Bạn đã từng nghe qua về giải pháp trị bỏng bằng công nghệ thay tế bào gốc hay tiêm tế bào gốc để làm đẹp? Đây chính là công nghệ đánh dấu một bước đột phá đáng ghi nhận trong nền y học hiện đại có thể giúp bạn thay đổi cuộc sống.
Khi bạn bị thương hoặc mắc bệnh, tế bào trong cơ thể cũng sẽ bị thương hoặc chết. Lúc đó, tế bào gốc sẽ bắt đầu hoạt động để sửa chữa những tế bào bị thương tổn hay thay thế những tế bào đã chết đi. Tận dụng nguyên lý này, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu phát triển nhiều ứng dụng dựa trên công nghệ tế bào gốc để không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe con người.
Tế bào gốc là gì?
Cơ thể có vô số tế bào giúp duy trì sự sống như tế bào tim, tế bào não hay tế bào thận… Trong đó, cơ thể còn có một loại tế bào gọi là tế bào gốc.
Một loại tế bào đặc biệt
Mỗi tế bào trong cơ thể đều gắn với một vai trò nhất định nhưng tế bào gốc là một loại tế bào đặc biệt bởi nó có thể trở thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể từ một tế bào ban đầu. Hay nói cách khác, các loại tế bào khác nhau trong cơ thể từ tế bào da, tế bào ruột đến tế bào hồng cầu… đều được tạo ra từ tế bào gốc.
Một số loại tế bào gốc có khả năng phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể nhưng cũng có các loại tế bào bị giới hạn. Chẳng hạn như tế bào gốc trong tủy xương có thể trở thành tế bào hồng cầu và tế bào bạch cầu và các thành phần khác của máu. Tuy nhiên, các tế bào này lại không thể trở thành tế bào da.
Tính chất của tế bào gốc
Một tế bào gốc phải hội đủ hai yếu tố là khả năng tự làm mới và tiềm năng thay đổi:
• Tự làm mới (self-renewal): Là khả năng đi xuyên suốt các chu kỳ sinh sản của tế bào nhưng vẫn giữ được tình trạng không biệt hóa.
• Tiềm năng (potency): Là khả năng biệt hóa thành các dạng tế bào chuyên biệt.
Dựa vào tiềm năng thay đổi của tế bào gốc có thể phân chia thành các dạng:
– Tế bào gốc toàn năng (totipotent): Là những tế bào chưa biệt hóa có khả năng biệt hóa thành tất cả các loại tế bào khác nhau trong cơ thể từ một tế bào ban đầu. Tế bào toàn năng có khả năng phát triển thành thai nhi hay cơ thể hoàn chỉnh.
– Tế bào gốc vạn năng (pluripotent): Là những tế bào chưa biệt hóa có khả năng biệt hóa thành tất cả các tế bào của cơ thể có nguồn gốc từ ba lá mầm phôi: lá trong, lá giữa và lá ngoài. Khác với tế bào toàn năng, các tế bào vạn năng không thể phát triển thành thai nhi hay cơ thể hoàn chỉnh mà chỉ có thể tạo nên được các dòng tế bào, mô nhất định.
– Tế bào gốc đa năng (multipotent): Là những tế bào có thể biệt hóa thành các tế bào nằm trong một hệ thống có liên quan mật thiết với nhau. Chẳng hạn như các tế bào gốc tạo máu có thể trở thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu lympho…
– Tế bào gốc đơn năng (unipotent): Các tế bào đã biệt hóa này chỉ có thể sản sinh ra tế bào cùng loại nhưng chúng vẫn được xem là tế bào gốc do có khả năng tự làm mới. Trong điều kiện bình thường, các tế bào gốc trưởng thành trong nhiều hệ thống đã biệt hóa có tính đơn năng và chỉ biệt hóa thành một dòng tế bào. Chẳng hạn như tiểu cầu tạo tiểu cầu mới, tế bào định hướng dòng hồng cầu làm thành hồng cầu mới…
Ý nghĩa của tế bào gốc
Nghiên cứu về loại tế bào này có thể giúp tìm lời giải thích cho một số chức năng hoạt động và các vấn đề xảy ra trong cơ thể. Từ đó, các chuyên gia có thể mang đến nhiều giải pháp khả thi cho việc điều trị một số căn bệnh hiện vẫn chưa có thuốc chữa.
Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai sắp tới, tế bào gốc sẽ được ứng dụng để thay thế các tế bào trong cơ thể đã bị tổn hại do bệnh hoặc tổn thương.
Các loại tế bào gốc
Dựa theo nguồn gốc phân lập có thể chia ra 3 loại tế bào gốc là: tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc vạn năng cảm ứng.
1. Tế bào phôi thai
Từ giai đoạn sớm nhất của quá trình mang thai, sau khi tinh trùng thụ tinh với trứng, tế bào phôi sẽ hình thành.
Những tế bào này có nguồn gốc từ phôi thai từ 3 – 5 ngày tuổi. Ở giai đoạn này, phôi được gọi là phôi nang và có khoảng 150 tế bào. Nếu dùng một loại enzyme đặc biệt để phân tách các tế bào của khối này thì sẽ thu được các tế bào gốc phôi.
2. Tế bào trưởng thành
Loại tế bào này được tìm thấy ở hầu hết các mô của người trưởng thành, như tủy xương hoặc mỡ. Tuy vậy, tế bào này cũng có thể xuất hiện ở trẻ em, thai nhi hay tách chiết từ máu cuống rốn.
Trong cơ thể, vai trò chủ yếu của loại tế bào này là duy trì và sửa chữa những tổn thương ở những tổ chức nơi mà chúng được tìm thấy.
Công nghệ sử dụng các tế bào gốc trưởng thành trong nghiên cứu và điều trị không gây tranh cãi như khi sử dụng tế bào phôi do không đòi hỏi phá hủy phôi. Tuy nhiên, so với tế bào phôi, tế bào trưởng thành có khả năng hạn chế hơn trong việc tạo ra các tế bào khác nhau của cơ thể.
3. Tế bào vạn năng cảm ứng
Tế bào vạn năng cảm ứng (iPS) là loại tế bào gốc vạn năng được tạo ra từ các tế bào trưởng thành. Các tế bào này hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực y học tái tạo. Tế bào iPS có khả năng sinh sôi vô hạn và có thể phát triển thành mọi loại tế bào khác trong cơ thể như thần kinh, tim, tụy, gan…
Ưu điểm lớn nhất của loại tế bào này chính là nó có hầu như tất cả chức năng của tế bào gốc phôi nhưng lại không phải tạo ra từ phôi thai nên hạn chế được các tranh cãi về đạo đức. Ngoài ra, tế bào iPS được làm từ những tế bào thường của bệnh nhân nên sẽ ít bị cơ thể đào thải, vấn đề hay xảy ra khi cấy tế bào vào bệnh nhân.
Tác dụng của tế bào gốc
Tác dụng của tế bào gốc có thể tái tạo các tế bào bị tổn thương dưới những điều kiện phù hợp. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc cứu sống nhiều người hoặc sửa chữa các tổn thương tế bào do bệnh tật hoặc tai nạn. Dưới đây là những thành tựu về tác dụng của tế bào gốc đã và đang được nghiên cứu ứng dụng.
1. Tế bào gốc tái tạo mô
Tác dụng tái tạo mô tế bào chính là ứng dụng quan trọng nhất của công nghệ tế bào gốc. Chẳng hạn như nếu bạn cần một cơ quan nội tạng mới thì vẫn phải chờ một người hiến tặng và sau đó trải qua một ca cấy ghép. Tuy nhiên, nhiều người bệnh có thể bị thiếu hụt nguồn hiến tặng. Khi đó, bạn có thể nhờ đến các tế bào biệt hóa để tái tạo một số cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Trong trường hợp của các bệnh nhân bị bỏng nặng cần phải thay da mới, các bác sĩ sẽ sử dụng tế bào gốc để đưa vào bên dưới bề mặt da nhằm tạo các tế bào da mới.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Các phương pháp trị bỏng hiệu quả.
2. Tế bào gốc làm đẹp
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy loại tế bào gốc tủy răng (lấy từ răng sữa của trẻ em dưới 10 tuổi) có thể được ứng dụng hiệu quả trong công nghệ làm đẹp. Tế bào răng sữa có thể sửa chữa và thay thế các loại tế bào cũ bị hư hại trong cơ thể cũng như điều trị nhiều vấn đề về da.
Công nghệ làm đẹp bằng tế bào gốc sẽ giúp cải thiện những vấn đề như sắc tố da, lão hóa da, lỗ chân lông to, đồng thời làm săn chắc da mặt thông qua các tác dụng:
- Tăng sức đề kháng của da
- Cải thiện mụn nám, sẹo lõm, sẹo mụn
- Làm mờ sắc tố, đốm đen, làm sáng da
- Tái sinh collagen và elastin tại vùng da bị tổn thương
- Tăng cường độ săn chắc và đàn hồi làm bền chặt kết cấu da
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Giải đáp về phương pháp làm đẹp bằng tế bào gốc.
3. Tế bào gốc trị bệnh
Công nghệ tế bào gốc ra đời với hy vọng tìm ra những biện pháp khả thi điều trị nhiều căn bệnh và nâng cao chất lượng sống.
• Các bệnh về máu: Các bác sĩ có thể sử dụng tế bào gốc tạo máu trưởng thành để điều trị các bệnh như bệnh bạch cầu, bệnh hồng cầu hình liềm và các vấn đề suy giảm miễn dịch khác. Tế bào tạo máu xuất hiện trong máu và tủy xương có thể tạo ra tất cả các loại tế bào máu, trong đó có các tế bào hồng cầu mang oxy và tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật.
• Bệnh Parkinson: Ở người bệnh Parkinson, sự tổn thương tế bào não sẽ dẫn đến các cử động cơ bắp không thể kiểm soát. Các nhà khoa học có thể sử dụng tế bào gốc để bổ sung các mô não bị tổn thương. Điều này sẽ tạo ra các tế bào não chuyên biệt ngăn các cử động cơ bắp không kiểm soát.
• Bệnh về tim mạch: Giới khoa học cũng đang nghiên cứu phát triển các tế bào tim khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm để cấy ghép vào những người mắc bệnh tim. Những tế bào mới này có thể sửa chữa tổn thương tim bằng cách phục hồi tim bằng các mô khỏe mạnh.
• Bệnh tiểu đường: Trường hợp của những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể nhận các tế bào tuyến tụy để thay thế các tế bào sản xuất insulin đã mất hoặc bị phá hủy. Liệu pháp điều trị duy nhất hiện nay là ghép tụy nhưng lại có rất ít tuyến tụy có sẵn để ghép.
Lưu trữ tế bào gốc
Bạn có thể hiến tặng tế bào gốc để giúp đỡ những người đang mắc bệnh hoặc lưu trữ cho chính bản thân sử dụng trong tương lai. Tế bào gốc có thể đến từ các nguồn sau:
• Tủy xương: Để lấy loại tế bào gốc này, bạn sẽ được gây mê toàn thân từ xương hông hoặc xương chậu. Các chuyên gia sau đó sẽ cô lập các tế bào gốc từ tủy xương để lưu trữ hoặc hiến tặng.
• Tế bào gốc ngoại vi: Bạn sẽ nhận được một số mũi tiêm khiến cho tủy xương giải phóng tế bào gốc vào máu. Tiếp theo, máu được lấy ra khỏi cơ thể và đi qua một chiếc máy tách tế bào gốc.
• Máu cuống rốn: Tế bào gốc có thể được thu lại từ dây rốn sau khi sinh mà không gây hại cho em bé. Bạn có thể hiến máu dây rốn hay lưu trữ nó.
Khi lưu trữ tế bào gốc, bạn có thể dễ dàng tiếp cận các tế bào gốc cần thiết trong tương lai, đồng thời giảm thiểu khả năng đào thải tế bào.
Vẫn còn không ít tranh cãi xoay quanh việc sử dụng công nghệ tế bào gốc và nhiều nghiên cứu vẫn cần được tiến hành để xác định tác dụng của loại tế bào này. Tuy nhiên, đây là một thành tựu y khoa đáng được ghi nhận về khả năng điều trị bệnh và làm đẹp. Nếu bạn có điều kiện ứng dụng tế bào gốc, rất có thể cuộc đời bạn sẽ thay đổi sang trang mới!
Tuyết Trinh | HELLO BACSI