Xét nghiệm nội soi bàng quang là thủ thuật xâm lấn giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý tiết niệu, sinh thiết và điều trị bệnh.
Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu nội soi bàng quang là gì, quy trình thực hiện và các vấn đề thường gặp nhé!
Xét nghiệm nội soi bàng quang là gì?
Nội soi bàng quang (cystoscopy) là phương pháp xét nghiệm giúp chẩn đoán can thiệp để quan sát bên trong bàng quang hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể). Xét nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các tình trạng y tế ảnh hưởng đến các cơ quan này.
Bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng (ống soi bàng quang – cystoscope) đưa vào lỗ tiểu, luồn qua niệu đạo và đi đến bàng quang. Trên ống soi có gắn một máy ảnh nhỏ chuyển tiếp nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp đến màn hình để bác sĩ có thể quan sát và chẩn đoán.
Nội soi bàng quang được sử dụng để chẩn đoán các triệu chứng liên quan đến niệu đạo hoặc bàng quang nhằm xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề như:
- Đau khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau vùng xương chậu
- Có máu trong nước tiểu
- Nhiễm trùng bàng quang tái phát
- Bí tiểu – bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không thể tiểu được
Nội soi bàng quang là phương pháp xâm lấn thường được thực hiện sau khi phát hiện sự bất thường của niệu đạo hoặc bàng quang ở các xét nghiệm không xâm lấn như X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Phương pháp này cung cấp hình ảnh rõ ràng để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng.
Nhờ vào các hình ảnh bên trong niệu đạo và bàng quang, bác sĩ có thể xác định được các bất thường về cấu trúc, các khu vực viêm, tăng trưởng hoặc loét bất thường và chẩn đoán một số tình trạng khác bao gồm:
- Hẹp niệu đạo
- Sỏi bàng quang
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Viêm bàng quang kẽ (Interstitial cystitis)
- Tăng trưởng mô bất thường hoặc ung thư
- Loét bên trong niệu đạo hoặc bàng quang
Việc chẩn đoán không chỉ đơn giản quan sát bên trong mà đôi lúc bác sĩ có thể lấy một mẫu mô bất thường để sinh thiết trong suốt quá trình mới có thể đánh giá được. Máy soi bàng quang thường được trang bị một công cụ chuyên biệt để có thể lấy mẫu.
Nếu bác sĩ thông báo tình trạng của bạn cần phải sinh thiết, điều này không có nghĩa là bạn bị ung thư. Phương pháp sinh thiết còn được sử dụng để kiểm tra các khu vực nhiễm trùng, viêm và sự tăng trưởng tế bào lành tính.
Khi nội soi bàng quang với mục đích điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp này để loại bỏ các tăng trưởng tế bào nhỏ, sỏi bàng quang hoặc điều trị hẹp niệu đạo.
Quá trình thực hiện xét nghiệm nội soi bàng quang
Quá trình thực hiện nội soi bàng quang bao gồm 3 bước:
1. Chuẩn bị trước khi nội soi
Nếu bạn chuẩn bị nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ thảo luận về những thủ tục ban đầu. Bác sĩ có thể cân nhắc sinh thiết hoặc điều trị ngay trong quá trình thực hiện tùy thuộc vào tình trạng, đồng thời cung cấp thông tin về kế hoạch thực hiện.
• Địa điểm: Tùy thuộc vào độ phức tạp tình trạng của bạn và kết quả của các xét nghiệm sơ bộ, hầu hết các thủ tục nội soi bàng quang được thực hiện trong phòng khám của bác sĩ với thuốc gây tê tại chỗ.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp thủ thuật nghiêm trọng mất nhiều thời gian hơn bình thường hoặc có thể liên quan đến việc cắt bỏ mô hay điều trị hẹp niệu đạo. Khi đó, bạn cần thực hiện nội soi bàng quang bằng thuốc gây mê toàn thân tại bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật.
• Thời gian: Nếu bạn được thực hiện nội soi bàng quang tại phòng khám bác sĩ, bạn có thể mất khoảng 1 tiếng. Nếu thực hiện xét nghiệm gây mê toàn thân, dự kiến có thể mất khoảng nửa ngày tại bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật.
Xét nghiệm nội soi bàng quang thường mất khoảng 10 đến 30 phút để thực hiện. Thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể cung cấp cho bạn ước tính thời gian cụ thể hơn dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm hình ảnh sơ bộ.
• Quần áo: Trong quá trình xét nghiệm tại bệnh viện, bạn sẽ mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, không mang vớ và đồ lót. Đồng thời, bạn cũng cần phải tẩy trang, chùi sạch sơn móng tay, móng chân trước khi xét nghiệm.
• Ăn uống: Nếu bạn sử dụng biện pháp gây mê toàn thân, bạn cần kiêng thực phẩm và đồ uống trong khoảng 6 đến 8 giờ trước khi làm thủ thuật.
• Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh trước và sau khi làm thủ thuật nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiểu (UTI) hoặc hệ thống miễn dịch yếu. Bạn cũng có thể cần phải lấy mẫu nước tiểu trước khi xét nghiệm.
• Gây mê, gây tê: Nhiều người thường lo lắng nội soi bàng quang có đau không. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về loại thuốc thực hiện trong quá trình xét nghiệm để giảm đau:
– Gây tê cục bộ (Local anesthesia): Bạn sẽ vẫn tỉnh táo trong quá trình thực hiện, ăn uống và về nhà bình thường sau khi hoàn thành.
– Gây mê toàn thân (General anesthesia): Bạn sẽ mất ý thức hoàn toàn trong quá trình soi bàng quang, bạn cần phải nhịn ăn trong vài giờ trước khi thực hiện thủ thuật.
– Gây tê vùng (Regional anesthesia): Trường hợp này, bạn có thể sẽ được tiêm thuốc tê cột sống để làm tê toàn bộ phần dưới của cơ thể.
Trước khi xét nghiệm nội soi bàng quang, bạn sẽ được yêu cầu điền vào một số biểu mẫu liên quan đến thủ thuật bao gồm chi phí thanh toán, bảo hiểm, sự đồng ý thực hiện…
2. Quá trình nội soi bàng quang
Sau khi hoàn thành các thủ tục trước khi xét nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu đi tiểu để làm rỗng bàng quang, cởi quần áo từ thắt lưng trở xuống và mặc áo choàng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc gây tê cục bộ hoặc thuốc gây mê toàn thân.
• Thuốc gây tê cục bộ: Thuốc gây tê cục bộ được sử dụng cho nội soi bàng quang thường ở dạng gel hoặc dạng thạch gây tê niệu đạo. Bác sĩ sau khi sử dụng sẽ đợi một vài phút để thuốc tê có hiệu quả rồi bắt đầu đặt ống soi.
• Thuốc gây mê toàn thân: Trường hợp dùng thuốc gây mê toàn thân, bạn sẽ được dùng thuốc qua đường tĩnh mạch. Bạn cũng sẽ được kiểm tra lượng oxy và đo nhịp tim trong suốt quy trình thực hiện.
Ống soi bàng quang sẽ được đưa vào lỗ tiểu thông qua niệu đạo đi đến bàng quang. Bác sĩ có thể sử dụng một ống soi mềm linh hoạt hoặc một ống soi cứng thường có cùng kích thước.
• Ống soi bàng quang mềm: Có tính linh hoạt, dẻo, ít gây khó chịu hơn, thường dùng để quan sát bên trong bàng quang.
• Ống soi bàng quang cứng: Cấu tạo cứng với nhiều thấu kính giúp quan sát hình ảnh rõ ràng hơn, có thể lấy mẫu mô xét nghiệm hoặc thực hiện điều trị loại bỏ sỏi.
Nội soi bàng quang có thể sử dụng tia sáng trắng hoặc xanh để quan sát bàng quang và niệu đạo. Tia sáng xanh có thể giúp dễ dàng phát hiện ung thư bàng quang hơn. Bác sĩ sau đó sẽ làm đầy bàng quang với nước vô trùng qua ống soi để giúp quan sát dễ dàng hơn, bạn có thể cảm thấy mắc tiểu hay áp lực ở bàng quang.
Nếu nhận thấy sự tăng trưởng mô bất thường, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết ngay trong quá trình nội soi bàng quang. Để lấy mẫu mô thường chỉ mất vài giây, bạn có thể cảm thấy buốt nhẹ hoặc cảm giác như chuột rút.
Quá trình nội soi bàng quang thường mất khoảng 30 phút hoặc ít hơn, nếu thực hiện sinh thiết hoặc điều trị loại bỏ sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo sẽ mất nhiều thời gian hơn.
3. Sau khi thực hiện nội soi
Sau khi thực hiện xong, bạn sẽ được xuất viện khi đã được kiểm tra có thể đi tiểu bình thường. Nếu bạn gây mê toàn thân sẽ mất khoảng một tiếng để cảm thấy tỉnh táo hơn. Bác sĩ sẽ kiểm tra bạn có thể tự đi lại và có người thân đưa về hay không mới cho phép bạn xuất viện.
Bác sĩ sẽ thảo luận kết quả chẩn đoán nội soi bàng quang và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trong trường hợp sinh thiết sẽ được gửi mẫu về phòng thí nghiệm và có kết quả sau vài ngày.
Vấn đề thường gặp khi xét nghiệm nội soi bàng quang
Triệu chứng thường gặp sau khi thực hiện thủ thuật là cảm giác nóng rát khi đi tiểu trong 2 – 3 ngày. Khi bạn sinh thiết có thể xuất hiện máu trong nước tiểu, do đó bạn cần đi tiểu thường xuyên hơn bình thường vì máu trong bàng quang có thể đông lại và tạo ra sự tắc nghẽn.
Ngoài ra, bạn có thể gặp một số biến chứng sau đây:
• Sưng niệu đạo (viêm niệu đạo): Đây là biến chứng phổ biến nhất gây khó khăn khi đi tiểu. Nếu bạn không thể đi tiểu trong hơn 8 giờ sau khi làm thủ thuật, bạn hãy liên hệ với bác sĩ.
• Nhiễm trùng: Trong những trường hợp hiếm gặp, vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nước tiểu có mùi lạ, buồn nôn và đau lưng dưới. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
• Chảy máu: Trong một số trường hợp có thể xảy ra tình trạng xuất huyết nặng, bạn nên liên hệ bác sĩ sớm nếu gặp vấn đề này.
Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp tình trạng:
- Sốt cao hơn 38,5 độ C
- Đau bụng và buồn nôn
- Không thể đi tiểu sau khi nội soi
- Đau hoặc rát khi đi tiểu kéo dài hơn 2 ngày
- Có máu đỏ tươi hoặc cục máu đông trong nước tiểu
Để giảm bớt cảm giác khó chịu sau khi thực hiện nội soi bàng quang, bạn có thể thử áp dụng các cách sau đây:
• Dùng khăn ấm: Bạn có thể đặt một chiếc khăn ướt và ấm trên lỗ tiểu để giúp giảm đau, lặp lại khi cần thiết.
• Tắm nước ấm: Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn tránh tắm, do đó bạn nên hỏi rõ bác sĩ trước khi thực hiện.
• Uống nước: Việc rửa sạch bàng quang có thể làm giảm kích ứng, vì vậy bạn nên uống khoảng 500ml nước/giờ trong hai giờ đầu sau khi nội soi bàng quang.
• Dùng thuốc: Bạn có thể dùng thuốc giảm đau khi cần như acetaminophen hoặc ibuprofen dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa biến chứng khi hiểu rõ nội soi bàng quang là gì, quy trình thực hiện và cách xử lý các vấn đề. Nội soi bàng quang có đau không còn phụ thuộc vào việc bạn phối hợp với bác sĩ khi thực hiện. Nếu bạn đã chuẩn bị tâm lý và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi thực hiện xét nghiệm này.
Hoàng Trí | HELLO BACSI