Tìm hiểu chung
Còi xương là bệnh gì?
Còi xương là rối loạn ở trẻ em, do sự thiếu rất nhiều vitamin D, canxi hoặc phosphate trong cơ thể. Bệnh sẽ làm xương mềm và suy yếu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh còi xương là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh còi xương có thể bao gồm tăng trưởng chậm, đau cột sống, xương chậu và chân, yếu cơ.
Bệnh còi xương có thể ảnh hưởng đến phát triển của con bạn bởi vì bệnh sẽ làm suy yếu xương, dẫn đến dị tật ở trẻ, chẳng hạn như:
- Chân cong hoặc hai đầu gối chụm vào nhau;
- Cổ tay và mắt cá chân dày lên;
- Xương ức nhô ra.
Con bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh còi xương?
Bé có thể mắc bệnh còi xương nếu cơ thể không có đủ lượng vitamin D từ ánh sáng mặt trời và thực phẩm. Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe xương vì nó giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho trong thực phẩm. Con bạn sẽ bị còi xương nếu không nhận đủ vitamin D, canxi và phốt pho.
Đôi khi, một số bệnh nhất định có thể gây ra vấn đề trong việc sử dụng vitamin D. Một số ví dụ bao gồm:
- Bệnh celiac;
- Bệnh viêm đường ruột;
- Xơ nang;
- Các bệnh về thận.
Bệnh còi xương có thể được di truyền từ bố mẹ sang con cái. Trong những trường hợp này, trẻ cần được chăm sóc y tế đặc biệt.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh còi xương?
Còi xương rất phổ biến ở các nước đang phát triển và nguy cơ mắc bệnh cao nhất là ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi do bé đang trong giai đoạn phát triển. Trẻ em có thể không có đủ lượng vitamin D nếu sống trong khu vực ít ánh sáng mặt trời, ăn chay hoặc không uống sữa.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị còi xương?
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh còi xương bao gồm:
- Da đen – đây là màu da sản xuất ít vitamin D;
- Mẹ thiếu hụt vitamin D trong lúc mang thai. Trẻ do mẹ bị thiếu vitamin D trầm trọng sinh ra sẽ có thể có dấu hiệu của bệnh hoặc sẽ còi xương trong vòng vài tháng sau khi sinh;
- Vĩ độ phía Bắc – trẻ em sống ở những nơi có ít ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh còi xương;
- Sinh non;
- Các loại thuốc. Một số loại thuốc chống động kinh và thuốc kháng virus dùng trong điều trị nhiễm HIV sẽ tác động vào khả năng sử dụng vitamin D của cơ thể;
- Bé chỉ bú sữa mẹ. Sữa mẹ không có đủ vitamin D để ngăn ngừa bệnh còi xương. Vì vậy, những em bé này nên được sử dụng vitamin D bổ sung;
- Thiếu canxi. Trẻ còi xương thường nhận ít hơn 300 mg canxi mỗi ngày (khoảng một ly sữa). Trẻ em đang phát triển hàng ngày cần từ 400 mg (trẻ sơ sinh) đến 1500 mg (thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy vị thành niên) canxi để xương phát triển tốt;
- Ăn kiêng. Con nuôi ở nước ngoài hoặc các trẻ em trải qua nghèo đói đôi khi sẽ mắc còi xương do từng có chế độ ăn uống thiếu chất.
Các biến chứng của bệnh còi xương là gì?
Nếu không điều trị, bệnh còi xương có thể dẫn đến:
- Chậm phát triển;
- Cột sống cong bất thường;
- Dị tật xương;
- Khiếm khuyết nha khoa;
- Động kinh.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh còi xương?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách kiểm tra xương của bé. Họ sẽ đặc biệt chú ý đến:
- Hộp sọ. Những em bé còi xương thường có xương sọ mềm hơn và chậm trễ trong việc đóng thóp;
- Chân. Trẻ phát triển bình thường đôi khi vẫn có tình trạng chân vòng kiềng nhẹ. Đối với trẻ còi xương thì tình trạng này xảy ra nặng hơn;
- Ngực. Một số trẻ em còi xương có lồng ngực phát triển bất thường như không có độ cong bình thường và làm cho xương ức của bé nhô ra;
- Cổ tay và mắt cá chân. Trẻ em còi xương thường có cổ tay và mắt cá chân to hơn hoặc dày hơn bình thường;
Các xét nghiệm khác được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh còi xương bao gồm X-quang, máu và xét nghiệm nước tiểu.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh còi xương?
Bạn cần chắc chắn bé có đủ vitamin D từ thực phẩm hoặc ánh sáng mặt trời. Nếu không, bé cần phải bổ sung vitamin D trong quá trình điều trị. Con bạn sẽ nhận được 1000-2000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Đôi khi, bé có thể nhận lượng vitamin D cao hơn nhiều theo sự chăm sóc của bác sĩ. Lượng canxi cần thiết là 1000-1500 mg/ngày, có thể là từ thực phẩm giàu canxi hoặc do bổ sung.
Trẻ em bị còi xương di truyền thường được chuyên gia về hormone (nội tiết) điều trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh còi xương?
Để ngăn ngừa bệnh còi xương, bạn cần đảm bảo trẻ ăn thức ăn có chứa vitamin D hoặc đã được bổ sung vitamin D, chẳng hạn như:
- Dầu cá;
- Cá béo (cá hồi, cá mòi, cá ngừ);
- Nấm hương;
- Lòng đỏ trứng;
- Sữa bột cho trẻ sơ sinh;
- Ngũ cốc;
- Bánh mì;
- Sữa, nhưng không phải thực phẩm làm từ sữa như sữa chua và phô mai;
- Nước cam.
Nếu bạn đang mang thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống bổ sung vitamin D.
Sữa mẹ chỉ chứa một lượng nhỏ vitamin D, vì vậy bé bú sữa mẹ nên được bổ sung 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D hàng ngày. Học viện bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ đề nghị rằng trẻ bú sữa mẹ hay những trẻ uống ít hơn 1lít sữa công thức nên bổ sung bằng cách uống vitamin D.
Tắm nắng là nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất cho bé. Làn da sản xuất ra vitamin D khi nó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Khi bạn cho bé tắm nắng, hãy nhớ mặc quần áo bảo hộ hoặc thoa kem chống nắng cho con mình. Tuy nhiên, kem chống nắng cũng có thể ngăn ánh sáng mặt trời, nên tốt nhất bạn hãy cho bé tắm nắng trước 7 giờ sáng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.