Viêm màng não là gì?
Viêm màng não (Meningitis) là tình trạng viêm của màng mềm và dịch não tủy khoang dưới nhện. Viêm có thể do các nguyên nhân nhiễm trùng như virus, vi khuẩn, vi sinh vật khác, hoặc do các nguyên nhân không nhiễm trùng.
Viêm màng não do virus phổ biến hơn và thường lành tính hơn so với viêm màng não do vi khuẩn nhưng tất cả các trường hợp nghi ngờ viêm màng não cần được điều trị như viêm màng não do vi khuẩn, cho đến khi có bằng chứng khác. Bệnh não mô cầu (Meningococcal disease) là nguyên nhân nhiễm trùng gây tử vong hàng đầu trong thời thơ ấu. Nó biểu hiện như viêm màng não do vi khuẩn (15% các trường hợp), nhiễm trùng huyết (25% các trường hợp), hoặc kết hợp của cả hai (60% các trường hợp).
Dịch tễ học viêm màng não
- Viêm màng não xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già dễ mắc bệnh hơn.
- Viêm màng não do virus là nguyên nhân phổ biến nhất.
- Ở Anh, mỗi năm có khoảng 2.500 trường hợp viêm màng não do vi khuẩn, và có thể gấp đôi trường hợp viêm màng não do virus.
- Dịch tễ học của bệnh viêm màng não ở Anh đã thay đổi đáng kể trong hai thập kỷ sau sự ra đời của vắc xin (vaccine) kiểm soát trực khuẩn gây viêm màng não nhóm b (Haemophilus influenza type b), não mô cầu nhóm huyết thanh C và phế cầu khuẩn (serogroup C meningococcus và pneumococcal disease).
- Hiện tại chưa có vắc xin được cấp phép đối với não mô cầu nhóm huyết thanh B (serogroup B meningococcus), mà hiện tại đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm màng não do vi khuẩn (và nhiễm trùng huyết) từ 3 tháng tuổi đến 16 tuổi.
Yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị viêm màng não
- Bệnh nhân có đặt ống thông (shunt) dịch não tủy hoặc có tổn thương màng cứng, có nguy cơ cao bị viêm màng não do tụ cầu khuẩn (Staphylococcus).
- Bệnh nhân có chọc dò tủy sống (ví dụ như gây tê tủy sống) có nguy cơ cao bị viêm màng não do trực khuẩn Pseudomonas.
- Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Đái tháo đường. Nghiện rượu và xơ gan. Lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch. Suy thận. Suy thượng thận. Bệnh ác tính (nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn Listeria). Suy tuyến cận giáp. Bệnh thiếu máu Địa Trung Hải (Thalassemia) và bệnh xơ nang.
- Cắt lách và bệnh hồng cầu hình liềm làm tăng nguy cơ viêm màng não.
- Nơi có đông người (ví dụ như tân binh và sinh viên đại học) làm tăng nguy cơ bùng phát dịch viêm màng não do não mô cầu (Neisseria meningitidis).
Nguyên nhân viêm màng não
- Trẻ sơ sinh: Liên cầu khuẩn nhóm B (group B Streptococci), vi khuẩn Listeria monocytogenes, vi khuẩn Escherichia coli.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Trực khuẩn gây viêm màng não nhóm b (Haemophilus influenza type b) nếu trẻ nhỏ hơn 4 tuổi và chưa tiêm vắc xin; não mô cầu (Neisseria meningitidis), phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae).
- Người lớn và trẻ lớn hơn: Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), trực khuẩn gây viêm màng não nhóm b (Haemophilus influenza type b), não mô cầu (Neisseria meningitidis), trực khuẩn Gram âm, tụ cầu khuẩn (Staphylococcus), liên cầu khuẩn (Streptococci) và vi khuẩn Listeria monocytogenes.
- Người cao tuổi và suy giảm miễn dịch: Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), vi khuẩn Listeria monocytogenes, bệnh lao (Mycobacterium tuberculosis), vi khuẩn Gram âm.
- Viêm màng não do nhiễm trùng bệnh viện và viêm màng não sau chấn thương (thường có thể đa kháng thuốc): Phế trực khuẩn Friedlander (Klebsiella pneumoniae), vi khuẩn Escherichia coli, trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus aureus).
- Não mô cầu (Neisseria meningitidis): Dịch bệnh địa phương ở người trưởng thành trẻ tuổi, tăng tỷ lệ vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Viêm màng não do não mô cầu có vùng dịch tễ ở châu Phi, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác. Dịch bệnh định kỳ xảy ra ở châu Phi cận Sahara cũng như giữa các khách hành hương tôn giáo đi du lịch đến Saudi Arabia trong lễ Hajj.
- Giang mai (Syphilis) và bệnh lao (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân hiếm gặp nhưng đang gia tăng do kết hợp với nhiễm HIV.
Viêm màng não ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao của bệnh viêm màng não. Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh bao gồm nhẹ cân (dưới 2.500 g), sinh non, ối vỡ sớm, chấn thương lúc sinh, thai thiếu oxy và nhiễm trùng chu sinh của người mẹ.
Trong lúc chuyển dạ, kháng sinh dự phòng cho các bà mẹ mang thai hoặc những người có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (group B Streptococci), giảm hiệu quả nguy cơ trẻ sơ sinh bị viêm màng não do liên cầu khuẩn nhóm B (group B Streptococci).
Mổ lấy thai làm giảm nguy cơ lây truyền của virus herpes simplex (HSV).
Biểu hiện ban đầu thường không đặc hiệu: thân nhiệt không ổn định hoặc tăng, suy hô hấp, có cơn ngưng thở và nhịp tim chậm, hạ huyết áp, khó ăn, kích thích và giảm hoạt động.
Viêm màng não do đó cần được xem xét và khảo sát khẩn cấp ở bất kỳ trẻ sơ sinh bị bệnh cấp.
Tại các nước phát triển, tỷ lệ tử vong vì viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh đã giảm nhưng chưa có giảm đáng kể các biến chứng lâu dài như bại não, không thể học tập, co giật và khiếm thính.
Tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm virus herpes simplex (HSV) của hệ thống thần kinh trung ương là 15%. HSV-1 và HSV-2 có cùng nguy cơ tử vong nhưng HSV-2 thường gắn liền với các biến chứng lâu dài như bại não, chậm phát triển tâm thần, động kinh, đầu nhỏ và khiếm thị.
Viêm màng não vô khuẩn
Dịch não tủy có các tế bào nhưng nhuộm Gram âm tính và cấy không có vi khuẩn mọc. Nguyên nhân bao gồm:
- Viêm màng não do vi khuẩn đã điều trị một phần.
- Nhiễm virus: Ví dụ như bệnh quai bị, echovirus, Coxsackievirus, virus herpes simplex (HSV) và virus herpes zoster, HIV, bệnh sởi, cúm, arbovirus.
- Nhiễm nấm: Bệnh viêm màng não do nấm là rất hiếm, nhưng có thể đe dọa tính mạng. Những người có suy giảm miễn dịch (ví dụ như AIDS, bệnh bạch cầu, thuốc ức chế miễn dịch) có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân viêm màng não do nấm bao gồm nhiễm Cryptococcus, Histoplasma và Coccidioides.
- Ký sinh trùng: Ví dụ như viêm màng não tăng bạch cầu ái toan (eosin) do bệnh nhiễm giun tròn (angiostrongyliasis).
- Vi khuẩn gây bệnh khác: Có thể bao gồm lao không điển hình, bệnh giang mai, bệnh Lyme, bệnh do xoắn khuẩn (Leptospira listeriosis) và bệnh do vi khuẩn Brucella.
- Bệnh Kawasaki.
- Viêm màng não Mollaret.
Viêm màng não không do nhiễm khuẩn
Viêm màng não có thể được gây ra bởi sự thâm nhiễm màng não do:
- Tế bào ác tính (ung thư máu, ung thư hạch, khối u khác).
- Viêm màng não do chất hóa học.
- Thuốc (thuốc kháng viêm không steroid – NSAID, trimethoprim).
- Sarcoidosis.
- Lupus đỏ hệ thống.
- Bệnh Behçet.
Bệnh não mô cầu xâm lấn
Bệnh não mô cầu xâm lấn (Invasive meningococcal disease) có thể biểu hiện với nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc kết hợp cả hai. Phát ban xuất huyết dưới da phân phối theo tĩnh mạch chủ trên, hoặc bất kỳ vị trí nào ở một đứa trẻ bị bệnh là dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng huyết não mô cầu và cần được điều trị khẩn cấp và chuyển ngay đến chuyên khoa.
Hình minh hoạ phát ban xuất huyết dưới da và vi khuẩn não mô cầu có dạng hạt cà phê dưới kính hiển vi.
Nên xem xét chẩn đoán bệnh não mô cầu xâm lấn khi trẻ có các biểu hiện sau đây ở: phát ban xuất huyết, trạng thái tinh thần bị thay đổi, tay chân lạnh, đau chi, sốt, nhức đầu, cứng cổ, những vết lốm đốm da.
Viêm màng não não mô cầu và/hoặc nhiễm trùng huyết cũng có thể có các dấu hiệu: thời gian làm đầy mao mạch trở lại hơn 2 giây, màu da bất thường và hạ huyết áp.
Nhiễm trùng huyết do não mô cầu mà không viêm màng não thì không có các biểu hiện như: cổ cứng, lưng cứng, thóp phồng, sợ ánh sáng, dấu hiệu Kernig, dấu hiệu Brudzinski, liệt, dấu hiệu thần kinh khu trú hoặc động kinh.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm màng não
- Sốt, nhức đầu.
- Cổ cứng (thường không có mặt ở trẻ em dưới một tuổi hoặc ở những bệnh nhân với trạng thái tinh thần bị thay đổi), cứng gáy, thóp phồng (ở trẻ sơ sinh), sợ ánh sáng, gồng ưỡn (nếu nghiêm trọng).
- Thay đổi trạng thái tinh thần, bất tỉnh, nhiễm độc, suy kiệt.
- Sốc: dấu hiệu bị sốc bao gồm nhịp tim nhanh và / hoặc tụt huyết áp, suy hô hấp, trạng thái tinh thần bị thay đổi và lượng nước tiểu giảm.
- Dấu hiệu Kernig. Người bệnh nằm ngửa, đặt cẳng chân vuông góc với đùi, đùi vuông góc với thân mình, bác sĩ nâng từ từ cẳng chân bệnh nhân, trường hợp tổn thương màng não, các cơ sau đùi và cẳng chân co cứng, không nâng được hoặc được rất ít, hay bệnh nhân kêu đau.
- Dấu hiệu Brudzinski. Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, bác sĩ đặt tay trái vào ngực bệnh nhân, tay phải nâng đầu bệnh nhân, dấu hiệu dương tính khi bệnh nhân đau gáy và hai chân co lại.
- Liệt, dấu thần kinh khu trú.
- Co giật.
Một số điểm cần lưu ý về viêm màng não
Viêm màng não virus có thể khó phân biệt lâm sàng với viêm màng não do vi khuẩn nhưng có thể nhẹ hơn và các biến chứng (ví dụ như dấu thần kinh khu trú) ít gặp hơn.
Bất kỳ người nào có biểu hiện viêm màng não cũng cần được điều trị như có bệnh viêm màng não do vi khuẩn cho đến khi có bằng chứng khác.
Triệu chứng cổ điển thường không rõ ràng ở trẻ sơ sinh và người già.
Một số trẻ em và thanh thiếu niên sẽ biểu hiện với các triệu chứng không đặc hiệu hoặc và khó phân biệt với bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng và dấu hiệu cụ thể hơn có nhiều khả năng có bệnh viêm màng não do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng huyết não mô cầu, các triệu chứng và dấu hiệu có thể trở nên nghiêm trọng hơn và rõ ràng hơn theo thời gian.
Khoảng 25% bệnh nhân bị viêm màng não do vi khuẩn biểu hiện rõ trong vòng 24 giờ khi có triệu chứng đầu tiên. Số bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn còn lại và hầu hết bệnh nhân bị viêm màng não do virus có các triệu chứng thần kinh bán cấp trong 1-7 ngày. Các triệu chứng mãn tính kéo dài lâu hơn một tuần có thể viêm màng não do virus, lao, giang mai hoặc nấm.
Nếu chỉ dựa vào một triệu chứng riêng biệt thì không thể chẩn đoán chính xác. Nếu không có các triệu chứng như sốt, cứng cổ, và tình trạng rối loạn ý thức thì ít nghĩ đến khả năng viêm màng não.
Một nghiên cứu ở trẻ em từ 16 tuổi trở xuống với bệnh viêm màng não cho thấy những dấu hiệu cổ điển như phát ban xuất huyết, hội chứng màng não và tri giác kém đã không xuất hiện cho đến sau 13 đến 22 giờ. Tuy nhiên, các triệu chứng không đặc hiệu hơn như đau chân, bàn tay và bàn chân lạnh và màu sắc da bất thường xuất hiện sớm hơn nhiều (trung bình khoảng 7-12 giờ). Do đó, những triệu chứng xuất hiện sớm này là rất quan trọng trong chẩn đoán sớm và quyết định điều trị ban đầu, cứu sống bệnh nhân.
Chẩn đoán phân biệt viêm màng não
- Các nguyên nhân khác của sốt và nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Áp xe nội sọ.
- Các nguyên nhân khác của rối loạn ý thức và hôn mê như: viêm não, xuất huyết dưới nhện, u não.
Các phương pháp khảo sát viêm màng não
Khi nghi ngờ viêm màng não, cần tiến hành nhanh chóng các khảo sát, không được trì hoãn.
Chọc dò dịch não tủy
- Chọc dò dịch não tủy được thực hiện ngay lập tức nếu không có các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ (giảm ý thức, đau đầu nhiều, các cơn đau thường xuyên) hoặc có dấu thần kinh khu trú. Nếu nghi ngờ rằng có khả năng thoát vị não thì nên chụp CT não trước tiên.
- Các mẫu dịch não tủy thường được gửi để nhuộm Gram, nhuộm Ziehl- Neelsen (tìm vi trùng lao), làm tế bào học, các xét nghiệm về virus, xét nghiệm đường, protein, cấy dịch não tủy, sàng lọc nhanh các kháng nguyên, phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và nhuộm mực tàu tìm Cryptococci.
- Dịch não tủy có thể bình thường trong giai đoạn đầu của viêm màng não nên thường bệnh nhân sẽ được chọc dò lại nếu các triệu chứng và dấu hiệu vẫn tồn tại.
Các khảo sát khác
Hình minh họa xét nghiệm cấy máu và vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) mọc trên đĩa cấy máu.
- Cấy máu: Thường làm trước khi bắt đầu điều trị kháng sinh.
- Đường huyết (để so sánh với đường dịch não tủy).
- Kiểm tra công thức máu, chức năng thận.
- Tình trạng đông máu: đặc biệt nếu nghi ngờ có đông máu nội mạch lan tỏa.
- Cấy nước tiểu, quẹt niêm mạc mũi và xét nghiệm phân (virus học).
- Làm PCR định lượng (real-time PCR) máu toàn phần (mẫu EDTA) tìm não mô cầu (Neisseria meningitidis) để xác định chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu (Neisseria meningitidis).
Hình (A) X quang và hình (B) CT ngực của một bệnh nhân bị lao kê; hình (C) MRI não có tiêm thuốc tương phản từ của một bệnh nhân bị viêm màng não do lao có dãn hệ thống não thất.
- Chụp X quang ngực (xem có tổn thương phổi không).
- Chụp CT chỉ định cho những tình huống lâm sàng cụ thể hoặc khi nghi ngờ nguyên nhân viêm màng não từ viêm xương chũm.
- Chụp MRI não có thể cực kỳ hữu ích cho việc phát hiện và theo dõi các biến chứng của viêm màng não.
- Các khảo sát khác:
Tìm kháng nguyên Cryptococcus trong huyết thanh (ít làm hơn nhuộm mực tàu tìm nấm trong dịch não tủy và tìm kháng nguyên cryptococcus trong dịch não tủy). - Tìm kháng nguyên của một loại vi khuẩn cụ thể trong máu, nước tiểu, dịch não tủy khi nghi ngờ chẩn đoán hoặc ở những bệnh nhân bị viêm màng não đã được điều trị một phần.
- Xét nghiệm huyết thanh giang mai nếu nghi ngờ giang mai thần kinh.
Điều trị viêm màng não như thế nào?
Điều trị bao gồm: điều trị hỗ trợ (dịch truyền, hạ sốt, chống nôn ói); điều trị kháng sinh, kháng lao, kháng nấm, kháng ký sinh trùng hay kháng virus tùy từng nguyên nhân; và điều trị các biến chứng như động kinh, tăng áp lực nội sọ.
Điều trị viêm màng não do virus
- Nguyên tắc chung cho điều trị viêm màng não do virus là điều trị hỗ trợ (gồm giảm đau, hạ sốt, cung cấp đủ nước và dinh dưỡng).
- Viêm màng não do Enterovirus: Thường tự giới hạn và không cần điều trị đặc hiệu trừ khi có giảm gammaglobulin máu (cần bổ sung globulin miễn dịch).
- Aciclovir (Acyclovir) được cho là có hiệu quả trong điều trị nhiễm virus Herpes, nhưng chỉ khi được dùng trong giai đoạn rất sớm, và bằng chứng cho lợi ích của thuốc này vẫn còn hạn chế. Aciclovir tĩnh mạch nên được bắt đầu ngay lập tức nếu nghi ngờ viêm não do Herpes simplex.
- Ganciclovir hiệu quả cho nhiễm Cytomegalovirus (CMV) nhưng vì thuốc này có nhiều độc tính nên chỉ dùng cho những trường hợp nặng với xét nghiệm CMV dương tính hay trong những trường hợp nhiễm trùng bẩm sinh hoặc nhiễm trùng liên quan đến AIDS. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy Ganciclovir có hiệu quả trong điều trị viêm não do Herpes simplex.
Điều trị viêm màng não do vi khuẩn
- Bệnh nhân nghi ngờ viêm màng não do vi khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm trùng huyết do não mô cầu cần được nhập viện khẩn cấp.
- Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch Benzylpenicillin trước khi chuyển khẩn cấp đến bệnh viện khi có nghi ngờ nhiễm trùng huyết não mô cầu với hồng ban tẩm nhuận (không mất khi đè – non blanching rash).
- Benzylpenicillin không nên dùng cho những bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ liên quan đến các Penicillin. Nếu việc dùng thuốc kháng sinh này trì hoãn việc chuyển khẩn cấp người bệnh đến bệnh viện thì không nên dùng.
- Nếu không thể chuyển ngay đến bệnh viện (do quá xa hay do điều kiện thời tiết bất lợi), nên dùng kháng sinh ngay nếu nghi ngờ bị viêm màng não do vi khuẩn.
- Điều trị hỗ trợ: với thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, cung cấp đủ nước và dinh dưỡng.
- Không hạn chế nước, trừ khi có bằng chứng của tăng áp lực nội sọ hoặc tăng hormone chống bài niệu (ADH).
- Sự lựa chọn kháng sinh và thời gian điều trị cần phải được cân nhắc dưới hướng dẫn của xét nghiệm định danh vi trùng và kháng sinh đồ, nhưng điều trị kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm phải được bắt đầu ngay lập tức.
- Viện Quốc gia Hoa Kì về Sức khỏe và Thành tựu lâm sàng (NICE) khuyến cáo dùng Dexamethasone càng sớm càng tốt cho trẻ em (trên 3 tháng tuổi) nghi ngờ hoặc đã xác định viêm màng não vi khuẩn.
- Corticosteroid dùng cho bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn ở mọi lứa tuổi đã được chứng minh là làm giảm di chứng mất thính lực và các di chứng thần kinh khác một cách đáng kể, nhưng không có bằng chứng cho thấy chúng làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung.
- Lựa chọn các kháng sinh thường được xác định theo hướng dẫn của từng địa phương và sự liên lạc chặt chẽ với các nhà vi sinh học.
Điều trị “mù” ban đầu
- Cephalosporin thế hệ thứ ba (Cefotaxime hoặc Ceftriaxone) thường được sử dụng như một điều trị theo kinh nghiệm trước khi định danh được vi sinh vật gây bệnh.
- Tùy tuổi người bệnh, yếu tố thúc đẩy, bệnh lý nền, lâm sàng,… mà hướng tới tác nhân căn nguyên nhiều khả năng nhất để lựa chọn kháng sinh phối hơp.
Viêm màng não do não mô cầu
- Dùng Benzylpenicillin hoặc Cefotaxime trong ít nhất 7 ngày.
- Rifampicin thường được cho trong hai ngày để loại bỏ nhiễm trùng từ vùng mũi họng.
- Ciprofloxacin hoặc Rifampicin dùng để dự phòng trường hợp thứ hai bị viêm màng não não mô cầu.
Viêm màng não do phế cầu
- Thông thường điều trị bằng Cefotaxim trong 10-14 ngày.
- Benzylpenicillin có thể được dùng nếu các vi trùng nhạy với Penicillin.
Viêm màng não do trực khuẩn gây viêm màng não nhóm b (Haemophilus influenza type b)
- Cefotaxime được dùng ít nhất 10 ngày.
- Rifampicin thường được dùng bốn ngày trước khi cho bệnh nhân xuất viện.
Viêm màng não do liên cầu khuẩn nhóm B (group B Streptococci)
- Dùng Benzylpenicillin và Gentamicin, hoặc dùng một mình Cefotaxime trong 14 ngày.
Viêm màng não do Listeria
- Dùng Amoxicillin và Gentamicin trong 10-14 ngày.
Viêm màng não do lao
Biến chứng của viêm màng não
- Tức thì: Sốc nhiễm trùng, đông máu nội mạch lan tỏa, hôn mê với mất phản xạ bảo vệ đường hô hấp, co giật (30-40% ở trẻ em, 20-30% ở người lớn), phù não và tăng áp lực nội sọ, viêm khớp nhiễm khuẩn, tràn dịch màng ngoài tim, thiếu máu tán huyết (Trực khuẩn gây viêm màng não nhóm b – Haemophilus influenza type b).
- Tụ dịch dưới màng cứng: Được báo cáo trong 40% trẻ em trong độ tuổi 1-18 tháng bị viêm màng não do vi khuẩn. Yếu tố nguy cơ bao gồm: nhỏ tuổi, bệnh khởi phát nhanh, bạch cầu máu ngoại vi thấp và protein dịch não tủy cao.
Hội chứng tăng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp (SIADH). - Động kinh: Thường xảy ra trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
Biến chứng muộn: giảm thính lực hoặc điếc, rối loạn chức năng các dây thần kinh sọ khác, co giật, dấu thần kinh khu trú, tràn dịch dưới màng cứng, não úng thủy, khiếm khuyết trí tuệ, thất điều (mất thăng bằng), mù, hội chứng Waterhouse – Friderichsen và hoại tử ngoại vi.
Tiên lượng viêm màng não
Viêm màng não là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên 5 tuổi ở Anh.
- Tiên lượng phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, tuổi, tình trạng của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Bệnh nhân có tổn thương thần kinh nghiêm trọng hoặc khởi phát bệnh quá nhanh thì ngay cả khi được điều trị ngay lập tức cũng có một tỷ lệ tử vong cao, khoảng 50-90%.
- Viêm màng não do phế cầu có tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (21% và 15%).
Bệnh viêm màng não có tiên lượng tốt hơn khi không có nhiễm trùng huyết đi kèm. - Tiên lượng cho bệnh viêm màng não do virus thường là tốt, thường tự thoái lui trong vòng 10 ngày.
Phòng ngừa viêm màng não
- Chủng ngừa trực khuẩn gây viêm màng não nhóm b (Haemophilus influenza type b), não mô cầu nhóm C (Neisseria meningitidis) và phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae).
- Có biện pháp dự phòng thích hợp cho người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm màng não.
Tài liệu tham khảo
http://www.patient.co.uk/doctor/meningitis