Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường ruột như rối loạn tiêu hóa, chậm tăng cân… Để giải quyết, bạn hãy tăng cường sức khỏe đường ruột cho con.
Trẻ nhỏ thường tinh nghịch và thích khám phá mọi thứ xung quanh. Điều này vô tình giúp ích cho vi khuẩn đường ruột của con. Thế nhưng, bố mẹ luôn muốn bảo vệ con yêu khỏi những tác nhân gây bệnh, giúp con tránh xa mọi vi khuẩn. Với cách làm này liệu có tốt cho con? Bài viết sau đây của Chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.
1. Cung cấp thức ăn cho lợi khuẩn
Trẻ nhỏ phát triển nhờ vào lượng chất xơ và carbohydrate trong khẩu phần ăn hằng ngày. Điều gì sẽ xảy ra nếu vi khuẩn đường ruột của con không có chất xơ? Nghiên cứu cho thấy rằng khi vi khuẩn đường ruột đói, chúng sẽ ăn các chất nhầy có tác dụng bảo vệ màng trong của ruột. Nếu xâm nhập quá gần đến bức tường này, vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và nhanh chóng dẫn đến những rối loạn tự miễn dịch như bệnh viêm ruột, dị ứng và hen.
Vì thế, bạn hãy cho con ăn một chế độ ăn uống giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch và các loại đậu để đảm bảo cung cấp thức ăn cho vi khuẩn tốt phát triển và cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
2. Tiêu thụ thêm lợi khuẩn
Theo các nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, Mỹ, tiêu thụ lợi khuẩn sống và đang hoạt động bằng cách ăn yaourt có thể giảm một số loại bệnh ở trẻ em, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm lên men cho bé. Nhiều loại sữa chua được bán cho trẻ có nhiều đường. Chính vì thế, bạn nên tham khảo một vài cách làm sữa chua khoa học và thực hiện ngay tại nhà để đảm bảo sức khỏe cho bé. Bên cạnh đó, những loại bánh quy phủ sữa chua hay sữa chua trộn salad lại không chứa vi khuẩn sống.
3. Không nên giữ vệ sinh quá mức
Bất kỳ bố mẹ nào cũng muốn bảo vệ con khỏi những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn Streptococcus và E.coli. Bố mẹ thường khử trùng những thứ mà con có thể chạm tới. Điều này vô tình ngăn chặn con tiếp xúc với những vi khuẩn tốt cho đường ruột.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học Thụy Điển cho biết việc bố mẹ ngậm núm vú giả để làm sạch (chứ không khử trùng với nước đun sôi), bé sẽ ít có khả năng phát triển bệnh chàm và hen hơn. Điều này cũng giống như bố mẹ không khử trùng núm vú giả sẽ tạo điều kiện cho con tiếp xúc với vi khuẩn nhiều hơn, từ đó giúp con tăng cường hệ miễn dịch.
4. Tránh những loại thuốc kháng sinh không cần thiết
Những loại thuốc kháng sinh có thể giúp con khỏi bệnh nhưng không có nghĩa là chúng không có hại gì cho con. Thuốc kháng sinh có tác dụng giết chết vi khuẩn có hại và cả có lợi. Điều này có thể vô tình gây hại cho sức khỏe của con yêu.
Vào năm 2014, một nghiên cứu của Đại học Chicago, Mỹ, cho thấy mối liên hệ giữa thuốc kháng sinh và dị ứng đậu phộng. Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins đã cho thấy rằng trẻ dùng nhiều thuốc kháng sinh sẽ có nguy cơ bị tăng cân. Do đó, bạn chỉ nên dùng kháng sinh cho con vào những trường hợp cần thiết.
5. Chơi với thú cưng
Những hoạt động hằng ngày dễ làm trẻ tiếp cận với vi khuẩn có lợi nhưng bố mẹ luôn tìm cách để con tránh xa chúng. Điều này vô tình khiến bé dễ mắc bệnh. Chú cún cưng có thể mang vi khuẩn từ mặt đất đến con. Thay vì khó chịu khi nhìn thấy con chơi với cún cưng, bạn hãy nghĩ về những lợi ích của vi khuẩn mà chú cún mang lại.
Một nghiên cứu cho thấy, những trẻ sơ sinh lớn lên trong ngôi nhà có nuôi chó và tiếp xúc với cún sẽ ít có khả năng bị hen suyễn hơn khi chúng 6 tuổi. Tuy nhiên, trẻ cũng bị nhiễm vi khuẩn từ đất và động vật. Dù không có điều gì chứng minh ruột của con đang được hưởng lợi, nhưng con yêu lại ít khi bị bệnh và những căn bệnh cũng không kéo dài quá lâu.