Phát hiện sớm triệu chứng sốt xuất huyết

(4.34) - 20 đánh giá

Khi bạn hoặc người thân có dấu hiệu sốt cao thì bạn có thể nghi ngờ đó là triệu chứng sốt xuất huyết. Bài viết dưới đây sẽ hỗ trợ bạn nhận diện thêm các triệu chứng khác của bệnh sốt xuất huyết để có thể xử lý kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Sốt xuất huyết do virus (VHF) là một nhóm các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến sốt, chảy máu và thậm chí đe dọa cả tính mạng. Những bệnh truyền nhiễm này gây cản trở khả năng đông máu, làm hỏng các bức tường của các mạch máu nhỏ dẫn đến tình trạng chảy máu. Một số bệnh sốt xuất huyết do virus bao gồm:

  • Bệnh sốt vàng
  • Bệnh sốt Lassa
  • Bệnh sốt Dengue
  • Bệnh virus Ebola
  • Bệnh sốt Marburg

Sốt xuất huyết do virus lây lan qua tiếp xúc với động vật, người hoặc côn trùng bị nhiễm bệnh. Bạn cần nhận biết sớm được các biểu hiện sốt xuất huyết để kịp thời điều trị.

Những triệu chứng sốt xuất huyết bạn nên biết

Các triệu chứng sốt xuất huyết có thể khác nhau tùy theo các loại bệnh mà bạn mắc phải.

1. Dấu hiệu sốt xuất huyết do bệnh sốt vàng

Sốt vàng là một bệnh nhiễm trùng do siêu vi khuẩn sốt vàng, một loại virus RNA thuộc họ Flaviviridae lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi, thường gặp ở Nam Mỹ và châu Phi. Khi truyền sang người, virus gây sốt vàng có thể làm tổn hại cho gan và các cơ quan nội tạng khác, thậm chí gây tử vong.

Ngoài lây truyền bệnh sang người từ vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh thì bệnh này còn có thể được truyền trực tiếp vào máu thông qua kim tiêm bị nhiễm.

Trong thời gian ủ bệnh từ 3–6 ngày đầu tiên, bạn có thể sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng sốt xuất huyết do bệnh sốt vàng nào. Tuy nhiên, khi nhiễm trùng bước vào giai đoạn cấp tính, bạn có thể gặp các triệu chứng sau đây:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Ăn mất ngon
  • Buồn nôn, nôn
  • Đỏ mắt, mặt hoặc lưỡi
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau cơ, đặc biệt là ở lưng và đầu gối

Những biểu hiện sốt xuất huyết thường được cải thiện và biến mất trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bước vào giai đoạn thứ hai, độc hại hơn trong vòng 24 giờ sau khi hồi phục các triệu chứng ban đầu. Trong giai đoạn độc hại, triệu chứng sốt xuất huyết cấp tính trở lại nghiêm trọng hơn và đe dọa đến tính mạng.

Khi nhận thấy những dấu hiệu sốt xuất huyết, bạn nên đi bệnh viện càng sớm càng tốt để tăng cơ hội phục hồi sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

2. Biểu hiện sốt xuất huyết do bệnh sốt Lassa

Sốt Lassa là một loại bệnh do virus ARN đơn chuỗi thuộc họ virus Arenaviridae lây truyền từ động vật sang người làm ảnh hưởng đến một số cơ quan như gan, lá lách và thận.

Vật chủ phổ biến của virus này là loài chuột thuộc chi Mastomys. Bạn có thể bị nhiễm virus Lassa do tiếp xúc với nước tiểu hoặc phân của loài chuột nhiễm bệnh. Virus này cũng có thể lây lan giữa người với người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, nước tiểu, phân hoặc dịch tiết cơ thể của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể được lây lan qua các thiết bị y tế, như kim tiêm tái sử dụng, hoặc qua đường tình dục.

Một số người nhiễm bệnh sốt Lassa không biểu hiện triệu chứng. Các triệu chứng sốt xuất huyết do bệnh sốt Lassa thường xảy ra 2–21 ngày sau khi tiếp xúc với virus với các biểu hiện dưới đây:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Sưng mặt
  • Viêm họng
  • Đau ngực, cơ
  • Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy
  • Trường hợp nghiêm trọng có thể chảy máu từ miệng, mũi, âm đạo hoặc đường tiêu hóa

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), nếu bạn nghi ngờ các triệu chứng sốt xuất huyết do bệnh sốt Lassa, bạn hãy tránh tiếp xúc với người khác, uống nhiều nước và đến gặp bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ tử vong và lây truyền bệnh cho người khác.

3. Triệu chứng sốt xuất huyết do bệnh sốt Dengue

Bệnh sốt Dengue là một bệnh do muỗi vằn nhiễm virus Dengue gây ra, thường xảy ra ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh cũng có thể lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung kim tiêm với người mắc bệnh.

Sốt xuất huyết Dengue có thể gây chảy máu nghiêm trọng, làm giảm huyết áp đột ngột và gây tử vong. Bệnh thường phổ biến nhất ở Đông Nam Á, các đảo phía Tây Thái Bình Dương, Nam Mỹ và Caribe.

Các triệu chứng sốt xuất huyết do bệnh sốt Dengue thường bắt đầu từ 4–6 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài đến 10 ngày, với các biểu hiện dưới đây:

  • Nôn
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Đau sau mắt
  • Đột ngột sốt cao
  • Nhức đầu dữ dội
  • Đau khớp và cơ nghiêm trọng
  • Phát ban da, xuất hiện 2 – 5 ngày sau khi bắt đầu sốt
  • Chảy máu nhẹ (chảy máu mũi, chảy máu nướu hoặc dễ bầm tím)

Bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu có triệu chứng sốt xuất huyết. Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm sốt xuất huyết do bệnh Dengue bằng xét nghiệm máu để kiểm tra virus hoặc kháng thể.

Bệnh sốt Dengue là tình trạng bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, bạn cần phải phòng chống muỗi sinh sản bằng cách phát quang bụi rậm quanh nhà, đập nắp chum vại… Bạn cũng cần thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng và thường xuyên rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.

Trong mùa dịch bệnh hoành hành đặc biệt là vào mùa mưa, bạn cũng cần ngăn ngừa muỗi cắn bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ mùng và dùng kem chống muỗi, bình xịt muỗi…

4. Dấu hiệu sốt xuất huyết do virus Ebola

Bệnh sốt xuất huyết Ebola là một căn bệnh chết người gây ra bởi một loại virus. Có năm chủng virus Ebola, trong đó có bốn chủng có thể gây bệnh ở người. Virus Ebola có thể làm tổn thương hệ miễn dịch và các cơ quan khác, làm ảnh hưởng các yếu tố giúp đông máu và gây chảy máu nghiêm trọng.

Virus Ebola được tìm thấy ở loài khỉ, tinh tinh cũng như các loài linh trưởng khác ở châu Phi. Virus có thể lây truyền từ người sang người qua đường máu, phân, nước tiểu hoặc dùng chung kim tim với người mắc bệnh.

Trong giai đoạn sớm của sốt xuất huyết, bạn có thể cảm thấy mình như mắc cảm cúm hoặc các bệnh khác. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola xuất hiện từ 2–21 ngày sau khi nhiễm bệnh và thường bao gồm:

  • Sốt cao
  • Đau đầu
  • Yếu ớt
  • Đau bụng
  • Ít thèm ăn
  • Viêm họng
  • Đau khớp và cơ bắp

Khi tình trạng bệnh nặng hơn có thể gây chảy máu bên trong cơ thể, từ mắt, tai và mũi. Một số người sẽ nôn hoặc ho ra máu, tiêu chảy ra máu và bị phát ban.

Bác sĩ có thể điều trị triệu chứng sốt xuất huyết do virus Ebola bằng cách bổ sung thêm chất lỏng, chất điện giải, thuốc huyết áp, truyền máu…

5. Triệu chứng sốt xuất huyết do bệnh sốt Marburg

Sau một thời gian ủ bệnh 5 – 10 ngày, bệnh sốt Marburg sẽ khởi phát đột ngột đi kèm các triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau đầu và đau cơ. Khoảng ngày thứ năm sau khi xuất hiện triệu chứng có thể xảy ra phát ban sần, nổi bật nhất trên thân ngực, lưng và bụng. Sau đó, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy.

Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Nhiều triệu chứng của sốt xuất huyết do bệnh sốt Marburg tương tự các bệnh truyền nhiễm khác, như sốt rét hoặc sốt thương hàn. Điều này khiến việc chẩn đoán bệnh có thể khó khăn hơn.

Hiện tại, y học chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh sốt xuất huyết do virus mà chỉ có một vài loại chủng ngừa. Cho đến khi vắc xin bổ sung được phát triển, phương pháp tốt nhất cho bạn là phòng ngừa triệu chứng sốt xuất huyết.

Cách xử lý khi gặp phải triệu chứng sốt xuất huyết

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào đối với hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thuốc kháng virus ribavirin có thể giúp rút ngắn quá trình nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng trong một số trường hợp tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Khi mắc phải dấu hiệu sốt xuất huyết, bạn cần được sự chăm sóc y tế hỗ trợ kịp thời. Sốt xuất huyết có thể khiến cơ thể bạn mất nước. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng này, bạn cần bổ sung dịch thể sớm để duy trì sự cân bằng các chất điện giải, khoáng chất, những yếu tố rất quan trọng đối với chức năng thần kinh và cơ bắp. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không tự ý truyền dịch mà cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ trước khi thực hiện nhằm tránh những vấn đề không mong muốn có thể xảy ra.

Khi bạn gặp phải tình trạng sốt cao thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc paracetamol theo liều lượng chỉ định. Tuy nhiên, bạn cần tránh sử dụng aspirin, ibuprofen… vì những thuốc này có thể gây xuất huyết. Trong trường hợp bạn bị xuất huyết nội tạng nặng, bác sĩ có thể chỉ định biện pháp truyền máu cho bạn.

Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bạn chỉ có thể được bác sĩ điều trị các triệu chứng. Điều quan trọng là bạn cần sử dụng các biện pháp phòng ngừa triệu chứng sốt xuất huyết, tránh những tình trạng nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Cách phòng ngừa triệu chứng sốt xuất huyết

Nếu bạn sống, làm việc hoặc đi du lịch đến những khu vực thường xuất hiện tình trạng sốt xuất huyết do virus thì hãy thận trọng để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng. Sau đây là các biện pháp phòng ngừa triệu chứng sốt xuất huyết mà bạn nên lưu ý:

1. Tiêm vắc xin

Hiện nay, chưa có đủ vắc xin có sẵn để phòng ngừa các bệnh này, ngoại trừ bệnh sốt vàng. Vắc xin bệnh sốt vàng thường là loại vắc xin an toàn và hiệu quả, mặc dù trong những trường hợp hiếm gặp, tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.

Vắc xin bệnh sốt vàng không được khuyến cáo cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Bên cạnh đó, vắc xin cho một số loại sốt xuất huyết do virus ít phổ biến khác hiện đang được phát triển.

2. Tránh côn trùng

Bạn hãy cố gắng tránh các loại côn trùng như muỗi và ve, đặc biệt là khi đi du lịch ở những khu vực có dịch sốt xuất huyết do virus bằng các cách sau:

√ Bôi thuốc chống muỗi với nồng độ DEET từ 20 – 25% lên da và quần áo của bạn.

√ Mặc áo quần dài hoặc mặc quần áo phủ permethrin, tránh bôi permethrin trực tiếp lên da.

√ Tránh các hoạt động không cần thiết vào lúc hoàng hôn và bình minh khi muỗi hoạt động mạnh nhất.

√ Nếu bạn đang ở trong các trại cắm trại hoặc khách sạn địa phương, bạn hãy sử dụng lưới màn chống côn trùng.

3. Phòng ngừa dấu hiệu sốt xuất huyết bằng cách tránh loài gặm nhấm

Nếu bạn sống ở khu vực có dịch sốt xuất huyết do virus, bạn hãy thực hiện các bước sau để ngăn chặn sự xâm nhập của loài gặm nhấm trong nhà bạn:

  • Kiểm tra cửa ra vào và cửa sổ chắc chắn
  • Vứt bỏ rác thường xuyên, tránh để rác bừa bãi
  • Giữ thức ăn vật nuôi cẩn thận và có vật dụng đuổi chuột
  • Thùng chứa rác có vật dụng chống chuột và thường xuyên làm sạch các thùng chứa

Nhiều yếu tố góp phần vào sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như môi trường, y tế, vệ sinh là những vấn đề khó giải quyết tức thời. Vì thế, bạn hãy sử dụng biện pháp phòng ngừa triệu chứng sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân, gia đình và mọi người xung quanh nhé!

Hoàng Trí | HELLO BACSI

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Điều trị bệnh dịch tả: không khó nếu làm kịp thời

(48)
Điều trị bệnh dịch tả khá phức tạp nhưng nếu thực hiện kịp thời, bệnh nhân có nhiều cơ hội thoát khỏi các biến chứng nguy hiểm.Những triệu chứng ... [xem thêm]

4 mẹo hay chữa táo bón khi tiến hành hóa trị

(78)
Khi đang tiến hành trị liệu bằng hóa trị, bạn có thể gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ đó là táo bón. Khi bạn đi ... [xem thêm]

Tại sao chúng ta thường buồn ngủ sau khi ăn?

(51)
Chúng ta đều biết rằng, calo là thứ mang lại năng lượng cho cơ thể con người, thế nhưng tại sao sau những bữa ăn no, chúng ta lại có cảm giác buồn ngủ? ... [xem thêm]

Rối loạn lo âu xã hội

(39)
Tìm hiểu chungChứng rối loạn lo âu xã hội là gì?Cảm thấy lo lắng trong một số tình huống xã hội là điều bình thường. Ví dụ như có một buổi hẹn hò ... [xem thêm]

Mặt nạ tinh trùng có thật sự tốt cho da mặt không?

(64)
Tinh trùng – ngoài chức năng thụ tinh, cũng được sử dụng để làm đẹp da. Tuy nhiên, mặt nạ tinh trùng có thật sự tốt cho da của bạn?Mặt nạ tinh trùng có ... [xem thêm]

Vài giây là phân biệt được vết cắn của rắn độc hay rắn thường!

(79)
Khi sơ ý bị rắn cắn, bạn không nên chủ quan vì có thể gây tử vong nếu rắn là loài có nọc độc. Theo chuyên gia bệnh viện Bạch Mai, mỗi loại rắn cắn có ... [xem thêm]

5 loại thực phẩm tốt cho u xơ tử cung

(94)
U xơ tử cung nên ăn gì? Bên cạnh các phương pháp y khoa để điều trị, kết hợp tập thể dục thường xuyên cùng chế độ ăn uống lành mạnh có bổ sung 5 ... [xem thêm]

Vitamin B7 và những lợi ích tuyệt vời cho mẹ bầu

(31)
Chúng ta đều biết rằng thai nhi lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ thông qua dây rốn. Điều này giải thích vì sao mà các bà mẹ tương lai cần phải tuân thủ ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN