Bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai

(3.52) - 86 đánh giá

Thế nào là bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai?

Bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted diseases, còn gọi tắt là STDs). Các bệnh này có thể gây ra các hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Đặc biệt là đối với trẻ em trong độ tuổi trưởng thành và phụ nữ trẻ nếu không được điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh lậu và bệnh Chlamydia?

Bệnh lậu và bệnh Chlamydia đều do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Bệnh lậu và bệnh Chlamydia thường xảy ra cùng một lúc.

Các bệnh này xảy ra ở bộ phận nào của cơ thể?

Bệnh lậu và bệnh Chlamydia có thể bị ở miệng, ở cơ quan sinh sản, niệu đạo và trực tràng. Ở phụ nữ, bệnh thường xảy ra ở cổ tử cung (là đường dẫn vào tử cung).

Độ tuổi nào thường mắc các bệnh này?

Mặc dù bệnh lậu và bệnh Chlamydia có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, phụ nữ ở độ tuổi 25 hoặc trẻ hơn thường dễ mắc bệnh hơn.

Triệu chứng của bệnh lậu và bệnh Chlamydia?

Thông thường phụ nữ bị bệnh lậu và Chlamydia không biểu hiện triệu chứng gì. Ngay cả khi có triệu chứng thì nó cũng chỉ biểu hiện từ 2 ngày đến 3 tuần sau khi bị nhiễm. Các triệu chứng có thể rất nhẹ và có thể bị chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng âm đạo.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Ra dịch âm đạo màu vàng
  • Khi đi tiểu thấy rát hoặc tiểu dắt
  • Chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh
  • Chảy máu trực tràng, đại tiện và tiểu tiện mất tự chủ, hoặc thấy đau khi đi đại tiện

Cách chẩn đoán bệnh lậu và bệnh Chlamydia?

Để biết xem là bạn có bị nhiễm lậu hoặc Chlamydia không, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu tế bào từ họng, cổ tử cung, niệu đạo hoặc trực tràng là những nơi thường xảy ra nhiễm trùng. Bệnh lậu và bệnh Chlamydia cũng có thể được phát hiện thông qua kiểm tra nước tiểu.

Các biến chứng của bệnh lậu và bệnh Chlamydia?

Cả bệnh lậu và bệnh Chlamydia đều có thể gây viêm nhiễm vùng chậu (pelvic inflammatory disease, viết tắt là PID). Đây là loại viêm nhiễm xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo và cổ tử cung lên tử cung, buồng trứng, hoặc ống dẫn trứng (xem bài Bệnh viêm nhiễm vùng chậu). Nếu bị nhiễm vi khuẩn lậu hoặc Chlamydia mà không điều trị, bệnh nhân sẽ bị viêm nhiễm vùng chậu sau vài ngày đến vài tuần.

Điều trị bệnh lậu và bệnh Chlamydia như thế nào?

Bệnh lậu và Chlamydia được điều trị bằng cách dùng kháng sinh.

Nguyên nhân gây bệnh giang mai?

Bệnh giang mai do vi khuẩn gây ra. Nó khác với bệnh lậu và bệnh Chlamydia ở chỗ bệnh xảy ra theo từng giai đoạn. Tùy từng giai đoạn mà tốc độ lây truyền khác nhau.

Bệnh giang mai lây truyền như thế nào?

Vi khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xước trên da, hoặc thông qua tiếp xúc với vết loét giang mai, còn gọi là săng giang mai. Do vết loét này thường xảy ra ở âm hộ, âm đạo, hậu môn, hoặc dương vật, nên bệnh giang mai thường lây truyền qua đường tình dục. Nó cũng có thể lây truyền thông qua tiếp xúc với nốt ban, mụn cóc, hoặc máu của người bệnh khi bệnh đang ở giai đoạn 2.

Triệu chứng của bệnh giang mai?

Triệu chứng của bệnh giang mai khác nhau ở các giai đoạn khác nhau.

  • Giai đoạn 1: Bệnh bắt đầu xuất hiện bằng các vết loét không gây đau. Vết loét sẽ tự khỏi sau 3-6 tuần mà không cần điều trị.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn này bắt đầu khi vết loét bắt đầu lành hoặc vài tuần sau khi vết loét đã khỏi, lúc này bắt đầu xuất hiện các nốt ban. Giai đoạn này có thể kèm theo các triệu chứng như bị cúm. Đây cũng là giai đoạn lây truyền cao.
  • Giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn cuối: Các nốt ban và các triệu chứng khác biến mất sau vài tuần hay vài tháng, nhưng vi khuẩn gây bệnh vẫn còn tiềm ẩn trong cơ thể. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tái phát lại nặng hơn nhiều năm sau đó.

Cách chẩn đoán bệnh giang mai?

Khi bệnh ở giai đoạn đầu có thể chẩn đoán bằng việc kiểm tra xem dịch tiết ra từ vết loét có chứa vi khuẩn giang mai hay không. Khi bệnh ở giai đoạn cuối có thể kiểm tra xem trong máu có kháng thể của vi khuẩn giang mai hay không.

Các biến chứng của bệnh giang mai?

Giang mai ở giai đoạn cuối là một bệnh nặng. Bệnh nhân có thể bị bệnh tim, bệnh thần kinh, hoặc ung thư, cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương não, bị mù, liệt, và thậm chí là tử vong. Các vết loét ở cơ quan sinh dục do vi khuẩn giang mai gây ra cũng khiến cho bệnh nhân dễ bị nhiễm và lây truyền HIV dễ hơn bình thường.

Điều trị bệnh giang mai như thế nào?

Bệnh giang mai được điều trị bằng cách dùng kháng sinh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể tránh được các tác hại lâu dài. Thời gian điều trị tuỳ thuộc vào thời gian bệnh nhân đã nhiễm giang mai.

Có thể phòng ngừa các bệnh này không?

Có thể phòng ngừa bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai. Các biện pháp khác sau đây cũng giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Sử dụng bao cao su. Bao cao su dành cho nam giới và bao cao su dành cho nữ giới đều được bán ở cửa hàng thuốc. Chúng cũng giúp phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Giới hạn số lượng bạn tình. Khả năng bị bệnh lây truyền qua đường tình dục càng cao nếu số lượng bạn tình trong cùng một lúc càng cao.
  • Trao đổi với bạn tình về quá khứ bệnh tình của nhau. Hỏi xem anh ấy hoặc cô ấy đã từng bao giờ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa. Nếu bạn tình chưa bao giờ có triệu chứng thì điều đó cũng không có nghĩa là người đó chưa từng bị nhiễm.
  • Tránh tiếp xúc với bất kỳ vết loét nào trên cơ quan sinh dục.

Có nên khám tầm soát các bệnh này không?

Nên kiểm tra định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh lậu và Chlamydia. Đối với thiếu nữ trong độ tuổi trưởng thành, phụ nữ trong độ tuổi 25 hoặc trẻ hơn mà thường xuyên quan hệ tình dục, và cả phụ nữ trên 25 tuổi nếu họ có nguy cơ mắc bệnh cao. Thiếu nữ trong độ tuổi trưởng thành và phụ nữ trưởng thành cũng nên kiểm tra giang mai nếu họ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Chú giải

  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: là các bệnh lây truyền thông qua quan hệ tình dục.
  • Buồng trứng: là hai cơ quan nằm hai bên tử cung, nơi sản xuất trứng và tiết hormone.
  • Cổ tử cung: là phần dưới của tử cung, thông với âm đạo.
  • HIV: là viết tắt của từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency Virus”, là một virus tấn công hệ thống miễn dịch và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS).
  • Kháng sinh: là thuốc điều trị một số bệnh viêm nhiễm.
  • Kháng thể: là các protein có trong máu do cơ thể sản sinh ra khi có vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.
  • Âm hộ: là bộ phận bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ.
  • Niệu đạo: là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.
  • Ống dẫn trứng: là ống dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung.
  • Săng: là vết loét do vi khuẩn giang mai gây ra ở nơi bị nhiễm trùng.
  • Tử cung: là cơ quan nằm trong vùng chậu ở nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.
  • Viêm nhiễm vùng chậu: là sự nhiễm trùng ở tử cung, ống dẫn trứng, và những cơ quan trong vùng chậu.

Chú ý:

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq071.pdf?dmc=1&ts=20140214T1026056310

Biên dịch - Hiệu đính

TS. Dư Ngọc Hiền - ThS.BS. Nguyễn Khánh Linh
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Các dấu hiệu của chuyển dạ

(52)
Các dấu hiệu của chuyển dạ Cơn co tử cung đều đặn trong 2 giờ qua luôn luôn là dấu hiệu chuyển dạ có tiến triển. Có thể vỡ ối cả trước khi có cơn ... [xem thêm]

Lựa chọn sinh thường hay sinh mổ

(36)
Lợi ích của sinh thường và sinh mổ? Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho em biết lợi ích của sinh thường và sinh mổ không ạ? Em gần tới ngày sinh rồi, em rất ... [xem thêm]

Khởi phát chuyển dạ là gì?

(45)
Khởi phát chuyển dạ Khởi phát chuyển dạ là việc sử dụng các loại thuốc hoặc các phương pháp khác để khởi phát chuyển dạ. Tại sao phải khởi phát ... [xem thêm]

Những điều cần biết về dụng cụ đặt tử cung

(14)
Dụng cụ đặt tử cung là gì? Dụng cụ đặt tử cung (Intrauterine device: IUD) là một trong số các biện pháp tránh thai. Dụng cụ tử cung (DCTC) là một dụng cụ ... [xem thêm]

Nhiễm trùng đường niệu ở phụ nữ

(29)
Nhiễm trùng đường niệu xảy ra như thế nào? Hầu hết nhiễm trùng đường niệu bắt đầu ở đường niệu dưới (hay đường niệu thấp), bao gồm niệu đạo ... [xem thêm]

Bài 19 – Đa thai

(83)
Thi thoảng, có đôi vợ chồng trẻ đến khám và bày tỏ nguyện vọng dễ thương “em thích sanh đôi, hai đứa giống nhau nhìn…thật thích!”. Những người “ít ... [xem thêm]

Tầm soát ung thư vú: Chiến lược và các khuyến cáo

(39)
Tổng quan và khuyến cáo Sàng lọc là phương pháp tốt nhất đối với hầu hết bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư vú và giúp điều trị sớm, hiệu quả hơn ... [xem thêm]

Bài 6 – Siêu âm là cái gì vậy?

(73)
Bài này để dẫn dắt cho bài “Siêu âm cổ tử cung trong thai kỳ”, tại vì lúc làm việc thấy bệnh nhân ngơ ngác đến tội nghiệp cho cái vụ “tử cung em ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN