Ngoài bữa chính thì những bữa ăn vặt cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ nhỏ. Biết được món nào vừa ngon lại vừa bổ sẽ giúp mẹ dễ dàng lựa chọn các món ăn vặt cho bé hơn.
Rất nhiều mẹ hay thắc mắc nên làm món ăn vặt nào cho bé từ 1 đến 2 tuổi. Cùng tham khảo các món ăn vặt lành mạnh và hấp dẫn cho bé mới tập đi ngay sau đây nhé!
13 món ăn vặt bổ dưỡng cho bé
Những gợi ý sau sẽ giúp mẹ bớt đau đầu khi phải nghĩ làm món ăn vặt gì cho con nhỏ của mình.
1. Ngũ cốc nguyên hạt
Một chén ngũ cốc nguyên hạt cùng sữa và các loại trái cây chứa nhiều vitamin, canxi và chất xơ là một sự lựa chọn tuyệt vời để khởi đầu ngày mới. Để món ăn thêm hấp dẫn và tăng hương vị, bạn hãy thử trộn ngũ cốc với sữa chua và mứt dâu cho bé ăn.
2. Phô mai
Phô mai cũng là một món ăn vặt mà rất nhiều trẻ nhỏ yêu thích. Hơn nữa, món ăn này còn cung cấp protein và năng lượng cho các bé vui chơi đến cuối ngày. Bạn có thể cho bé ăn bánh quy không muối phết phô mai ít béo. Bên cạnh đó, để tăng sự hấp dẫn, bạn nên cắt phô mai thành những hình thú đáng yêu hoặc ăn kèm phô mai với các loại trái cây mà bé yêu thích.
3. Bơ đậu phụng
Bơ đậu phụng chứa nhiều protein và chất xơ. Bạn có thể cho trẻ ăn bơ kèm bánh quy hoặc bánh mì, vừa thơm ngon lại tiện lợi.
4. Sinh tố – món ăn vặt lành mạnh cho bé
Không chỉ có mùi vị hấp dẫn, sinh tố còn chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ 1 đến 2 tuổi. Bạn có thể sử dụng sữa chua không béo hương vani, nước cam ép nguyên chất và chuối để chế biến một món ăn vặt đơn giản cho bé thưởng thức. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho bé ăn trái cây tươi cắt nhỏ. Cho bé ăn sinh tố là một cách hay để bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của bé.
5. Bánh nướng kèm rau củ, trái cây
Nếu bé lười ăn rau củ, bạn có thể thêm rau củ hoặc trái cây vào bánh nướng xốp hoặc bánh mì để đánh lừa vị giác của trẻ. Bánh donut sốt táo nướng, bánh mì chuối, bánh chiên bí ngòi, súp lơ viên nướng… là những món ăn vặt yêu thích của trẻ nhỏ.
6. Sữa chua
Sữa chua ít béo là một loại thực phẩm giàu canxi mà rất nhiều trẻ nhỏ yêu thích. Để tăng hương vị và chất dinh dưỡng, bạn có thể cho thêm các loại quả mọng và phô mai vào sữa chua. Bạn cũng có thể tự làm sữa chua tại nhà, bảo quản lạnh và cho bé dùng hàng ngày.
7. Món ăn vặt cho bé từ khoai lang
Khoai lang là thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin B6, vitamin C và axit folic. Do đó, nó là lựa chọn thay thế tuyệt vời cho những loại thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo có hại được bày bán ở nhiều cửa hàng.
8. Trứng
Khi cho trẻ ăn một quả trứng, bạn đã cung cấp gần 1/3 nhu cầu protein mỗi ngày của bé. Trứng luộc chín là một lựa chọn hợp lý và tiện lợi. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm bánh mì trứng cho trẻ ăn vặt hoặc mang đến lớp.
9. Mì ống
Mì ống rất giàu tinh bột, protein và chất xơ cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nó còn là một món ăn vặt cho bé rất dễ thực hiện. Bạn chỉ cần 20 phút để nấu một món mì ống thơm ngon và bổ dưỡng. Để hấp dẫn bé hơn, bạn có thể trang trí mì ống thành hình con thú hoặc bông hoa mà con thích và bảo quản trong tủ lạnh. Vào giờ ăn, bạn chỉ cần cho mì ống vào lò vi sóng cùng với rau hoặc thịt gà đã nấu chín và nước sốt cà chua để ăn kèm.
10. Làm món trộn cho bé ăn vặt
Bạn có thể trộn hỗn hợp các loại các loại hạt, bánh quy, ngũ cốc, khoai tây chiên, chuối và bỏng ngô để tạo nên món trộn thơm ngon cho bé. Bên cạnh đó, bạn hãy thử trộn bắp rang với trái cây, đây cũng là một món trộn ngon miệng phù hợp với bé.
11. Nho khô
Nho khô chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho trẻ như chất xơ, kali và vitamin. Đặc biệt, nó còn rất thơm ngon, hấp dẫn. Các bé cũng sẽ rất thích ăn kem trộn với táo hoặc cà rốt có phủ nho khô.
12. Món ăn vặt cho bé với dâu tây
Bạn hãy cố gắng cho thêm dâu tây tươi vào thực đơn hàng ngày của bé. Loại trái cây này chứa rất nhiều vitamin C, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên làm các món ăn vặt có dâu để bổ sung protein và các vi chất quan trọng cho bé.
13. Món ăn vặt cho bé với táo
Táo là loại trái cây cực kì tốt cho sức khoẻ của bé. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bé đã chán ăn táo, hãy thử cho bé ăn táo sấy khô. Táo sấy khô cũng chứa nhiều vitamin C và chất xơ không kém gì táo tươi. Một gợi ý khác là bạn có thể rắc táo sấy khô lên sữa chua ít béo hương vani cho bé thưởng thức.
Những điều cần ghi nhớ khi cho trẻ mới tập đi ăn vặt
Trong quá trình làm món ăn vặt cho con, các mẹ nên lưu ý một số điều sau:
Chọn thực phẩm tươi thay vì đồ hộp
Bạn nên chọn thực phẩm tươi bởi chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ cần thiết cho trẻ. Tránh cho các bé 1 đến 2 tuổi ăn đồ hộp, đồ đóng gói vì những loại thực phẩm này thường chứa nhiều đường, muối và chất béo.
Nếu con bạn đã đi nhà trẻ, hãy hỏi về những loại đồ ăn nhẹ mà bé ăn ở đó. Nếu bạn không muốn con ăn các món ăn tại nhà trẻ, hãy kiến nghị một thực đơn thức ăn vặt khác tốt cho sức khoẻ của bé hơn. Nếu đề nghị của bạn không được nhà trường tiếp nhận, bạn có thể gửi riêng đồ ăn vặt cho con.
Tiết kiệm thời gian bằng các món ăn vặt dễ làm
Thông thường, để có một món ăn nhẹ bổ dưỡng, các mẹ sẽ tốn khá nhiều công sức trong việc chế biến. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe của bé mà lại không quá rắc rối. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể chọn làm những món sau:
- Ngũ cốc ăn sáng ít đường
- Trái cây tươi xắt lát mỏng hoặc cắt thành miếng nhỏ
- Ngũ cốc nguyên hạt và bánh nướng xốp nhỏ
- Phô mai cắt thành lát mỏng hoặc cắt nhỏ
Cho bé tự chọn thức ăn vặt
Con bạn có thể còn nhỏ nhưng bé vẫn sẽ cảm thấy không thoải mái nếu bạn điều khiển hết mọi chuyện. Hãy biến bữa ăn vặt thành một dịp để bé tự lựa chọn theo ý muốn của mình. Bạn nên làm nhiều món trong một bữa ăn nhẹ, ngồi chung với bé, để cho bé tự chọn món và ăn bao nhiêu tùy thích.
Tuy vậy, bạn không nên cho phép bé tự chọn loại đồ ăn thay thế hoặc thời gian bé muốn ăn vặt. Bé chỉ có thể lựa chọn những món ăn mà bạn cho bé ăn mà thôi.
Đừng ép bé ăn
Nếu bé không thích một món ăn nhẹ nào đó, đừng ép bé phải ăn. Bạn nên ghép một món mà con thích với một loại thực phẩm mới trong bữa ăn nhẹ. Khi bé chịu ăn món mới, bạn hãy tiếp tục cho bé ăn món đó vào các bữa tiếp theo. Bạn cần hiểu rằng phải thử cho bé ăn nhiều lần thì bé mới chịu ăn một loại đồ ăn mới.
Đừng dùng kẹo để thưởng khi bé chịu ăn vặt
Nếu bạn dùng kẹo để thưởng cho con, bé có thể nghĩ rằng kẹo ăn ngon, tốt hơn những loại thức ăn khác. Việc ăn nhiều kẹo sẽ trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn. Các đồ ăn ngọt cung cấp rất ít chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Bạn chỉ nên thỉnh thoảng cho bé ăn đồ ngọt nhưng nhớ không nên để con ăn quá nhiều.
Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn món ăn vặt phù hợp cho bé nhà mình. Ăn uống đúng cách và lành mạnh sẽ giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt nhất.