4 bệnh ngoài da ở vùng kín khiến âm hộ đau rát, khô nứt

(4.37) - 13 đánh giá

Nhiều phụ nữ tìm cách làm đẹp vùng âm hộ nhưng thật ra việc quan trọng hơn chính là giữ bộ phận này sạch và khỏe trước. Trong bài viết sau, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu âm hộ là gì và cách ngăn ngừa các bệnh ngoài da vùng kín thường gặp, tránh để âm hộ bị đau rát hay khô nứt nhé.

Âm hộ là vùng da nhạy cảm rất dễ bị kích ứng hoặc nhiễm trùng. Do đó, cảm giác ngứa, sưng, đau rát âm hộ là vấn đề không hề hiếm gặp. Hello Bacsi sẽ chia sẻ những thông tin giúp bạn hiểu rõ về bộ phận này để ngăn ngừa và xử lý các bệnh ngoài da phổ biến ở vùng kín nữ giới.

Âm hộ là gì?

Âm hộ, còn gọi là cửa mình, là bộ phận sinh dục nữ chứa nhiều lớp có tác dụng bao phủ bên ngoài để bảo vệ các cơ quan sinh dục và đường tiết niệu. Cấu trúc của âm hộ bao gồm:

  • Môi lớn: Bao gồm các nếp gấp phía ngoài, thường có lông và chứa một lớp mỡ có công dụng làm lớp đệm.
  • Môi bé: Môi bé có da mỏng, có màu sẫm hơn một chút, nằm ở phía trong môi lớn.
  • Âm vật: Âm vật là một khối mô nhỏ cứng dài khoảng 1,5 cm nằm ở giữa và phía trên của cửa mình. Đây là nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ, tập trung khoảng 8.000 đầu dây thần kinh, mang lại chức năng khoái cảm tình dục.
  • Tầng sinh môn: Đây là vùng nằm giữa âm đạo và hậu môn. Khi sinh con, phụ nữ thông thường cần phải rạch tầng sinh môn để thai nhi ra ngoài.
  • Tuyến Bartholin: Tuyến Bartholin thuộc cơ quan sinh dục ngoài, nằm ở cửa âm đạo vị trí 4 giờ và 8 giờ. Chức năng của tuyến này là tiết ra chất nhầy, giữ cho vùng đó được bôi trơn khi giao hợp và giữ ẩm.
  • Xương mu: Xương nằm ở vị trí dưới phía trước xương chậu, nằm giữa hai bẹn của cơ thể.
  • Lỗ niệu đạo: Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Lỗ niệu đạo của nữ giới gần với âm đạo và hậu môn.
  • Màng trinh: Màng trinh là lớp màng mỏng nằm bên trong âm đạo nữ giới, cách miệng âm đạo 2 – 3cm.

Các bệnh ngoài da phổ biến ở vùng kín nữ giới

Dưới đây là một số căn bệnh về da phổ biến ở âm hộ mà bạn nên tìm cách phòng tránh và chữa trị trước khi chuyển biến thành bệnh phụ khoa trầm trọng hơn.

1. Chàm âm hộ

Chàm là một bệnh viêm da cơ địa. Ở những vùng da khác trên cơ thể, chàm sẽ gây tổn thương bề mặt da, khiến da nứt nẻ, gây ra các mảng đỏ và làm bong những lớp da mỏng và khô. Tuy nhiên, chàm ở âm hộ không giống như vậy. Chàm ở âm hộ khởi phát với một chu kỳ ngứa và gãi sau đó dẫn tới viêm da lichen mãn tính (một bệnh viêm da mãn tính có sự xuất hiện của các vùng da dày lên và ngứa âm hộ rất khó chịu).

Nếu chàm xuất hiện ở vùng da âm đạo cạnh môi bé thì sẽ gây rát và xót. Một số trường hợp chàm ở cửa mình xuất hiện ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được xác định rõ. Chàm thường khởi phát sau khi tiếp xúc với một chất gây kích ứng hoặc tác nhân dị ứng như:

  • Băng vệ sinh
  • Chất bôi trơn
  • Khăn lau, bông tắm
  • Chất diệt tinh trùng
  • Nước hoa, chất khử mùi
  • Dịch tiết âm đạo, mồ hôi và nước tiểu
  • Cách thụt rửa vệ sinh âm đạo quá sâu
  • Xà phòng, các chất tẩy rửa, dầu gội, dầu xả
  • Đồ lót làm bằng chất liệu ni-lông hay xử lý bằng hóa chất

Nhóm các chất gây dị ứng (triệu chứng có thể không xuất hiện ngay mà sau khi tiếp xúc vài ngày mới bắt đầu xuất hiện).

  • Benzocaine
  • Neomycin
  • Chlorhexidine
  • Propylene glycol
  • Dầu cây trà
  • Thuốc chống nấm Imidazole
  • Mủ cao su trong bao cao su

Cách chẩn đoán và điều trị

Khi bị chàm âm hộ, bạn cần chăm sóc da thật cẩn thận. Cách đơn giản nhất là sử dụng thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ, bôi mỗi ngày hai lần trong thời gian 2 – 4 tuần. Sau đó, hãy giảm dần số lần bôi cho đến khi các triệu chứng chàm âm hộ biến mất.

Các trường hợp bị chàm nặng có thể cần đến thuốc mỡ corticosteroid mạnh dùng trong một liệu trình ngắn. Trong thời gian điều trị, bạn phải hạn chế gãi tối đa và làm giảm ngứa âm đạo bằng cách chườm mát. Bác sĩ sẽ có thể kê đơn cho bạn một loại thuốc kháng histamin để giảm ngứa, thường dùng vào buổi tối để tránh gây buồn ngủ).

2. Vảy nến ở âm hộ

Vảy nến là tình trạng các tế bào da được sản xuất quá nhanh, tạo thành các mảng vảy dày bị viêm và đỏ lên. Ở cửa mình, bề mặt da thường ẩm ướt nên khó có thể tạo thành vảy khô. Vì vậy vảy nến ở âm hộ thường xuất hiện ở dạng các mảng hồng ban có viền. Vảy nến ở âm hộ thường ảnh hưởng đến vùng da ở môi lớn trong âm đạo, có thể gây nhiễm trùng.

Cách chẩn đoán và điều trị

Nếu vảy nến xuất hiện ở các vùng da khác của cơ thể, bạn có thể dùng các nguyên liệu như hắc ín, vitamin D3 hoặc anthralin để điều trị. Tuy nhiên, bạn không nên dùng các nguyên liệu này để xử lý vảy nến ở âm hộ vì có thể khiến tình trạng vảy nến ở vùng da này trầm trọng thêm.

Tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh và kê cho bạn một loại kem hoặc thuốc mỡ có chứa steroid. Nếu bị nhiễm trùng do da bị nứt nẻ, bạn có thể phải dùng thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh kèm theo.

Bạn nên mặc quần áo vừa vặn, không quá chật và sử dụng đồ lót làm bằng chất liệu cotton. Khi vệ sinh âm hộ, bạn nên dùng các sản phẩm vệ sinh không kiềm hoặc chỉ cần dùng nước sạch để vệ sinh làm sạch.

3. Bệnh lichen phẳng ở âm hộ

Bệnh lichen phẳng là do hoạt động quá mức của hệ miễn dịch gây ra. Bệnh lichen phẳng có thể gây ảnh hưởng đến các vùng da ở âm hộ, âm đạo hay trong miệng và các bề mặt da khác. Ở các vùng da khác, lichen phẳng có thể gây ra các vết tím đôi khi kèm theo các vệt trắng.

Bệnh lichen phẳng ở âm hộ thường khiến da vùng kín bị nóng rát và khô nứt. Lichen phẳng ở âm hộ có thể xuất hiện ở dạng màu nhạt hoặc hồng, đôi khi có màu trắng. Nếu da âm hộ bị tổn thương, vùng bị bong tróc sẽ bị đỏ và rỉ dịch.

Lichen phẳng cũng ảnh hưởng tới âm đạo và khiến dịch âm đạo có màu vàng và dính, gây đau khi quan hệ. Theo thời gian, lichen phẳng có thể làm biến dạng âm hộ và trong một số trường hợp có thể khiến môi bé của âm hộ dường như biến mất.

Cách chẩn đoán và điều trị

Bệnh được chẩn đoán dựa trên đặc điểm lâm sàng trên da hoặc sinh thiết. Điều trị ban đầu đối với bệnh lichen phẳng âm hộ thường dùng các loại kem bôi steroid mạnh. Tuy nhiên, lichen phẳng âm hộ thường tồn tại dai dẳng và cần điều trị bảo tồn lâu dài.

Ngoài ra, bệnh lichen phẳng có thể khởi phát do phản ứng với một số loại thuốc như thiazide diuretics, thuốc ức chế beta blockers, thuốc ức chế ACE, một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống sốt rét. Vì vậy nếu bạn đã sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên nói thông tin này cho bác sĩ để chẩn đoán được chính xác hơn.

4. Bệnh lichen xơ hóa ở âm hộ

Lichen xơ hóa ở âm hộ còn có tên gọi khác là bệnh bạch biến âm hộ. Lichen xơ hóa là một rối loạn viêm da xảy ra ở nhiều vùng da trên cơ thể nhưng thường xuất hiện ở âm hộ hoặc hậu môn của phụ nữ mãn kinh.

Lichen xơ hóa được cho là có liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch và không liên quan đến việc sử dụng thuốc nội tiết. Triệu chứng ban đầu của lichen xơ hóa âm hộ là ngứa, tình trạng này có thể khó chịu và nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ và các hoạt động khác.

Cách chẩn đoán và điều trị

Các bác sĩ sẽ tiến hành khám trong vùng âm hộ để theo dõi các mảng da màu trắng có thể có các vùng da bị rách hoặc tấy đỏ do chảy máu do gãi. Khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây nguy hiểm, khiến các mô ở âm hộ có sẹo và co lại. Bệnh lichen xơ hóa ở âm hộ này thường được chẩn đoán dựa trên dấu hiệu lâm sàng ở vùng da âm hộ, đôi khi có thể dùng đến sinh thiết.

Phương pháp điều trị thông thường là dùng thuốc mỡ corticosteroid mạnh trong vài tuần, sau đó giảm dần liều. Phụ nữ cũng cần kiểm tra thường xuyên sau khi điều trị lichen xơ hóa vì bệnh này có thể khiến vùng da bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các tổn thương và vết loét do lichen xơ hóa cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tiến triển trầm trọng của bệnh và giảm nguy cơ diễn tiến thành ung thư.

Phụ nữ mắc bệnh phụ khoa về da ở âm hộ có thể sử dụng liệu pháp hormone dưới dạng dụng cụ đặt âm đạo, thuốc viên, kem, hoặc thuốc bôi trực tiếp vào âm hộ. Liệu pháp hormone có thể giúp giảm viêm âm hộ và nguy cơ kích ứng da.

Lưu ý khi khám các vấn đề phụ khoa ở âm hộ

Để việc khám phụ khoa và chẩn đoán bệnh chính xác, bạn nên lưu ý đến một số vấn đề bên dưới đây:

Vai trò của người bệnh

Các triệu chứng da vùng kín bị khô nứt, ngứa, đau rát hầu hết đều có thể chữa khỏi, nhưng hiệu quả và thời gian điều trị ngắn hay dài còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Ngoài ra, việc phát hiện bệnh phụ khoa ở âm hộ thường không dễ dàng. Khi khám phụ khoa, bạn nên cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho bác sĩ, đặc biệt là các thông tin về:

  • Loại thuốc điều trị đang sử dụng: Bạn nên đưa ra thông tin về loại thuốc mình đang dùng để bác sĩ xem xét khả năng nếu có tương tác thuốc xảy ra. Đặc biệt, các vấn đề về tiêu hóa và bàng quang thì cũng có khả năng gây ra các bệnh lý phụ khoa.
  • Các vấn đề về da khác trên cơ thể: Nếu bạn bị vảy nến ở các vùng da khác trên cơ thể, bạn có thể dễ bị bệnh lichen xơ hóa ở âm hộ. Bệnh Crohn – một bệnh viêm ruột mạn tính có thể gây viêm da vùng âm hộ. Lichen phẳng ở miệng cũng có thể gây lichen phẳng âm hộ.
  • Cách vệ sinh và chăm sóc vùng kín hàng ngày: Nếu bạn thường mặc đồ lót bó sát, đạp xe, tập thể thao… có thể khiến vùng âm hộ ra nhiều mồ hôi và ẩm ướt. Một số chất tẩy rửa hoặc xà phòng có nguy cơ gây kích ứng da vùng âm hộ, gây các vấn đề phụ khoa.

Bạn nên ghi nhớ và nói cho bác sĩ về tất cả các triệu chứng, ví dụ như da vùng kín bị khô nứt, ngứa, nóng rát, chảy dịch âm đạo, phát ban… Sẽ rất hữu ích nếu bạn nói rõ tiến triển của triệu chứng, theo thời gian triệu chứng nào được cải thiện, triệu chứng nào trở nên nghiêm trọng hơn.

Vai trò của bác sĩ

Bác sĩ sẽ khám âm hộ, trong một số trường hợp sẽ sử dụng một chiếc kính lúp và chèn mỏ vịt để kiểm tra âm đạo. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra pH của âm đạo và lấy dịch tiết từ âm đạo để kiểm tra dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy nấm.

Việc chẩn đoán bệnh phụ khoa ở âm hộ là điều không dễ dàng. Kể cả đối với các bác sĩ phụ khoa giàu kinh nghiệm cũng cần tới một hoặc vài lần khám để có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra điều trị phù hợp giúp cải thiện bệnh.

Nếu các liệu pháp điều trị ban đầu không phát huy hiệu quả nhanh và cải thiện triệu chứng, các bác sĩ có thể phải làm sinh thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Rủi ro khi bạn tự điều trị bệnh phụ khoa

Việc điều trị bệnh lý phụ khoa cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu tự điều trị bệnh phụ khoa tại nhà, bạn sẽ dễ gặp phải các nguy cơ khiến bệnh ngày càng trở nặng hơn.

Rủi ro khi tự ý sử dụng kem kháng nấm

Khi da vùng kín có các dấu hiệu như bị ngứa, đỏ, khô nứt… nhiều chị em cho rằng mình bị nhiễm nấm và tự điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn như kem kháng nấm. Cách điều trị này có thể phát huy hiệu quả trong một số trường hợp nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.

Nguyên nhân gây ngứa âm hộ rất đa dạng: khô da, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (bệnh xã hội), nhiễm khuẩn hoặc nhiễm chủng nấm không phổ biến… Những trường hợp này yêu cầu phải được điều trị đặc hiệu. Tình trạng ngứa, rát vùng kín còn có thể do kích ứng hoặc phản ứng dị ứng với các sản phẩm như xà bông, kem, lotion…

Nếu bạn không bị nhiễm nấm, việc bôi kem nhiễm nấm sẽ không phát huy hiệu quả. Trường hợp bạn dùng các chất như alcohol hay propylene glycol hoặc các thành phần khác chứa trong kem kháng nấm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Cách tốt nhất là bạn hãy đi khám phụ khoa hoặc da liễu nếu tình trạng ngứa âm hộ kéo dài và không được cải thiện.

Rủi ro khi vệ sinh vùng kín quá mức

Một vấn đề thường gặp khác là cách vệ sinh vùng kín không đúng. Nhiều chị em thấy dịch âm đạo bất thường hoặc có cảm giác ngứa ngáy thì sẽ nghĩ cần vệ sinh vùng kín kỹ hơn và thụt rửa nhiều để rửa sạch các chất gây kích ứng. Tuy nhiên cách này có thể làm mất cân bằng pH vùng kín hoặc làm tăng kích ứng da.

Thế nên, khi da âm hộ bị ngứa, khô nứt, đau rát thì việc chăm sóc và vệ sinh nhẹ nhàng là điều cần thiết. Bạn nên nhẹ nhàng rửa âm hộ bằng các ngón tay, lau khô với một chiếc khăn mềm.

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu cho thấy âm hộ không khỏe, bạn không nên tự ý điều trị mà cần sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán.

Nếu da vùng kín bị khô nứt, đau rát hoặc nghi ngờ mình mắc các vấn đề viêm nhiễm, bạn cần đến gặp bác sĩ phụ khoa hoặc da liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bạn cũng nên chú ý đến cách vệ sinh vùng kín mỗi ngày để giữ âm hộ khỏe mạnh nhé.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Phương pháp đơn giản điều trị chuột rút ngay tại nhà

(49)
Chuột rút có thể gây nên những cơn đau bất thường và khiến bạn không thể kiểm soát được các cơ bắp của mình. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự chấm ... [xem thêm]

5 tư thế Kamasutra giúp tăng cơ hội thụ tinh

(82)
Nếu bạn muốn thêm hương vị mới cho đời sống tình dục của mình, hãy tạm thời gác qua tư thế truyền thống buồn tẻ và thử nghiệm những tư thế mới ... [xem thêm]

Cách nhận biết 8 căn bệnh tâm thần kỳ lạ

(37)
Thông tin từ Brightside cho biết, các chuyên gia về tâm thần nhận định rằng cứ 4 người thì sẽ có 1 người bị rối loạn tâm thần hoặc mắc các bệnh khác ... [xem thêm]

Chỉ số apgar ở trẻ sơ sinh và điều bố mẹ cần biết

(36)
Nếu đã từng sinh con, bạn chắc hẳn là thấy chỉ số apgar trong cuốn sổ khám sức khỏe của con được bệnh viện phát sau khi bạn sinh con. Vậy bạn đã biết ... [xem thêm]

Sơ cứu khi bị thú hoang cắn

(13)
Có hai loại vết cắn từ thú hoang: loại mang mầm bệnh dại và loại không mang mầm bệnh dại.Bệnh dại là một căn bệnh có thể gây tử vong. Vết cắn hoặc ... [xem thêm]

Cách sơ cứu khi bị bỏng mà bạn nên biết

(48)
Khi bạn bị tai nạn gây ra bỏng, bạn cần biết cách sơ cứu khi bị bỏng ngay lúc đó để giảm cảm giác đau và tránh gây nhiễm trùng vết thương. Hầu hết ... [xem thêm]

Bạn biết gì về máu?

(100)
Máu là mô lỏng lưu thông trong hệ thống tuần hoàn, được tạo thành từ thành phần hữu hình là huyết tương và các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu ... [xem thêm]

Cách tốt nhất và tệ nhất khi đối phó stress

(39)
Cuộc sống xung quanh chúng ta chứa đầy những yếu tố gây căng thẳng. Các nhà tâm lý học nói rằng có một số loại stress có lợi. Tuy nhiên, việc đối phó ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN