Khi biết cách điều trị viêm phổi, bạn sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tránh được những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bạn không điều trị viêm phổi hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng, rủi ro nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết, tràn mủ màng phổi, viêm màng não, suy hô hấp cấp và các biến chứng nguy hiểm khác có thể gây tử vong.
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()Việc điều trị viêm phổi tùy thuộc vào chứng bệnh bạn mắc phải, cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết các trường hợp, viêm phổi có thể được kiểm soát bằng biện pháp khắc phục tại nhà, phương pháp điều trị sử dụng thuốc không kê đơn, thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm và phương pháp điều trị hô hấp. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể cần phải nhập viện điều trị.
Nếu bạn đang điều trị viêm phổi, nhưng các triệu chứng không cải thiện hay thậm chí trở nên trầm trọng hơn, bạn hãy đến gặp bác sĩ sớm. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không đáp ứng với phác đồ điều trị hoặc bị tình trạng nhiễm trùng khác.
Dưới đây, bạn hãy cùng tìm hiểu 5 cách điều trị viêm phổi giúp bạn nhanh chóng hồi phục và khỏe mạnh.
1. Biện pháp điều trị tại nhà
Trong một số trường hợp, viêm phổi có thể được điều trị tại nhà bằng các biện pháp sau:
• Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt: Nếu bạn bị viêm phổi, bạn cần nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian chống lại tình trạng nhiễm trùng và hồi phục. Bạn tránh không nên làm việc quá sức và hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi. Bạn nghỉ ngơi càng nhiều, cơ thể sẽ càng nhanh hồi phục.
• Uống nhiều nước: Điều này thật sự quan trọng dù cho bạn đang mắc phải chứng bệnh nào. Việc uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong cơ thể, giúp dễ dàng tống ra ngoài khi bạn ho – một phần quan trọng của việc phục hồi sau viêm phổi.
• Uống một tách cà phê, trà chứa caffeine: Caffeine được biết đến là một thuốc giãn phế quản nhẹ do tương tự về mặt hóa học với theophylline – loại thuốc được sử dụng để điều trị hen suyễn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine có thể cải thiện hô hấp bằng cách mở đường thở trong tối đa khoảng 4 tiếng.
• Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn: Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm tùy thuộc vào loại viêm phổi. Bạn hãy đảm bảo dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và hết phác đồ điều trị, ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện.
• Dùng máy tạo độ ẩm: Tương tự như thói quen uống nước, máy tạo độ ẩm sẽ giữ cho đường thở ẩm ướt giúp ngừa cúm và loại bỏ đờm.
• Súc miệng bằng nước muối: Súc miệng nhiều lần trong ngày có thể giúp rửa trôi một số chất nhầy trong cổ họng và làm giảm đau họng. Nếu không thể sử dụng nước muối, bạn có thể dùng nước súc miệng.
• Nói chuyện với bác sĩ về thuốc ho: Ho là phản xạ sinh lý tốt cho cơ thể để tống những chất có hại, dịch đờm hoặc các vật lạ tại đường hô hấp ra khỏi cơ thể, giúp làm sạch đường thở. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm ho nào, ngay cả khi triệu chứng này gây khó chịu, mất ngủ.
2. Sử dụng thuốc điều trị viêm phổi
Tùy thuộc vào loại viêm phổi và các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định 2 dạng thuốc:
Thuốc kê đơn điều trị viêm phổi
• Thuốc kháng sinh: Nếu bạn bị viêm phổi do vi khuẩn hoặc viêm phổi hít, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh. Việc lựa chọn kháng sinh tùy thuộc vào chủng loại vi khuẩn bạn đã bị nhiễm.
Đối với bệnh viêm phổi nhẹ, bác sĩ có thể sẽ kê toa azithromycin, clarithromycin hoặc erythromycin. Bạn có thể cần thuốc kháng sinh mạnh hơn nếu có kèm một số bệnh nội khoa như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận.
• Thuốc điều trị đường thở: Bác sĩ có thể kê toa thuốc hít hoặc xông khí dung để làm lỏng chất nhầy trong phổi và giúp bạn dễ thở hơn. Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng thường là Ventolin, ProAir hoặc Proventil (albuterol).
• Thuốc kháng virus: Nếu bạn bị viêm phổi do virus, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus, đặc biệt là viêm phổi do cúm hoặc herpes. Các loại thuốc kháng virus có thể được kê đơn bao gồm oseltamivir, zanamivir, peramivir, peramivir…
• Thuốc kháng nấm: Nếu bạn bị viêm phổi do nấm, hệ thống miễn dịch bị ức chế hoặc mắc phải các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có liên quan khác, bác sĩ có thể cho bạn điều trị bằng thuốc chống nấm. Những loại thuốc này bao gồm fluconazole, itraconazole, voriconazole…
Thuốc không kê đơn điều trị viêm phổi
Các loại thuốc không kê đơn thường được sử dụng để giúp điều trị các triệu chứng viêm phổi bao gồm:
• Expectorant: Thuốc Bena Expectorant giúp làm giảm chứng khó thở và ho có đờm dày, làm sạch đường dẫn mũi, làm thông thoáng khí quản và làm dịu chứng ho nặng.
• Thuốc hạ sốt, giảm đau: Acetaminophen, ibuprofen, naproxen hoặc aspirin là nhóm thuốc giúp bạn giảm bớt triệu chứng sốt đau do viêm phổi.
Bạn lưu ý không cho trẻ em uống aspirin do thuốc làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye – chứng bệnh hiếm gặp có khả năng đe dọa đến tính mạng.
3. Điều trị viêm phổi tại bệnh viện
Nếu các triệu chứng viêm phổi trở nên trầm trọng hơn hoặc kèm theo tình trạng bệnh lý tiềm ẩn làm tăng nguy cơ biến chứng viêm phổi, bạn có thể phải nhập viện. Bác sĩ có thể dùng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc điều trị hô hấp để cải thiện khả năng hô hấp, giảm ho và kích thích bổ sung oxy, có thể bằng máy thở.
Các yếu tố cần được cân nhắc điều trị viêm phổi tại bệnh viện như:
- Trên 65 tuổi
- Thở nhanh bất thường
- Chức năng thận suy giảm nặng
- Nhịp tim nhanh chậm thất thường
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường
- Không thể tự chăm sóc bản thân ở nhà
- Loại kháng sinh đang dùng không mang lại hiệu quả
- Có vấn đề y tế nghiêm trọng đi kèm khác như bệnh tiểu đường, COPD hoặc bệnh tim
Đối với trẻ em, có một số yếu tố cần được điều trị tại bệnh viện như:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi
- Nồng độ oxy trong máu thấp
- Xuất hiện triệu chứng khó thở, mất nước
- Trẻ hôn mê hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
4. Điều trị chứng viêm phổi cụ thể
Một số chứng viêm phổi đòi hỏi phương pháp điều trị cụ thể như:
Viêm phổi do vi khuẩn
Viêm phổi vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, điều trị hô hấp, thuốc không kê đơn. Nếu trường hợp nghiêm trọng, bạn cần nhập viện để được tiêm tĩnh mạch kháng sinh. Các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện từ 1 – 3 ngày sau khi dùng kháng sinh, nhưng sẽ mất ít nhất 1 tuần hoặc lâu hơn để cơ thể hồi phục…
Viêm phổi do virus
Nếu bạn được chẩn đoán bị viêm phổi do virus sẽ không dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Quan trọng nhất là bạn cần nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm bớt sự khó chịu, tuy nhiên các biện pháp này sẽ không chữa khỏi bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc kháng virus. Hầu hết viêm phổi do virus tự biến mất sau 1 – 3 tuần.
Viêm phổi do Mycoplasma
Viêm phổi do Mycoplasma thường không nghiêm trọng như viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus, vì vậy quá trình điều trị có thể hơi khác nhau. Tình trạng này thường được gọi là viêm phổi không điển hình (walking pneumonia), có nghĩa là chứng bệnh không khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức phải nằm trên giường cả ngày.
Viêm phổi do mycoplasma thường tự khỏi mà không cần điều trị, trong một số trường hợp nặng cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi, giữ cơ thể đủ nước và uống thuốc không kê đơn giảm triệu chứng để phục hồi nhanh hơn.
Viêm phổi hít
Viêm phổi hít (aspiration pneumonia) là hiện tượng viêm nhiễm trùng phổi do hít phải dị vật như nước bọt, mẩu thức ăn, dịch đờm, dịch vị trào ngược từ miệng hay dạ dày. Việc điều trị sẽ bao gồm hút dịch mũi họng, khí quản, hỗ trợ hô hấp và sử dụng kháng sinh.
5. Thực hiện phòng ngừa viêm phổi
Để duy trì hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tái phát, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm phổi sau:
• Tiêm chủng: Viêm phổi có thể là biến chứng của bệnh cúm, việc chích ngừa cúm hàng năm là một trong những cách để ngăn ngừa viêm phổi do virus cúm, có thể dẫn đến viêm phổi do vi khuẩn.
Người lớn trên 50 tuổi và trẻ em từ 2 – 6 tuổi nên tiêm chủng vắc xin ngừa phế cầu khuẩn ít nhất 5 năm/lần để phòng ngừa viêm phổi.
• Rửa tay: Các vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể khi chạm tay vào mắt hoặc chà xát trong mũi. Thói quen rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng có thể giúp giảm nguy cơ viêm phổi.
• Ngừng hút thuốc, tránh xa khói thuốc: Khói thuốc có thể làm nặng thêm các triệu chứng và kéo dài thời gian phục hồi bệnh.
• Chăm sóc bản thân: Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt kết hợp với tập thể dục vừa phải để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
• Điều trị triệu chứng trào ngược: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây viêm họng, về lâu dài sẽ dẫn đến tổn thương phổi.
• Phòng ngừa lây nhiễm: Khi bản thân mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh viêm phổi, bạn hãy sử dụng khẩu trang y tế và hạn chế giao tiếp để hạn chế lây nhiễm.
Với 5 cách điều trị viêm phổi trên, hy vọng bạn có thể hiểu được phương thức chữa trị và nhanh chóng đẩy lùi được bệnh. Sức khỏe là vàng, bạn hãy kiên trì để bảo vệ “tài sản” quý giá này nhé!
Hoàng Trí | HELLO BACSI