Con nói dối và ăn cắp là những vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Tuy nhiên, khi trẻ nói dối và ăn cắp, bạn không nên quá tức giận mà hãy bình tĩnh và tìm cách xử lý phù hợp nhất nhé.
Nuôi dạy con là cả một cuộc hành trình dài của các bậc cha mẹ với biết bao cung bậc cảm xúc. Trong hành trình ấy, có niềm vui, có nỗi buồn và có cả những thách thức. Nói dối và ăn cắp ở trẻ là hai vấn đề thách thức lớn mà bạn cần phải vượt qua. Tại sao trẻ lại nói dối và có tật ăn cắp? Làm thế nào để dạy trẻ từ bỏ tật xấu này?
Trẻ nói dối
Trẻ nhỏ thường rất khó kiểm soát mọi thứ. Do đó, trẻ hay gây ra lỗi lầm. Phủ nhận hành vi sai trái của mình là lời nói dối thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Ví dụ, do bất cẩn, trẻ làm hư con búp bê của chị gái. Khi được hỏi, trẻ lại phủ nhận tất cả với vẻ mặt ngây thơ. Có lẽ lúc này, điều làm bạn tức giận không phải là trẻ làm hư con búp bê mà là vì trẻ nói dối. Ngoài ra, trẻ còn có các kiểu nói dối khác nữa.
Nếu muốn trẻ nhận lỗi của mình khi làm sai, bạn hãy làm mọi thứ trở nên đơn giản. Ví dụ, thay vì hét lên: “Chính con làm hư con búp bê này phải không? Con hư quá đi”. Bạn có thể nói: “Con búp bê này đã bị hư rồi. Mẹ muốn biết việc gì đã xảy ra?”. Nếu bạn nói vậy, có thể trẻ sẽ nói: “Dạ, con đã làm hư nó. Con xin lỗi mẹ”. Nếu trẻ thừa nhận là lỗi của mình, bạn cũng đừng làm trẻ sợ với sự giận dữ và những hình phạt. Nếu bạn muốn trẻ nói thật với bạn mỗi khi trẻ làm sai thì bạn không được phép tức giận với trẻ. Khi bạn tức giận, trẻ sẽ không thú nhận lỗi của mình với bạn lần sau.
Bố mẹ đôi khi lo lắng vì con mình dường như không quan tâm đến việc nói thật. Điều này có thể bắt nguồn từ bạn đấy. Trẻ nghe lỏm khi bạn đề cập đến việc mua quần áo mới cho con nhưng mãi vẫn không thấy, khi bạn nói mình bị ốm hôm qua nhưng thật sự thì không hoặc khi bạn nói với con sẽ đãi con một bữa hoành tráng nhưng lại không đi. Người lớn có rất nhiều lý do để nói dối và điều quan trọng là trẻ hiểu được điều đó. Người lớn nói dối một cách tinh tế, khéo léo với hy vọng không làm tổn thương người khác hoặc để tiết kiệm thời gian. Thế nhưng, trẻ nhỏ sẽ nghe được. Trừ khi bạn có lý do cho những lời nói dối này và giải thích rõ ràng với trẻ, nếu không trẻ sẽ nghĩ tại sao bạn lại nói dối được trong khi trẻ thì không.
Nếu trẻ kể nhiều chuyện trên lớp cho bạn nghe và có “thêu dệt” một số yếu tố mà không bạn không chắc là có hay không thì lúc này, bạn nên thảo luận với trẻ về “sự thật” và ý nghĩa của nó. Đừng để trẻ rơi vào tình trạng có những lời “nói dối nghịch ngợm”. Hãy kể cho trẻ nghe câu chuyện Chú bé chăn cừu. Sau khi kể cho trẻ nghe, hãy thảo luận với con và chỉ ra rằng khi nào mới thật sự cần sự giúp đỡ của người khác. Trò chuyện với con để con cảm nhận được bạn quan tâm đến việc trẻ nói thật hơn là nói dối như thế nào. Muốn tìm hiểu thêm cách khác giúp bé từ bỏ nói dối, bạn có thể tham khảo thêm bài Cách xử lý trẻ nói dối thế nào hiệu quả? và bài 3 hoạt động vui nhộn dạy con không nói dối.
Trộm cắp
Trẻ nhỏ, đặc biệt là những đứa trẻ không có anh chị em, thường rất muốn sở hữu mọi thứ. Trẻ luôn muốn khẳng định món đồ đó là của mình. Sở hữu là một vấn đề còn khó giải thích hơn cả sự thật. Trong gia đình, có nhiều món đồ mọi người có thể dùng chung, có món thuộc quyền sở hữu của một người nhưng người khác có thể mượn sử dụng và có món đồ chỉ thuộc cá nhân một người.
Bên ngoài gia đình cũng vậy. Trẻ có thể giữ quả bóng nhỏ mà mình tìm thấy trong bụi cây ở trong công viên nhưng con không được phép bỏ vào túi và mang nó về nhà. Trẻ có thể mang bức tranh do mình vẽ về nhà nhưng không được mang đồ chơi ở trường về. Trẻ được phép lấy tờ bướm ở cửa hàng tạp hóa nhưng không được phép lấy gói mì. Không có cách nào dạy trẻ cho đến khi trẻ tự hiểu được. Tuy nhiên, bạn không thể để tình trạng trẻ lấy món đồ của người khác về nhà kéo dài dù trẻ chỉ 3 – 4 tuổi bởi nếu người bị lấy đồ không thông cảm sẽ gọi trẻ là đứa ăn cắp.
Bạn có thể đặt ra một vài nguyên tắc cho trẻ như không được đem đồ của người khác về nhà khi chưa xin phép, luôn hỏi người lớn khi trẻ muốn giữ một món đồ gì đó, không được lấy bất cứ thứ gì từ cửa hàng trừ khi người lớn cho phép. Đừng quá nhấn mạnh về giá trị của tiền bạc. Khi trẻ lấy một ít tiền từ ví của bạn, hãy tự hỏi mình sẽ nói gì với con nếu con lấy một quyển sổ và nói tương tự với tiền. Ví dụ, bạn có thể hỏi: “Con lấy sổ của mẹ để làm gì?”, tương tự vậy, bạn hỏi: “Con lấy tiền của mẹ để làm gì?” khi con lấy tiền của bạn. Đối với trẻ nhỏ, cả hai thứ sổ và tiền đều giống nhau. Trẻ biết tiền rất quý giá vì trẻ nghe bạn nói nhiều về nó và thấy bạn dùng nó để đổi lấy những điều tốt đẹp như thức ăn ngon hoặc đồ chơi đẹp. Thế nhưng, trẻ nhỏ thật sự chưa có khái niệm về tiền.
Những đứa trẻ thích thu thập những thứ mà trẻ không bao giờ sử dụng và những món tài sản của người khác mà trẻ không muốn có thể là do trẻ đang gặp rắc rối về mặt cảm xúc. Điều này có thể là do trẻ thiếu tình thương hoặc sự chú ý của bạn. Thay vì giận dữ và làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ, bạn có thể cố gắng cho những gì trẻ cần. Nếu bạn không thể và trẻ vẫn tiếp tục ăn cắp, bạn nên nhờ chuyên gia tâm lý giúp đỡ trước khi trẻ đến tuổi đi học nhé.