Các nhà tâm lý học cho rằng việc đặt ra những giới hạn sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn và bình tĩnh hơn trong mọi việc. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng một số hạn chế nhất định lại có thể gây tác dụng ngược làm bé cảm thấy không an toàn cũng như kìm hãm sự phát triển của chúng. Điển hình như việc cấm đoán chẳng hạn, đôi khi đơn giản chúng ta nghĩ điều đó tốt cho bản thân, tốt cho bé hay cho một số hoàn cảnh nhất định, nhưng sẽ có những điều mà thực sự các mẹ không nên cấm trẻ làm.
Quát tháo, la mắng và ngăn cấm không phải là cách dạy con tốt của các bậc cha mẹ hiện nay. Đôi khi có những lúc chúng ta mất bình tĩnh dẫn đến những hành động không đúng kia nhưng điều đó lại không có nghĩa rằng chúng ta không yêu thương trẻ! Các bé lại ít khi hiểu được điều này nên vô tình làm cho khoảng cách của bố mẹ và con cái lại càng xa nhau hơn.
Cha mẹ càng cấm trẻ làm thì trẻ lại càng muốn làm
Đây là một thực tế mà rất ít người trong chúng ta ít chấp nhận hay muốn nghe nhưng sự thật là như vậy. Tiến sĩ Rollins của trường Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã giải thích nguyên nhân vấn đề trên là do sự hình thành mong muốn được tự do của bé khi đã nhận ra những điều cha mẹ chúng cấm đoán là không đúng, vô căn cứ hoặc chí ít thì trẻ có một lý do nào đó để chống lại điều bạn đang không muốn trẻ làm.
Cùng Chúng tôi lấy một ví dụ đơn giản để hình dung nhé! Trẻ vô cùng yêu thích các món như xúc xích, bánh snack, kẹo và khi ăn những loại này thì không thể thiếu một chai nước ngọt. Đứa trẻ nào cũng vòi ăn mỗi khi trên đường đến trường, khi đi siêu thị hay những lúc rảnh rỗi ở nhà. Tất nhiên bạn biết những thứ ấy không hề tốt cho sức khỏe của trẻ. Chúng chứa nào là đường, là muối, là chất tạo màu, chất bảo quản, rồi thêm lượng chất béo xấu cao…
Từ đó, bạn cấm trẻ ăn những thứ ấy với những lời cảnh báo như: “Không được ăn, cả núi độc hại đó!” hay: “Ăn vào là con sẽ chết đấy!” hoặc: “Những thứ ấy có bổ béo gì đâu mà ăn”. Tuy nhiên, sau đó bé lại quan sát bạn bè ở trường đều ăn và đám trẻ trong xóm ăn khi chúng chơi cùng nhau. Lúc này, trẻ sẽ nghĩ rằng những lời dọa dẫm của bạn là nói dối và cái kết là bé đòi ăn những thứ ấy nhiều hơn.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết: 8 sai lầm khi nuôi dạy con thường gặp ở các bậc cha mẹ
Việc cấm đoán không hoàn toàn xấu nhưng nên đặt đúng chỗ
Việc cấm đoán là cách chúng ta ngăn không cho trẻ làm việc gì đó mà bản thân mình cảm nhận là không phù hợp với trẻ hay đơn thuần chỉ là nó có hại cho con. Nhưng chung quy lại thì đấy cũng chỉ là suy nghĩ và cách nhìn nhận “chủ quan” của bạn về một vấn đề, hoàn toàn không mang lại một ý nghĩa giáo dục nào với trẻ.
Sự cấm đoán sẽ là đúng đắn khi điều này diễn ra vào tình huống bất khả kháng để ngăn cản một điều gì đó mang tính nguy hại đối với trẻ. Điển hình như: “Con không được tự ý băng qua đường một mình!” hay: “Con phải chờ mẹ đến đón khi tan học, không được phép đi cùng người lạ!”…
Và những cái “cấm trẻ làm” ấy nên dừng lại ở tính chất tạm thời. Hãy dạy trẻ sự thật và từ những sự thật mà bé tiếp nhận sẽ hình thành nên cái nhìn đúng đắn của chúng. Không nên áp đặt những quan điểm chủ quan cá nhân vào đầu trẻ vì đấy không phải cách dạy con đúng đắn.
Quay lại ví dụ về những gói snack, những viên kẹo hay các cây xúc xích thơm ngon nhưng bản thân người lớn chúng ta lại cho rằng nó vô cùng “độc hại”. Tình huống này tốt nhất hãy nói với con bạn những sự thật đằng sau đó chứ không nên đe dọa trẻ suông. Tuy là trẻ em nhưng chúng cũng rất tinh ý đấy!
9 điều không nên cấm trẻ làm
Dưới đây là 9 điều mà chúng ta không nên cấm đoán trẻ làm nếu không muốn một ngày nào đó trẻ lại càng bướng bỉnh và đối nghịch lại với bạn.
1. Bắt trẻ ngừng khóc
Câu dọa nạt thường thấy nhất mà ai trong đời cũng từng phải nghe là: “Bố/Mẹ đếm đến 3 nếu con còn khóc thì sẽ đưa con cho ông Kẹ” hay “sẽ bỏ con đi” hay “sẽ đánh đòn”…
Trẻ em cảm nhận thế giới theo cách khác biệt so với người lớn. Chúng nhạy cảm hơn rất nhiều, nên thay vì la mắng, dọa nạt hay khiến con cảm thấy xấu hổ hơn, bạn hãy nghĩ xem tại sao bé lại khóc và giải quyết vấn đề nhé.
2. Nói “Không” với bất kỳ điều gì
Người Việt hay người châu Á nói chung đều có suy nghĩ rằng: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhưng con cái chưa bao giờ là vật sở hữu riêng, chúng ta không thể bắt trẻ nói “có” hay “đồng ý” khi muốn con làm việc con mà không thích. Khi trẻ biết nói “không” đồng nghĩa với việc bé đã biết suy nghĩ độc lập, bé đã có khả năng tự quyết định một số vấn đề của mình.
Thay vì xâm phạm quyền cá nhân của con, chúng ta nên đặt mình vào suy nghĩ cũng như tình huống của trẻ để hiểu chúng hơn. Cấm đoán trẻ làm gì đó không phải là khó nhưng làm thế nào để có thể hiểu con thì thật sự là một thách thức.
3. Mắc sai lầm là điều không nên có trong từ điển của ba mẹ
Không ai sinh ra đã hoàn hảo và ngay cả người lớn chúng ta ngày đầu tiên đi làm cũng đâu thể trọn vẹn được. Trẻ cũng vậy, những bước chập chững biết đi, lần đầu tiên bé tự thay quần áo hay những ngày đầu đi học thì các ông bố, bà mẹ đều muốn con phải làm được hết thảy. Nhất là chuyện đến trường, chúng ta thường la mắng nếu con bị điểm kém mặc dù có thể nhẹ nhàng động viên để trẻ cố gắng hơn. Hãy nên nhớ rằng thất bại luôn là mẹ thành công, có vấp ngã hay phạm sai lầm thì các bé mới tự đứng dậy được nhé.
4. Không được tỏ ra nóng nảy
Một trong những điều mà ba mẹ tuyệt đối không nên cấm trẻ làm là con không được bày tỏ cảm xúc của mình. Là con người, ai cũng có lúc sẽ mất bình tĩnh, nóng nảy và chẳng thể kiểm soát bản thân, trẻ em cũng không ngoại lệ. Hơn nữa với các bé thì khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân lại không cao.
Cấm đoán trẻ trong tình huống này có khi lại dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Đôi khi hãy nên bình tĩnh, ngồi xuống và hỏi xem bé đang gặp phải vấn đề gì rồi cùng con giải quyết.
5. Đừng hỏi liên tục nữa
Trẻ con là chúa hỏi nhiều đúng không nào? Ba mẹ nào có con cũng đều kinh qua cảm giác bị làm phiền đến cực độ bởi vô vàn câu hỏi đến từ “sao Hỏa” mà bản thân chúng ta cũng chẳng có lời giải.
Sự thực là nếu con không hỏi thì mới có vấn đề đấy! Vì hỏi nhiều được xem là quá trình không thể thiếu trong giai đoạn phát triển của mỗi đứa trẻ. Lời khuyên chân thành là thay vì cấm trẻ hỏi, bạn hãy thành thật trả lời rằng: “Ba mẹ cũng không biết nhưng một lúc nào đó ba mẹ sẽ có câu trả lời cho con!” khi bé đưa ra những câu hỏi hóc búa.
6. Không được ích kỷ
Trong một vài trường hợp, tính ích kỷ không phải là xấu. Cũng như người lớn, trẻ em đôi khi cũng có quyền giữ những thứ cho riêng mình, đừng quá ngạc nhiên khi con mình không chia sẻ đồ chơi, sách truyện hay thức ăn với bạn bè. Dạy bé bài học chia sẻ là không thừa nhưng hãy hiểu cho bé lúc như thế này nhé.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết: Dạy con chia sẻ không đúng cách sẽ gây hậu quả xấu cho con
7. Cấm trẻ làm ồn
Trẻ con nô đùa vui chơi thường gây nhiều tiếng ồn và nhiều khi người lớn chúng ta lại cảm thấy phiền phức vì điều đó. Một tiếng la mắng của bạn thôi là cả cuộc vui của bé chấm dứt rồi.
Trẻ em ngày nay chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết nên hãy để trẻ tự do sống với tuổi thơ của mình. Cha mẹ đừng vội lấy đi niềm vui của trẻ chỉ vì cảm thấy phiền phức với những bài hát hay tràng cười đáng yêu của con.
8. Cấm con sợ
Trong sâu thẳm bản thân mỗi người luôn tồn tại một mỗi sợ riêng. Vì thế đừng “ép” con mình không được sợ một điều gì đó. Đôi khi dù vô tình hay cố ý, những câu nói như: “Có gì đâu phải sợ” hay: “Sao con nhát thế?” lại có thể làm cho trẻ cảm thấy bị tổn thương. Thế nên đừng cấm trẻ ngưng sợ hãi một điều gì đó nhé. Trong một vài tình huống, nỗi sợ chính là “barie” hoàn hảo nhất bảo vệ con khỏi nguy hiểm.
9. Con không được giữ bí mật
Càng lớn trẻ lại càng cần có sự riêng tư của riêng mình. Cha mẹ có thể lo lắng và quan tâm đến cuộc sống của con nhưng không có nghĩa là được xâm phạm sự riêng tư của con. Việc xem trộm tin nhắn điện thoại, nhật ký của con… sẽ là con đường nhanh nhất khiến trẻ xa lánh và có ác cảm với cha mẹ nhiều hơn.
Đừng bắt buộc trẻ phải nói ra những bí mật mà chúng muốn giữ kín nếu không muốn đánh mất niềm tin của con dành cho mình. Phương pháp tiếp cận tốt nhất vẫn là trò chuyện tạo niềm tin với trẻ. Nếu bạn xây dựng được niềm tin với con thì chắc chắn rằng đến thời điểm thích hợp, bé sẽ không ngần ngại kể những câu chuyện thầm kín của mình cho bạn nghe đâu.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, chúng có cảm xúc, tình cảm cũng như những suy nghĩ non nớt dễ bị tổn thương. Là người lớn và cũng từng là một đứa trẻ, chúng ta hãy đặt mình vào và suy nghĩ như trẻ để có thể hiểu con nhiều hơn. Cấm trẻ làm gì đó không khó nhưng hiểu được con mình mới là điều quan trọng nhất!
Phú Đoàn/HELLO BACSI