Để tăng cường hiệu quả tránh thai và đảm bảo sức khỏe lâu dài, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định sử dụng biện pháp tiêm thuốc tránh thai nhé!
Hiện nay có khá nhiều biện pháp tránh thai, tùy thuộc vào thời gian, tính hiệu quả và cách sử dụng khác nhau mà phụ nữ có sự lựa chọn dành riêng cho bản thân. Dùng thuốc tiêm cũng là một biện pháp mới và hiệu quả mà có thể bạn chưa biết.
Tiêm thuốc tránh thai là gì?
Đây là một biện pháp ngừa thai bằng cách dùng thuốc dạng tiêm. Thuốc tiêm có tác dụng kéo dài trong nhiều tuần hơn so với thuốc viên uống.
Những thuốc dạng tiêm này được tạo thành từ một loại hormone tương tự như progesterone. Depo-Provera và Noristerat là đại diện cho dòng thuốc tiêm tránh thai này.
Hai thuốc trên sẽ được tiêm vào cơ sâu thường là cơ mông, trong khi thuốc Sayana Press dùng đường tiêm dưới da, thường là vùng bụng hay mặt trước đùi.
Theo NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh Quốc), Depo-Provera và Sayana Press có tác dụng tránh thai trong 13 tuần, Noristerat có thể tránh thai trong 8 tuần. Thuốc tiêm cần được tiếp tục chích đúng thời gian để duy trì tác dụng tránh thai.
Tiêm thuốc tránh thai bao lâu thì có tác dụng?
Thuốc tiêm tránh thai sẽ có tác dụng ngay lập tức khi bạn tiêm trong 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn tiêm vào những ngày khác, thuốc tiêm sẽ có tác dụng sau 7 ngày tiêm. Như vậy bạn đã biết tiêm thuốc tránh thai bao lâu thì quan hệ được.
Theo Healthline, thuốc có tác dụng tránh thai đến 99%. Tuy nhiên, thuốc sẽ không thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây lan qua đường tình dục. Bạn nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ để bảo vệ bạn cũng như bạn tình khỏi các bệnh trên.
Đối tượng sử dụng phù hợp
Hầu hết phụ nữ đều có thể dùng thuốc tránh thai dạng tiêm. Tuy nhiên, thuốc này có thể được khuyến cáo không dành cho những người đã và đang có dự định mang thai trong vòng một năm, hay không muốn thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, những người có những tình trạng sau cũng không nên áp dụng hình thức ngừa thai này:
- Từng bị ung thư vú trong 5 năm gần đây
- Xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân
- Bệnh mạch máu, tim mạch, đột quỵ
- Đái tháo đường có biến chứng
- Bệnh gan
- Nguy cơ loãng xương
- Lupus ban đỏ hệ thống
Những điều bạn nên cân nhắc khi tiêm thuốc tránh thai
Trước khi quyết định chọn hình thức này, bạn nên cân nhắc kỹ 3 điều quan trọng sau đây:
Ưu điểm
Như vậy với tính hiệu quả và thời gian tác dụng kéo dài của thuốc, bạn có thể tiêm thuốc tránh thai vì những ưu điểm dưới đây:
- Hiệu quả tránh thai hơn 99%
- Thuốc không ảnh hưởng đến hoạt động tình dục
- Thuốc tiêm sẽ không tương tác với các thuốc khác
- Bạn không cần phải nhớ uống thuốc mỗi ngày hay trước khi quan hệ
- Thuốc sẽ giúp bạn tránh thai trong thời gian dài nếu bạn tiêm thuốc đúng theo lịch hẹn
Nhược điểm
- Gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Bạn phải thường xuyên đi bệnh viện để tiêm thuốc
- Không bảo vệ bạn khỏi bệnh lây lan qua đường tình dục
- Bạn có thể cần một năm để mang thai trở lại sau khi ngưng tiêm thuốc
- Thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình tiêm
Bạn có thể mang thai trở lại ngay trước khi bạn có kinh nguyệt lần đầu sau khi ngừng tiêm thuốc. Tuy nhiên, với một số phụ nữ có thể cần một hay hai năm để mang thai sau khi dừng tiêm thuốc này.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc tiêm tránh thai
Mặc dù có hiệu quả tránh thai rất cao, song bạn có thể gặp một số rối loạn dưới đây khi sử dụng thuốc tránh thai chứa hormone:
- Đau đầu
- Căng thẳng
- Trầm cảm
- Chóng mặt
- Mụn trứng cá
- Mất ngon miệng
- Tăng cân
- Lông mọc nhiều
- Rụng tóc
- Giảm mật độ xương
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh
Việc dùng thuốc Depo-Provera và Sayana Press kéo dài có thể khiến mật độ xương bạn giảm đi nhiều, gia tăng nguy cơ bị loãng xương.
Nguy cơ sẽ rõ rệt hơn nếu bạn tiêm thuốc liên tục trong hơn hai năm, đặc biệt nếu bạn có những yếu tố nguy cơ của loãng xương khác cùng tồn tại như tiền căn loãng xương gia đình và sử dụng bia rượu, thuốc lá trong thời gian dài.
Nhìn chung, đây là một biện pháp hiệu quả cao và có thời gian tác dụng tốt cho các bạn muốn tránh thai trong thời gian ngắn. Bạn có thể kết hợp với nhiều biện pháp tránh thai khác tùy theo thể trạng và kế hoạch sinh con của mình nhé!