Ngộ độc thức ăn là khi vi khuẩn xâm nhập vào trong thức ăn hay thức uống mà bạn không thể nếm, ngửi hay nhìn thấy được. Những vi sinh vật này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng cho cơ thể bé yêu của bạn.
Sau đây là một số lời khuyên giúp bố mẹ biết được nên làm gì khi phát hiện con yêu bị ngộ độc thức ăn:
Phương pháp chẩn đoán và làm xét nghiệm khi bị ngộ độc thực phẩm
Hầu hết mọi người sẽ nhận ra ngộ độc thực phẩm vì triệu chứng khá điển hình. Nếu các triệu chứng nhẹ, bạn không cần phải đi khám bác sĩ và cho con được điều trị cụ thể ngoài việc đảm bảo uống đủ nước.
Tuy nhiên, điều quan trọng bạn cần đưa bé đi khám sĩ ngay nếu con bạn không khỏe, đặc biệt nếu bé thiếu nước. Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi về các chuyến đi gần đây ở nước ngoài hoặc bất kỳ những gì liên quan đến việc con bạn đã ăn hoặc uống thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm. Bác sĩ cũng sẽ khám cho con bạn để tìm các dấu hiệu mất nước.
Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu phân và gửi đến phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Xét nghiệm phân không phải lúc nào cũng cần thiết. Bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm đó trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn như:
- Bé vừa mới ra nước ngoài;
- Bé không khỏe;
- Bé đi ngoài phân có máu hoặc dịch nhầy;
- Tình trạng tiêu chảy của bé không thuyên giảm sau một tuần;
- Gần đây bé phải nằm viện hoặc đã điều trị bằng kháng sinh;
- Bé mắc phải một tình trạng bệnh lý khác, đặc biệt là nếu nó ảnh hưởng đến hệ miễn dịch;
- Nếu bác sĩ không chắc chắn rằng con bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng đường ruột (viêm dạ dày − ruột).
Lý do xét nghiệm phân không phải lúc nào cũng cần thiết, bởi trong nhiều trường hợp, việc biết con của bạn bị nhiễm loại vi trùng nào cũng không giúp ích gì cho việc điều trị. Hầu hết các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đều sẽ thuyên giảm trước khi có kết quả xét nghiệm phân.
Nếu con của bạn không khỏe, bố mẹ cần đưa con nhập viện. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp hoặc chọc dò tủy sống, nhằm tìm kiếm bằng chứng có sự lây lan của vi trùng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ?
Hầu hết trẻ em bị nhiễm khuẩn đường ruột do ngộ độc thực phẩm có triệu chứng nhẹ sẽ đỡ hơn trong vài ngày. Điều quan trọng là bố mẹ phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bé. Trong nhiều trường hợp, bạn không cần phải tìm đến bác sĩ.
Tuy nhiên, bạn nên đi khám trong những trường hợp sau:
- Bé dưới 6 tháng tuổi;
- Bé có bệnh lý cơ bản khác, ví dụ như vấn đề về tim hoặc thận, tiểu đường, tiền sử sinh non;
- Bé bị sốt cao;
- Nếu bạn nghi ngờ con bị mất nước;
- Bé rơi vào trạng thái buồn ngủ hoặc hôn mê;
- Bé bị ốm kèm nôn mửa và liên tục đi ngoài phân lỏng;
- Đi ngoài hoặc nôn ra máu;
- Bé bị đau bụng dữ dội;
- Bé bị nhiễm trùng khi vừa ra nước ngoài;
- Nếu con có các triệu chứng nghiêm trọng, hoặc nếu bạn cảm thấy tình trạng của bé đang trở nên tồi tệ hơn;
- Nếu các triệu chứng của bé không khỏi (ví dụ, nôn trong hơn 1−2 ngày, hoặc tiêu chảy không thuyên giảm sau 3−4 ngày);
- Nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác mà bạn lo lắng.
Cách tốt nhất là bố mẹ nên đảm bảo thức ăn an toàn, vệ sinh và nhanh chóng đưa con yêu đến bác sĩ nếu phát hiện có dấu hiệu của ngộ độc thức ăn để được điều trị tốt nhất nhé!