Chụp cắt lớp vi tính là gì?
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính theo trục ngang (Computed Axial Tomography), là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt sử dụng tia X. Kỹ thuật này cho những hình ảnh khá rõ ràng của các cơ quan bên trong cơ thể. Đặc biệt, nó cho hình ảnh mô mềm trong cơ thể tốt hơn trong khi chụp X quang không hiển thị mô mềm tốt.
Lưu ý: Chụp cắt lớp vi tính còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính theo trục ngang, chụp cắt lớp điện toán theo trục ngang, chụp cắt lớp điện toán, chụp cắt lớp, chụp CT. Những thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Việc sắp xếp và cách thực hiện có thể thay đổi khác nhau giữa các bệnh viện. Hãy làm theo hướng dẫn của các bác sĩ hoặc bệnh viện của bạn.
Chụp cắt lớp vi tính được thực hiện như thế nào?
Máy chụp cắt lớp vi tính nhìn giống như một cái vòng khổng lồ. Bên trong thành của máy có nguồn phát tia X. Ở phía bên kia vòng đối diện với nguồn phát tia X là các đầu dò (detectors). Bạn nằm trên một bàn dài trượt vào trung tâm của vòng cho đến khi bộ phận cơ thể cần khảo sát nằm bên trong vòng. Máy X quang trong vòng quay xung quanh cơ thể bạn. Khi nó quay xung quanh bạn, nó sẽ phát ra các tia X xuyên qua cơ thể bạn và được thu nhận bởi các đầu dò.
Các đầu dò phát hiện được cường độ của các tia X đã xuyên qua cơ thể bạn. Mô càng dày đặc thì tia X càng xuyên qua ít. Các đầu dò cung cấp dữ liệu vào máy vi tính. Các loại mô khác nhau với đậm độ (density) khác nhau sẽ được hiển thị bằng hình ảnh trên máy vi tính với độ thang xám khác nhau. Vì vậy, hình ảnh một lát cắt mỏng của một bộ phận trong cơ thể được tạo ra một cách hiệu quả.
Khi bàn di chuyển bàn chậm vào trong máy, chùm tia X sẽ tiếp tục xuyên qua lát cắt tiếp theo của cơ thể. Như vậy, hình ảnh một số lát cắt của vùng cơ thể muốn khảo sát sẽ được máy tính tạo ra. Những máy thế hệ mới thậm chí có thể tạo được hình ảnh ba chiều từ những dữ liệu thu được của bộ phận cơ thể được chụp.
Chụp cắt lớp vi tính để làm gì?
Chụp cắt lớp vi tính có thể dùng để khảo sát bất kỳ các bộ phận nào của cơ thể. Nó cho hình ảnh rõ ràng của xương. Nó có thể cho hình ảnh rõ ràng của các mô mềm mà chụp X quang không thể cho thấy rõ. Ví dụ cơ, các tạng, các mạch máu lớn, mô não và các dây thần kinh. Phổ biến nhất là chụp cắt lớp vi tính sọ não để xác định nguyên nhân của đột quỵ hoặc để đánh giá chấn thương đầu (sọ não) nghiêm trọng.
Các ứng dụng khác của chụp cắt lớp vi tính bao gồm:
- Để phát hiện những bất thường trong cơ thể, chẳng hạn như khối u, áp xe, bất thường mạch máu… khi bệnh nhân có các triệu chứng hoặc các xét nghiệm khác nghi ngờ.
- Để cung cấp cho bác sĩ phẫu thuật hình ảnh rõ ràng của cơ quan trong cơ thể trước khi tiến hành một số loại phẫu thuật.
- Để xác định vị trí chính xác của khối u trước khi xạ trị.
- Để giúp bác sĩ xác định đúng vị trí sinh thiết (lấy mẫu mô).
Hình minh họa Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
Cần chuẩn bị gì trước khi chụp cắt lớp vi tính?
Thường thì ít phải chuẩn bị gì trước khi chụp cắt lớp vi tính. Việc chuẩn bị này phụ thuộc vào bộ phận cơ thể cần chụp. Bạn sẽ được hướng dẫn ở khoa chẩn đoán hình ảnh trước khi chụp cắt lớp vi tính.
Theo nguyên tắc chung, bạn cần bỏ các vật dụng bằng kim loại như trang sức, kẹp tóc… ra khỏi cơ thể. Tốt nhất là không mặc quần áo có dây kéo hay khóa kim loại hoặc đinh tá. Có thể phải nhịn ăn uống vài giờ trước khi chụp cắt lớp vi tính, tùy thuộc vào bộ phận cơ thể cần được chụp.
Nếu bạn cần được tiêm thuốc cản quang, bạn có thể sẽ phải ngưng sử dụng một số thuốc trước khi chụp. Điều này áp dụng cho những bệnh nhân đang dùng metformin, một loại thuốc dùng điều trị bệnh tiểu đường. Nếu bạn đang dùng thuốc này, bác sĩ sẽ cho hướng dẫn về những điều cần làm.
Trong một số trường hợp, tùy theo bộ phận cơ thể cần chụp, có thể cần thêm một số thao tác sau đây nhằm tăng mức độ cản quang của một số mô khác nhau để tạo độ tương phản tốt hơn giữa các mô và cơ quan trong cơ thể trên hình chụp.
- Đối với chụp bụng và chậu, bạn được yêu cầu uống những thức uống đặc biệt trước khi chụp. Điều này giúp dạ dày và ruột được thấy rõ hơn.
- Đối với chụp vùng chậu, có thể cần bơm một lượng dịch vào trực tràng của bạn (bơm qua hậu môn).
- Đối với chụp vùng chậu ở phụ nữ, có thể cần đặt băng vệ sinh dạng ống (tampon) vào âm đạo.
- Đôi khi bạn sẽ được tiêm một loại thuốc cản quang được tiêm vào máu qua tĩnh mạch ở cánh tay. Thuốc cản quang sẽ gây cho bạn cảm giác nóng bừng và vị lạ trong miệng, tình trạng này sẽ sớm biến mất.
Chụp cắt lớp vi tính không gây đau. Bạn không thể nhìn thấy hoặc cảm thấy tia X. Bạn phải nằm yên khi tia X được phát ra, vì nếu không hình chụp sẽ bị mờ. Thời gian chụp có thể từ 5-30 phút, tùy bộ phận cơ thể cần chụp.
Có người ở lại cùng với tôi trong quá trình chụp cắt lớp vi tính được không?
Vì máy sử dụng tia X nên những người khác không nên cùng ở trong phòng. Người điều khiển ở sau màn hình trong phòng điều khiển riêng biệt, điều khiển sự chuyển động của bàn và máy quét (để bảo vệ họ khỏi phơi nhiễm tia X). Tuy nhiên bạn có thể nói chuyện được với họ qua hệ thống liên lạc, và họ quan sát thấy bạn trên màn hình theo dõi.
Một số người cảm thấy lo lắng hay bị hội chứng sợ nhốt kín khi họ ở một mình trong phòng chụp cắt lớp vi tính. Bạn có thể được cho dùng thuốc an thần nhẹ nếu lo sợ nhiều.
Những biến chứng nào có thể xảy ra khi chụp cắt lớp vi tính?
Các biến chứng rất hiếm. Một số rất ít trường hợp có phản ứng dị ứng với thuốc cản quang, và sẽ được điều trị ngay lập tức. Thuốc cản quang có thể gây tổn thương thận, nhưng rất hiếm gặp, hầu hết thường xảy ra ở những bệnh nhân đã có bệnh lí thận trước đó.
Phụ nữ mang thai cần chú ý
Phụ nữ mang thai nếu không cần thiết thì không nên chụp cắt lớp vi tính vì có một nguy cơ nhỏ rằng tia X sẽ gây ra bất thường cho thai nhi.
Nguy cơ của bức xạ tia X được sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính có sử dụng tia X, một loại bức xạ. Phơi nhiễm một lượng lớn bức xạ có liên quan đến phát triển ung thư hoặc bệnh bạch cầu, thường nhiều năm sau đó.
Liều bức xạ tia X của một lần chụp cắt lớp vi tính nhiều hơn một lần chụp X quang, nhưng nói chung vẫn là liều khá thấp. Nguy cơ tác hại của liều bức xạ được sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính được cho là rất nhỏ, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ. Vì vậy, ví dụ, phần chụp cơ thể càng nhiều thì liều bức xạ càng nhiều. Và nếu chụp cắt lớp vi tính lặp lại nhiều lần có thể làm gia tăng tổng liều. Cũng như bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính càng trẻ thì càng có nhiều nguy cơ phát triển bệnh ung thư hoặc bệnh bạch cầu.
Rất nhiều nghiên cứu nhằm mục đích ước tính nguy cơ phát triển ung thư hoặc bệnh bạch cầu sau khi chụp cắt lớp vi tính. Một số được trích dẫn dưới đây. Nói chung, nguy cơ rất nhỏ. Ví dụ trong nghiên cứu của Pearce và cộng sự trích dẫn dưới đây, họ kết luận rằng: “10 năm sau khi chụp cho bệnh nhân dưới 10 tuổi, ước tính sẽ có một trường hợp bị bệnh bạch cầu và một trường hợp bị u não trên 10.000 bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính sọ não”.
Trong nhiều trường hợp, lợi ích mà việc chụp cắt lớp vi tính mang lại nhiều hơn so với nguy cơ. Tuy nhiên, cùng nghiên cứu trên đã kết luận: ”Mặc dù lợi ích lâm sàng lớn hơn những nguy cơ nhỏ, liều bức xạ trong chụp cắt lớp vi tính phải được giữ ở mức thấp nhất có thể được (as low as possible) và các phương tiện khảo sát khác không dùng bức xạ ion hóa nên được xem xét để sử dụng thay thế nếu thích hợp”.
Do vẫn có nguy cơ thấp, ủy ban về lĩnh vực y tế của bức xạ trong môi trường (COMARE) đã khuyến cáo không nên chụp cắt lớp vi tính thường quy toàn bộ cơ thể để kiểm tra sức khoẻ cho những bệnh nhân không có triệu chứng. Họ cũng có những khuyến cáo khác nhau về việc sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính.
Làm gì sau khi chụp cắt lớp vi tính?
Bạn có thể trở lại làm việc bình thường ngay sau khi chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên nếu bạn có dùng thuốc an thần khi chụp thì nên có người đi cùng bạn về nhà. Bạn không được lái xe cho đến khi hết tác dụng của thuốc an thần.
Hình cắt lớp vi tính chụp được sẽ được đọc bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh (radiologist) và bác sĩ này sẽ gửi kết quả về bác sĩ đã cho chỉ định chụp.