Mặc dù chúng ta không thể đẩy lùi hoàn toàn bệnh loãng xương nhưng vẫn có nhiều cách để kiểm soát nó và khá hiệu quả cho người lớn tuổi.
Một số phương pháp điều trị bệnh loãng xương bạn có thể làm mỗi ngày là áp dụng chế độ ăn uống phù hợp và tập thể dục. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể cho bạn uống thuốc để điều trị. Các nguồn thực phẩm cung cấp canxi bao gồm: sữa không béo, sữa chua ít béo, sữa có nguồn gốc từ thực vật hoặc nước cam ép được bổ sung canxi, bông cải xanh, bông cải trắng, cá hồi, đậu hũ và các loại rau lá xanh.
Chúng ta cần bao nhiêu canxi mỗi ngày?
- 1,000 miligam canxi mỗi ngày đối với người trong độ tuổi từ 19-50 tuổi;
- 1,200 miligam mỗi ngày đối với phụ nữ từ 51 tuổi trở lên hoặc nam giới từ 71 tuổi trở lên.
Nguồn canxi tốt nhất là từ thực phẩm. Nếu bạn muốn dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem việc uống thêm thuốc có gây ảnh hưởng gì cho cơ thể bạn không. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn uống bổ sung canxi ngoài các loại thuốc chữa bệnh đang dùng.
Để giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm hoặc thuốc bổ, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên bổ sung thêm vitamin D. Bạn có thể hấp thụ vitamin D từ các loại thực phẩm bổ sung và ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu bạn đã lớn tuổi hoặc trời đang vào mùa đông, thì bạn sẽ khó hấp thu vitamin D hơn. Lúc đó bạn nên dùng thêm thuốc bổ, nhưng đừng nên dùng quá nhiều vì nó có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu cơ thể bạn có hàm lượng vitamin D thấp thì bác sĩ sẽ kê thêm thuốc cho bạn.
Tại nhà, bạn cũng có thể tăng cường hấp thu nhiều canxi hơn bằng một số cách rất dễ dàng. Ví dụ, bạn có thể thêm sữa bột không béo vào thực đơn ăn uống mỗi ngày bên cạnh súp, món ninh và món hầm. Mỗi muỗng cà phê sữa bột không béo sẽ bổ sung khoảng 20 miligam canxi vào chế độ ăn uống của bạn.
Bạn có thể làm món canh thịt hầm hoặc “xương hầm” từ các loại thịt như thịt gà? Thêm một chút giấm vào nước canh để giấm tách một phần canxi ra khỏi xương giúp bạn có một nồi canh súp bổ sung canxi.
Những thực phẩm bạn cần tránh
Trong chế độ ăn uống của mình, bạn không nên ăn quá nhiều phốt pho vì nó có thể làm giảm mật độ xương. Thực phẩm có hàm lượng phốt pho cao gồm có: thịt đỏ, nước giải khát và những thực phẩm bổ sung phốt phát.
Ngoài ra, không nên uống quá nhiều thức uống có cồn hoặc caffeine. Chúng sẽ làm giảm lượng canxi cơ thể bạn hấp thụ được.
Nhằm hạn chế tình trạng hormone estrogen (nội tiết tố nữ) bị giảm mạnh từ sau khi mãn kinh – giúp ngăn ngừa chứng loãng xương, các chuyên gia sức khỏe khuyên phụ nữ sau khi mãn kinh nên ăn nhiều thực phẩm cung cấp estrogen nguồn gốc thực vật, đặc biệt là đậu phụ, sữa đậu nành và các sản phẩm khác từ đậu nành. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy những thực phẩm này giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình loãng xương.
Tập thể dục
Hãy biến các môn thể thao “cần nhiều sức” như chạy, đi bộ, quần vợt, khiêu vũ, leo cầu thang, aerobic và cử tạ thành một thói quen. Tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp tăng mật độ xương của bạn giúp xương bạn chắc khỏe hơn.
Hãy tập thể dục thể thao ít nhất ba lần một tuần, từ 30 đến 45 phút.
Mặc dù đạp xe và sử dụng máy tập thể dục rất tốt cho tim mạch nhưng đây chưa phải là lựa chọn tốt nhất để giúp bạn điều trị loãng xương, bởi vì chúng không tạo đủ áp lực cho xương của bạn. Vì vậy, người bị loãng xương vẫn có thể tập những bài tập này để tốt cho tim mạch, nhưng tốt hơn hãy luyện các bài tập làm chắc khỏe xương.
Bỏ thuốc lá
Lý do bạn nên bỏ thuốc lá khá đơn giản: những phụ nữ hút thuốc thường có mật độ xương thấp hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc lá cũng khiến bạn dễ gãy xương hơn.
Điều trị bằng thuốc
Có thể bác sĩ sẽ kê toa thuốc cho bạn để điều trị bệnh loãng xương.
Một số loại thuốc sẽ làm cho quá trình giảm mật độ xương chậm lại. Có thể bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc làm giảm chứng loãng xương gồm có:
- Alendronate (Fosamax);
- Ibandronate (Boniva);
- Risedronate (Actonel, Atelvia).
Mỗi năm một lần bạn cũng nên truyền axit zoledronic (Reclast). Loại thuốc này giúp tăng cường độ cứng của xương và giảm nguy cơ gãy xương hông, xương sống, xương cổ tay, xương cánh tay, xương chân và xương sườn.
Một loại thuốc khác trị loãng xương là Raloxifene (Evista) có công dụng như estrogen trong việc duy trì khối lượng xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc này không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư tử cung như estrogen nhưng Evista có thể tạo ra các cục máu đông và thường gây cảm giác nóng bừng.
Một loại thuốc khác gọi là Teriparatide (Forteo) điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và cho nam giới có nguy cơ gãy xương cao. Đây là dạng nhân tạo của hoocmon tuyến cận giáp. Thuốc này dùng mỗi ngày trong vòng 24 tháng. Tác dụng phụ của nó bao gồm buồn nôn, chân bị chuột rút và chóng mặt. Các bác sĩ chỉ kê cho bạn loại thuốc này khi thấy bạn sẽ gặp nhiều lợi ích hơn là rủi ro, và nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư xương thì tuyệt đối không nên dùng thuốc này.
Cũng có một loại thuốc sinh học điều trị bệnh loãng xương là Denosumab (Prolia). Nó sẽ chấm dứt quá trình rạn nứt xương. Thuốc này dùng mỗi 6 tháng. Đây là một lựa chọn thích hợp dành cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương và có nguy cơ gãy xương cao, hoặc khi các loại thuốc loãng xương khác không có hiệu quả.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) có hiệu quả hay không?
Liệu pháp thay thế hoocmôn (HRT) thời kỳ mãn kinh – hoặc là chỉ thay thế estrogen hoặc là kết hợp estrogen với progestin – được biết là giúp bảo vệ xương và ngăn ngừa gãy xương. Thuốc Duavee (estrogen và bazedoxifene) là một loại HRT điều trị chứng nóng bừng liên quan đến mãn kinh. Nó cũng có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương ở những phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao đã thử liệu pháp điều trị không bao gồm estrogen. Tuy nhiên bác sĩ sẽ không kê thuốc này chỉ để điều trị loãng xương bởi vì nó gây nhiều nguy cơ khác. Ở những phụ nữ đã từng được điều trị HRT và đã ngưng sau đó, mật độ xương của họ bắt đầu giảm trở lại với tốc độ như cũ trong thời kỳ mãn kinh.
Sau khi đọc bài viết này hy vọng bạn đã thu thập thêm thông tin về bệnh loãng xương và các cách điều trị cho chính mình và những người thân yêu.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Loãng xương: học cách phòng ngừa trước khi quá muộn
- 7 cách giúp bạn ngăn ngừa bệnh loãng xương hiệu quả