Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh basedow rất cần được lưu ý vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến những triệu chứng của bệnh. Do đó, người bệnh basedow kiêng ăn gì và nên ăn gì là vấn đề cần phải biết rõ.
Các thực phẩm sẽ không thể giúp bạn chữa khỏi bệnh basedow hoàn toàn nhưng những chất oxy hóa và chất dinh dưỡng trong đó có khả năng làm giảm bớt các triệu chứng bệnh.
Bệnh basedow khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, dẫn đến cường giáp. Một số triệu chứng liên quan bao gồm:
- Giảm cân nhanh chóng mặc dù vẫn ăn uống bình thường
- Xương giòn và loãng xương
Chế độ ăn uống đóng một vai trò khá quan trọng trong việc kiểm soát basedow bởi vì một số thực phẩm có khi sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Việc nhạy cảm hay dị ứng với thực phẩm có khả năng gây tác động tiêu cực lên hệ thống miễn dịch, gây bùng phát bệnh ở một số người. Do đó, điều đầu tiên là bạn phải xác định được những loại thực phẩm có thể gây dị ứng cho bản thân. Từ đó, tránh tiêu thụ các món ăn, thức uống đó để giảm bớt biểu hiện do bệnh gây ra.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu người bệnh basedow kiêng ăn gì và nên ăn gì qua bài viết dưới đây.
Bệnh basedow kiêng ăn gì?
Trước tiên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định được những loại thực phẩm nên tránh. Bạn cũng có thể ghi chép lại thực đơn hàng ngày để dễ dàng theo dõi tác động của các loại thực phẩm lên những triệu chứng bệnh. Một số loại thực phẩm cần phải xem xét loại bỏ bao gồm:
1. Gluten
Ở những người mắc bệnh về tuyến giáp nói chung thì tỷ lệ mắc bệnh Celiac (không dung nạp gluten) cao hơn bình thường. Điều này một phần là do yếu tố di truyền ảnh hưởng đến. Thực phẩm có chứa gluten thường khiến cho quá trình điều trị ở những người mắc bệnh tuyến giáp tự miễn khó khăn hơn, bao gồm cả bệnh basedow. Thực tế, có rất nhiều loại thực phẩm chứa gluten nên bạn cần phải đọc kỹ thành phần in trên nhãn, chẳng hạn như:
- Lúa mì và các sản phẩm từ lúa mì
- Lúa mạch đen
- Lúa mạch
- Mạch nha
- Tiểu hắc mạch (triticale)
- Men bia
- Các loại ngũ cốc như lúa mì nâu (spelt), kamut, lúa mì farro, lúa mì cứng (durum)
2. Hạn chế i-ốt
Một số bằng chứng cho thấy bổ sung i-ốt quá mức có thể kích thích bệnh cường giáp phát triển ở người lớn tuổi hoặc những người đã tồn tại bệnh tuyến giáp từ trước. I-ốt là một vi dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe nhưng cần được bổ sung ở liều lượng vừa đủ. Hãy nói chuyện với bác sĩ để biết được bạn cần tiêu thụ bao nhiêu i-ốt là hợp lý.
Những thực phẩm giúp cung cấp i-ốt bao gồm:
- Muối
- Bánh mì
- Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, sữa chua
Thực phẩm có hàm lượng i-ốt tự nhiên cao là:
- Hải sản, đặc biệt là cá có thịt trắng như cá tuyết chấm đen, cá tuyết
- Rong biển và các loại rong khác như tảo bẹ
3. Thịt và các sản phẩm từ động vật
Một nghiên cứu cho thấy những người ăn chay có tỷ lệ mắc bệnh cường giáp thấp hơn so với những người ăn mặn, đặc biệt là những người tránh tất cả các sản phẩm từ động vật bao gồm các loại thịt và cá.
Bệnh basedow nên ăn gì?
Một số thực phẩm có chứa một vài chất dinh dưỡng có khả năng giảm bớt triệu chứng bệnh basedow như:
1. Thực phẩm giàu canxi
Bệnh cường giáp có thể khiến cho cơ thể khó hấp thu được canxi. Điều này dẫn đến tình trạng giòn xương, loãng xương. Chế độ ăn nhiều canxi sẽ phù hợp cho người bệnh basedow mặc dù một số sản phẩm từ sữa có chứa i-ốt sẽ không tốt cho tình trạng này.
Bạn vẫn sẽ cần một ít i-ốt trong chế độ ăn uống nên điều quan trọng nhất là phải nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng về những thực phẩm nên và không nên ăn khi mắc phải bệnh basedow.
Các thực phẩm có chứa nhiều canxi bao gồm:
- Bông cải xanh
- Hạnh nhân
- Cải xoăn
- Cá mòi
- Đậu bắp
2. Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi từ thực phẩm dễ dàng hơn. Hầu hết vitamin D được tạo ra trong da thông qua hấp thụ ánh sáng mặt trời.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến là:
- Cá mòi
- Dầu gan cá tuyết
- Cá hồi
- Cá ngừ
- Nấm
3. Thực phẩm giàu magiê
Nếu cơ thể không có đủ magiê, khả năng hấp thu canxi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự thiếu hụt magiê cũng có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến bệnh basedow. Nguồn thực phẩm giàu khoáng chất này gồm có:
- Bơ
- Sô cô la đen
- Hạnh nhân
- Quả hạch Brazil
- Hạt điều
- Các loại đậu
- Hạt bí
4. Thực phẩm có chứa selen
Thiếu hụt selen cũng có khi liên quan đến bệnh mắt tuyến giáp ở những người mắc bệnh basedow. Điều này có thể gây ra phình nhãn cầu và nhìn đôi. Selen là một khoáng chất và chất chống oxy hóa được tìm thấy trong:
- Nấm
- Gạo lứt
- Quả hạch Brazil
- Hạt hướng dương
- Cá mòi
Bệnh basedow là nguyên nhân hàng đầu của bệnh cường giáp. Mặc dù chế độ ăn uống không thể chữa khỏi basedow nhưng triệu chứng có thể giảm bớt ở một số người. Hãy học cách xác định những thực phẩm bị dị ứng để hạn chế những món ăn kích thích bệnh bùng phát.
Ngoài ra, cũng có những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để làm dịu đi những triệu chứng bệnh basedow. Do đó, theo dõi chế độ ăn và ghi nhật ký thực đơn hàng ngày hay nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn biết được bệnh basedow kiêng ăn gì và nên ăn gì.