Tổng quan chung
Trong phần dưới đây, bài viết sẽ tập trung giải thích các khái niệm về phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân mắc u tuyến thượng thận. “Điều trị tiêu chuẩn” được định nghĩa là phương pháp điều trị tốt nhất có thể. Khi một bệnh nhân quyết định kế hoạch điều trị của mình, ngoài các phương pháp điều trị kinh điển, các thử nghiệm lâm sàng cũng được đưa ra như một phương án lựa chọn. Một thử nghiệm lâm sàng, hiểu đơn giản đó là một nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện, nhằm đưa ra một cách tiếp cận điều trị mới. Những bác sĩ mong muốn được biết rằng phương pháp mới này có an toàn không? Hiệu quả không? Và có tốt hơn những phương pháp điều trị sẵn có không? Một thử nghiệm lâm sàng có thể bao gồm việc thử những loại thuốc mới, một cách kết hợp các phương pháp điều trị tiêu chuẩn mới, hoặc sử dụng những loại thuốc cũ với một liều lượng mới. Bác sĩ sẽ là người có trách nhiệm giúp người bệnh cân nhắc và đưa ra quyết định phác đồ điều trị.
Xem thêm Bài viết về thử nghiệm lâm sàng: Thử nghiệm lâm sàng PHẦN 1-PHẦN 2-PHẦN 3 trong hướng dẫn này.Tổng quan về điều trị
Đối với u tuyến thượng thận, nhiều bác sĩ với các chuyên ngành khác nhau sẽ cùng làm việc để đưa ra một phác đồ điều trị bao gồm nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Đây được gọi là phương pháp điều trị đa mô thức. Một đội nhóm điều trị ung thư gồm nhiều bác sĩ ở các chuyên ngành và các nhân viên y tế thuộc các bộ phận khác nhau như phụ tá bác sĩ, điều dưỡng ung thư, nhân viên xã hội, các dược sĩ, tư vấn viên, và bác sĩ dinh dưỡng,…
Khoảng 25% u tuyến thượng thận có thể liên quan đến hội chứng di truyền (Xem thêm ở phần các YẾU TỐ NGUY CƠ). Khi đưa ra kế hoạch điều trị, người bệnh nên tham khảo thêm các nhà di truyền học để xem xem khối u có liên quan đến hội chứng di truyền cụ thể nào không? Nếu bệnh nhân mắc u tuyến thượng thận, các thành viên khác trong gia đình có mắc các bệnh về nội tiết khác không là một yếu tố tiền sử cần được xem xét. Nếu có, thì các thành viên khác trong gia đình bệnh nhân cũng có yếu tố nguy cơ và cần được xét nghiệm Genes.
Tìm hiểu thêm về: Xét nghiệm genesPhần miêu tả các phương pháp điều trị cơ bản nhất cho u tuyến thượng thận được liệt kê dưới đây. Các phương án điều trị và khuyến cáo được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm loại và giai đoạn u, những tác dụng phụ có thể gặp, mong muốn của bệnh nhân và sức khỏe nền của bệnh nhân nói chung. Kế hoạch điều trị của bệnh nhân bao gồm cả chăm sóc triệu chứng và điều trị các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị khác, một phần rất quan trọng của điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư.Trước khi quyết định phương án điều trị, bệnh nhân nên hỏi và tìm hiểu kĩ những điều mình còn thắc mắc. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về mục đích của từng phương pháp điều trị, những gì người bệnh sẽ phải trải qua trong quá trình điều trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật giải thích một cách đơn giản là việc loại bỏ khối u và trong trường hợp cần thiết là cả các tổ chức mô lành xung quanh. Cắt tuyến thượng thận hoàn toàn là phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận và khối u. Điều này là cần thiết trong một số trường hợp u tuyến thượng thận. Một nhà phẫu thuật nội tiết có chuyên môn cao trong việc phẫu thuật các tuyến nội tiết sẽ đảm nhiệm phần việc này.
Nếu như khối u có kích thước nhỏ hơn 5 cm và dựa trên kích thước và hình ảnh trên chẩn đoán cận lâm sàng, không có dấu hiệu nào cho thấy khối u có thể là khối u ác tính, người bệnh có thể xem xét để phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi là kĩ thuật can thiệp tối thiểu, trong đó phẫu thuật viên sẽ mở những đường nhỏ trên da và đưa các đầu soi kèm camera vào bên trong ổ bụng bệnh nhân. Kỹ thuật này làm giảm cơn đau bệnh nhân phải chịu và thời gian phục hồi sau phẫu thuật so với phẫu trường lớn của các phẫu thuật cổ điển. Đường vào của phẫu thuật nội soi có thể ở trên thành bụng hoặc lưng, lựa chọn cách thức phẫu thuật còn tùy thuộc vào vị trí u và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
Nếu như khối u có nghi ngờ ung thư hoặc có kích thước lớn hơn 5 cm, phẫu thuật viên sẽ sử dụng một đường rạch lớn hơn trên thành bụng hoặc vùng lưng. Nếu bệnh nhân đã được phẫu thuật ở vùng bụng trước đó, đường mổ ở lưng có thể thuận lợi hơn cho phẫu thuật viên.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong u tủy thượng thận, khối u của tủy thượng thận sẽ sản xuất quá mức catecholamine.
Nếu bệnh nhân được phẫu thuật nội soi, thường thì chỉ sau 1 đến 3 ngày là bệnh nhân có thể ra viện và sinh hoạt bình thường trong 1 tuần. Nếu như mổ mở, bệnh nhân thường phải nằm viện từ 5 đến 7 ngày và phục hồi hoàn toàn sau khoảng 6 tuần.
Phẫu thuật u tuyến thượng thận có thể gây chảy máu. Khối u có thể giải phóng hormones gây stress hay còn gọi là catecholamines trong quá trình phẫu thuật. Trong trường hợp này bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị duy trì huyết áp trong cuộc mổ. Bệnh nhân có khối u sản xuất rất nhiều hormones có thể cần được điều trị lâu dài hơn và điều trị huyết áp ổn định trước khi phẫu thuật bắt đầu. Sau khi phẫu thuật xong bệnh nhân có thể phải nằm ở phòng hồi sức cấp cứu để theo dõi trong thời gian ngắn. Nếu có thắc mắc gì thêm về các tác dụng phụ trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân nên nói chuyện thêm với bác sĩ điều trị để hiểu thêm về những biến chứng có thể xảy ra và làm thế nào để kiểm soát chúng.
Tìm hiểu thêm về phẫu thuật trong ung thư bấm vào : ĐÂYNghiệm pháp hormones
Bởi vì khối u tuyến thượng thận có thể sản xuất quá mức hormones, các bác sĩ có thể sẽ kê nhiều loại thuốc để kiểm soát nồng độ của những hormones này trước, trong và sau khi điều trị. Ví dụ nếu như một khối u tủy thượng thận sản xuất quá mức hormones catecholamine, bệnh nhân cần được sử dụng những loại thuốc để điều hòa mức hormone trong máu trước khi chuyển sang các loại điều trị khác. Hoặc sau khi phẫu thuật một khối u trong ung thư biểu mô tuyến thượng thận, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc để chặn lại các tác dụng của cortisol thừa trong máu. Những loại thuốc hay được sử dụng bao gồm metyrapone (Metopirone), metyrosine (Demser), spironolactone (Aldactone), và streptozocin (Zanosar).
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, thường bằng cách ngăn tế bào ung thư lớn lên, phân chia và tăng sinh. Hóa trị thường được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Hóa trị hệ thống là phương pháp sử dụng các hóa chất phóng thích trong máu để tiêu diệt các tế bào ung thư lang thang trong khắp cơ thể. Thường thì hóa chất sẽ được sử dụng qua đường truyền hoặc là đường uống.
Một phác đồ hóa chất, hoặc lịch hóa trị, thường bao gồm nhiều chu kì kéo dài trong một khoảng thời gian. Bệnh nhân thường sẽ được điều trị bằng một hoặc kết hợp một số loại thuốc trong cùng một giai đoạn (đa hóa chất). Mitotane (Lysodren) là loại hóa chất thường dùng để điều trị u vỏ thượng thận. Nó làm giảm lượng adrenocorticoid tiết ra bởi vỏ thượng thận trong quá trình điều trị.
Tác dụng phụ của hóa chất khác nhau giữa từng bệnh nhân và còn tùy thuộc vào liều sử dụng, có thể bao gồm mệt mỏi, nhiễm trùng cơ hội, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn, tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị kết thúc.
Tìm hiểu thêm về kiến thức cơ bản của hóa trị bấm vào: ĐÂY, chuẩn bị điều trị bấm vào: ĐÂYCác phương pháp điều trị ung thư liên tục được cập nhật và đánh giá. Đừng ngần ngại gì nói chuyện với bác sĩ để cùng tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất dành cho mình, mục đích của từng phương pháp điều trị, những tác dụng phụ và tương tác của chúng với các phương pháp điều trị khác
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia X năng lượng cao hoặc các loại hạt nhân khác để bắn phá tiêu diệt tế bào ung thư. Một bác sĩ chuyên sử dụng phương pháp phóng xạ để điều trị ung thư cho bệnh nhân được gọi là một bác sĩ xạ trị. Thường thì ít khi các khối u thượng thận cần phải được xạ trị
Phương pháp xạ trị hay gặp nhất là phương pháp xạ ngoài, tức là nguồn phát ra phóng xạ nằm ở ngoài cơ thế bệnh nhân. Một phác đồ xạ trị thường bao gồm nhiều buổi xạ được lên lịch hẹn trước và kéo dài trong một khoảng thời gian.
Tác dụng phụ của xạ trị có thể bao gồm mệt mỏi, phản ứng da từ nhẹ đến trung bình, rối loạn tiêu hóa. Các tác dụng này hầu hết sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc.
Tìm hiểu thêm về xạ trị cơ bản bấm vào: ĐÂYChăm sóc triệu chứng và tác dụng phụ
Bản thân khối u và các phương pháp điều trị đều có thể gây ra tác dụng phụ. Bên cạnh việc điều trị làm chậm tiến trình tiến triển, loại bỏ hay ngăn chặn khối u thì một trong những công tác điều trị quan trọng là việc điều trị triệu chứng và điều trị giảm nhẹ. Phương pháp điều trị này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ và việc này bao gồm hỗ trợ bệnh nhân về cả về mặt sức khỏe, cảm xúc và nhu cầu xã hội.
Điều trị giảm nhẹ sẽ bao gồm tất cả các phương pháp làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và trợ giúp bệnh nhân cùng với gia đình của họ. Bất cứ bệnh nhân nào, bất kể độ tuổi hay loại của khối u đều nên nhận được điều trị triệu chứng. Điều trị giảm nhẹ nên được bắt đầu càng sớm càng tốt trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều trị ung thư. Bệnh nhân thường được điều trị bệnh chính là khối u của mình và những thuốc + phương pháp điều trị kết hợp để giải quyết các tác dụng phụ trong quá trình này. Thực tế là, những bệnh nhân được điều trị khối u và chăm sóc triệu chứng cùng một lúc thì có triệu chứng nhẹ nhàng hơn, chất lượng sống tốt hơn và cũng cảm thấy hài lòng với quá trình điều trị hơn.
Điều trị giảm nhẹ có thể bao gồm rất nhiều các phương pháp: sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn, các phương pháp giúp bệnh nhân thư giãn, trợ giúp về tâm lý và nhiều các phương pháp khác. Bệnh nhân cũng có thể được điều trị phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị triệu chứng ở các giai đoạn của bệnh. Bệnh nhân cần trao đổi kĩ với bác sĩ trước khi bắt đầu phác đồ điều trị để lựa chọn phác đồ phù hợp.
Trước khi bắt đầu quá trình điều trị, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ của mình về những tác dụng phụ có thể xảy ra và các phương pháp điều trị chống đau. Trong suốt quá trình điều trị, bất cứ khi nào bệnh nhân cảm thấy có vấn đề với sức khỏe của mình, bệnh nhân cần trao đổi với các bác sĩ của mình càng sớm càng tốt.
Tìm hiểu thêm về chăm sóc triệu chứng, ấn vào : ĐÂYUng thư tuyến thượng thận di căn
Nếu như khối u tuyến thượng thận ác tính bắt đầu lan ra khỏi các vùng khác của cơ thể, các bác sĩ sẽ gọi đó là trường hợp ung thư di căn. Nếu như điều này xảy ra, bệnh nhân cần phải trao đổi trực tiếp với bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị ung thư di căn. Đội ngũ bác sĩ có thể có những ý kiến khác nhau về việc đưa ra một điều trị tiêu chuẩn chính xác nhất. Các thử nghiệm lâm sàng cũng có thể được tham khảo.
Phác đồ điều trị có thể bao gồm cả phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Chăm sóc triệu chứng là rất quan trọng trong giai đoạn này nhằm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu và tác dụng phụ của quá trình điều trị.
Đối với nhiều bệnh nhân, việc nhận được chẩn đoán ung thư di căn có thể rất căng thẳng, stress và không thể chịu đựng được. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên được khuyến khích nói chuyện với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xã hội và các thành viên khác của đội ngũ chăm sóc y tế về việc họ cảm thấy như thế nào. Nếu có điều kiện, các nhóm trợ giúp tinh thần cho bệnh nhân ung thư là rất cần thiết.
Thuyên giảm và khả năng tái phát
Bệnh thuyên giảm – thời gian sống thêm không bệnh hay các khái niệm tương tự là trạng thái tế bào khối u không còn phát hiện được trong cơ thể và không có triệu chứng biểu hiện. Một thuật ngữ khác thường được sử dụng là NED (no evidence of disease – không có dấu hiệu bệnh).
Trạng thái thuyên giảm này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viên. Trạng thái không chắc chắn này làm bệnh nhân thường xuyên lo lắng rằng khối u có thể quay trở lại. Trong khi nhiều trường hợp bệnh thuyên giảm này có thể là lâu dài, bệnh nhân nên trò chuyện kĩ càng với bác sĩ về khả năng khối u tái phát. Hiểu rõ nguy cơ tái phát và phương pháp điều trị khả dĩ khiến bệnh nhân có thể chuẩn bị đầy đủ hơn nếu bệnh quay trở lại.
Xem thêm bài viết Cuộc sống sau ung thư: Đối phó với nỗi sợ tái phátNếu như khối u quay trở lại sau điều trị bước đầu, khối u đó được gọi là khối tái phát. Khối u có thể tái phát tại chỗ hoặc là tái phát tại vùng, hoặc là tái phát xa.
Khi bệnh tái phát, bệnh nhân sẽ được trải qua một quá trình xét nghiệm để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tình trạng của bệnh nhân. Sau khi quá trình này kết thúc, bệnh nhân sẽ tiếp tục trao đổi với bác sĩ về những phương pháp điều trị đã kể đến ở trên bao gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Phác đồ điều trị có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ có thể đưa ra các thử nghiệm lâm sàng, các phương pháp điều trị thử nghiệm đối với những khối u tái phát. Dù bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị nào, chăm sóc triệu chứng cũng là rất quan trọng.
Bệnh nhân với u tuyến thượng thận tái phát thường trải quá cảm giác mất niềm tin hoặc sợ hãi. Bệnh nhân được khuyến khích nói chuyện thêm với đội ngũ y bác sĩ về cảm xúc của họ và yêu cầu các dịch vụ trợ giúp nếu cần thiết.
Xem thêm Bài viết Đối mặt với ung thư tái phátĐiều trị thất bại
Không phải lúc nào việc điều trị u tuyến thượng thận cũng thành công. Nếu khối u không thể được kiểm soát hoặc chữa trị, bệnh có thể đến giai đoạn tiến triển hay còn gọi là giai đoạn cuối.
Chẩn đoán giai đoạn cuối hay ung thư giai đoạn tiến triển là cực kì áp lực và khó tiếp nhận với rất nhiều người. Mặc dù vậy, bệnh nhân nên trao đổi một cách cởi mở và thật lòng với bác sĩ và đội ngũ y tế về cảm xúc, lo lắng và mong muốn của mình. Đội ngũ y bác sĩ luôn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân và nhiều người trong số họ có những kĩ năng đặc biệt, kiến thức đặc biệt có thể có ích cho gia đình và người bệnh. Đảm bảo một bệnh nhân cảm thấy thoải mái và bớt đau đớn là cực kì quan trọng.
Bệnh nhân có khối u tiến triển và những bệnh nhân có tiên lượng sống thêm dưới 6 tháng nên được nhận chăm sóc cận tử. Chăm sóc cận tử là loại chăm sóc được thiết kế tốt nhất dành cho những bệnh nhân có thời gian sống thêm không còn dài. Bệnh nhân và gia đình được khuyến khích lựa chọn giữa ở nhà, ở tại viện hoặc các trung tâm chăm sóc cận tử. Điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà và những thiết bị y tế di động có thể thay thế cho việc bắt bệnh nhân nằm viện kéo dài.
Sau khi một người thân yêu của bệnh nhân qua đời, rất nhiều người sẽ cần thiết hỗ trợ về mặt tâm lý để giúp họ vượt qua được sự mất mát người thân.
Xem thêm bài viết "Đối mặt với đau buồn vì mất anh chị em"