Những điều cần biết về dụng cụ đặt tử cung

(4.29) - 14 đánh giá

Dụng cụ đặt tử cung là gì?

Dụng cụ đặt tử cung (Intrauterine device: IUD) là một trong số các biện pháp tránh thai. Dụng cụ tử cung (DCTC) là một dụng cụ nhỏ và bằng nhựa được đặt vào bên trong tử cung nhằm mục đích tránh thai.

Sự khác nhau giữa những loại dụng cụ tử cung?

Ở Mỹ có 2 loại dụng cụ tử cung được phép sử dụng là dụng cụ tử cung chứa hormone (nội tiết) và dụng cụ tử cung chứa đồng. Dụng cụ tử cung chứa hormon phải thay mới mỗi 5 năm sử dụng, còn dụng cụ tử cung chứa đồng có thể giữ trong cơ thể tới 10 năm.

Hiệu quả của dụng cụ tử cung như thế nào?

Dụng cụ tử cung có hiệu quả hơn hẳn so với những biện pháp tránh thai khác. Tuy nhiên, dụng cụ tử cung không bảo vệ chống lại sự lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.

Cơ chế tác động của dụng cụ tử cung là gì?

Đối với dụng cụ tử cung chứa nội tiết, một lượng nhỏ hormon progestin được phóng thích từ dụng cụ tử cung vào bên trong tử cung. Progestin làm dày dịch nhầy ở cổ tử cung, làm giảm cơ hội tinh trùng xâm nhập vào bên trong cổ tử cung. Progestin có thể làm tinh trùng giảm hoạt hơn. Nó cũng làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, do đó ngăn chặn việc làm tổ của trứng đã thụ tinh và làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại.

Dụng cụ tử cung chứa đồng phóng thích một lượng nhỏ đồng vào bên trong tử cung. Đồng có thể ngăn cản trứng thụ tinh và làm tổ vào niêm mạc tử cung. Đồng cũng ngăn cản tinh trùng xâm nhập vào bên trong tử cung rồi vào vòi trứng (vòi Fallop) và làm giảm khả năng thụ tinh cho trứng.

Mọi phụ nữ có thể sử dụng dụng cụ tử cung không?

Một số phụ nữ có thể không dùng dụng cụ tử cung được. Hình dạng và kích thước của tử cung mỗi người có thể không tương hợp với dụng cụ tử cung. Những người có kết quả Pap test gần nhất bất thường hoặc một số tình trạng khác không nên sử dụng dụng cụ tử cung.

Dụng cụ tử cung được đặt vào tử cung như thế nào?

Bác sĩ của bạn sẽ là người đặt và tháo dụng cụ tử cung cho bạn. Dụng cụ tử cung thường được đặt trong khi có kinh hoặc ngay sau khi bạn có kinh. Dụng cụ tử cung được đặt trong một cái ống dài, dẹt bằng nhựa. Chiếc ống này sau đó được cho vào âm đạo và đưa vào bên trong tử cung qua lỗ cổ tử cung. Sau đó dụng cụ tử cung được đẩy ra khỏi ống và chiếc ống này được rút ra ngoài.

Đặt dụng cụ tử cung có gây đau không?

Đặt dụng cụ tử cung không cần gây tê (giảm đau), mặc dù bạn sẽ hơi khó chịu một chút. Dùng một số thuốc giảm đau không kê toa trước khi thực hiện thủ thuật có thể giúp cải thiện điều này. Đôi khi bác sĩ sẽ dùng thuốc gây tê tại chỗ khi đặt dụng cụ tử cung.

Làm sao để biết chắc là dụng cụ tử cung ở đúng vị trí?

Một khi dụng cụ tử cung được đặt, bác sĩ sẽ cho bạn thấy làm sao để kiểm tra dụng cụ tử cung có đúng vị trí không. Mỗi một dụng cụ tử cung được gắn với một cái “đuôi” làm bằng chỉ dai (gọi là dây dụng cụ tử cung). Sau khi đặt, đuôi chỉ sẽ thò ra ngoài cổ tử cung, nằm trong âm đạo một đoạn dài 1-2 inchs.

Việc kiểm tra đuôi chỉ thường xuyên rất quan trọng. Để làm điều này, bạn phải đặt một ngón tay vào trong âm đạo và cảm nhận đuôi chỉ. Bạn có thể làm bất cứ lúc nào, nhưng kiểm tra ngay sau kỳ kinh nguyệt thì rất dễ nhớ. Nếu không cảm nhận được đuôi chỉ, hoặc nếu sờ thấy dụng cụ tử cung, hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Dụng cụ tử cung có thể đã bị tuột khỏi vị trí. Nhớ sử dụng những biện pháp tránh thai khác cho đến khi dụng cụ tử cung được kiểm tra. Nếu sờ thấy dụng cụ tử cung, hãy gặp bác sĩ của bạn và đừng tự ý lấy nó ra.

Những lợi ích, nguy cơ và tác dụng không mong muốn của việc sử dụng dụng cụ tử cung?

Lợi ích:

  • Dễ sử dụng và không cần dùng thêm bất cứ biện pháp tránh thai nào khác.
  • Không làm ảnh hưởng đến hoạt động tình dục cũng như các hoạt động hằng ngày. Bạn vẫn có thể dùng tampon cùng với việc đặt dụng cụ tử cung.
  • Hoạt động hằng ngày không làm dụng cụ tử cung thay đổi vị trí.
  • Hormon phóng thích từ dụng cụ tử cung có thể làm giảm đau bụng và chảy máu khi hành kinh.

Nguy cơ:

  • Dụng cụ tử cung có thể bị tuột ra khỏi cổ tử cung vào trong âm đạo.
  • Dụng cụ tử cung có thể gây thủng thành tử cung trong khi đặt.
  • Có thể gây viêm nhiễm tử cung và vòi trứng.

Các tác dụng phụ khác:

  • Làm tăng đau bụng và chảy máu khi hành kinh (dụng cụ tử cung đồng).
  • Co thắt và ra máu ít trong một vài tuần đầu sau khi đặt dụng cụ tử cung.
  • Tiết dịch âm đạo.
Xem thêm bài Vòng tránh thai có đồng- dụng cụ tránh thai trong tử cung

Giải thích thuật ngữ

Gây tê tại chỗ: Dùng thuốc để giảm đau tại một vị trí của cơ thể.

Pap test: Một test mà tế bào được lấy từ cổ tử cung và âm đạo và soi dưới kính hiển vi.

Progestin: Progesteron tổng hợp – tương tự với hormon tự nhiên được sản xuất bởi cơ thể. Progesteron là một loại hormon sinh dục nữ được tổng hợp từ buồng trứng và làm lớp nội mạc tử cung phát triển; khi nồng độ progesteron sụt giảm sẽ gây hiện tượng có kinh nguyệt.

Bệnh lây qua đường tình dục (STDs): Bệnh lây qua đường tiếp xúc tình dục, bao gồm nhiễm chlamydia, lậu, sùi mào gà, herpes sinh dục, giang mai và HIV (gây AIDS – hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải)

Tử cung: Cơ quan bằng cơ ở khung chậu nữ chứa đựng và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ.

Tài liệu tham khảo

http://ne-obgyn.com/assets/pdf/pdf-contraception/intrauterine-device.pdf?login=35b88e093bb25be636f2ba74a83bf87c

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Hoàng Thị Hồng Ly - PGS.TS.BS. Tô Mai Xuân Hồng
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Tác hại của thuốc lá, rượu bia và ma túy ở phụ nữ mang thai

(96)
Chú thích của người dịch: bài này dịch từ trang bác sĩ gia đình của Mỹ, do đó có chứa các thông tin phù hợp với đời sống ở Mỹ mà có thể chưa có ở ... [xem thêm]

Những điều cần biết về thuốc tránh thai

(38)
Thuốc ngừa thai hoạt động như thế nào? Các loại thuốc tránh thai có chứa những hormon làm cho sự rụng trứng không xảy ra. Những hormon này cũng gây nên ... [xem thêm]

Lợi ích và những hướng dẫn tập thể dục trong thai kì

(67)
Thông thường thai phụ sẽ có nhiều băn khoăn có nên thực hiện các bài tập thể dục trong thời kỳ mang thai hay không. Tuy nhiên, những hoạt thể dục thể chất ... [xem thêm]

Bài 50 – Các xét nghiệm cần thực hiện trong thai kỳ

(93)
Xét nghiệm là một phần quan trọng của việc theo dõi thai kỳ. Mình ngại nhất là gặp các bà mẹ ở hai thái cực trái ngược: Một là, “xét nghiệm hết cho ... [xem thêm]

Bài 42 – Hỏi ngắn đáp nhanh cùng người sắp thành “Bố trẻ con”

(30)
Tại sao phải luôn “bên cạnh” vợ mình khi cô ấy có thai? Phụ nữ mang thai có người quan tâm, lo lắng, chăm sóc sẽ có khuynh hướng sống tích cực hay tốt ... [xem thêm]

Những vấn đề sau sẩy thai

(60)
Điều gì xảy ra sau sẩy thai? Sẩy thai có thể gây ra những tác động tâm lý sâu sắc không chỉ đối với sản phụ mà còn đối với gia đình và người thân. ... [xem thêm]

Quần áo cho bà bầu

(49)
Biên dịch: Phạm Thị Thanh Ngọc và Trần Thị Thu Quần áo phù hợp khi mang thai là gì? Mang thai là một trong những giai đoạn đẹp trong cuộc đời của người ... [xem thêm]

Những dấu hiệu khi chuẩn bị chuyển dạ

(42)
Điều gì xảy ra khi chuẩn bị chuyển dạ? Khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung mở ra (giãn nở). Tử cung, trong đó có cơ, co thắt đều đặn. Khi tử cung co ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN