Bên cạnh vấn đề điều trị ung thư phổi, một chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi là điều đáng được quan tâm. Nếu có một chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng và có lợi, người bị ung thư phổi sẽ tăng được hiệu quả điều trị và kéo dài được tuổi thọ.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 ca mắc bệnh ung thư phổi. Ung thư phổi được chia thành 2 nhóm nhỏ gồm ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư không tế bào nhỏ. Mỗi nhóm sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau, nhưng chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi thì không có sự khác biệt, nó đóng vai trò rất lớn đối với hiệu quả điều trị ung thư phổi.
Vậy bệnh nhân ung thư phổi nên ăn thực phẩm nào? Sau đây, bạn hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu xem 14 loại thực phẩm bạn nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi nhé!
1. Lê và táo
Theo nghiên cứu, những người ăn ít nhất một quả lê, táo mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư hơn so với người ít hoặc không bao giờ ăn loại quả này, chúng có thể làm giảm nguy cơ ung thư theo nhiều cách, bao gồm cả tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.
Trái lê, táo chứa hợp chất phloretin, đây là một hợp chất có hoạt tính chống ung thư. Ngoài ra, hợp chất phloretin còn giúp tăng cường tác dụng điều trị ung thư của thuốc cisplastin – một loại thuốc hóa trị phổ biến dùng để điều trị ung thư phổi. Phloretin còn có thể giúp giảm xơ hóa phổi do xạ trị.
Bổ sung táo và lê vào chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi ở dạng hoa quả tươi hoặc nước ép giúp hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị bằng hóa trị và giảm ảnh hưởng của xạ trị.
2. Trà xanh
Ngày trước, trà là thức uống truyền thống của tầng lớp quý tộc ở Trung Quốc với nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ thành phần polyphenols và flavonoids có khả năng chống oxy hóa mạnh. Ngày nay, trà là thức uống phổ biến nhất chỉ sau nước và đã trở thành một phần của chế độ ăn uống hàng ngày của gần 2/3 dân số thế giới.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trà xanh vừa có công dụng phòng ngừa ung thư phổi cho người khỏe mạnh, vừa có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của bệnh nhân ung thư phổi đang trong thời gian điều trị. Chất theaflavin và epigallocatechin-3-gallate (EGCG) trong trà xanh có khả năng giúp tăng cường tác dụng của cisplastin – một loại thuốc hóa trị được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư phổi.
Một bí quyết nhỏ là bạn hãy thêm một giọt chanh vào trà xanh để tăng khả năng hấp thụ ECGC và tăng khả năng hỗ trợ điều trị ung thư phổi của trà xanh. Tuy nhiên, khi sử dụng cho bệnh nhân ung thư phổi cần lưu ý rằng trà xanh có chứa caffeine, vì vậy, trà xanh có thể khiến những người nhạy cảm với caffeine dễ gặp tình trạng bị mất ngủ.
3. Cá hồi
Cá hồi được coi là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất hành tinh vì không chỉ chứa axit béo omega-3 mà còn chứa đa vitamin và khoáng chất khác. Đây là thực phẩm vàng chống ung thư và rất tốt cho sức khỏe nhờ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và nghiên cứu vitamin D cho thấy chế độ dinh dưỡng giàu vitamin D đem lại nhiều lợi ích cho những người mắc ung thư phổi, gây ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư phổi.
Vitamin D được tìm thấy với hàm lượng cao trong các loại cá béo, đặc biệt cá hồi, là thực phẩm đứng đầu trong danh sách chứa nhiều vitamin D nhất. Thiếu hụt vitamin D cũng gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo bổ sung các loại cá hồi, cá thu, cá trích vào chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi.
4. Gừng
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sinh Lý học, Sinh Lý bệnh học và Dược học quốc tế cho thấy gừng có tác dụng ngăn ngừa nhiều bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, gừng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, chống viêm, kháng vi khuẩn và thậm chí có tác dụng chống ung thư.
Gừng có công dụng tuyệt vời giúp giảm buồn nôn do tác dụng phụ của hóa trị và cũng đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của người mắc ung thư phổi. Gừng có chứa hợp chất 6-shogaol, chất này giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư phổi thông qua tác động vào quá trình xâm lấn và lan rộng của khối u.
Gừng còn có tác dụng giúp thư giãn và giảm đau. Vậy nên bạn hãy bổ sung gừng vào chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi bằng cách pha trà gừng hoặc thêm gừng vào các món ăn.
5. Nụ bạch hoa
Nụ của cây bạch hoa có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và một số vùng châu Á là nguồn cung cấp hợp chất quercetin dồi dào nhất. Quercetin là một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng ức chế sự phát triển của một vài loại ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, u não, ung thư máu và ung thư tuyến nước bọt.
Đối với ung thư phổi, quercetin ức chế sự phân chia và nhân lên của tế bào ung thư, qua đó tiêu diệt tế bào ung thư.
6. Củ nghệ
Nghệ là thành phần quan trọng có trong cà ri và tạo nên màu vàng đặc trưng của cà ri. Nghệ nổi tiếng chứa hợp chất curcumin có vai trò ức chế khả năng xâm lấn của các tế bào ung thư phổi. Curcumin là một chất chống oxy hóa, chống viêm và có khả năng kích thích miễn dịch, thúc đẩy chết theo chương trình ở tế bào ung thư.
Đối với những người mắc ung thư phổi đang điều trị, hợp chất curcumin đem lại nhiều lợi ích như giúp tăng cường hiệu quả tiêu diệt ung thư của các liệu pháp hóa trị và xạ trị, đặc biệt là cisplastin, khả năng chống oxy hóa, giúp giảm những tác dụng phụ do hóa xạ trị gây nên, giảm các triệu chứng như rụng tóc, khó ăn, giảm đau.
Các món ăn có nghệ như cà ri rất tốt cho bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị. Nghiên cứu cũng cho thấy bổ sung curcumin từ nghệ giúp tăng tính khả dụng và khả năng hấp thụ chất này vào cơ thể (tốt hơn nhiều so với bổ sung curcumin qua các thực phẩm chức năng).
7. Quả mọng
Quả mọng là thuật ngữ dùng để chỉ về những loại trái cây hay hoa quả loại nhỏ, trong thành phần thịt của quả có chứa nhiều nước. Các loại quả mọng sản sinh các sắc tố một cách tự nhiên khiến chúng có màu đỏ, xanh, tím, được gọi là các anthocyanin. Các loại quả mọng như quả việt quất, quả mâm xôi… rất giàu hợp chất anthocyanidins.
Một loại anthocyanidins nổi tiếng là delphinidin có khả năng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư phổi mang đột biến EGFR. Chế độ dinh dưỡng chứa delphinidin giúp ức chế sự tăng sinh của khối u, hạn chế sự hình thành các mạch máu mới để nuôi khối u và kích thích tế bào ung thư bị hủy hoại..
Ngoài ra, anthocyanidins trong quả mọng còn có tác dụng ngăn ngừa đông máu. Có tới 3–15% bệnh nhân ung thư phổi bị đông máu, điều này làm tăng nguy cơ tử vong, vì vậy các loại quả mọng giúp ngăn ngừa tình trạng này rất hiệu quả.
8. Cà rốt
Cà rốt giúp cung cấp một hợp chất có tên axit chlorogenic. Để có thể tăng trưởng và xâm lấn tới các mô, tế bào ung thư cần gửi tín hiệu để hình thành các mạch máu mới cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho khối u. Nghiên cứu cho thấy axit chlorogenic có khả năng ức chế sự hình thành mạch máu mới cần thiết cho sự xâm lấn của tế bào ung thư.
Một số phương pháp điều trị ung thư nhắm vào quá trình này để khiến tế bào ung thư không được cung cấp đủ máu cho quá trình xâm lấn của chúng.
9. Nước nho đỏ
Nho đỏ chứa resveratrol, một chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại bệnh ung thư. Đồng thời, nho chứa hợp chất resveratrol dễ dàng ức chế các enzyme có nguy cơ gây ung thư. Các chuyên gia nhấn mạnh ăn nho còn rất có lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể người, giúp tăng hiệu quả điều trị ung thư.
Ung thư phổi đặc biệt nổi tiếng với tỷ lệ tái phát ung thư cao vì chúng có những cơ chế riêng để kháng lại các liệu pháp điều trị. Resveratrol có công dụng tuyệt vời giúp làm tăng hiệu quả của các loại thuốc điều trị ung thư như Taxol (paclitaxel), Platinol (cisplatin) và Iressa (gefitinib).
Uống nước ép nho đỏ và những loại thực phẩm chứa resveratrol khác như chocolate đen và quả việt quất, là những món ăn tráng miệng hấp dẫn và rất tốt cho sức khỏe đối với những người mắc ung thư phổi đang điều trị.
10. Cà chua
Ăn cà chua hàng ngày không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, làm đẹp da, giảm trầm cảm, cải thiện thị lực, mà còn góp phần ngăn ngừa nhiều bệnh tật nguy hiểm như huyết áp, tim mạch, ung thư…
Cà chua, đặc biệt là nước sốt cà chua, chứa hàm lượng lớn chất lycopene – có vai trò phòng ngừa ung thư và chống ung thư. Lycopene ức chế sự sinh trưởng của khối u, ảnh hưởng tới quá trình phân chia của tế bào ung thư phổi và ức chế sự lan rộng của khối u hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư. Lycopene còn có hoạt tính chống viêm giúp hạn chế sự phát triển của khối u.
Vì vậy, bạn hãy bổ sung các thực đơn từ cà chua và sử dụng nước ép cà chua trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị nhé.
11. Hàu
Hàu là hải sản rất giàu kẽm. Một nhóm các nhà nghiên cứu, đứng đầu là phó giáo sư điều dưỡng Zui Pan, đã phát hiện ra rằng kẽm có khả năng vô cùng hữu ích để chọn lọc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Ngoài ra, kẽm còn giúp tăng cường hiệu quả điều trị ung thư phổi bằng hóa trị sử dụng thuốc Taxotere (docetaxel).
Thiếu kẽm là một vấn đề nghiêm trọng. Kẽm cần thiết cho nhiều protein và enzyme trong cơ thể. Tình trạng thiếu hụt kẽm dẫn tới giảm khả năng miễn dịch, điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị ung thư.
Nếu bệnh nhân không bị dị ứng với hải sản, đặc biệt là với hàu, đây là một thực phẩm nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi. Một số ngũ cốc giàu kẽm cho bữa sáng cũng là một lựa chọn tuyệt vời.
12. Cải xoong
Các nhà khoa học Đại học Southampton (Anh) cho biết, những người tình nguyện tham gia nghiên cứu, ăn 80g cải xoong mỗi ngày đã gia tăng đáng kể lượng phân tử chống ung thư trong cơ thể.
Cải xoong là một nguồn cung cấp isothiocyanates rất tốt. Isothiocyanates không chỉ ức chế sự phân chia của tế bào ung thư mà còn giúp tăng hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư phổi bằng xạ trị. Ngoài cải xoong, một số loại rau như súp lơ, rau cải mù tạt… cũng chứa hợp chất isothiocyanates này.
13. Hạt lanh
Hạt lanh là thực phẩm giàu các vi chất dinh dưỡng, chất xơ, mangan, vitamin B1 và các axit béo alpha-linolenic axit thiết yếu. Ngoài công dụng trị táo bón, bốc hỏa, hạt lanh còn có khả năng chống ung thư.
Hạt lanh là nguồn cung cấp lignans. Xạ trị trong điều trị ung thư phổi gây ra nhiều tác dụng phụ, trong đó tác dụng phụ lâu dài gây xơ hóa phổi. Chất lignan có tác dụng giúp ngăn ngừa xơ hóa phổi.
Đối với bệnh nhân ung thư bao gồm ung thư phổi, không khí bữa ăn đóng vai trò rất quan trọng. Khi áp dụng chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi, ngoài tuân thủ những nguyên tắc về an toàn khi chế biến, tăng cường bổ sung những thực phẩm giúp bồi bổ sức khỏe, nâng cao hiệu quả điều trị thì việc chế biến theo khẩu vị, sở thích của bệnh nhân là điều rất cần thiết.
Hồng Nhung | HELLO BACSI