Bạn cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy trẻ nói chuyện trong khi ngủ? Đừng quá lo, bởi chứng nói mớ là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Hãy cùng Chúng tôi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này nhé.
Theo các bác sĩ, khoảng 10% trẻ em có thói quen nói mớ trong khi ngủ. Một số trẻ nói chuyện rất rõ ràng, trong khi một số khác chỉ lảm nhảm hoặc rên rỉ. Nói mớ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bạn chỉ cần biết cách chăm sóc thì trẻ sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này.
Tại sao trẻ lại nói mớ?
Trẻ thường nói mớ trong giai đoạn đầu của một giấc ngủ sâu. Có 2 lý do khiến trẻ nói mớ:
Quá phấn khích
Nếu trẻ quá phấn khích với một điều gì đó, chẳng hạn như một chuyến du lịch hoặc một lời hứa về một món đồ chơi mà trẻ yêu thích thì có thể khiến trẻ nói mớ trong khi ngủ.
Lo lắng về một điều gì đó
Nếu trẻ lo lắng về một điều gì đó, chẳng hạn như bài kiểm tra hoặc một trận đấu thì cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Đa số các trường hợp, trẻ sẽ không trả lời bạn khi đang nói mớ. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ không nhớ bất cứ điều gì vào sáng hôm sau.
7 bí quyết giúp xử lý chứng nói mớ ở trẻ nhỏ
Bạn không cần phải lo lắng về chứng nói mớ nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể giúp trẻ thoát khỏi tình trạng này bằng những cách sau:
1. Duy trì thói quen ngủ đúng giờ
Hãy tạo cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ:
- Có lịch ngủ với thời gian ngủ cố định.
- Duy trì những thói quen này trong những ngày cuối tuần và ngày nghỉ.
2. Cho trẻ ngủ đủ giấc
Là cha mẹ, bạn cần phải biết bạn nên cho trẻ ngủ bao nhiêu giờ là đủ.
- Hãy đánh thức trẻ sau khi trẻ đã ngủ đủ giấc.
- Một đứa trẻ nghỉ ngơi tốt thường ít nói mớ khi ngủ.
3. Hoạt động nhiều vào ban ngày
Nếu trẻ tham gia nhiều hoạt động vào ban ngày thì ban đêm trẻ sẽ ngủ ngon.
- Cho trẻ chơi các trò chơi ngoài trời vào ban ngày.
- Vào ban đêm, bạn hãy cho trẻ chơi những trò đơn giản, nhẹ nhàng như tô màu hoặc giải câu đố. Điều này sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn đấy.
4. Thức dậy lúc nửa đêm
Nếu trẻ thức dậy vào lúc nửa đêm, hãy dỗ để trẻ chìm vào giấc ngủ. Không được hát hay bày trò chơi để dụ trẻ ngủ tiếp. Điều này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng bạn muốn trẻ thức dậy vào lúc nửa đêm.
5. Đừng cho trẻ ăn quá nhiều trước khi đi ngủ
Đừng cho trẻ ăn trước khi đi ngủ:
- Cho trẻ ăn tối cách khoảng 2 – 3 giờ trước giờ đi ngủ.
- Hãy cho trẻ ăn những món ăn nhẹ trước khi đi ngủ.
- Không bao giờ cho trẻ uống những thức uống có chứa caffeine trước khi đi ngủ.
6. Phòng ngủ của trẻ
Phòng ngủ cũng là một yếu tố quyết định trẻ có ngủ ngon hay không. Hãy thiết kế sao cho vào ban ngày ánh mặt trời có thể chiếu vào phòng để trẻ biết thời gian thức dậy. Không cho trẻ chơi trên giường vì giường là chỉ dùng để ngủ. Bạn cũng có thể để đèn mờ khi trẻ ngủ.
7. Đảm bảo trẻ cảm thấy thoải mái khi ngủ
Hãy chắc chắn rằng trẻ cảm thấy thoải mái khi ngủ:
- Hãy cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát.
- Chăn phải được sắp xếp gọn gàng để không hạn chế sự di chuyển của trẻ.
- Nhiệt độ phòng không được quá nóng hoặc quá lạnh.
Hy vọng những lời khuyên đơn giản này có thể giúp bạn giải quyết vấn đề nói mớ ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ thể hiện sự tức giận khi nói mớ, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để khám.