Bệnh cường giáp còn gọi là hội chứng cường giáp, cường giáp, cường chức năng tuyến giáp. Các triệu chứng cường giáp xuất hiện trên toàn bộ cơ thể theo nhiều cách, đột ngột hay chậm rãi, từ nhẹ đến rất nặng. Tuy triệu chứng đa dạng nhưng bệnh có thể điều trị khỏi. Bên trên là vài điều trả lời câu hỏi: “Bệnh cường giáp là gì?”.
Tổng quan về bệnh cường giáp
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất một lượng lớn hormone giáp dư thừa vào máu. Hormone giáp bao gồm thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). T3 là hormone giáp có hoạt tính mạnh nhất. Phần lớn T4 sẽ được chuyển thành T3 trong máu.
Tuyến giáp có hình dạng con bướm nằm ở phía trước vùng cổ, dưới cằm. Tuyến giáp được điều hòa bởi tuyến yên nằm trong não và tuyến yên được điều hòa bởi vùng dưới đồi một tuyến khác trong não.
Khi hormone giáp (T3, T4) tăng cao trong cơ thể do bất cứ nguyên nhân nào sẽ gây bệnh cường giáp. Cường giáp xảy ra do bạn đã dung nạp quá nhiều hormone giáp vào cơ thể. Hormone giáp có trong những loại thuốc điều trị các bệnh lý khác. Ngoài ra, nguyên nhân gây cường giáp còn do tuyến giáp tăng hoạt động quá mức, bệnh Basedow hoặc bướu giáp đa nhân…
Triệu chứng cường giáp rất đa dạng và xảy ra trên toàn bộ cơ thể. Mỗi bệnh nhân sẽ có triệu chứng cường giáp khác nhau. Mức độ nặng, nhẹ của triệu chứng có liên quan đến mức hormone giáp trong cơ thể người bệnh.
Bệnh cường giáp xuất hiện nhiều nhất ở phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi. Nữ giới mắc bệnh cao gấp 10 lần nam giới.
Các triệu chứng cường giáp
Cường giáp có thể gây nhiều triệu chứng. Các triệu chứng có thể diễn biến từ từ hoặc đột ngột. Triệu chứng thường xảy ra ở mức trung bình nhưng cũng có thể rất trầm trọng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người bệnh.
Các triệu chứng cường giáp bao gồm:
♦ Lo lắng, trầm cảm và bứt rứt khó ở
♦ Tăng động – bạn thấy khó ngồi yên và luôn tràn đầy năng lượng
♦ Tâm trạng bất ổn
♦ Khó ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ
♦ Mệt mỏi suốt ngày
♦ Nhạy cảm với nhiệt độ (thấy quá nóng hoặc quá lạnh)
♦ Yếu nhược cơ
♦ Tiêu chảy
♦ Tiểu nhiều lần trong ngày
♦ Thường xuyên khát nước dù đã uống nhiều nước
♦ Ngứa ngáy
♦ Giảm ham muốn tình dục
Sau khi mắc bệnh cường giáp một thời gian, cơ thể bệnh nhân thường xảy ra các biến đổi. Một số biến đổi thường gặp:
♥ Sưng phù vùng cổ do tuyến giáp phát triển lớn
♥ Nhịp tim nhanh bất thường, đánh trống ngực
♥ Co giật, run rẩy thấy rõ ở 2 tay
♥ Da nóng ẩm và đổ nhiều mồ hôi
♥ Lòng bàn tay đỏ rực
♥ Dễ bị gãy móng tay, móng chân
♥ Xuất hiện ban da gây ngứa ngáy
♥ Rụng tóc hoặc thưa tóc
♥ Sụt cân mặc dù vẫn ăn nhiều
♥ Gặp nhiều vấn đề ở mắt như đỏ mắt, khô mắt, hạn chế tầm nhìn.
Khi nào bạn cần đến bác sĩ?
Bạn hãy gặp bác sĩ khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên. Bạn nên ghi lại các dấu hiệu và triệu chứng để tiện báo cho bác sĩ.
Bạn sẽ được cho làm xét nghiệm máu để chẩn đoán. Nếu kết quả cho thấy bạn bị cường giáp thì bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm để quyết định phương pháp điều trị.
Nguyên nhân cường giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức do nhiều lý do. Các lý do chính thường là:
Bệnh Basedow (Bệnh Graves’)
Khoảng 3/4 các trường hợp cường giáp do bệnh Basedow gây ra. Đây là bệnh tự miễn, tức là hệ miễn dịch thay vì tấn công vi khuẩn, virus, các tác nhân tiêu cực cho sức khỏe thì lại tấn công tuyến giáp khiến nó hoạt động quá mức.
Y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh Basedow. Đối tượng dễ mắc phải bệnh này là phụ nữ trung niên, hút thuốc lá và gia đình có người bị Basedow.
Bướu giáp đa nhân
Cường giáp là do các bướu (đa nhân) phát triển ở tuyến giáp gây nên. Trường hợp này ít gặp hơn nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh chính. Các nhân giáp này đa số lành tính. Tuy nhiên, khi chúng tăng cường sản xuất hormone giáp sẽ khiến bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh cường giáp.
Lý do bướu giáp đa nhân phát triển vẫn còn bí ẩn nhưng chúng thường gặp ở người hơn 60 tuổi.
Cường giáp do thuốc
Mức iốt cao trong máu có thể làm tuyến giáp sản xuất thêm nhiều hormone gây cường giáp. Đôi khi điều này xảy ra nếu bạn dùng thuốc có chứa iốt như amiodarone (thuốc dùng cho người bị rối loạn nhịp tim).
Tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức do thuốc sẽ từ từ chấm dứt khi bệnh nhân ngưng thuốc. Mức hormone giáp trong máu sẽ trở về bình thường sau vài tháng.
Các nguyên nhân gây cường giáp khác
Các nguyên nhân gây cường giáp khác bao gồm:
– Mức hCG (hormone do nhau thai sản xuất) tăng cao khi bệnh nhân mang đa thai hoặc thai trứng
– U lành adenoma ở tuyến yên
– Viêm tuyến giáp
– Ung thư tuyến giáp (hiếm gặp ở bệnh cường giáp)
Chẩn đoán cường giáp
Chẩn đoán sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để xác định mức hormone giáp trong máu. Xét nghiệm được dùng để xác định nồng độ các hormone TSH, T3, T4 bao gồm:
⇒ TSH (thyroid-stimulating hormone): Đây là hormone được tuyến yên sản xuất để kích thích tuyến giáp hoạt động. Nếu mức hormone giáp trong máu ít thì tuyến yến tăng sản xuất TSH và ngược lại. Bệnh nhân cường giáp có mức TSH thấp.
⇒ T3 (triiodothyronine): T3 được tuyến giáp sản xuất và có vai trò quan trọng nhất đối với chuyển hóa cơ thể. Xét nghiệm T3 nhằm chẩn đoán và xác định bệnh nặng hay nhẹ. Bệnh nhân cường giáp có nồng độ T3 tăng cao.
Bệnh nhân đang mang thai, dùng thuốc tránh thai thì cả T3 và T4 cùng cao nhưng có thể không bị cường giáp. Trong trường hợp này, thai phụ cần làm thêm xét nghiệm định lượng T4 tự do và TSH để xác định chính xác cường giáp.
⇒ T4 (thyroxine): T4 trong máu có 2 dạng: T4 gắn với protein và T4 tự do. T4 tự do có vai trò quan trọng nhất để xác định chức năng tuyến giáp, xét nghiệm tìm T4 tự do gọi là FT4 và FTI. Người bị cường giáp có FT4 và FTI tăng cao.
Kết quả xét nghiệm cho thấy mức TSH thấp và mức T3, T4 cao có nghĩa là bạn đã bị cường giáp. Nếu bạn có thai, bác sĩ sẽ dựa vào TSH thấp và FT4, FTI cao để chẩn đoán cường giáp.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân cường giáp
⇒ Xét nghiệm tìm kháng thể kháng tuyến giáp: Hệ miễn dịch giúp chúng ta chống lại các loại vi khuẩn, virus bằng cách sản xuất ra các kháng thể có khả năng tiêu diệt chúng. Khi hệ miễn dịch sản xuất kháng thể kháng tuyến giáp làm kích thích nó hoạt động mạnh đồng thời hủy hoại nó. Các kháng thể này được tìm thấy nếu bạn bị bệnh Graves’ – một nguyên nhân chính gây cường giáp.
⇒ Xét nghiệm đo tốc độ lắng máu: Dùng để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Nếu kết quả cho thấy có sự viêm nhiễm thì nguyên nhân cường giáp có thể là viêm tuyến giáp.
Chụp xạ hình tuyến giáp
Chụp xạ hình tuyến giáp dùng để tìm các u, bướu như các nhân giáp.
Để chuẩn bị cho xét nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu nuốt hoặc tiêm một lượng nhỏ chất iốt phóng xạ. Chất phóng xạ này sẽ được tuyến giáp hấp thụ và đào thải.
Sau đó, bạn sẽ chụp xạ hình tuyến giáp. Bác sĩ sẽ xem kết quả để biết được hình dạng, kích thước tuyến giáp và cách nó hấp thụ, đào thải phóng xạ. Việc này hỗ trợ bác sĩ tìm nguyên nhân gây cường giáp và tình trạng bệnh để có cách điều trị phù hợp.
Điều trị cường giáp
Cường giáp là bệnh có thể điều trị. Bác sĩ sẽ phân tích trên nhiều yếu tố để giúp bạn chọn đúng cách chữa trị.
Các phương pháp điều trị chính bao gồm: Sử dụng thuốc kháng giáp, uống iốt phóng xạ, phẫu thuật.
Thuốc kháng giáp
Thionamide là dòng thuốc điều trị cường giáp phổ biến thường được dùng để điều trị cường giáp. Chúng kiểm soát cường giáp bằng cách làm giảm hoạt động của tuyến giáp. Có 2 loại chính được dùng là carbimazole và propylthiouracil.
Bạn phải dùng thuốc liên tục trong 1 đến 2 tháng mới bắt đầu thấy tác dụng. Trong thời gian này, bạn sẽ phải dùng thêm thuốc chẹn beta để giảm bớt triệu chứng bệnh.
Khi cơ thể đã kiểm soát được lượng hormone giáp, bác sĩ sẽ giảm dần liều thuốc kháng giáp theo liệu trình. Người bệnh cần uống thuốc liên tục nhiều năm, một số cần uống suốt đời để kiểm soát cường giáp.
Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dừng thuốc vì có thể gây biến chứng cơn bão giáp. Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng người bệnh.
Phương pháp điều trị bằng thuốc kháng giáp sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ. Chúng thường xuất hiện trong vài tháng đầu và sẽ giảm dần khi bạn đã quen với thuốc, bao gồm:
♣ Thấy uể oải
♣ Đau đầu
♣ Đau nhức khớp
♣ Đầy bụng, ợ hơi, ợ chua thậm chí đau dạ dày
♣ Nổi ban da ngứa ngáy
Một tác dụng phụ nguy hiểm hiếm gặp là giảm bạch cầu đột ngột. Phản ứng phụ này làm cơ thể bạn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Cần đến bác sĩ ngay nếu bạn bị sốt, viêm họng hay ho kéo dài khi dùng thuốc.
Uống iốt phóng xạ
Uống iốt phóng xạ là dùng phóng xạ để làm tổn thương tuyến giáp và giảm lượng hormone mà nó sản xuất. Đây là phương pháp điều trị cường giáp rất hiệu quả.
Bạn sẽ được cho một ly nước thuốc hoặc thuốc viên có chứa một liều phóng xạ thấp. Lượng phóng xạ này được tuyến giáp hấp thụ. Hầu hết bệnh nhân chỉ cần một lần điều trị duy nhất.
Sau vài tuần đến vài tháng, bạn mới thấy toàn bộ tác dụng. Bạn được kê thuốc chẹn beta trong thời gian chờ đợi.
Tuy liều phóng xạ bạn uống rất thấp nhưng bạn cũng cần chú ý những điều sau:
♣ Tránh tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ có thai trong vài ngày đến vài tuần.
♣ Phụ nữ nên tránh có thai trong vòng 6 tháng.
♣ Đàn ông không nên có ý định có con trong vòng 4 tháng.
Uống iốt phóng xạ không dùng cho bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú. Phương pháp này cũng không được dùng nếu cường giáp đã gây biến chứng mắt.
Phẫu thuật
Đây là biện pháp cuối cùng và chắc chắn có hiệu quả. Bác sĩ sẽ loại bỏ hoàn toàn tuyến giáp. Do đó, bạn cũng không còn cường giáp nữa. Phương pháp này giúp cơ thể không thể tự sản xuất hormone giáp. Bạn phải uống levothyroxine suốt đời để bổ sung hormone giáp cho cơ thể.
Các trường hợp bắt buộc dùng tới phương pháp này:
♣ Bướu cổ quá lớn
♣ Đã có biến chứng nặng ở mắt
♣ Bạn có chống chỉ định với các phương pháp trên
♣ Triệu chứng cường giáp tái phát sau khi đã điều trị bằng các phương pháp khác
Biến chứng của cường giáp
Biến chứng ở mắt
Biến chứng mắt do cường giáp còn gọi là bệnh mắt tuyến giáp hoặc bệnh mắt Basedow. Biến chứng này xảy ra ở 1/3 người cường giáp do bệnh Basedow.
Những triệu chứng bao gồm:
♠ Khô mắt
♠ Nhạy cảm với ánh sáng
♠ Chảy nước mắt liên tục
♠ Tầm nhìn bị biến dạng hoặc nhìn đôi
♠ Đỏ mắt
♠ Mi mắt sưng, đỏ và bị kéo ngược ra sau
♠ Lồi mắt
Đa số trường hợp biến chứng dừng ở mức trung bình và thường tự khỏi khi bệnh nhân đã điều trị dứt điểm bệnh cường giáp.
Nếu bạn thấy khó chịu ở mắt, bạn thường được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị. Các phương pháp bao gồm: dùng thuốc nhỏ mắt, steroid, phẫu thuật và được lựa chọn tùy vào tình trạng mắt người bệnh.
Giảm chức năng tuyến giáp
Điều trị cường giáp thường làm giảm mức hormone giáp trong máu gây suy giáp. Triệu chứng suy giáp bao gồm: sợ lạnh, mệt mỏi, tăng cân, táo bón, trầm cảm.
Tình trạng suy giáp thông thường sẽ kéo dài và cần bổ sung hormone giáp.
Bệnh cường giáp và thai kỳ
Bà bầu bị cường giáp và không được điều trị tốt sẽ làm tăng nguy cơ:
♠ Tiền sản giật
♠ Sẩy thai
♠ Sinh non (sinh trước tuần 37 của thai kỳ)
♠ Trẻ sơ sinh nhẹ cân
Bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu bạn có kế hoạch có thai hoặc đang mang thai. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bệnh đã được kiểm soát chưa và chọn phương pháp điều trị để không ảnh hưởng đến thai kỳ.
Nếu bạn không có kế hoạch có thai, bạn nên sử dụng các phương pháp tránh thai lâu dài như đặt vòng, thắt ống dẫn trứng… bởi vì điều trị cường giáp có thể gây hại đến thai nhi.
Cơn bão giáp
Ở một số trường hợp hiếm gặp, cường giáp không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây ra cơn bão giáp. Đây là tình trạng nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Các triệu chứng rầm rộ có thể bị kích động bởi:
♠ Một đợt nhiễm trùng
♠ Mang thai
♠ Không uống thuốc đúng cách
♠ Tổn thương đột ngột tuyến giáp như bị đấm vào cổ
Các triệu chứng của cơn bão giáp bao gồm:
♠ Nhịp tim nhanh liên tục, nhịp ngựa phi hơn 140 lần/phút, đánh trống ngực, rung nhĩ
♠ Sốt cao liên tục
♠ Tiêu chảy và nôn ói
♠ Vàng da, vàng mắt
♠ Hoảng loạn, lơ mơ, lú lẫn
♠ Mất ý thức
Cơn bão giáp có thể gây tử vong, bệnh nhân cần đi cấp cứu ngay.
Các biến đổi trên cơ thể bệnh nhân cường giáp
Bệnh cường giáp làm thay đổi cơ thể người bệnh theo thời gian. Người bệnh lâu năm có thể gặp các tình trạng sau:
Rung nhĩ: bệnh lý tim mạch có triệu chứng chính là nhịp tim nhanh không đều.
Loãng xương: Tình trạng làm xương bạn mỏng manh và dễ gãy hơn.
Suy tim: Trái tim không còn khỏe mạnh để bơm máu nuôi cơ thể.
Kiều Tuấn Anh / HELLOBACSI