Nhiều người không hiểu về chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD). Điều này dẫn đến sự kỳ thị không đáng có đối với người bệnh. Các chuyên gia nhận định, sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi được sự hiểu lầm đó.
Rối loạn nhân cách ranh giới (còn được gọi là rối loạn nhân cách không ổn định về mặt cảm xúc). Đây là một dạng rối loạn về tâm lý. Nó ảnh hưởng đến cách người bệnh nghĩ và cảm nhận về bản thân, về những người xung quanh.
Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới thường có nỗi sợ bị bỏ rơi. Họ phải luôn đấu tranh để duy trì các mối quan hệ mà họ cho là lành mạnh. Đồng thời, người bệnh có nhiều cảm xúc rất mãnh liệt, những hành động nông nổi và thậm chí có thể bị hoang tưởng.
Do có nhiều quan niệm sai lệch xung quanh căn bệnh này, nhiều bệnh nhân cảm thấy không an toàn khi phải thừa nhận tình trạng của mình. Họ thực sự đã và đang phải chịu đựng các trải nghiệm rất đáng sợ khi phải sống chung với chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
Theo nhiều cuộc nghiên cứu, có bảy điều mà một người bị rối loạn nhân cách ranh giới luôn muốn người khác thấu hiểu.
1. “Tôi sợ bạn sẽ rời đi, ngay cả khi mọi thứ đang tốt đẹp. Tôi ghét điều đó”
Một trong những triệu chứng lớn nhất của rối loạn nhân cách ranh giới là nỗi sợ bị bỏ rơi. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi mọi thứ trong mối quan hệ vẫn đang rất tốt đẹp.
“Nỗi sợ mọi người sẽ rời bỏ mình luôn ngự trị trong tôi. Tôi luôn nghĩ liệu mình có đủ tốt với người thân, người yêu, bạn bè của mình hay không”. Dĩ nhiên, bạn sẽ cho rằng nỗi sợ hãi này là phi lý, nhưng nó lại rất thật đối với những người hàng giờ phải đấu tranh với bệnh rối loạn nhân cách ranh giới.
Xuất phát từ nỗi sợ vô hình đó, người bệnh sẽ làm bất cứ điều gì để có thể ngăn chặn. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến họ trở thành một người tình “đeo bám” hoặc “dựa dẫm” rất phiền toái. Mặc dù khá khó khăn để những người bình thường có thể đồng cảm với họ, nhưng hãy luôn nhớ rằng tất cả việc người bị rối loạn nhân cách ranh giới làm, đều vì nỗi sợ bị bỏ rơi.
2. “Cảm giác như tôi trải qua cuộc sống với những vết bỏng cấp độ ba về mặt cảm xúc”
Hoàn toàn chính xác! Những người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới sẽ có những cảm xúc rất dữ dội. Loạt cảm xúc đó có thể kéo dài từ vài giờ, thậm chí vài ngày nhưng cũng thay đổi rất nhanh.
Chẳng hạn, người bệnh đang cảm thấy rất vui, đột nhiên rơi nước mắt vì buồn phiền. Chính vì vậy, các chuyên gia vẫn thường ví von bị rối loạn nhân cách ranh giới giống y như đi trên các vỏ trứng. Bệnh nhân sẽ không bao giờ có thể biết được tâm trạng của mình đi theo hướng nào. Họ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Điều đó thật sự đã khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
3. “Mọi thứ đều được cảm nhận một cách mãnh liệt hơn. Phản ứng của tôi có vẻ không cân xứng, nhưng nó phù hợp với tôi”
Những cảm nhận của người bị rối loạn nhân cách ranh giới thường mãnh liệt hơn mức bình thường rất nhiều. Điều đó như thể họ đang phải bơi trong một khoảng không vô định. Vì thế, nó sẽ khiến cho người bệnh và những người xung quanh vô cùng mệt mỏi.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng mọi cảm nhận của người bị rối loạn nhân cách là hoàn toàn bình thường đối với họ. “Xin đừng nói với tôi rằng tôi rất ngớ ngẩn hoặc thể hiện các hành động như thể cảm xúc của tôi là không phù hợp”, một bệnh nhân cho biết.
Họ sẽ phải mất nhiều thời gian để suy nghĩ về cảm nhận của người khác, cũng có khi họ cho rằng cảm xúc của người khác là bất thường. Chính vì vậy, chúng ta không nên phán xét mà ngược lại, hãy cho họ khoảng thời gian và không gian riêng để giúp họ cảm thấy tốt hơn.
4. Bệnh nhân của chứng rối loạn nhân cách ranh giới thường bị hiểu lầm là người đa nhân cách
Rối loạn nhân cách ranh giới là một dạng của rối loạn nhân cách, căn bệnh này lại thường bị nhầm lẫn với chứng đa nhân cách (DID) – hội chứng khiến người mắc bệnh tự phát triển ra nhiều nhân cách biệt lập với nhân cách vốn có.
Sự thật không phải như vậy. Bệnh nhân bị rối loạn nhân cách ranh giới không có nhiều hơn một nhân cách. Họ vẫn sở hữu nhân cách thống nhất như những người khác. Căn bệnh này là sự rối loạn về mặt nhân cách, có nghĩa là người bệnh gặp nhiều khó khăn trong suy nghĩ và cảm giác.
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Đó là hậu quả do chứng bệnh này mang lại.
Ở đây, chúng ta không nói về mức độ nguy hiểm giữa các vấn đề tâm thần. Điều cần lưu ý là không nên nhầm lẫn giữa các triệu chứng bệnh với nhau và không nên kỳ thị người bệnh.
5. “Tôi không mang đến nguy hiểm hoặc thao túng ai, tôi chỉ cần thêm một chút yêu thương”
Nhiều người bị rối loạn nhân cách ranh giới đã nói rằng: “Tôi chưa hề gây nguy hiểm cho bất cứ ai, thứ tôi cần là tình yêu thương”. Sở dĩ họ nói như vậy là vì thực tế vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị và xem họ như những người điên nguy hiểm.
Thật sai lầm khi nhiều người vẫn tin rằng người mắc bệnh này có thể thao túng hoặc gây nguy hại cho người khác.
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới thực chất chỉ đang vật lộn với ý thức về bản thân và các mối quan hệ của họ. Họ chỉ cần được yêu thương hơn. Họ không nguy hiểm và những người mắc bệnh tâm thần khác cũng vậy. Người bệnh sẽ có xu hướng gây hại cho bản thân hơn là cho người khác.
6. Người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới thường hay mệt mỏi, bực bội và rất khó để tìm được cách xử lý đúng mực
Nhiều người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới không được điều trị không phải vì họ chưa sẵn sàng, mà là vì dạng bệnh tâm thần này không được đối xử như nhiều bệnh khác.
Rối loạn nhân cách ranh giới thường không được điều trị bằng thuốc. Nó chỉ có thể được điều trị bằng các liệu pháp như liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Cho đến nay, không có thuốc nào đặc trị chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Các loại thuốc được sử dụng chỉ có thể giảm các triệu chứng bệnh.
Một số bác sĩ lâm sàng cho rằng những người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới sẽ khó tìm được phương pháp điều trị hiệu quả.
Theo WebMD, nhiều trường hợp bệnh nặng hơn có thể được điều trị lâu dài từ các chương trình liệu pháp hành vi biện chứng chuyên sâu. Tuy vậy, những người này lại không dễ dàng kết nối với bác sĩ. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai bị rối loạn nhân cách ranh giới nghiêm trọng cũng cần được thông cảm. Họ vốn không thể tự cứu chữa cho bản thân.
7. “Tôi không khó ưa và tôi yêu thương rất nhiều”
Trải qua nhiều cuộc nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy những người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới có rất nhiều tình yêu để cho đi. Nhiều đến mức nó có thể trở nên thái quá và gây phiền toái cho người được nhận.
Song song đó, các mối quan hệ của họ đến và đi như những cơn lốc xoáy. Nguyên nhân chính là vì bệnh nhân luôn phải vật lộn với cảm giác trống rỗng hoặc cô đơn kéo dài. Họ cần rất nhiều tình yêu thương. Họ cho đi rất nhiều tình cảm nhưng cũng dễ dàng buông bỏ cảm xúc trong các mối quan hệ vội vàng.
Về bản chất, người bị rối loạn nhân cách ranh giới chỉ muốn chắc chắn rằng tình yêu của họ được đáp trả. Họ cần an tâm để bảo đảm rằng mối quan hệ này vẫn đang cân bằng cho cả hai. Tuy nhiên, điều này là bất khả thi vì thường người bệnh sẽ cho đi rất nhiều tình yêu thương, nó vượt ngưỡng bình thường.
Bạn cần làm gì nếu đang hẹn hò hoặc có người thân bị chứng rối loạn nhân cách ranh giới?
Đầu tiên, bạn cần nghiên cứu về tình trạng này để có thể tránh các lời nói, hành động mang tính kỳ thị người bệnh. Một người bị rối loạn nhân cách ranh giới sẽ có thể gặp khủng hoảng nếu bị chính những người thân yêu của mình kỳ thị. Họ thật sự không đáng bị như vậy.
Tiếp đó, hãy hành động như thể bạn hiểu về những gì họ đã phải trải qua. Sự giúp đỡ của bạn đối với người bệnh sẽ quyết định một mối quan hệ có bền vững hay không.
Nếu bạn cảm thấy cần được hỗ trợ, đừng ngại mở lòng với ai đó. Tốt nhất hãy để một nhà trị liệu hoặc bác sĩ lâm sàng nghe câu chuyện của bạn. Họ sẽ có thể cho bạn lời khuyên và cách cải thiện tình hình.
Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng sự hỗ trợ dành cho người bị chứng rối loạn nhân cách ranh giới còn phải đến từ việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính bạn.