Xạ hình gallium (Gallium Scan)

(3.66) - 45 đánh giá

Xạ hình gallium

Hình: Xạ hình gallium (Gallium Scan)

Lưu ý: Những thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Việc sắp xếp và cách thực hiện có thể thay đổi khác nhau giữa các bệnh viện. Hãy làm theo hướng dẫn của các bác sĩ hoặc bệnh viện của bạn.

Xạ hình gallium là gì?

Xạ hình gallium là một loại của xạ hình (radionuclide or isotope scan). Trong xạ hình gallium, một liều nhỏ chất phóng xạ (đồng vị phóng xạ) được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Đồng vị phóng xạ này phát ra một loại tia mà mắt thường không thể nhìn thấy được gọi là tia gamma. Tuy nhiên, có một loại máy camera đặc biệt, được gọi là gamma camera, có thể thấy được loại tia này. Dùng loại máy camera này có thể chụp được những vùng cơ thể phát ra tia gamma sau khi tiêm đồng vị phóng xạ.

Xem thêm bài Xạ hình.

Có nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau. Mỗi loại có xu hướng tập trung trong những mô cơ quan khác nhau. Vì vậy, việc dùng loại đồng vị phóng xạ nào tùy thuộc vào phần nào của cơ thể được ghi hình.

Gallium có xu hướng tập trung ở những vùng cơ thể mà ở đó có sự phân chia tế bào nhanh. Vùng được chụp lại bằng gamma camera có lượng gallium tập trung cao có thể là dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng, viêm, chấn thương hoặc ung thư.

Xạ hình gallium hoạt động như thế nào?

Kỹ thuật này bắt đầu bằng việc tiêm vào máu một chất có tên là gallium citrate. Chất này có hoạt tính giống như chất sắt, một số sẽ gắn với protein trong máu, đặc biệt là loại protein có tên là transferrin. Sau đó, nó được vận chuyển theo dòng máu trong cơ thể và bắt đầu tập trung ở những vùng khác nhau của cơ thể. Gallium sẽ tập trung một cách tự nhiên ở những vùng có hiện tượng viêm hoặc nơi có bạch cầu tập hợp nhiều. Sự tích tụ gallium có thể mất vài ngày, điều này giải thích tại sao phần thứ hai của xạ hình được thực hiện vài ngày sau đó.

Gallium phát ra một loại tia phóng xạ có tên là tia gamma. Tia gamma giống với tia X và được ghi nhận bởi một thiết bị gọi là gamma camera. Các tia gamma phát ra từ bên trong cơ thể ghi nhận lại bằng gamma camera, được biến đổi thành tín hiệu điện và được chuyển vào một máy tính. Máy tính này sẽ tạo ra hình ảnh có màu sắc hay độ xám khác nhau tương ứng với những tín hiệu thu nhận có cường độ khác nhau.

Ví dụ, những vùng mô cơ quan đích phát ra nhiều tia gamma có thể đươc biểu diễn bằng những vùng màu đỏ (vùng nóng) trên hình ảnh được tạo ra bằng máy tính. Những vùng mô cơ quan đích phát tia gamma thấp có thể được biểu diễn bằng màu xanh dương (vùng lạnh). Nhiều màu sắc khác có thể được dùng trong “khoảng giữa” tùy theo mức độ tia gamma phát ra.

Thực hiện xạ hình gallium như thế nào?

Bình thường kỹ thuật này được thực hiện thành hai phần. Phần đầu, bạn sẽ được tiêm tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch cánh tay, một chất có tên là gallium citrate. Khi đâm kim tiêm vào, bạn có thể cảm thấy một chút khó chịu nhưng bình thường sau đó bạn sẽ không cảm thấy khó chịu nữa. Sau khi tiêm, thường bạn sẽ được cho về nhà – để gallium có thể tuần hoàn trong cơ thể bạn.

Phần thứ hai của kỹ thuật là bạn quay trở lại bệnh viện để chụp hình. Tùy vào bệnh viện và lý do bạn được chỉ định xạ hình, bạn có thể được hướng dẫn quay trở lại viện để chụp hình sau tiêm thuốc một ngày, hai ngày hoặc ba ngày.

Hình: Thực hiện xạ hình gallium

Khi đến thời điểm ghi hình, bạn nằm trên bàn để camera ghi nhận các tia gamma phát ra từ cơ thể bạn. Máy tính sẽ biến đổi những thông tin này thành hình ảnh. Bạn cần nằm yên trong quá trình ghi hình (để hình ảnh không bị nhòe). Vài hình ảnh có thể cần 20 phút hoặc hơn để ghi lại. Camera không tạo ra bất kỳ tia phóng xạ nào, vì vậy bạn sẽ không bị chiếu tia thêm trong khi được ghi hình.

Số lượng hình ảnh được ghi nhận và khoảng thời gian giữa mỗi hình ảnh, thay đổi tùy vào việc ghi hình bộ phận nào. Vì vậy, toàn bộ quá trình có thể mất vài giờ.

Xạ hình gallium dùng để làm gì?

Xạ hình gallium có thể được dùng để:

  • Phát hiện nguồn gốc nhiễm trùng gây sốt (được gọi là sốt không rõ nguyên nhân).
  • Tìm áp xe hoặc nhiễm trùng, đặc biệt ở trong xương.
  • Theo dõi đáp ứng điều trị với kháng sinh.
  • Chẩn đoán các bệnh lý viêm như xơ phổi hoặc sarcoidosis.
  • Phát hiện một số loại ung thư (như lymphoma). Xạ hình gallium cũng có thể được làm với mục đích tìm xem ung thư có di căn đến những vùng khác của cơ thể không hoặc đánh giá đáp ứng điều trị có tốt không.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm xạ hình gallium?

Thường rất ít. Bệnh viện của bạn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin riêng để giúp bạn chuẩn bị cho kỹ thuật này. Bởi vì xạ hình gallium có liên quan đến một lượng nhỏ tia phóng xạ, do đó không nên thực hiện trên phụ nữ có thai. Nói cho bác sĩ của bạn biết bạn đang, hoặc nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú. Bạn có thể được hướng dẫn ngừng cho con bú trong một khoảng thời gian trước và sau khi làm xạ hình.

Nếu cần chụp hình vùng bụng, bạn sẽ được cho uống thuốc nhuận tràng trước khi chụp hình. Thuốc này sẽ làm cho bạn đi cầu (đại tiện). Điều này giúp cho hình chụp rõ hơn. Nếu bạn cần thuốc này, nhân viên bệnh viện sẽ đưa cho bạn. Họ cũng sẽ hướng dẫn bạn khi nào dùng thuốc.

Tôi có thể bị gì sau khi làm xạ hình gallium?

Thông thường, các kỹ thuật xạ hình như xạ hình gallium không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Thông qua quá trình phân rã tự nhiên, lượng nhỏ chất phóng xạ trong cơ thể bạn sẽ mất tính phóng xạ theo thời gian. Nó cũng có thể được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu hoặc phân trong vài giờ hay vài ngày đầu sau khi làm xạ hình. Bạn có thể được chỉ dẫn các phòng ngừa đặc biệt sau khi đi tiểu, cần xả nước bồn vệ sinh hai lần và rửa tay kỹ.

Nếu bạn tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, bạn cần cho bác sĩ của bạn biết. Mặc dù mức độ phóng xạ dùng trong xạ hình rất nhỏ, họ cần phải được chỉ bảo những phòng ngừa đặc biệt. Bệnh viện của bạn sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn về vấn đề này.

Nếu bạn đi nước ngoài trong vòng ba tháng sau khi làm xạ hình, bạn cần hỏi bác sĩ để có những hướng dẫn kỹ hơn. Những cửa ra vào ở sân bay có những đầu dò phóng xạ rất nhạy có thể phát hiện ra một lượng rất nhỏ chất phóng xạ vẫn còn trong cơ thể bạn sau khi làm xạ hình. Thông thường, có thể bệnh viện sẽ cung cấp một lá thư xác nhận để bạn có thể trình cho nhân viên tại sân bay.

Có những nguy cơ nào liên quan đến xạ hình gallium?

Thuật ngữ “phóng xạ” có thể gây lo lắng. Nhưng các chất phóng xạ dùng trong xạ hình được xem là an toàn và chúng được thải ra ngoài nhanh chóng qua nước tiểu. Cơ thể bạn nhận một liều phóng xạ rất nhỏ. Trong nhiều trường hợp, mức độ phóng xạ không khác biệt nhiều so với một vài kỹ thuật có dùng tia X. Tuy nhiên:

  • Cũng như các loại tia xạ khác (như tia X), tia gamma có nguy cơ nhỏ tác động lên thai nhi. Vì vậy, báo với bác sĩ của bạn nếu đang đang mang thai hoặc có thể mang thai.
  • Trong trường hợp hiếm gặp, một vài người có phản ứng dị ứng với thuốc được tiêm vào.
  • Trên lý thuyết, có thể bị quá liều khi tiêm thuốc. Trường hợp này rất hiếm.

Tài liệu tham khảo:

http://www.patient.co.uk/health/gallium-scan

Biên dịch - Hiệu đính

Ths.BS. Nguyễn Đức Lộc - BS. Lâm Xuân Nhã
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Xét nghiệm CRP

(52)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm CRP (protein phản ứng C/Protein phản ứng C có độ nhạy cao [hs-CRP])Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chung về xét nghiệm ... [xem thêm]

Siêu âm xuyên sọ

(63)
Tên kỹ thuật y tế: Siêu âm xuyên sọBộ phận cơ thể/mẫu thử: Sọ và các cấu trúc bên trongTìm hiểu chungSiêu âm xuyên sọ là gì?Siêu âm xuyên sọ dùng sóng ... [xem thêm]

Xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide)

(14)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide) là gì?Mục đích ... [xem thêm]

Đếm tế bào CD4+

(57)
Tên kỹ thuật y tế: Đếm tế bào CD4+Bộ phận cơ thể/mẫu thử: MáuTìm hiểu chungĐếm tế bào CD4+ là gì?Đếm tế bào CD4+ là xét nghiệm máu để xác định ... [xem thêm]

Kháng thể 21-hydroxylase

(39)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm kháng thể 21-hydroxylaseBộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm kháng thể 21-hydroxylase là gì?Xét nghiệm định ... [xem thêm]

Globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp

(68)
Tên kĩ thuật y tế: Miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSIs, Long-acting thyroid stimulator [LATS] chất kích thích tuyến giáp tác dụng lâu dài, Thyroid-binding inhibitory ... [xem thêm]

Kháng thể kháng ty thể

(69)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm kháng thể kháng ti thể (AMA).Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu.Tìm hiểu chungXét nghiệm kháng thể kháng ty thể là gì ?Xét nghiệm ... [xem thêm]

Khi nào cần nội soi dạ dày tá tràng ở trẻ em

(42)
Viêm loét dạ dày – hành tá tràng. Bệnh tưởng như chỉ có ở người lớn. Nhưng không, trẻ con cũng bị khá nhiều và dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác. ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN