Việc cho trẻ dùng thuốc paracetamol cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Nguyên nhân là nếu dùng sai, trẻ có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt khá phổ biến. Phần lớn các bậc cha mẹ đều cho con uống loại thuốc này khi trẻ có dấu hiệu sốt hoặc đau đầu hay đau răng.
Tuy nhiên, dù phổ biến nhưng paracetamol vẫn là thuốc và khi cho trẻ uống, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ cũng như tuân thủ đúng liều lượng phù hợp. Hãy cùng Chúng tôi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để biết thêm một số thông tin về việc cho trẻ uống paracetamol nhé.
Thuốc paracetamol có an toàn cho trẻ không?
Nếu được sử dụng với liều lượng phù hợp, paracetamol khá là an toàn cho trẻ. Các bác sĩ cũng thường hay kê loại thuốc này để điều trị sốt hoặc giảm đau cho trẻ.
Khi nào bạn nên cho trẻ uống thuốc paracetamol?
Bạn có thể cho trẻ uống paracetamol khi trẻ bị sốt, đau đầu và đau nhức trong cơ thể. Bạn cũng có thể dùng paracetamol để điều trị tình trạng sốt sau khi tiêm chủng.
Bạn nên trẻ uống sau mỗi 4 – 6 giờ và chỉ uống tối đa 4 lần trong vòng 24 giờ. Không nên sử dụng vượt quá liều lượng kể trên, nếu các triệu chứng không giảm, hãy đưa trẻ đi khám.
Cách cho trẻ uống paracetamol
Hiện paracetamol được bày bán với nhiều hình dạng khác nhau từ viên nén, siro cho đến thuốc đạn:
1. Siro
Lắc đều chai thuốc và đổ đúng lượng thuốc quy định vào một chiếc thìa, cốc hoặc ống tiêm để cho trẻ uống. Bạn nên sử dụng loại muỗng hoặc cốc có thước đo, tránh sử các dụng cụ bình thường vì như vậy bạn rất dễ cho trẻ uống quá liều.
2. Viên nén
Với dạng viên nén, bạn có thể cho trẻ uống với nước, sữa hoặc nước trái cây và tránh đừng để trẻ nhai nhé.
3. Thuốc đạn
Thuốc đạn là loại thuốc nén được thiết kế có dạng hình viên đạn để đưa vào hậu môn dễ dàng. Loại thuốc này thường phù hợp với những trẻ bị nôn khi uống viên nén hoặc những trẻ mắc chứng khó nuốt. Khi dùng paracetamol dưới dạng này, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn được ghi trên bao bì.
Liều dùng thuốc paracetamol cho trẻ nhỏ
Paracetamol có thể giúp hạ sốt, giảm đau, tuy nhiên, nếu dùng quá liều sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong:
1. Siro paracetamol
Liều dùng siro sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bé.
Thuốc dành cho trẻ sơ sinh:
- 3 – 6 tháng: 2,5ml
- 6 – 24 tháng: 5ml
- 2 – 4 tuổi: 7,5ml
- 4 – 6 tuổi: 10ml
Thuốc dành cho trẻ lớn:
- 6 – 8 tuổi: 5ml
- 8 – 10 tuổi: 7,5ml
- 10 – 12 tuổi: 10ml
Với trẻ sơ sinh, bạn nên dùng paracetamol dưới dạng siro hoặc thuốc đạn. Bạn chỉ nên cho bé uống tối đa 2 liều trong vòng 2 đến 3 tháng dưới sự giám sát của bác sĩ.
2. Viên nén
Trẻ em trên 6 tuổi có thể dùng paracetamol dưới dạng viên nén theo liều lượng sau:
- 6 – 8 tuổi: 250mg
- 8 – 10 tuổi: 375mg
- 10 – 12 tuổi: 500mg
- 12 – 16 tuổi: 750mg
Trước khi cho trẻ uống liều tiếp theo, bạn phải kiểm tra các triệu chứng để xác định xem bé có có cần uống tiếp hay không. Ngoài ra, bạn phải đợi ít nhất 4 giờ rồi mới cho trẻ uống liều tiếp theo và không cho trẻ uống quá 4 liều trong vòng 24 giờ.
Uống paracetamol bao lâu mới hiệu quả?
Hiệu quả của thuốc sẽ phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Tuy nhiên, nhìn chung, phải mất khoảng từ 1 – 3 giờ thì thuốc mới có tác dụng.
Bảo quản thuốc paracetamol như thế nào?
Bạn cần phải để thuốc ở nơi thoáng mát và đặc biệt:
- Tránh xa tầm với của trẻ nhỏ
- Không để thuốc trong tủ lạnh
- Cẩn thận với thuốc dạng siro vì trẻ nhỏ rất dễ bị thu hút bởi các chai thuốc này.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc paracetamol
Nếu dùng đúng liều lượng, paracetamol hiếm khi gây tác dụng phụ. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị dị ứng với thuốc và xuất hiện các triệu chứng như:
- Khó thở
- Thở khò khè
- Tăng nhịp tim
- Thay đổi huyết áp
- Sưng mặt, miệng, môi, họng…
- Phát ban da với mụn nước đỏ sưng, ngứa
- Tức ngực và khó chịu ở cổ họng
- Tổn thương gan và thận do dùng quá liều
Nếu bé bị dị ứng, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.
Một số lưu ý khi cho trẻ uống paracetamol
Bạn cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để đảm bảo rằng trẻ không dùng quá liều paracetamol:
- Không bao giờ cho trẻ uống paracetamol với bất kỳ loại thuốc nào khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
- Luôn kiểm tra ngày hết hạn của thuốc để tránh ngộ độc. Tuyệt đối không sử dụng những viên nén đã hết hạn.
- Để thuốc ngoài tầm với của trẻ
- Ghi chú cẩn thận về thời gian và liều lượng mà trẻ sử dụng để tránh việc cho trẻ uống quá nhiều.
Paracetamol và ibuprofen, loại thuốc nào giúp hạ sốt tốt hơn?
Cả hai loại thuốc đều có hiệu quả như nhau trong việc hạ sốt. Tuy nhiên, paracetamol thường được ưa thích hơn vì thuốc này đã được sử dụng trong thời gian dài nên tính hiệu quả và an toàn cũng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh.
Dùng paracetamol quá liều có thể gây tổn thương gan và thận trong khi, ibuprofen có thể gây các vấn đề về đường ruột và thận ngay cả khi dùng đúng liều. Đặc biệt là trẻ bị mất nước hoặc có các vấn đề sức khỏe khác sẽ có nguy cơ bị tổn thương thận cao hơn khi dùng ibuprofen.
Khi nào bạn nên đưa bé đi khám?
Nếu trẻ dùng quá liều và có các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, nôn mửa, buồn ngủ cực độ, làn da hoặc mắt chuyển sang vàng, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Paracetamol là loại thuốc khá phổ biến và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận mà dùng quá liều, trẻ nhỏ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống nhé.
Ngân Phạm / HELLO BACSI