Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc rất nhiều bệnh, nhất là các bệnh về tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh van tim, suy tim sung huyết…
Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể dần bị lão hóa, dẫn đến tình trạng chức năng của chúng cũng sẽ suy giảm đáng kể. Trong đó, các bệnh về tim mạch là những vấn đề dễ phát sinh nhất.
Vậy, bạn đã biết những vấn đề sức khỏe tim mạch nào có thể xảy ra ở người cao tuổi chưa? Nếu người thân rơi vào trường hợp này, bạn nên chăm sóc họ như thế nào?
Các bệnh về tim ở người cao tuổi
Các bệnh về tim mạch có khả năng phát sinh ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là người cao tuổi. Khác với những bệnh tim thường gặp ở trẻ em, những vấn đề dễ phát sinh ở người cao tuổi bao gồm:
Đau tim hoặc nhồi máu cơ tim
Một cơn đau tim hoặc nặng hơn là nhồi máu cơ tim có nhiều khả năng xuất phát từ:
- Sự hiện diện của huyết khối trong mao mạch: huyết khối hình thành bên trong mạch máu sẽ gây cản trở sự di chuyển của tế bào hồng cầu, khiến chúng mắc kẹt tại chỗ. Lúc này, tim có nguy cơ thiếu hụt oxy khiến một số tế bào chết vĩnh viễn.
- Mao mạch co thắt: đôi khi tình trạng co thắt mạch máu cũng đem lại hệ quả nghiêm trọng tương tự huyết khối. Lạm dụng thuốc và thường xuyên căng thẳng là hai yếu tố chủ yếu gây nên vấn đề này.
- Rò rỉ mao mạch: trong vài trường hợp hiếm gặp, cơn đau tim còn có thể phát sinh do mạch máu bị rò rỉ, khiến lượng tế bào hồng cầu đến tim thiếu hụt đáng kể.
Ảnh hưởng của cholesterol đối với cơn đau tim
Huyết khối dễ dàng hình thành khi cholesterol, đặc biệt là nhóm cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), tích tụ quá nhiều trong mạch máu.
Mặt khác, chỉ số cholesterol cao còn trực tiếp dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch – một bệnh lý khác cũng gây cản trở lưu thông máu.
Hệ quả cuối cùng của cả hai trường hợp trên đều dẫn đến hình thành cơn đau tim. Do đó, để ngăn ngừa vấn đề này phát sinh, bạn cần phải kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong cơ thể bằng cách xây dựng thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên và chú trọng vấn đề dinh dưỡng.
Đột quỵ
Theo thống kê từ các chuyên gia, loại đột quỵ phổ biến nhất là đột quỵ thiếu máu cục bộ. Tình trạng này xảy ra khi não không được cung cấp đủ oxy, dẫn đến chết hàng loạt tế bào tại cơ quan này. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu.
Một loại hình đột quỵ khác ít phổ biến hơn là đột quỵ xuất huyết, chủ yếu phát sinh bởi tình trạng vỡ mạch máu não. Thông thường, tăng huyết áp là tác nhân đứng sau vấn đề nguy hiểm này.
Những hệ lụy do đột quỵ gây ra phụ thuộc vào khu vực tế bào não chịu tổn thương. Đôi khi các tế bào bị thương tổn có thể tự chữa lành nhưng tỷ lệ hồi phục hoàn toàn thường không cao. Do đó, trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ tập trung vào việc phục hồi chức năng của các tế bào não.
Đồng thời, bạn cũng cần ngăn ngừa cơn đột quỵ khác xảy ra trong tương lai bằng cách xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh theo hướng dẫn của các chuyên gia.
Rối loạn nhịp tim
Đây là một loại bệnh lý ở tim với đặc điểm là nhịp tim (tần số tim) bất thường, chẳng hạn như:
- Quá nhanh
- Quá chậm
- Mức độ dao động không đều
Tình trạng này thường xuất hiện ở nam giới, với tỷ lệ khoảng 70% trường hợp. Trong đó, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người cao tuổi, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên. Ngoài ra, nếu đang phải đối mặt với những căn bệnh dưới đây, bạn càng có nguy cơ cao bị rối loạn tim mạch, bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Suy giáp hoặc cường giáp
- Bệnh mạch vành
Bệnh van tim
Những bệnh lý liên quan đến van tim thường đề cập đến tình trạng máu chảy ở tim không đúng cách. Ví dụ, khi hở van tim phát sinh, trong quá trình bơm máu đi thì máu có thể trào ngược trở lại tim do một van không đóng chặt. Điều này khiến tim phải nỗ lực hoạt động nhiều hơn để:
- Bù đắp lượng hồng cầu thiếu hụt
- Giải quyết lượng máu trào ngược trở lại
Những bệnh liên quan đến mạch máu
Một số vấn đề phát sinh ở mạch máu có thể có mối liên hệ mật thiết với các bệnh về tim, ví dụ như:
- Xơ vữa động mạch
- Động mạch ngoại biên
- Bệnh mạch vành
Nguyên nhân chung cho những tình trạng trên là hút thuốc lá. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, sự liên kết giữa khói thuốc lá với các bệnh về tim xuất phát từ:
- Khả năng “ăn mòn” mạch máu của các hợp chất thành phần trong khói thuốc
- Góp phần gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối
Mặt khác, thuốc lá còn gây nên tình trạng viêm ở lớp niêm mạc phổi, đồng thời làm giảm nồng độ oxy trong máu. Lúc này, áp lực công việc của tim sẽ tăng đáng kể. Nếu kéo dài tình trạng trên sẽ rất dễ dẫn đến suy tim.
Chính vì điều này, bạn cần cố gắng bỏ thuốc lá nếu muốn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đặc biệt là người cao tuổi.
Suy tim sung huyết
Theo các chuyên gia, suy tim sung huyết mô tả tình trạng tim bơm máu đến toàn bộ cơ thể kém hiệu quả hơn bình thường rõ rệt. Điều này đồng nghĩa với việc các tế bào sẽ không nhận đủ lượng oxy cũng như chất dinh dưỡng. Từ đó, một loạt hệ quả nghiêm trọng có nguy cơ phát sinh, chẳng hạn như đột quỵ hay tứ chi hoại tử.
Suy tim sung huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng người cao tuổi vẫn là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Quá trình chăm sóc cho người cao tuổi bị suy tim sung huyết khá tương đồng với người bị đau tim hay đột quỵ. Mục tiêu chính đều là giúp phục hồi chức năng thông qua chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh.
Chăm sóc người cao tuổi mắc các bệnh về tim
Thông thường, khi chăm sóc người cao tuổi mắc các bệnh về tim mạch, bạn nên giúp họ:
- Cải thiện sức khỏe tinh thần, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống
- Kiểm soát việc dùng thuốc tim mạch
- Đề ra một số biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng cho tim
Bên cạnh đó, không ít bác sĩ luôn khuyến khích người cao tuổi nên áp dụng hai biện pháp hỗ trợ điều trị như sau:
Thường xuyên tập thể dục
Hầu hết người lớn tuổi mắc bệnh tim đều không gặp bất kỳ trở ngại nào khi tập thể dục. Thêm vào đó, thường xuyên vận động còn có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, kéo dài tuổi thọ.
Với vai trò là người chăm sóc, bạn nên:
- Xác định các bài tập an toàn, thích hợp với sức khỏe hiện tại của người bệnh
- Lựa chọn quần áo tập luyện phù hợp
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên nhắc nhở họ bổ sung nước liên tục. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng công việc ở tim, thận cùng một số cơ quan khác.
Chú trọng vấn đề dinh dưỡng
Bất kỳ người mắc bệnh tim nào cũng sẽ cần thay đổi chế độ ăn thường ngày. Theo các nghiên cứu, người bệnh cần giảm lượng muối tiêu thụ và tránh ăn các món nhiều dầu mỡ cũng như thịt đỏ.
Để cải thiện bữa ăn của người cao tuổi, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ đơn giản như:
- Sử dụng các gia vị làm từ thảo mộc như tỏi, húng quế, nghệ… để thay thế cho muối
- Thay các món ăn kèm như khoai tây chiên bằng salad trộn
- Bổ sung sữa chua làm món tráng miệng
Nhìn chung, phần lớn các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi đều bắt nguồn từ việc máu đến tim hoặc các cơ quan khác không đủ. Tuy vậy, bạn có thể kiểm soát được điều này bằng cách tập thể dục hoặc ăn uống điều độ. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến khích mọi người xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh để cải thiện cũng như ngăn ngừa các bệnh về tim mạch phát sinh.