7 điều bố mẹ cần biết về tuổi dậy thì ở trẻ

(4.02) - 99 đánh giá

Khi bước vào độ tuổi dậy thì, những thay đổi về tâm sinh lý khiến con bạn vô cùng lo lắng. Bé bắt đầu có những rung động đầu đời hoặc có cảm giác với bạn khác giới. Vậy bố mẹ nên chăm sóc con trong độ tuổi dậy thì như thế nào?

Giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì được xem là một bước ngoặt lớn. Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu về giai đoạn dậy thì và những điều bố mẹ cần lưu ý nhé!

1. Dậy thì là gì?

Tuổi dậy thì là khoảng thời gian các bé phát triển đến một mốc nào đó và bắt đầu trưởng thành về mặt tình dục. Đặc điểm của tuổi dậy thì là những biến đổi về tâm sinh lý trong cơ thể, làm hoàn thiện khả năng sinh sản và đặc điểm giới tính thứ cấp (dấu hiệu trưởng thành, chẳng hạn như sự tăng trưởng lông mu).

Thời gian bắt đầu quá trình dậy thì ở mỗi người không giống nhau. Tuổi dậy thì ở nữ thường trong độ tuổi từ 10 đến 14, trong khi ở các bé trai là trong khoảng 12 – 16 tuổi. Ngày nay, nữ giới thường bắt đầu dậy thì sớm hơn trước, thường có thể do ảnh hưởng môi trường và dinh dưỡng.

2. Nguyên nhân nào gây ra dậy thì?

Dậy thì là quá trình tự nhiên của cơ thể để trưởng thành về tình dục. Vùng dưới đồi não, tuyến yên tiết ra hormone gonadotropin-releasing (GnRH) làm bắt đầu quá trình dậy thì. GnRH kích thích tuyến yên, cơ quan nhỏ hình hạt đậu kết nối với đáy của vùng dưới đồi, để tạo ra hai hormone: hormone kích thích hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Hai hormone này giúp thúc đẩy các cơ quan sinh dục nam và nữ (tinh hoàn và buồng trứng) bắt đầu sản xuất các hormone giới tính phù hợp, bao gồm estrogen và testosterone, khởi động các dấu hiệu khác của tuổi dậy thì trong cơ thể.

3. Những dấu hiệu khi bé đến tuổi dậy thì là gì?

Dấu hiệu dậy thì ở nữ

Đặc điểm đầu tiên của tuổi dậy thì ở bé gái thường là ngực bắt đầu phát triển. Đầu vú to ra và mềm, một bên vú bắt đầu phát triển trước một vài tháng so với bên còn lại. Lông mu bắt đầu xuất hiện cùng lông trên chân và cánh tay.

Sau 1 năm hoặc khi bắt đầu dậy thì và trong vài năm, những dấu hiệu tuổi dậy thì ở nữ là:

  • Vú tiếp tục phát triển và trở nên đầy đặn hơn
  • Kinh nguyệt xuất hiện lần đầu tiên trong khoảng hai năm sau khi bắt đầu dấu hiệu dậy thì đầu tiên
  • Lông mu trở nên thô hơn và xoăn
  • Lông nách bắt đầu phát triển. Một số bé gái cũng có lông ở các bộ phận cơ thể khác, chẳng hạn như ria mép, điều này là hoàn toàn bình thường
  • Mồ hôi đổ nhiều
  • Nhiều bé gái thường bị mụn trứng cá – một bệnh da liễu khi trên mặt xuất hiện các loại mụn khác nhau bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ. Muốn biết cách trị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì, bạn có thể tham khảo thêm bài viết của Chúng tôi tại đây.
  • Âm đạo bắt đầu tiết dịch màu trắng
  • Cơ thể phát triển mạnh mẽ. Từ lúc mới bắt đầu dậy thì, bé gái tăng trưởng 5 – 7,5 cm trong vòng một hoặc hai năm tiếp theo, sau đó đạt chiều cao trưởng thành.
  • Cơ thể tăng cân, thay đổi hình dáng cơ thể. Cơ thể nữ giới thường có nhiều mỡ ở dọc trên cánh tay, đùi và trên lưng; hông tròn và vòng eo dần bị thu hẹp.

Sau khoảng 4 năm dậy thì, bé gái sẽ có những dấu hiệu sau: vú phát triển hoàn toàn, lông mu có thể lan ra đùi trong, bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ, ngừng phát triển chiều cao. Một tình trạng xảy ra phổ biến ở tuổi dậy thì là rạn da. Để giúp con đối phó với rạn da tuổi dậy thì, mời bạn tham khảo thêm bài viết Mẹ cần biết cách để con không bị rạn da ở tuổi dậy thì.

Dấu hiệu dậy thì ở nam

Dấu hiệu đầu tiên đánh dấu bé trai bước vào tuổi dậy thì thường là tinh hoàn lớn hơn trước, da bìu bắt đầu mỏng và đỏ lên. Lông mu cũng bắt đầu xuất hiện tại gốc dương vật.

Sau một năm khi các dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì bắt đầu và trong vài năm tới, bé trai sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Dương vật và tinh hoàn phát triển, bìu dần dần trở nên tối màu hơn
  • Lông mu trở nên dày hơn và xoăn
  • Lông nách bắt đầu phát triển
  • Bắt đầu đổ mồ hôi nhiều
  • Vú có thể tạm thời sưng nhẹ, điều này là bình thường và không giống tình trạng vú to ở đàn ông
  • Xuất tinh không kiểm soát khi ngủ
  • Giọng “vỡ” và trầm hơn. Trong một thời gian, bé trai sẽ có sự thay đổi nhanh về giọng nói
  • Mụn trứng cá xuất hiện
  • Cơ thể tăng trưởng mạnh mẽ, chiều cao trung bình tăng 7-8cm một năm và cơ bắp phát triển hơn.

Sau khoảng bốn năm bước vào tuổi dậy thì, bé trai sẽ có các dấu hiệu sau: Bộ phận sinh dục trưởng thành như người lớn và lông mu đã lan rộng đến bên trong đùi, râu bắt đầu phát triển, chiều cao phát triển chậm dần và ngừng phát triển hoàn toàn vào khoảng 16 tuổi (nhưng cơ bắp vẫn tiếp tục phát triển), hầu hết nam giới sẽ hoàn toàn trưởng thành năm 18 tuổi.

Đối với một số trẻ, giai đoạn dậy thì là một khoảng thời gian khó khăn khi phải đối phó với những thay đổi của cơ thể nhưng đây là thời điểm để trẻ tự ý thức về bản thân. Song đối với một số trẻ khác, dậy thì lại là một khoảng thời gian thú vị, khi trẻ phát triển nhiều cảm xúc và cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, những thay đổi cảm xúc đột ngột có thể gây ảnh hưởng tâm lý và tình cảm, chẳng hạn như: Thay đổi tâm trạng không rõ nguyên nhân, lòng tự trọng suy giảm, hiếu chiến, phiền muộn nên bố mẹ cần hết sức lưu tâm đến trẻ.

4. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến độ tuổi dậy thì?

Dậy thì sớm

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ dậy thì sớm, chẳng hạn như:

  • Giới tính: bé gái có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn bé trai
  • Chủng tộc: trẻ người Mỹ gốc Phi thường dậy thì sớm hơn so với trẻ em thuộc các chủng tộc khác
  • Béo phì: Nếu con bạn thừa cân nhiều, bé có nguy cơ dậy thì sớm cao
  • Hormone giới tính: tiếp xúc với estrogen hay testosterone qua kem, thuốc mỡ hoặc các chất khác có chứa hormone sinh dục (như thuốc người lớn, chế độ ăn uống) có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ
  • Mắc một số bệnh: dậy thì sớm có thể là biến chứng của hội chứng McCune-Albright hay còn gọi là tăng sản thượng thận bẩm sinh – bệnh liên quan đến sản xuất bất thường các kích thích tố nam (androgen). Trong trường hợp hiếm, dậy thì sớm cũng có thể do suy giáp gây ra
  • Bức xạ trị liệu lên hệ thống thần kinh trung ương: việc xạ trị cho các khối u, ung thư máu hoặc các can thiệp tương tự có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.

Dậy thì muộn

Bé trai và bé gái đều xảy ra tình trạng dậy thì muộn. Yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì muộn, bao gồm:

  • Bất thường tuyến yên bẩm sinh
  • Đột biến gen
  • Rối loạn nhiễm sắc thể
  • Bệnh giảm khứu giác
  • Rối loạn ăn uống
  • Bệnh hệ thống mạn tính
  • Suy dinh dưỡng
  • Tập thể dục quá mức
  • Mắc phải những bất thường tuyến sinh dục bẩm sinh.

5. Khi nào bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ?

Khi bạn nhận thấy con bạn có các dấu hiệu sau:

  • Chậm phát triển thể chất và giới tính, ví dụ như chưa có dấu hiệu dậy thì dẫu đã 14 tuổi
  • Thay đổi thói quen ăn uống và cân nặng
  • Rối loạn hình ảnh cơ thể bản thân, ví dụ như bé gái luôn nghĩ mình thừa cân mặc dù rất gầy. Đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống
  • Các dấu hiệu về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, thất thần cảm xúc, hiếu chiến, không muốn đi học, ở lại lớp
  • Sử dụng ma túy, thuốc phiện, rượu bia, thuốc lá.

Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng dậy thì sớm?

Để xác định tình trạng dậy thì sớm, bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra:

  • Sự tăng trưởng lông mu và ngực ở bé gái
  • Sự gia tăng kích thước tinh hoàn và dương vật, sự phát triển của lông mu ở bé trai

Bác sĩ sẽ so sánh với thang điểm Tanner, thang điểm 5 để đo mức độ phát triển dậy thì ở trẻ. Sau khi khám sức khỏe đầy đủ và phân tích bệnh sử, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán dậy thì sớm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kích thích tố, chẳng hạn như các gonadotropin (hormone kích thích thể vàng [LH] và kích thích nang trứng hormone [FSH]), estradiol, testosterone, dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS) và hormone tuyến giáp;
  • Xét nghiệm nồng độ gonadotropin-releasing hormone agonist (GnRH), để xác định nguyên nhân dậy thì sớm có phải do gonadotropin gây ra hay không;
  • Đo nồng độ 17-hydroxyprogesterone trong máu để kiểm tra tăng sản thượng thận bẩm sinh;
  • Xét nghiệm X-quang đo “tuổi xương” để xác định xương có đang phát triển với tốc độ bình thường không.

Các bác sĩ cũng có thể sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để loại trừ nguyên nhân khối u hoặc những bất thường ở bộ phận khác. Những phương pháp đó có thể bao gồm:

  • Siêu âm để kiểm tra các tuyến sinh dục. Siêu âm không gây đau đớn và hiển thị hình ảnh các mạch máu và mô, cho phép bác sĩ giám sát cơ quan và lưu lượng máu trong thời gian thực.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp quét não và tuyến yên bằng thiết bị chiếu hình ảnh chi tiết các cơ quan và cấu trúc cơ thể.

Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng dậy thì muộn?

Để chẩn đoán dậy thì muộn, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone
  • Xét nghiệm đo mức độ đáp ứng của tuyến yên với GnRH
  • Chụp MRI não và tuyến yên.

Chỉ với một cuộc điện thoại hay một buổi khám cũng có thể giúp bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về sức khỏe của trẻ và nhận ra vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Điều này sẽ giúp giải tỏa căng thẳng giữa bạn và con.

6. Ở tuổi dậy thì con có cần khám sức khỏe định kỳ không?

Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm được xem là cách hiệu quả để phát hiện ra những rối loạn, đồng thời kiểm tra mức độ tăng trưởng và phát triển của trẻ có bình thường không. Không phải tất cả trẻ em bị dậy thì sớm đều cần điều trị, đặc biệt nếu tình trạng này chỉ hơi sớm so với bình thường. Mục tiêu điều trị là ngăn chặn hormone sinh dục sản xuất quá sớm để ngăn chặn tăng trưởng sớm quá mức dẫn đến tầm vóc nhỏ ở tuổi trưởng thành, các thay đổi cảm xúc, vấn đề xã hội và ham muốn tình dục (đặc biệt là ở các bé trai).

Nếu dậy thì sớm là do bệnh gây ra, bác sĩ thường điều trị bệnh đó để ngăn chặn dậy thì sớm. Ngoài ra, can thiệp y tế hợp lí nhằm ngăn chặn các hormone gây dậy thì cũng có thể làm ngưng tình trạng này, ví dụ như thuốc chủ vận hormone gonadotropin-releasing (GnRH) dùng để điều trị dậy thì sớm do nguyên nhân thần kinh trung ương. Các thuốc trên có tác dụng ngăn chặn cơ thể sản xuất hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH).Nếu dậy thì chậm, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo nguồn gốc của vấn đề, bao gồm:
  • Ở nam giới, dùng testosterol dạng tiêm, miếng dán hoặc gel
  • Ở nữ giới, estrogen và/hoặc progesterone uống hay miếng dán

Tốt hơn hết, bạn nên để con được trò chuyện riêng tư với bác sĩ. Điều này giúp trẻ có cơ hội đưa ra những câu hỏi mà trẻ cảm thấy không thoải mái khi hỏi bố mẹ. Ngoài khám sức khỏe thể chất, bố mẹ cũng nên đưa con đến gặp nha sĩ để khám sức khỏe răng miệng hàng năm.

7. Bố mẹ có thể giúp con vượt qua tuổi dậy thì bằng cách nào?

Nuôi dạy con là một trách nhiệm lớn lao và cũng là thử thách vô cùng gian nan, đặc biệt khi con bạn bước vào tuổi dậy thì. Thậm chí khi trẻ từ chối tiếp cận hay trò chuyện với bạn, bạn vẫn phải hoàn thành trách nhiệm vô cùng to lớn đó. Mặc dù việc để con tự quyết định là tốt, nhưng bạn hãy nhận ra những giới hạn giữa những thứ trẻ cần và những thứ trẻ muốn một cách công bằng, chắc chắn.

Để biết cách dạy con tuổi dậy thì, ngoài việc làm bạn với con, bạn tham khảo thêm một số cách sau đây:

  • Giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và tạo dựng hình ảnh cho bản thân, chuẩn bị những bữa ăn cân bằng, nhiều trái cây, rau củ và thực phẩm lành mạnh. Bố mẹ hãy là tấm gương để con noi theo trong việc ăn uống và luyện tập thể thao để cả gia đình có sức khỏe tốt
  • Khuyến khích con tập thể dục điều độ mỗi ngày
  • Giúp con nghỉ ngơi đủ, hạn chế thời gian trẻ sử dụng điện thoại, máy tính và tivi vào buổi tối
  • Hướng con theo hướng suy nghĩ trưởng thành hơn, tham gia vào việc xây dựng và gìn giữ những quy tắc trong gia đình cũng như trò chuyện về các vấn đề hiện tại
  • Tìm ra các cách khác nhau để giải quyết vấn đề, thảo luận những tình huống có thể xảy đến.

Ngoài ra, trong giai đoạn dậy thì, điều quan trọng nhất là bố mẹ hãy cho trẻ biết rằng con luôn được yêu thương và quan tâm, thậm chí ngay cả khi bạn không đồng ý với những gì trẻ làm, nhưng đó là vì bạn muốn tốt cho bé.

Bạn hãy giáo dục giới tính và những vấn đề của người trưởng thành cho con theo cách tự nhiên và cởi mở nhất, đồng thời không ngừng duy trì nó. Tốt hơn, bạn nên bắt đầu việc này trước khi trẻ dậy thì, nhờ đó con bạn biết được những gì bản thân mình nên làm, những gì bé nên tránh. Nếu bạn không thể, hãy nhờ đến bác sĩ tâm lý, một người bạn thân tín hay một thành viên khác trong gia đình. Đừng để trẻ tư tìm hiểu mọi thông tin liên quan từ internet, tivi hay từ những đứa trẻ khác.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Muốn có sức khỏe tốt, hãy ăn cải bó xôi!

(26)
Tên gốc: Rau chân vịtTên gọi khác: Cải chân vịt, cải bó xôiTên khoa học: Spinacia oleraceaTên tiếng Anh: SpinachTìm hiểu chung về rau chân vịtRau chân vịt là ... [xem thêm]

Khám phá sự khác nhau giữa đau sỏi thận và đau lưng

(33)
Cơn đau sỏi thận có thể tương tự đau lưng và khiến người bệnh dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, mỗi tình trạng sẽ có một số đặc trưng để bạn có thể nhận ... [xem thêm]

Bài tập Yoga giảm cân, nhẹ nhàng mà hiệu quả

(65)
Đã từ lâu, yoga được đánh giá là bộ môn giúp ổn định cảm xúc và giảm căng thẳng, từ đó cải thiện sức khỏe tâm thần của bạn. Tuy nhiên, bạn có ... [xem thêm]

4 bước cơ bản giúp bạn bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả

(15)
Nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn tính thường là do biến chứng từ các bệnh lý liên quan đến thận, nhưng cũng có thể là do bệnh đái tháo đường và huyết ... [xem thêm]

8 vấn đề ảnh hưởng đến chuyện ấy của các chàng

(18)
Ngay cả khi ở bên cạnh người phụ nữ mình yêu, bạn cũng cần kiểm soát sự cương cứng để tránh để lại ấn tượng không tốt khi hẹn hò.Sự cương cứng ... [xem thêm]

Ăn khi bụng đói có thể khiến bạn tiêu thụ gấp đôi thực phẩm có hại!

(40)
Một chiếc bụng đói cồn cào có thể khiến bạn hoa mắt mỗi khi nhìn thấy thức ăn và dễ dàng dung nạp bất cứ thứ gì có thể lấp đầy bụng, đặc biệt ... [xem thêm]

Biến chứng bệnh tiểu đường: đau và loét chân

(61)
Bệnh tiểu đường là bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng đối với bệnh nhân và một trong số đó là tình trạng đau và loét chân. Tất cả bệnh nhân ... [xem thêm]

Nuôi cấy tế bào gan dành cho phẫu thuật ghép tạng

(31)
Các nhà nghiên cứu đã triển khai dự án sử dụng tế bào gốc cùng với cơ quan nội tạng động vật để nuôi cấy tế bào gan trong phòng thí nghiệm cho phẫu ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN