Trong lúc ngủ, bé có thể có những thói quen hay tạo ra những âm thanh khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của những âm thanh và những thói quen khi ngủ thường gặp của bé nhé!
Trong khi ngủ, bé có thể phát ra tiếng rên rỉ và điều này làm cho bố mẹ bối rối, mặc dù nó khá bình thường. Nhưng đôi khi hành vi này của bé có thể chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là một số thói quen khi ngủ của bé:
Bé thay đổi nhịp thở khi ngủ
Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi nhịp thở của bé khi bé ngủ. Bé có thể hít thở nhanh lúc đầu, sau đó chậm hơn, rồi dừng lại trong 5 đến 10 giây và thở nhanh lại rồi tiếp tục như thế. Các bác sĩ gọi đây là “thở ngắt quãng” và điều này phổ biến ở trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân: Một số bé ngưng thở giữa giấc ngủ khiến bé ngừng thở trong vòng 20 giây. Việc này là bình thường và nguyên nhân có thể do thân não chưa trưởng thành làm chi phối việc điều chỉnh hơi thở. Nhưng nếu bé ngưng thở kéo dài hơn 20 giây, bé cần được đưa đến bác sĩ để kiểm tra. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn không phải lo lắng quá nhiều khi bé thở không đều.
Khi bàn tay và bàn chân của trẻ sơ sinh xuất hiện màu xanh cũng không phải điều bất thường. Điều này là do bé khóc hoặc ho, hoặc bé bị lạnh. Nhưng nếu vầng trán, lưỡi, móng, môi hoặc cơ thể của bé dường như xanh xao, có thể bé đang bị khó thở vì thiếu khí oxy.
Cách giải quyết: Bạn đặt bé nằm ngửa khi ngủ giúp bé thở dễ dàng. Nhưng nếu bé ngừng thở, bạn chạm hoặc vuốt bé nhẹ nhàng để xem bé có phản ứng không. Nếu bé không phản ứng, bạn cần đưa bé đi cấp cứu ngay.
Nếu bé ngưng thở và không thể tỉnh dậy, hãy hô hấp nhân tạo bằng miệng ngay lập tức và nhờ ai đó gọi cấp cứu. Nếu bạn không có ai giúp đỡ, hãy gọi cấp cứu sau 2 phút hô hấp nhân tạo và tiếp tục thực hiện hô hấp nhân tạo cho đến khi bé thở lại.
Bé ngáy ngủ và khịt mũi
Nếu bé thỉnh thoảng ngáy ngủ hoặc khịt mũi khi ngủ, bạn không cần phải lo lắng vì đây là thói quen khi ngủ của rất nhiều bé. Nhiều bé ngáy ngủ khi bị nghẹt mũi và các triệu chứng nghẹt mũi thường xảy ra trong vài tuần đầu đời. Nếu bé bị cảm lạnh, hãy thử dùng máy tạo hơi nước hoặc máy làm ẩm không khí để làm cho bé thở thoải mái hơn.
Cách giải quyết: hãy nói chuyện với bác sĩ tai mũi họng về việc bé ngáy ngủ để được điều trị đúng cách nhé!
Bé đổ mồ hôi rất nhiều
Một số bé đổ mồ hôi rất nhiều trong chu kỳ ngủ sâu nhất vào ban đêm nên ướt đẫm vào sáng hôm sau.
Nguyên nhân: Ra mồ hôi khi ngủ rất phổ biến, nhưng đổ mồ hôi quá nhiều có thể là dấu hiệu của một bệnh khác. Ví dụ, đổ mồ hôi quá nhiều khi ăn có thể là dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh cũng như các bệnh nhiễm trùng khác nhau và hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ cho hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Cách giải quyết: Phòng ngủ của bé nên ấm áp nhưng không được quá nóng. Hãy để nhiệt độ phòng mà bạn cảm thấy thoải mái khi mặc quần áo mỏng. Mặc đồ ngủ cho bé thoải mái. Không để cho bé bị đè hoặc bị ép bởi chăn gối.
Hãy nhớ rằng nếu bạn cảm thấy quá nóng, bé cũng sẽ cảm thấy tương tự. Nếu phòng của bạn mát mẻ và bé mặc quần áo mỏng mà vẫn đổ mồ hôi, hãy đưa bé đến khám bác sĩ ngay.
Bé lắc lư cơ thể
Một thói quen khi ngủ khác của bé là lắc lư cơ thể. Nhiều bé cảm thấy thoải mái bởi các chuyển động nhịp nhàng, chẳng hạn như chuyển động nhẹ nhàng của một chiếc ghế bập bênh. Một số bé sẽ đu đưa cơ thể lúc bò hoặc thậm chí là lúc ngồi. Bé bắt đầu biết lắc lư cơ thể từ khoảng 6 đến 9 tháng tuổi và có thể đi kèm với lắc lư cái đầu. Đây hoàn toàn không phải là một dấu hiệu của một vấn đề về hành vi hoặc vấn đề cảm xúc.
Cách giải quyết: Di chuyển nôi của bé ra xa bức tường nếu nôi đung đưa mạnh. Đồng thời, siết chặt các đinh và vít trên nôi của bé thường xuyên, bởi vì các chuyển động có thể khiến chúng trở nên lỏng lẻo.
Bé gập đầu xuống
Có một điều kỳ lạ là bé thường gập đầu xuống để phân tâm khỏi các cơn đau, ví dụ bé thường gập đầu xuống khi đang mọc răng hoặc bé bị nhiễm trùng tai. Gập đầu thường bắt đầu sau khi trẻ được 6 tháng tuổi và có thể tiếp tục trong vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, nhưng phần lớn trẻ trở lại bình thường khi được 3 hoặc 4 tuổi. Tuy nhiên, nó không phải là dấu hiệu của bất kỳ vấn đề về cảm xúc hoặc vấn đề phát triển nào.
Trong những trường hợp hiếm hoi, đặc biệt là nếu bé bị chậm phát triển, nó có thể báo hiệu một vấn đề.
Cách giải quyết: Nói với bác sĩ điều này để đảm bảo an toàn cho bé. Không đặt gối, chăn hoặc miếng chắn có thể gây cản trở cho bé và gây nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Bé nghiến răng
Cuối cùng, thói quen khi ngủ thường gặp ở các bé là nghiến răng. Hơn một nửa số trẻ sơ sinh nghiến răng, đặc biệt là khi đi ngủ. Nghiến răng có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh bắt đầu mọc răng (thường là khoảng 6 tháng tuổi). Mặc dù âm thanh có thể gây khó chịu, nhưng việc nghiến răng sẽ không làm tổn thương răng của bé.
Nguyên nhân: Lý do nghiến răng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm cảm giác đau hoặc khi mọc răng mới (ví dụ như đau tai hoặc đau răng) và các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như ngạt mũi.
Cách giải quyết: Hãy đề cập việc này với nha sĩ. (Bạn nên cho bé đến khám nha khoa trước khi bé được một tuổi). Nha sĩ có thể đánh giá những gì đằng sau việc nghiến rằng và kiểm tra xem men răng có bị hỏng không.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về những thói quen khi ngủ thường gặp ở các bé sơ sinh. Mong bố mẹ có thể hiểu hơn các thói quen khi ngủ của con mình nhé!