Hẳn bạn thường cho con tiền tiêu vặt khi đi học nhưng lại luôn lo lắng không biết chúng sẽ sử dụng tiền ấy để ăn vặt, mua truyện tranh hay mua đồ chơi. Bạn băn khoăn làm thế nào để dạy con tiêu tiền khôn ngoan nhất? Thời điểm nào phù hợp với nhận thức của con khi bạn muốn hướng dẫn con kĩ năng quản lý tiền bạc hiệu quả?
Đầu tiên, bạn cần xác định thời điểm thích hợp dạy con tiêu tiền. Mùa tựu trường là mùa nhiều gia đình “hao tài” nhất vì phải mua sắm sách vở, áo quần mới cho con. Tuy nhiên, theo một vài nghiên cứu, đây cũng là thời điểm tốt nhất để bạn dạy con kĩ năng quản lý tài chính. Khi ấy, nhu cầu mua sắm của con cao nhất, chúng sẽ muốn mua tất cả những thứ đồ dùng học tập hay bất kể cái gì mà bạn của chúng được sắm sửa. Bạn có thể áp dụng 5 bài học sau đây để dạy cho con biết cách quản lý tiền bạc hiệu quả:
Bài học 1: Dạy con nhận ra nhu cầu của con ít hơn so với con nghĩ
Khi đến mùa tựu trường, nhiều cửa hàng cặp sách, văn phòng phẩm… sẽ có rất nhiều đồ dùng học tập xinh xắn kích thích con bạn. Tuy nhiên, mặc dù trẻ thích những thứ đồ dùng lấp lánh màu sắc ấy nhưng có nhiều món con lại không sử dụng và mua về thì rất lãng phí. Bạn có thể khuyên con nên chọn những thứ hữu ích với mình trước, như các dụng cụ học tập và sách vở.
Nếu như con khăng khăng không nghe lời, mà bạn cũng không muốn mặc cả, thì cách tốt nhất bạn có thể sử dụng chiến thuật “tương kế tựu kế”. Bạn có thể đề nghị bé mặc những bộ áo quần năm ngoái còn vừa với bé và thay vì lấy số tiền mua quần áo mới, bạn sẽ mua cho bé món đồ bé thích. Một cách khác cũng rất hiệu quả là bạn hướng dẫn cho bé cách sáng tạo những món đồ mới hoặc tái chế đồ cũ, tránh lãng phí khi sử dụng hai món đồ giống nhau cùng một lúc. Với những món đồ bé không cần dùng, bạn có thể gợi ý bé quyên góp cho quỹ từ thiện hoặc những trẻ em nghèo khó xung quanh. Đây là cách giúp bé nhận ra mọi thứ là hữu hạn và có rất nhiều người xung qunh không được may mắn như bé.
Bài học 2: Dạy con làm thế nào để tiết kiệm
Khi sắp đến ngày tựu trường, hẳn có rất nhiều món mà bé đòi hỏi vượt xa ngoài ngân sách chi tiêu của gia đình. Lúc này chính là thời điểm tốt nhất để dạy bé biết tiết kiệm để mua một món đồ nào đấy. Bạn có thể dạy bé bắt đầu từ việc xem xét món đồ có giá là bao nhiêu, con sẽ cần tiết kiệm bao nhiêu để mua món đồ này. Nếu con của bạn đã lớn, có thể giúp bé nhanh chóng tiết kiệm đủ tiền bằng cách trông em, tưới cây, quét nhà, rửa bát… giúp bố mẹ.
Bài học 3: Dạy con dùng đồ cũ luôn tốt hơn đồ mới
Bạn không nhất thiết lúc nào cũng nói “Không!” với những đòi hỏi của bé như muốn mẹ mua bộ quần áo hợp mốt hay những thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính bảng… Bạn sẽ rất khó thuyết phục bé dùng đồ cũ thay vì đồ mới nên bạn có thể dẫn con đến những cửa hàng đồ cũ hoặc cửa hàng đổi trả. Mặc dù mọi thứ trong các cửa hàng này là đồ cũ nhưng chắc chắn chúng sẽ có những món con bạn chưa bao giờ biết đến. Điều này đảm bảo sẽ làm bé thích mê đấy.
Bài học 4: Dạy con biết cách trả giá khi đi chợ
Mặc dù đi mua sắm một mình bao giờ cũng dễ hơn nhưng bạn có thể cho bé đi cùng để dạy bé những bài học về tiết kiệm. Trong lúc đi cùng, bạn có thể giải thích cho bé biết tại sao chúng ta phải trả giá khi đi chợ, mua hàng giảm giá thì tốt hơn so với mua hàng đắt tiền, nên lựa chọn sản phẩm nào giữa hai sản phẩm mà mình thích. Bạn có thể chuyển chuyến mua sắm thành bài thực hành cho bé, giúp bé tìm ra những sản phẩm mà bé cần mua với giá rẻ nhất. Bé sẽ rất thích thú khi tự mình so sánh giá bằng máy tính tiền ở siêu thị hoặc tự đối chiếu giá ở các quầy hàng khác nhau. Sau chuyến mua sắm, bạn có thể làm một bảng đối chiếu tổng tiền phải trả và tổng tiền tiết kiệm cho bé. Thông qua hành động này, nhất định bé sẽ hiểu được lý do trả giá khi mua hàng.
Bài học 5: Dạy con hàng thông thường cũng tốt bằng hàng hiệu
Khi mua sắm, bé sẽ có xu hướng thích mua hàng theo những quảng cáo trên tivi. Tuy nhiên, điều này lại có điểm không tốt, đó là việc quảng cáo và chất lượng nhiều khi không đi chung với nhau. Bạn nên giải thích cho bé hiểu sự khác nhau giữa chất lượng và chi phí giữa cửa hàng bình dân với cửa hàng sang trọng, mua hàng ở cửa hàng nào sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Với số tiền tiết kiệm được từ việc mua sắm, bạn có thể cho phép bé mua một món đồ nhỏ mà bé ưa thích.
Khi mùa tựu trường gần kề, các ông bố bà mẹ phải đau đầu suy nghĩ để mua sắm vật dụng, quần áo và nhu yếu phẩm cho con mình sẵn sàng bước vào năm học mới. Bạn có thể đang hoặc sẽ đối mặt với việc con thích những thứ đồ đẹp mắt ở những cửa hàng đắt tiền còn bạn lại muốn tiết kiệm tiền nên chọn những món hàng bình dân. Để không làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng chiến lược “chặn trước” đòi hỏi của bé và thực hiện những chiến thuật dạy bé cách quản lý tài chính.
Dạy con quản lý tiền bạc hợp lý không phải là chuyện một sớm một chiều mà bạn phải hướng dẫn con từ từ để bé có thể học cách chi tiền cũng như tiết kiệm thật “thuần thục” ngay cả khi không có bạn kề bên.