Viêm màng não vi khuẩn là bệnh nguy hiểm nhất trong số các kiểu bệnh viêm màng não vì nó có khả năng gây tử vong rất nhanh.
Bệnh viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng gây viêm lớp màng bảo vệ bộ não và tủy sống. Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng, bệnh viêm màng não có thể tự hết mà không cần điều trị trong vài tuần hoặc trở nên nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Phân biệt viêm màng não vi khuẩn và các kiểu viêm màng não khác
Dựa trên loại nhiễm trùng, y học chia bệnh viêm màng não thành 3 dạng, bao gồm:
– Viêm màng não vi khuẩn
– Viêm màng não virus
– Viêm màng não nấm
Cả 3 kiểu bệnh đều có những triệu chứng ban đầu khá giống nhau như sốt cao đột ngột, cứng cổ, đau đầu.
Viêm màng não do virus
Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm màng não. Hầu hết các virus gây ra căn bệnh này đều thuộc họ enterovirus.
Trong những trường hợp hiếm gặp, các loại virus HIV hay herpes cũng có thể dẫn đến bệnh viêm màng não. Thông thường, bệnh viêm màng não do virus gây ra có thể tự khỏi trong vài tuần mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân có nguy cơ cao gặp phải biến chứng viêm màng não, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị nội trú để theo dõi diễn biến bệnh cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Những đối tượng đó bao gồm: người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Viêm màng não do nấm
Bệnh viêm màng não do bị nhiễm nấm thường ít gặp nhất trong số 3 kiểu viêm màng não. Bệnh thường xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch yếu và không truyền nhiễm từ người này sang người khác.
Những người nhiễm HIV hoặc mắc bệnh ung thư có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do nấm cao hơn những đối tượng khác. Loại nấm gây bệnh thường gặp là Crytococcus. Chúng thường được tìm thấy ở phân chim và phân dơi.
Viêm màng não do nấm thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho bệnh nhân. Người bệnh cần được điều trị liên tục tại bệnh viện. Thời gian chữa bệnh phụ thuộc vào tình trạng thể chất của từng người.
Bệnh viêm màng não vi khuẩn
Viêm màng não vi khuẩn xuất phát từ nguyên nhân bị vi khuẩn xâm nhập vào máu. Sau đó, vi khuẩn di chuyển đến mãng não gây ra tình trạng viêm. Bệnh cũng có thể xảy ra do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào màng não sau khi bị nhiễm trùng xoang hoặc nhiễm trùng tai, viêm tai giữa.
Viêm màng não vi khuẩn là trường hợp khẩn cấp cần được điều trị nhanh chóng. Nó có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu cấp cứu chậm trễ. Người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện bằng thuốc khác sinh liều cao để triệt tiêu vi khuẩn.
Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng cơ bản nhất của bệnh viêm màng não như sốt cao đột ngột không hạ, cứng cổ, đau đầu bất thường, bạn phải đến bệnh viện ngay để được bác sĩ kiểm tra và xác định loại bệnh. Trước đó, nếu bạn đã từng tiếp xúc với bệnh nhân viêm màng não, bạn phải báo cho bác sĩ biết để có thêm dữ liệu chẩn đoán.
Cách chăm sóc người mắc bệnh viêm màng não
Điều quan trọng nhất đối với người mắc bệnh viêm màng não là phải được chẩn đoán và xác định chính xác thể bệnh càng nhanh càng tốt. Trường hợp bạn mắc phải bệnh viêm màng não do vi khuẩn, bạn phải được điều trị ngay lập tức để tránh các biến chứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.
Trong quá trình chăm sóc người mắc bệnh viêm màng não, bạn cần lưu ý:
♥ Cho bệnh nhân uống đủ và đúng liệu trình kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
♥ Hợp tác thực hiện đầy đủ các xét nghiệm hỗ trợ việc theo dõi diễn biến bệnh
♥ Đặc biệt chú ý đến hành vi, khả năng nhận thức của bệnh nhân
♥ Nếu bệnh nhân bị co giật, người thân cần làm thông thoáng đường thở, cung cấp đủ oxy và đặt bệnh nhân nằm nghiêng để đờm nhớt, chất nôn không rơi vào phế quản. Chỗ nằm của bệnh nhân cần được đảm bảo sạch sẽ, thoáng khí.
♥ Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng thực đơn đa dạng các nhóm chất. Nếu bệnh nhân không thể tự nhai, người nhà cần xay nhuyễn thức ăn, pha loãng để bệnh nhân dễ nuốt. Trường hợp người bệnh không thể tự ăn, chất dinh dưỡng phải được truyền qua đường tĩnh mạch bằng chuyên môn y tế.
♥ Người mắc bệnh viêm màng não cũng cần được vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Nếu bệnh nhân đã hôn mê, người nhà phải thường xuyên thay đổi tư thế nằm của người bệnh để chống lở loét ở vùng da bị tì, đè trên giường hoặc nệm. Ngoài ra, người nhà cũng nên thường xuyên vỗ rung để hạn chế đờm, nhớt ứ đọng trong hệ hô hấp của bệnh nhân.