Não cá vàng khiến bạn hết quên cái này đến nhớ nhầm cái kia? Để tránh tình trạng khiến những người xung quanh phải lắc đầu hay chính bạn mệt mỏi vì trí nhớ kém, hãy thử áp dụng các bài tập giúp đầu óc minh mẫn hơn nhé!
Một bộ não minh mẫn sẽ giúp bạn tránh khỏi những phiền phức khi vô tình quên những việc hằng ngày như rút chìa khóa xe, sao lưu tập tin hay nhớ tên một ai đó. Tuy nhiên, ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng và ngủ đủ giấc thì một số bài tập đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện trí nhớ tốt hơn đấy.
1. Sử dụng tay không thuận
Nếu bạn là người thuận tay phải, hãy thử sử dụng tay trái một lần trong các hoạt động như ăn, viết, cầm, nâng đồ vật. Bạn sẽ dễ gặp khó khăn khi mới bắt đầu, tuy nhiên khi thực hành nhiều lần thì bạn có thể làm ít nhất một công việc hằng ngày bằng tay không thuận.
Ý tưởng dùng tay không thuận xuất phát từ nhu cầu phát triển phần không hoạt động của não bộ. Điều này giúp thúc đẩy sự mở rộng của các phần chịu trách nhiệm xử lý thông tin từ xúc giác của vỏ não.
2. Nhắm mắt để làm việc
Có một vài loại công việc mà bạn làm hằng ngày và không cần suy nghĩ. Chắc hẳn khi lau nhà bạn đã không nhớ được cầu thang trong nhà có bao nhiêu bậc. Khi bạn rửa chén thì bạn cũng không rõ có bao nhiêu đĩa trong gian bếp. Lý do là vì những hoạt động đó thường xuyên đến nỗi khiến bạn làm một cách lơ đễnh.
Bạn có thể thử thực hiện các hoạt động hàng ngày khi nhắm mắt để kích thích trí não. Hãy nhắm mắt khi bạn tắm, đi từ phòng này sang phòng khác và trong các hoạt động khác nữa. Bằng cách này, khi tay chạm vào một đồ vật thì tín hiệu về đồ vật ấy sẽ được truyền đến não.
3. Thay đổi lịch trình hoạt động mỗi ngày
Bạn thường chuẩn bị một lịch trình hoạt động một ngày ngay sau khi thức dậy? Thói quen lặp lại có thể khiến đầu óc trở nên trì trệ, đã đến lúc bạn thay đổi để hoạt bát và minh mẫn hơn! Việc thay đổi thói quen và tạo các hành động mới sẽ giúp duy trì sự nhanh nhạy cho bộ não.
Bạn không cần làm những điều quá phức tạp, chỉ đơn giản là làm mới hoạt động mỗi ngày. Chẳng hạn bạn sẽ đảo ngược việc thay quần áo trước khi ăn sáng, thay đổi nơi tập thể dục hay thậm chí xem phim hoạt hình thay vì tin tức buổi sáng.
4. Nhìn các vật theo hướng lộn ngược
Bạn luôn nhìn mọi vật theo cách mà mọi người nhìn thấy. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao những đứa trẻ lại có thể cầm ngược quyển sách và đọc hay treo ngược cành cây rồi nhìn mọi thứ theo chiều hướng đảo ngược lại hay không?
Bạn có thể đặt khung hình gia đình lộn ngược trên bàn, treo đồng hồ hay lịch trên bức tường khác hay thậm chí đeo đồng hồ ngược. Bằng cách này, khi nhìn vào những đồ vật đó, não sẽ bắt đầu tập trung phân tích và giúp tăng tính nhanh nhạy cho não.
5. Chơi với đồng tiền xu trong ly nước
Hệ thống chữ nổi hỗ trợ người khiếm thị dễ dàng đọc chữ nhưng lại khó với người bình thường. Tuy nhiên, khi chạm vào chữ, bạn sẽ biết cách người khiếm thị dùng để đọc chúng. Họ chạm và cảm nhận các chữ cái in trên đó. Vì vậy, thay vì dùng thị giác, họ yêu cầu bộ não đọc thông tin từ xúc giác.
Có một cách để bạn rèn luyện tính nhanh nhạy của tế bào não tương tự như hệ thống chữ nổi. Bạn chỉ cần đặt đồng xu vào một ly nước, dùng tay chạm vào đồng xu. Sau đó, hãy thử đoán mệnh giá của đồng xu mà không cần nhìn vào ly.
6. Thử ăn nhiều món mới bạn chưa từng thử
Đã đến lúc thay đổi nếu bạn chỉ gọi những món ăn giống nhau khi đi ăn mỗi ngày. Thử món ăn mới là dịp để não bộ tiếp xúc với mùi vị mới và truyền tín hiệu đến mũi để kích hoạt cơ quan thụ cảm. Sự thay đổi này sẽ giúp não có những cảm giác và cảm nhận mới mẻ.
Khi lên thực đơn tại nhà cũng vậy, bạn nên thử nấu một vài món ăn mới hằng ngày. Bạn có thể sử dụng loại gia vị khác nhau để làm phong phú hơn bữa ăn của mình. Chỉ cần search tên món ăn bạn thích, sẽ có rất nhiều website và kênh YouTube hướng dẫn bạn thực hiện!
7. Đọc to thành tiếng khi bạn ở một mình
Hãy thử đọc to khi bạn đang đọc sách hay tài liệu trong căn phòng yên tĩnh. Quá trình đọc sẽ tốn khoảng vài phút hoặc lâu hơn so với bình thường nhưng sẽ mang lại lợi ích giúp bạn cải thiện trí nhớ.
Nghiên cứu chứng minh ba khu vực của não bộ sẽ sáng lên bất kỳ khi nào những từ trong sách được đọc to. Nghe sách nói cũng mang lại hiệu quả tương tự cho não bộ. Bằng cách đọc to, não bộ có xu hướng sử dụng nhiều mạch não cùng lúc.
8. Làm quen với các ứng dụng giúp ghi nhớ
Những ứng dụng giúp bạn ghi nhớ tốt hơn ở ngay trên chiếc điện thoại của bạn là những sáng tạo hữu ích giúp tăng khả năng ghi nhớ mọi thứ hiệu quả. Bạn có nhớ những cụm công thức toán học hay nhớ những từ vựng tiếng Anh không? Hãy thử sử dụng các ứng dụng liên quan để có thể học thuộc những điều cần nhớ mọi lúc mọi nơi nhé.
Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng tốt cho bạn ghi nhớ những thứ cần thiết có sẵn trên điện thoại. Phương pháp này giúp khu vực não bộ nhanh nhạy hơn và tăng khả năng ghi nhớ hiệu quả.
9. Bổ sung dinh dưỡng cho não bộ của bạn
Bạn nên tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cho não như thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất béo lành mạnh.
Những thực phẩm giúp phát triển não như quả óc chó, dầu dừa, nghệ, quả việt quất, trứng, bông cải xanh và bơ.
10. Trò chuyện với mọi người xung quanh
Trò chuyện và gặp gỡ mọi người sẽ giúp não bộ phát triển mạnh mẽ. Khi bạn bắt đầu cuộc nói chuyện với người khác, bộ não sẽ thực hiện quá trình tiếp nhận và truyền thông tin. Tương tác với mọi người sẽ giúp não bộ có cơ hội nhận những ý tưởng và suy nghĩ mới, điều này mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
Bạn có thể chủ động tạo những cuộc trò chuyện với người lạ hàng ngày. Chẳng hạn như khi mua đồ ở siêu thị, đợi cà phê take away, chào người mới đến công ty… Những cuộc trò chuyện sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ và nhạy bén hơn trong giao tiếp đấy.
Để có được trí nhớ tốt, ngoài những bài tập giúp đầu óc minh mẫn trên thì bạn nên tích cực sử dụng đồng thời các giác quan trong hoạt động hằng ngày như ghi chép, ngửi mùi trái cây, nghe nhạc… Hãy tạo cơ hội để động não nhiều hơn, bạn sẽ không còn phải ngẩn ngơ mỗi lần cố gắng nhớ ra mình cần phải làm gì tiếp theo!