Mang thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ làm không ít mẹ bầu lo sợ bởi nghi ngờ điều này sẽ ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, thực tế đây không phải là hiện tượng hiếm gặp nên mẹ bầu không cần phải quá lo lắng.
Mang thai 41 tuần chưa sinh hay còn gọi là chửa trâu sẽ khiến nhiều phụ nữ lo lắng. Nhưng thực chất, em bé đôi khi chỉ muốn được ở trong bụng mẹ lâu hơn một chút mà thôi. Thai trên 42 tuần mới gọi là thai già tháng và cần chấm dứt thai kỳ.
Thai 41 tuần chưa chuyển dạ có sao không?
Thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ là điều khá phổ biến, do đó mẹ không cần phải quá lo lắng. Thực tế, chỉ có 5% phụ nữ mang thai sinh con đúng ngày dự sinh. Và việc thai 41 tuần chưa sinh có thể là do nhiều nguyên nhân như:
- Mẹ cung cấp sai thông tin ngày bắt đầu chu kỳ kinh cuối khiến bác sĩ tính sai ngày dự sinh
- Mẹ đi khám quá muộn khi đã qua 3 tháng đầu khiến việc dự đoán ngày dự sinh không còn chính xác
- Do các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi như dây rốn ngắn, ngôi thai không thuận…
Phải làm sao khi thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ?
Mặc dù thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ là điều bình thường nhưng nếu vẫn còn băn khoăn thì bạn có thể đi khám. Bác sĩ có thể yêu cần siêu âm để kiểm tra tình trạng bánh nhau, dây rốn và vị trí thai nhi. Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có nên tiến hành giục sinh hay không.
Nhiều mẹ bầu cũng thắc mắc thai 41 tuần chưa sinh có nên mổ không. Điều này sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, nếu tình trạng ổn định thì mẹ vẫn có thể sinh thường còn nếu có những dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể chỉ định mổ.
Kích thích chuyển dạ khi thai 41 tuần chưa sinh
Việc kéo dài khoảng thời gian mang thai sẽ tác động đến cả thể chất lẫn tinh thần của mẹ bầu. Ngoài ra, việc bạn bè và những người xung quanh thường xuyên thắc mắc vì sao bạn lại chưa sinh cũng có xu hướng khiến bạn mệt mỏi.
Nếu thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên và bạn không muốn chờ đợi, muốn sinh bé ra trong lúc này thì bác sĩ sẽ có một số cách để hỗ trợ:
Lóc ối
Phương pháp cảm ứng tự nhiên này phải do bác sĩ thực hiện vì nó có thể gây ra một số rủi ro nhất định. Bác sĩ lóc ối bằng cách dùng ngón tay tách các màng nhằm giải phóng hormone dẫn đến kích thích chuyển dạ.
Đặt bóng cổ tử cung
Bác sĩ sẽ đưa 1 ống cao su nhỏ vào cổ tử cung, sau đó bơm nước vào làm căng phồng túi bóng ở đầu ống để nó tác động vào màng ối. Điều này nhằm kích thích tiết ra hormone khởi phát chuyển dạ, đồng thời bong bóng giúp nong giãn cổ tử cung. Sau thủ thuật, bạn vẫn có thể đi lại bình thường. Sau 12 – 24 giờ, bóng sẽ được lấy ra và bác sĩ sẽ khám độ mở cổ tử cung. Nếu bóng rơi ra trước giờ tháo thì bạn không cần quá lo lắng, có thể cổ tử cung bạn đã mở làm bóng rơi.
Lưu ý: Còn có một số biện pháp khác kích thích chuyển dạ như phá ối, truyền oxytocin. Nhưng những biện pháp này chỉ được thực hiện khi cổ tử cung đã mở hoặc kèm theo một vấn đề gì đó (nghi ối xấu, cơn co tử cung không đủ, ối vỡ lâu..).
Sự phát triển của thai nhi tuần 41
Khi bước qua tuần 41 của thai kỳ, em bé sẽ có kích cỡ bằng một trái dưa hấu, dài khoảng 50 – 100 cm và nặng tầm 3,5 kg. Ở thời điểm này, bạn gần như đã sẵn sàng để gặp bé cưng, tuy nhiên nếu thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì bạn đừng nên quá lo nhé:
- Nếu sinh thường, đầu em bé có thể mang hình dáng thuôn dài cũng như kèm triệu chứng thai bọng mắt. Điều này là do đầu của bé con đã bị chèn ép một chút khi đi qua ngả âm đạo.
- Trẻ sơ sinh sẽ có lớp sáp trắng (chất gây) trên cơ thể. Tuy nhiên, lớp sáp này rất dễ để rửa sạch. Thông thường, phải mất một vài tuần để đôi má của em bé trở nên đầy đặn và mũm mĩm.
- Một số trẻ sơ sinh chào đời với rất nhiều tóc trên đầu, trong khi những em bé khác có thể bị hói. Các bố mẹ không cần tỏ ra quá lo lắng về việc đầu bé không có tóc bởi tóc có xu hướng tự mọc lại sau một thời gian.
- Màu mắt của trẻ sơ sinh có xu hướng thay đổi và trong khoảng từ 6 đến 12 tháng, chúng sẽ ổn định để trở thành màu cuối cùng.
- Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh đến nỗi có thể nhìn thấy các mạch máu bên dưới. Ngoài ra, các nếp nhăn trên da xuất hiện do em bé đã quen với việc tiếp xúc với nước ối trong 9 tháng và vẫn chưa thích nghi với môi trường không khí. Nhưng hiện tượng này sẽ dần biến mất theo thời gian.
- Em bé đôi khi có hiện tượng chân vòng kiềng. Nguyên nhân đến từ việc bé không thể di chuyển nhiều khi vẫn còn đang ở trong tử cung của mẹ. Sau 6 tháng hoặc lâu hơn đi kèm với sự can thiệp của bác sĩ, chân của con sẽ duỗi thẳng ra như bình thường.
Các thay đổi thường gặp ở mẹ bầu mang thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ
Mẹ bầu thường phải trải qua rất nhiều thay đổi khi mang thai, từ ngực, da, bụng cho đến hệ tiêu hóa. Điều này làm cho bạn cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt so với trước kia. Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, cơ thể cũng dần có sự chuẩn bị nhằm hỗ trợ em bé chào đời thuận lợi hơn.
Ở tuần thứ 41, những dấu hiệu thai kỳ cũng sẽ không có gì khác biệt so với các tuần trước đó:
- Khó chịu ở vùng xương chậu: Khi em bé bắt đầu tiến dần về vùng đáy chậu, áp lực tại khu vực cổ tử cung và bàng quang tăng lên, gây khó chịu, đau nhức
- Bệnh trĩ: Áp lực lên khung chậu dẫn đến sưng tĩnh mạch ở trực tràng gây ra bệnh trĩ khi mang thai
- Khó khăn trong khi ngủ: Điều này chủ yếu là do các nội tiết tố và sự lo lắng của việc phải chờ đợi quá lâu khiến bạn không thể yên giấc mà thôi
- Thường xuyên đi vệ sinh: Áp lực lên bàng quang tăng lên đi kèm với nhu cầu cần đi vệ sinh cũng vì đó mà phát triển
- Các cơn co thắt tử cung: Khi em bé chuẩn bị chào đời, các cơn co thắt xảy ra thường xuyên hơn.
Khi mang thai 41 tuần, bụng của mẹ sẽ nặng hơn rất nhiều kèm theo sự khó chịu tăng dần. Mẹ bầu có thể gặp khó khăn khi di chuyển. Tuy nhiên, các bác sĩ đề nghị phụ nữ mang thai trong khoảng thời gian này nên tăng cường vận động để kích thích chuyển dạ tự nhiên.
Chăm sóc bà bầu mang thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ như thế nào?
Dưới đây là một số mẹo nhỏ để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn để sẵn sàng cho quá trình vượt cạn:
Nên
- Có chế độ ăn cân bằng, ưu tiên bổ sung các thực phẩm chứa các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não như cá béo, hàu, sữa chua Hy Lạp, rau có màu xanh đậm… bên cạnh những chất dinh dưỡng cần thiết khác.
- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể
- Giữ cho bản thân bận rộn để không bị căng thẳng vì stress có thể khiến bạn mất ngủ, khiến sức khỏe suy giảm
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, các động tác yoga cho bà bầu đơn giản cũng là cách giục sinh tự nhiên mà mẹ có thể thử.
Không nên
- Ăn quá ít vì có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống (trừ trường hợp đã được chẩn đoán đái tháo đường thì phải ăn theo chế độ).
- Rầu rĩ, lo lắng vì thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ
- Ngâm mình trong bồn nước nóng quá lâu bởi cơ thể của phụ nữ mang thai thường gặp vấn đề trong việc điều chỉnh nhiệt độ.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sự phát triển của thai nhi 7 tháng tuổi và chế độ ăn của mẹ bầu
- Mẹ khóc nhiều khi mang thai “coi chừng” bé yêu bị ảnh hưởng!
- Sự cần thiết của xét nghiệm tripple test trong thai kỳ