Nguyên nhân mất trí nhớ có thể đến từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nhiều nguyên nhân có thể kiểm soát được ngay từ khi còn trẻ.
Chứng mất trí nhớ đang dần trở nên phổ biến ở nhiều người bất kể họ có đang ở trong độ tuổi lão hóa hay không. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này gây ra nhiều bất tiện, thậm chí giảm sút kết quả học tập, làm việc. Thậm chí, nó có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ mãn tính hoặc bệnh Alzheimer.
Dưới đây là 6 nguyên nhân mất trí nhớ nhiều người thường mắc phải.
1. Thiếu ngủ
Có thể nói đây là nguyên nhân mất trí nhớ thường gặp nhất ở nhiều người. Không những thế, thiếu ngủ hoặc thường xuyên có giấc ngủ không chất lượng có thể khiến bạn dễ dàng thay đổi tâm trạng, nặng hơn là trầm cảm. Tất cả những điều này góp phần gây ra các vấn đề về trí nhớ.
2. Tác dụng phụ của thuốc
Các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị bệnh huyết áp và một số loại thuốc khác có thể tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến trí nhớ của người bệnh. Thông thường, tác dụng phụ thường gặp nhất là gây nhầm lẫn trong nhận thức của bệnh nhân. Điều đó có thể gây khó khăn đến việc chú ý hoặc tập trung vào một việc gì đó.
Nếu nghi ngờ những loại thuốc điều trị bệnh bạn đang dùng gây ra chứng mất trí nhớ, hãy trao đổi với bác sĩ để có các lựa chọn thay thế. Cụ thể:
– Thuốc chống trầm cảm paroxetin (paxil) có thể thay bằng fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft), duloxetine (Cymbalta) hoặc venlafaxine (Effexor).
– Thuốc trị triệu chứng ợ nóng cimetidine (Tagamet) có thể thay bằng lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec) hoặc esomeprazole (Nexium).
– Thuốc trị rối loạn bàng quang oxybutynin (Ditropan) hoặc tolterodine (Detrol, Detrusitol) có thể thay bằng trospium (Sanctura), solifenacin (Vesicare) hoặc darifenacin (Enablex).
– Thuốc trị cảm lạnh hoặc dị ứng có chứa brompheniramine, chlorpheniramine hoặc diphenhydramine có thể thay bằng loratadine (Claritin) hoặc thuốc kháng histamin không an thần khác.
Mỗi cơ thể người bệnh sẽ có một khả năng đáp ứng điều trị khác nhau. Việc thay thế thuốc chữa bệnh phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng sử dụng để tránh những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe.
3. Bệnh rối loạn tuyến giáp
Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến trí nhớ vì bệnh gây ra các triệu chứng rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Cả 2 biểu hiện này đều là nguyên nhân mất trí nhớ thường gặp. Nếu bạn đang duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh mà vẫn thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ và hay quên, hãy đến bệnh viện để đề nghị được xét nghiệm máu kiểm tra bệnh tuyến giáp.
4. Nguyên nhân mất trí nhớ: Lạm dụng rượu, bia
Uống quá nhiều rượu, bia sẽ gây hại cho trí nhớ, ngay cả khi bạn đã hết say. Không có tiêu chuẩn cụ thể cho mức uống hợp lý vì mỗi người có khả năng hấp thụ và đào thải khác nhau. Song các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị bạn không nên uống quá 2 ly bia/ngày (đối với nam) và không quá 1 ly bia/ngày (đối với nữ).
5. Căng thẳng và lo lắng
Bất cứ điều gì khiến bạn mất tập trung và không thể ghi nhớ đều được xem là nguyên nhân mất trí nhớ. Trong đó, căng thẳng và lo lắng là 2 trong nhiều yếu tố có ảnh hưởng xấu đến trí nhớ của bạn.
Người thường xuyên đối mặt với những tình huống gây căng thẳng hoặc lo lắng quá nhiều sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ những sự việc hoặc nhớ về những kỷ niệm cũ.
6. Trầm cảm, phiền muộn
Những dấu hiệu trầm cảm như buồn bã, phiền muộn mãn tính, mất tập trung hoặc giảm khoái cảm khi đạt được thành quả bạn đã từng mong ước, lâu dần sẽ góp phần vào nguyên nhân mất trí nhớ. Sự quên lãng có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cũng có thể là hậu quả của nó.
6 nguyên nhân mất trí nhớ vừa nêu, đa phần đều có thể kiểm soát được. Nếu chứng hay quên làm phiền quá nhiều đến cuộc sống của bạn, hãy đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra tình trạng và chẩn đoán nguyên nhân. Có nhiều khả năng, chứng hay quên của bạn sẽ được cải thiện đáng kể chỉ bằng cách ngủ nhiều hơn hoặc giảm thiểu căng thẳng.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI