Vitamin E là một loại vitamin không thể tự tổng hợp bởi cơ thể, cần bổ sung từ thực phẩm, chất bổ sung bên ngoài. Loại vitamin này được xem là thiết yếu cho sức khỏe con người.
Bạn dễ dàng tìm thấy vitamin E trong bữa ăn hằng ngày và trong các loại thực phẩm chức năng vitamin E phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ với những lợi ích về vitamin E bị thổi phồng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, sự lưu ý về liều lượng, cách dùng loại vitamin này sẽ giúp bạn tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Trong cơ thể, vitamin E được ví von như trung tâm trong hệ thống miễn dịch. Chúng hoạt động như một chất oxy hóa với khả năng “vô hiệu hóa”, bài trừ các gốc tự do gây tổn hại tế bào ở cấp độ di truyền.
Không giống như vitamin C, vitamin E có thể tan trong chất béo, đồng nghĩa với việc chúng có thể được lưu trữ trong gan, các mô mỡ.
Chúng ta có thể tìm thấy vitamin E trong: dầu thực vật, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc, trái cây, rau quả.
Mặc dù vitamin E có mặt hầu hết trong các bữa ăn lành mạnh hằng ngày, nhưng có một số trường hợp bạn cần sử dụng thực phẩm chức năng vitamin E để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như: bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng. Với các bệnh này, vitamin E sẽ ít được hấp thu ở ruột, vì vậy cần bổ sung từ các loại thực phẩm bổ sung bán sẵn.
1. Những sự thật về lợi ích của thực phẩm chức năng vitamin E
Không giảm biến chứng khi mang thai
Vitamin E thường được kê đơn trong thai kỳ muộn để giảm nguy cơ tiền sản giật, một biến chứng có thể tàn phá cơ thể mẹ do tăng huyết áp đột ngột.
Tuy nhiên, một đánh giá được công bố vào năm 2015 đã không tìm thấy bằng chứng việc dùng vitamin E làm giảm biến chứng khi mang thai.
Chỉ hỗ trợ điều trị bệnh rối loạn thần kinh
Vitamin E hỗ trợ trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh của não bộ và cơ thể. Do đó, vitamin E được một số người tin dùng để hỗ trợ điều trị các vấn đề rối loạn thần kinh như: bệnh Alzheimer, bệnh động kinh.
Theo một nghiên cứu năm 2016, vitamin E có thể làm chậm quá trình mất trí nhớ ở người mắc bệnh Alzheimer, nhưng có rất ít bằng chứng rằng vitamin E có thể ngăn ngừa hay đẩy lùi bệnh lý này.
Vitamin E không giúp trị bệnh thần kinh ngoại biên
Có một số bằng chứng cho thấy, việc bổ sung vitamin E có thể làm chậm sự phá hủy lớp vỏ cách ly của các tế bào thần kinh được gọi là myelin. Nguyên nhân là do việc sử dụng kéo dài một số loại thuốc: thuốc kháng retrovirus, thuốc hóa trị cisplatin.
Tuy nhiên, theo một phân tích tổng hợp năm 2016 chỉ ra rằng: Vitamin E không hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị.
Vitamin E không giúp đẩy lùi các bệnh về mắt
Vitamin E cũng là loại chất quan trọng, không thể thiếu cho một đôi mắt khỏe đẹp. Loại vitamin này có thể hỗ trợ quá trình điều trị võng mạc, giác mạc và uvea (phần sắc tố của mắt).
Các nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho thấy: Việc bổ sung vitamin E có liên quan đến việc giảm nguy cơ đục thủy tinh thể liên quan đến tuổi tác, lão hóa.
Ngoài ra, có một đánh giá vào năm 2003 cho biết, việc bổ sung vitamin E cho trẻ sơ sinh có thể giúp ích, nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng với trường hợp mắc bệnh võng mạc do sinh non.
Nếu bạn dùng vitamin E quá liều có thể khiến thị lực giảm nhanh hơn nếu mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố.
Vitamin E hỗ trợ điều trị bệnh gan, thận
Tuy không thể thay thế thuốc điều trị và ngăn ngừa các bệnh gan, thận, nhưng vitamin E lại góp phần không nhỏ vào việc làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Theo một nghiên cứu năm 2015, nếu bạn bổ sung vitamin E 800-IU hàng ngày có thể làm chậm tốc độ xơ hóa (sẹo) ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ngoài ra, vitamin E có thể hữu ích trong việc điều trị một số loại viêm gan B mạn tính.
Vitamin E không giúp cải thiện bệnh tim, ung thư
Từ lâu nhiều người tin rằng vitamin E có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc ung thư nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh.
Có những ghi nhận liên quan đến việc nếu bạn dùng vitamin E liều cao (400 IU trở lên) làm giảm tuổi thọ hoặc nguy cơ đột quỵ do xuất huyết. Các nhà khoa học tin rằng, việc bổ sung quá liều lượng vitamin E có liên quan đến những rủi ro này.
Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy rằng bổ sung vitamin E liều cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Vitamin E không phải thần dược làm lành sẹo
Vitamin E được các nhà sản xuất tin dùng để bổ sung chúng vào mỹ phẩm trên thị trường. Chúng được xem là một thành phần chống lão hóa. Tuy nhiên những bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy, công dụng này đã bị nhà sản xuất thổi phồng lên.
Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng còn tin rằng, vitamin E giúp làm lành sẹo bằng cách dưỡng ẩm, làm mềm da, ức chế sản sinh collagen và giảm viêm. Tuy nhiên, điều này có thể gây tổn thương mô da trong một vài trường hợp.
Một nghiên cứu năm 1999 khẳng định rằng, vitamin E không có tác dụng làm giảm sự xuất hiện của các vết sẹo. Hơn nữa, 33% những người sử dụng vitamin E đã bị viêm da tiếp xúc.
2. Tác dụng phụ có thể có khi dùng thực phẩm chức năng vitamin E
Tăng nguy cơ đột quỵ
Việc bổ sung vitamin E ít gây ra tác dụng phụ nếu bạn dùng với liều lượng được khuyến cáo hằng ngày ít hơn 300 IU.
Theo một nghiên cứu vào năm 2010 được công bố trên BMJ, sử dụng từ 300-800 IU mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết tới 22%.
Làm chậm quá trình đông máu
Vitamin E có thể làm chậm quá trình đông máu, vì thế vitamin E chống chỉ định cho người đã dùng thuốc làm loãng máu như: Coumadin (warfarin), Plavix (clopidogrel).
Ngoài ra, vitamin E còn tương tác với các thuốc ức chế miễn dịch: Sandimmune (cyclosporine), thuốc hóa trị, thuốc statin (Lipitor, tamoxifen).
3. Liều lượng dùng vitamin E an toàn, hiệu quả
Nếu bạn muốn bổ sung thực phẩm chức năng vitamin E hằng ngày, 15mg là liều dùng an toàn và hiệu quả. Nếu được chẩn đoán là thiếu hụt loại vitamin E, bạn có thể bổ sung 60 – 75 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ đối với liều lượng cao này.
Có hai dạng vitamin E trên thị trường: D-alpha-tocopherol (dạng tự nhiên), DI-alpha-tocopherol (dạng tổng hợp). Cả hai dạng vitamin E này đều hoạt động tương tự nhau, nhưng bạn cần dùng gấp đôi DI-alpha-tocopherol để đạt cùng nồng độ trong máu.
Các liều lượng dùng vitamin E có thể gây nhầm lẫn cho người dùng ví dụ: IU, miligam. Dưới đây là cách tính đơn giản liều dùng vitamin E an toàn hằng ngày.
Cách tính liều miligam của D-alpha-tocopherol: Bạn lấy chỉ số IU trên nhãn sản phẩm nhân 0,67. Tương tự với công thức này, 25 IU bằng 16,75 mg.
Cách tính liều miligam của DI-alpha-tocopherol: Bạn nhân các IU với 0,43. Dựa trên công thức này, 50 IU bằng 21,5 mg.
Vitamin E là một dưỡng chất vi lượng dễ dàng tìm thấy trong các loại thực phẩm, bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, với các trường hợp mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột, nên bổ sung bằng các loại thực phẩm chức năng vitamin E có sẵn. Bên cạnh những lợi ích tốt cho hệ miễn dịch, vitamin E vẫn còn bị lầm tưởng là “thần dược”, có chức năng điều trị một số loại bệnh như trên. Nếu bạn muốn bổ sung vitamin E mỗi ngày, bạn cần đảm bảo liều lượng an toàn cho sức khỏe.
VI NGUYỄN / HELLO BACSI