Thuốc điều trị đái tháo đường là yếu tố giúp cải thiện và làm chậm tiến triển bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn còn gặp phải sai lầm khi dùng thuốc dẫn đến nguy cơ mắc biến chứng, thậm chí tính mạng cũng bị đe dọa.
Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu 5 lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường để nhanh chóng đẩy lùi bệnh nhé!
1. Tránh ỷ lại thuốc điều trị
Nhiều người bệnh thường ỷ lại vào thuốc điều trị, cho rằng thuốc điều trị đái tháo đường đã có tác dụng kiểm soát đường huyết, do đó không cần thiết phải điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên, điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị mà còn làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Việc sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường thường kéo dài và có thể khiến người bệnh dễ dàng gặp phải các tác dụng phụ, đặc biệt khi dùng liều cao. Nếu bạn ỷ lại và lạm dụng thuốc mà không thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sống lành mạnh, nguy cơ gặp tác dụng phụ thuốc sẽ tăng cao mà lại không đạt được hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, điều này còn dẫn đến những bệnh tiềm ẩn khác như bệnh gan, thận, rối loạn lipid máu, tim mạch…
Để ngăn ngừa tác dụng phụ do sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường lâu dài, bạn nên trao đổi với bác sĩ lựa chọn những loại thuốc chất lượng có hiệu quả điều trị cao để ngăn ngừa tình trạng này. Đồng thời hãy tìm hiểu thật kỹ những công ty uy tín đã đầu tư nghiên cứu nhiều năm để phát triển thuốc điều trị đái tháo đường.
Ngoài ra, bạn cần kết hợp với các phương pháp sau đây khi sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường:
Chế độ ăn uống
Bạn cần xây dựng chế độ ăn uống và cách ăn lành mạnh:
- Ăn chậm nhai kỹ
- Tránh tiêu thụ nhiều thức ăn, đồ uống ngọt, dầu mỡ.
- Ăn rau luộc hoặc canh rau trước, sau đó mới ăn thức ăn, tinh bột.
- Bữa ăn với 50% rau quả, 25% chất đạm nạc (thịt gia cầm, cá…), 25% với ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch…).
Nói một cách đơn giản, bạn có thể chuẩn bị bữa ăn vào một cái đĩa đường kính khoảng 22cm với 1/2 đĩa là rau củ, 1/4 đĩa chứa tinh bột và phần còn lại là chất đạm.
Tập luyện thể dục
Bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục như yoga, đi bộ, đạp xe bơi lội… khoảng 30 phút mỗi ngày trong tuần. Bạn nên duy trì thói quen này ít nhất 5 ngày/tuần. Các bài tập này giúp giảm đề kháng insulin hỗ trợ cho việc điều trị bệnh.
Sức khỏe tinh thần
Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone cortisol làm tăng lượng đường trong máu và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Do đó, bạn hãy thư giãn tinh thần bằng cách đi dạo, nghe nhạc hoặc chia sẻ với người thân quen, tránh giải stress bằng những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia…
2. Kiểm tra đường huyết thường xuyên
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là yếu tố đóng vai trò quan trọng để đánh giá mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị, đồng thời kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. Do đó, bạn nên kiểm tra mức đường huyết thường xuyên khi đang sử dụng thuốc.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị đái tháo đường của Bộ y tế, chỉ số đường huyết an toàn được đánh giá như sau:
- Xét nghiệm HbA1c: là loại xét nghiệm cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng giúp đo tỷ lệ phần trăm của lượng đường trong máu gắn với hemoglobin, protein mang oxy trong các tế bào hồng cầu. Chỉ số an toàn dao động <7%.
- Kiểm tra đường huyết lúc đói: Trước khi xét nghiệm, bạn không nên ăn uống gì trước 8 – 12 giờ. Kết quả chỉ số an toàn dao động 80 – 130mg/dL (4,4mmol/L – 7,2mmol/L).
- Kiểm tra đường huyết sau ăn: Kết quả đo thường được lấy lúc sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ. Kết quả chỉ số an toàn dao động dưới 180mg/dL (10mmol/L).
Mỗi người bệnh sẽ có chỉ số đường huyết mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, thời gian mắc bệnh, các bệnh khác hoặc các biến chứng kèm theo... Bạn nên tự ghi lại các chỉ số đường huyết đo mỗi ngày lại vào quyển sổ để đưa cho bác sĩ trong mỗi lần thăm khám.
3. Tuân thủ phác đồ điều trị
Sau khi thăm khám kiểm tra các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với mỗi người bệnh. Trách nhiệm của mỗi người là tuân thủ theo đúng những chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ đưa ra. Tuy nhiên, có một sai lầm mà nhiều người đái tháo đường mắc phải, đó là đánh giá bệnh qua triệu chứng, cảm giác của bản thân hoặc kết quả đo đường huyết tại nhà mà tự ý ngừng thuốc.
Bệnh đái tháo đường là chứng bệnh vừa gây rối loạn chuyển hóa đường vừa gây rối loạn chuyển hóa chất béo, chất đạm. Những rối loạn này tiến triển âm thầm không có triệu chứng rõ ràng. Dù người bệnh đã kiểm soát được mức đường huyết, nhưng việc ngừng thuốc có thể khiến đường huyết tăng vọt bất cứ lúc nào, làm tăng nguy cơ các biến chứng. Bạn nên tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ và chỉ nên thay đổi liều, ngừng thuốc khi được bác sĩ chỉ định.
Khi bạn được giảm liều hoặc tạm ngưng thuốc điều trị đái tháo đường, bạn cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt theo đúng yêu cầu của bác sĩ để giữ các chỉ số ổn định và hạn chế bệnh đái tháo đường tiến triển.
4. Uống thuốc đúng thời điểm
Dù bất cứ loại thuốc nào bao gồm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, người bệnh cũng cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời điểm để mang lại hiệu quả điều trị cao. Mỗi loại thuốc được kê đơn sẽ có ghi rõ về thời gian dùng để người bệnh thực hiện theo. Thời điểm sử dụng của một số nhóm thuốc bao gồm:
- Nhóm Acarbose: Uống ngay trước khi ăn.
- Nhóm Sulfonylureas: Dùng trước khi ăn 15 – 30 phút.
- Nhóm ức chế DPP-4: Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
- Nhóm Thiazolidinediones: Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
- Nhóm Metformin: Uống sau khi ăn để hạn chế tác dụng phụ thuốc trên đường tiêu hóa.
Đối với những trường hợp hay quên dùng thuốc điều trị đái tháo đường, người bệnh nên đặt thuốc ở nơi dễ dàng nhìn thấy, tránh tự ý nhân đôi liều mà chỉ cần nhớ dùng ở liều tiếp theo. Việc uống thuốc không đều đặn có thể khiến đường huyết bất thường, tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.
5. Không tự ý mua thuốc điều trị đái tháo đường
Khi đang điều trị bệnh đái tháo đường, người bệnh tuyệt đối không nên tự mua thuốc mà nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định thuốc hợp lý. Nhiều người thường tự ý đến hiệu thuốc mua lại theo đơn chỉ định cũ của bác sĩ mà không tái khám, điều này có thể khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn do bệnh đái tháo đường thay đổi theo từng giai đoạn.
Hơn nữa, không phải loại thuốc có chứa hoạt chất giống như trong đơn chỉ định bác sĩ nào cũng mang lại hiệu quả tốt như mong muốn. Cùng một hoạt chất nhưng có nhiều loại thuốc biệt dược khác nhau, do đó bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chọn lựa thuốc gốc hoặc các loại thuốc thay thế có chất lượng tốt.
Bạn cần chủ động hỏi về các loại thuốc điều trị đái tháo đường có phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại hay không bằng cách đưa ra tiền sử bệnh lý và tác dụng phụ từng gặp phải. Bên cạnh đó, bạn hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để cân nhắc các loại thuốc chất lượng có hiệu quả cao mà vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Ngoài ra, bạn cũng không nên tự ý mua thuốc vì các loại thuốc Đông y, thuốc gia truyền điều trị đái tháo đường hiện đang bán tràn lan trên thị trường. Các loại thuốc này có thành phần hóa học bị cấm vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Bạn cần tỉnh táo trước những lời giới thiệu và truyền miệng về các loại thuốc nguy hiểm này. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân nhập viện nguy kịch tính mạng vì bị ngộ độc khi sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Việc tự ý mua thuốc không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến bệnh do dùng sai thuốc, mà còn có thể gặp phải nguy cơ mua thuốc không đạt chất lượng tốt. Điều này khiến chất lượng điều trị bị suy giảm, bệnh vốn khó chữa nay còn lâu lành hơn.
Hy vọng 5 lưu ý khi dùng thuốc điều trị đái tháo đường trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc dùng thuốc sao cho hiệu quả và đẩy lùi được chứng bệnh. Nếu vẫn còn tâm lý ngại hỏi bác sĩ về thuốc, bạn hãy thử thay đổi góc nhìn: “Hỏi bác sĩ cũng chỉ đơn giản là khởi nguồn của một cuộc trao đổi. Chỉ khi trao đổi, bác sĩ mới hiểu yêu cầu thuốc điều trị của riêng bạn”. Đây là một quyền lợi chính đáng sẽ giúp bạn đẩy lùi bệnh đái tháo đường và bảo vệ sức khỏe của mình!
Hoàng Trí | HELLO BACSI