi
Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ không cần bất kỳ điều trị hoặc theo dõi gì nếu thực sự là u xơ tuyến vú. Thường thì bạn sẽ được yêu cầu khám lại vú nếu u xơ to lên hoặc bạn nhận thấy có sự thay đổi bất thường khác.
Hầu hết u xơ tuyến vú sẽ giữ nguyên kích thước. Một số nhỏ đi và một số thậm chí còn biến mất theo thời gian. Một số ít u xơ to lên, nhất ở những bé gái tuổi thiếu niên. U xơ tuyến vú cũng có thể lớn lên trong thời kỳ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ hoặc trong khi dùng liệu pháp thay thế nội tiết (HRT), nhưng thường giảm kích thước sau đó.
Phẫu thuật
Đôi khi cần phẫu thuật (gọi là sinh thiết cắt bỏ) để lấy u xơ ra nếu u xơ to, u xơ phức tạp hoặc u xơ tuổi vị thành niên. Bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về nhu lấy bỏ u xơ ngoài các trường hợp kể trên. Phẫu thuật mổ u xơ thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng chỉ tự tiêu dưới da để không cần rút chỉ ra. Tuy nhiên nếu sử dụng chỉ không tự tiêu thì sẽ cần rút chỉ ra khoảng một tuần sau phẫu thuật. Bạn sẽ được cho thông tin về chăm sóc vết mổ trước khi ra viện.
Sinh thiết cắt bỏ có hỗ trợ hút chân không (VAC/VAB)
Bạn có thể được chỉ định sinh thiết cắt bỏ có hỗ trợ hút chân không để lấy u xơ ra. Đây là cách thức để lấy u xơ nhỏ ra dưới gây tê tại chỗ mà không cần phẫu thuật có gây mê toàn thân.
Sau khi tiêm thuốc gây tê tại chỗ, một vết rạch da được thực hiện. Một đầu dò rỗng có nối với dụng cụ hút chân không được đặt vào qua vết rạch. Bằng cách sử dụng siêu âm dẫn hướng, u xơ được chân không hút ra qua đầu dò vào hộp chứa. Thực hiện hút u cho đến khi tất cả u xơ được lấy ra. Như vậy tránh được một cuộc phẫu thuật.
Mô lấy ra được gửi tới phòng xét nghiệm để xem xét dưới kính hiển vi.
Thủ thuật này có thể gây thâm tím và đau trong vài ngày sau đó. Lấy u xơ ra thường không ảnh hưởng tới hình dạng của vú, nhưng có thể có vết lõm nhẹ ở vú tại vị trí tương ứng có u xơ được lấy ra.
Hiểu về u xơ vú
Đối với hầu hết phụ nữ, có u xơ tuyến vú không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
Nếu bạn bị chẩn đoán u xơ tuyến vú phức tạp thì bạn có thể lo rằng nguy cơ tăng lên chút ít. Tuy nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ phát triển ung thư vú trong tương lai.
Điều quan trọng là tiếp tục hiểu về u xơ vú và quay trở lại khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy có bất kỳ sự thay đổi nào ở vú, không kể là nó xuất hiện sớm ra sao sau chẩn đoán u xơ tuyến vú.
Tài liệu tham khảo
https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc72_fibroadenoma_2019_web.pdf