Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở nam giới làm tăng nguy cơ xuất hiện một số biến chứng nhất định, trong đó bao gồm cả bệnh liệt dương. Thậm chí có khi bệnh này là một dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường ở các thanh niên trẻ. Hiểu biết về bệnh liệt dương và thay đổi cách sống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Mặc dù bệnh tiểu đường và bệnh liệt dương có vẻ là hai bệnh tách biệt, nhưng thật ra nó có khuynh hướng đi cùng nhau. Theo Trung tâm Tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận quốc tế, những người đàn ông mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh liệt dương gấp 2 đến 3 lần so với bình thường. Trong rất nhiều trường hợp, bất thường trong khả năng cương cứng là dấu hiệu sớm của căn bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở nam giới dưới 45 tuổi.
Việc mất khả năng kiểm soát lượng đường trong máu do bệnh tiểu đường có thể hủy hoại các mạch máu và dây thần kinh. Hủy hoại dây thần kinh kiểm soát sự kích thích và đáp ứng sinh lý có thể ngăn cản khả năng cương cứng đủ để giao hợp của nam giới.
Những yếu tố nguy cơ nào làm tăng khả năng mắc phải các biến chứng của bệnh tiểu đường?
Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh tiểu đường, trong đó bao gồm cả liệt dương:
- Không kiểm soát được lượng đường trong máu
- Béo phì
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
- Ngại vận động
- Hút thuốc
- Tiêu thụ quá mức thức uống có cồn
- Không kiểm soát được sự tăng huyết áp
- Các thuốc chữa bệnh liệt dương.
Bạn có thể làm gì để làm giảm nguy cơ mắc bệnh liệt dương?
Thay đổi lối sống không những giúp bạn làm giảm bệnh tiểu đường, mà còn giảm nguy cơ bị liệt dương.
Kiểm soát lượng đường trong máu thông qua chế độ ăn uống. Một chế độ ăn uống hợp lý với bệnh tiểu đường có thể giúp bạn kiểm soát được lượng đường trong máu và làm giảm nguy cơ mạch máu và dây thần kinh bị hủy hoại. Một chế độ ăn uống thích hợp cũng có thể làm tăng năng lượng và tác động tích cực lên tâm trạng của bạn, góp phần vào việc phòng tránh bị liệt dương.
Cắt giảm việc tiêu thụ thức uống có cồn. Uống hơn 2 ly rượu hoặc bia mỗi ngày có thể hủy hoại mạch máu và làm tình trạng liệt dương ngày càng xấu đi. Chỉ cần bị say nhẹ thôi cũng khó có thể cương cứng, dẫn đến cản trở việc quan hệ tình dục.
Ngừng hút thuốc. Bên cạnh tất cả những lý do sức khỏe khác bạn đã từng nghe, hút thuốc làm thu hẹp mạch máu và giảm nồng độ nitrit oxit – dẫn đến giảm lượng máu đưa đến dương vật, khiến bệnh liệt dương trở nên tồi tệ hơn.
Năng động hơn. Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn kiểm soát được lượng glucose trong máu, mà còn giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và tăng năng lượng. Tất cả đều có tác dụng phòng tránh bị liệt dương.
Kiềm chế sự căng thẳng. Căng thẳng gây trở ngại đến kích thích tình dục và khả năng cương cứng. Tập thể dục, suy ngẫm và dành thời gian để làm những việc bạn yêu thích có thể giúp bạn kiềm chế sự căng thẳng và làm giảm nguy cơ mắc bệnh liệt dương.
Khi nào bạn nên đến bác sĩ?
Thật không dễ dàng khi bạn đem tình trạng bệnh chia sẻ cho bác sĩ, nhưng sự ngại ngùng chỉ làm việc chẩn đoán và điều trị bị chậm trễ. Nếu bạn bị tiểu đường và mắc phải bệnh liệt dương, bác sĩ cần phải chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hợp lý.
Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát được lượng đường trong máu, chỉ cho bạn các bước đúng đắn để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 và đồng hành cùng bạn trong việc điều trị bệnh liệt dương. Họ có thể kê đơn chữa trị cũng như đưa ra những cách đặc trị cho bạn trong việc quan hệ tình dục.
Có một vài phương pháp để chữa trị cho chứng rối loạn cương dương. Hãy trình bày với bác sĩ về những cách này và tìm ra phương pháp chữa trị phù hợp nhất cho bạn để cuộc sống tình dục của bạn được cải thiện.