Có rất nhiều cách để giục sinh và sử dụng thuốc là phương pháp thường được bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn còn rất băn khoăn không biết dùng thuốc giục sinh có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không.
Nếu bạn đã qua ngày dự sinh, nước ối đã vỡ nhưng các cơn co thắt chuyển dạ lại không xuất hiện hoặc bạn có các biến chứng xuất hiện vào cuối thai kỳ thì bác sĩ sẽ đề nghị bạn sử dụng thuốc giục sinh để thúc đẩy quá trình chuyển dạ. Một số loại thuốc được tiêm tĩnh mạch, trong khi một số khác được đưa vào âm đạo để làm giãn nở và làm mỏng cổ tử cung, giúp tử cung co thắt.
Giục sinh là gì và tại phải dùng thuốc giục sinh (thuốc kích đẻ)?
Giục sinh là phương pháp can thiệp nhằm kết thúc thai kỳ thông qua ngả âm đạo. Bác sĩ sẽ thực hiện điều này bằng cách dùng các thủ thuật y khoa hoặc thuốc. Kích thích chuyển dạ bằng thuốc là phương pháp khá phổ biến và đa phần bác sĩ sẽ chỉ định nếu:
- Đã hơn 2 tuần kể từ ngày dự sinh nhưng bạn không có dấu hiệu chuyển dạ
- Nước ối vỡ nhưng không xuất hiện các cơn co thắt
- Bạn mắc phải một số bệnh như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ
- Bé ít chuyển động.
Các loại thuốc giục sinh thường dùng
Dưới đây là thông tin về một số loại thuốc giục sinh thường được sử dụng, tác dụng phụ của thuốc kích đẻ và phần nào giúp mẹ có câu trả lời tiêm thuốc kích đẻ có ảnh hưởng gì không:
1. Pitocin
Pitocin là loại thuốc giục sinh được sử dụng phổ biến nhất. Pitocin là tên gọi khác của oxytocin, hormone mà cơ thể có thể tự sản xuất, giúp tạo ra các cơn co thắt. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hormone oxytocin để bắt đầu chuyển dạ thì thuốc Pitocin sẽ giúp thực hiện điều đó. Sau khi tiêm, các cơn co thắt mạnh mẽ sẽ xuất hiện. Lượng thuốc đưa vào sẽ được bác sĩ theo dõi và kiểm soát. Ban đầu bác sĩ chỉ tiêm một lượng nhỏ nhưng sau đó sẽ tăng dần lên cho đến khi các cơn co thắt mạnh xuất hiện đều đặn, cách nhau khoảng 2 – 3 phút mỗi lần.
Pitocin chỉ được sử dụng khi cổ tử cung đã mở. Nếu cơ thể bạn đã sẵn sàng để chuyển dạ, cổ tử cung sẽ mềm và mở ra. Nếu cổ tử cung vẫn chưa sẵn sàng thì thuốc Pitocin sẽ không được sử dụng bởi Pitocin chỉ gây ra những cơn co thắt chứ không phải là thuốc làm mềm cổ tử cung.
Rủi ro khi dùng thuốc Pitocin:
- Kích thích tử cung quá mức
- Nhiễm trùng
- Sa tử cung
- Suy thai
- Giảm nhịp tim thai nhi
- Thai chết lưu
Thông thường, giục sinh sẽ bắt đầu từ việc dùng thuốc làm mềm cổ tử cung. Sau khi cổ tử cung đã sẵn sàng, bác sĩ sẽ chuyển sang dùng Pitocin.
Khi dùng thuốc giục sinh Pitocin, bạn phải được theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, bạn cũng không được phép ăn vì đôi khi bạn sẽ cần sinh mổ khẩn cấp. Vì vậy, các cơ co thắt do tác dụng của thuốc có thể khiến bạn và bé mệt mỏi.
2. Dinoprostone
Dinoprostone, có bản chất là prostaglandin, được sử dụng để giúp cổ tử cung giãn nở, chuẩn bị chuyển dạ, sinh nở và sẵn sàng cho chuyển dạ. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kích thích các cơn co thắt tử cung. Dinoprostone được chèn vào vị trí âm đạo tiếp xúc với cổ tử cung. Dinoprostone chỉ nên được sử dụng tại bệnh viện với các bác sĩ và y tá chuyên nghiệp. Thông thường, nó sẽ phóng thích prostaglandin trong vòng 12 giờ tiếp theo. Trước khi dùng thuốc giục sinh này, bạn nên nói rõ với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải như hen suyễn, thiếu máu, động kinh, bệnh tim, huyết áp cao hoặc thấp, tăng nhãn áp…
Tác dụng phụ của thuốc kích đẻ Dinoprostone:
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh, đau bụng, chóng mặt là những tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải. Nếu những phản ứng này càng lúc càng trở nên nghiêm trọng thì bạn hãy nói với bác sĩ
- Một số phụ nữ mang thai sẽ bị sốt khoảng từ 15 – 45 phút sau khi tiêm. Nói với bác sĩ ngay nếu bạn có những phản ứng phụ nghiêm trọng như ngất xỉu, các cơn co thắt quá mạnh và quá gần nhau, đau bụng nghiêm trọng.
- Thuốc giục sinh này hiếm khi gây thương tích cho tử cung. Bác sĩ sẽ theo dõi nếu bạn có các dấu hiệu về việc tử cung bị kích thích quá mức.
- Phản ứng dị ứng rất hiếm. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào như phát ban, ngứa, sưng, chóng mặt, khó thở, hãy nói với bác sĩ ngay.
- Nếu sử dụng Dinoprostone, bạn phải nằm yên khoảng 10 phút đến 2 giờ để thuốc có tác dụng. Lượng thuốc được sử dụng sẽ khác nhau theo từng người.
3. Các loại thuốc nhét và gel prostaglandin khác
Có một loại thuốc nhét prostaglandin khác trên thị trường được gọi là Prepidil. Khi sử dụng thuốc làm mềm tử cung này, bác sĩ sẽ đưa thuốc vào cổ tử cung mỗi sáu giờ cho đến khi cổ tử cung đủ mềm để bắt đầu chuyển dạ. Ngoài ra, cũng có các loại thuốc tạo gel prostaglandin khác hoạt động giống như vậy.
4. Misoprostol
Misoprostol có thể dùng để uống hoặc đặt vào âm đạo, nhưng nó không được sử dụng nếu trước đây bạn đã từng mổ lấy thai vì nó sẽ làm tăng nguy cơ bạn bị sa tử cung. Cũng giống như các loại thuốc khác, bạn và bé sẽ được theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình dùng thuốc. Các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim thai nhi và các cơn co thắt tử cung cần phải được theo dõi kỹ.
Tiêm thuốc giục sinh bao lâu thì sinh?
Truyền thuốc giục sinh bao lâu thì sinh là thắc mắc phổ biến của rất nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Sẽ có bà bầu chuyển dạ sau vài giờ dùng thuốc giục sinh nhưng cũng có trường hợp phải mất vài ngày thì cơn chuyển dạ mới bắt đầu.
Nếu bạn không muốn dùng thuốc để kích thích chuyển dạ, hãy chia sẻ với bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn trả lời các câu hỏi, cung cấp cho bạn một số thông tin về các loại thuốc giục sinh hoặc đề nghị bạn thực hiện một số phương pháp thay thế. Nếu không cần phải giục sinh gấp, bác sĩ sẽ gợi ý một số phương pháp giục sinh tự nhiên để bạn thử.